Chủ nhật, 19/05/2024

Gặp lại người xưa

Thứ sáu, 20/09/2019

Truyện ngắn của ĐỖ VĂN CHUYẾN 

Thế là Chí được nghỉ ngơi sau 40 năm chiến đấu, công tác. Buổi sáng thư nhàn, anh pha ấm trà, một mình ngồi nhâm nhi, trầm ngâm rà soát lại hành trình 40 năm đã trải. Những địa danh, những đồng đội, đồng chí, những người dân che chở, cưu mang… Tìm hết cuốn album, những người nặng nghĩa đậm tình nhất lại không có lấy một tấm hình lưu giữ.

Những gia đình, nhà tranh chật chội, nhường cho bộ đội gian nhà ngoài thoáng mát. Trên đường hành quân, nhân dân nhường giường, lấy rơm làm ổ cho bộ đội. Những bà má vùng ven Sài Gòn mang hàng bì dép xốp phát cho bộ đội khi đơn vị xuống đồng bằng không thể dùng dép cao su. Nhân dân, những người chân lấm tay bùn nhưng tấm lòng thì thơm thảo…

***

Ngày đầu về thăm nhà sau 6 năm ở chiến trường, bà con trong họ, ngoài làng đến ngồi chật cả trong nhà, ngoài sân. Khuya, bà con chòm xóm ra về, còn hai người, ông chú nói:

- Vậy bây giờ hòa bình, ra quân, anh định làm gì?

Câu hỏi bất ngờ, Chí chưa biết trả lời ra sao, chú nói luôn:

Tôi đã ngỏ lời với cơ quan, ông Trưởng phòng Tổ chức bảo cứ dẫn cháu lên.

Ngày trình diện, buổi sáng Chí dậy thật sớm. Sau khi rửa mặt, Chí soi gương, tự mãn, mỉm cười một mình:

- Được đấy chứ. Nhờ mấy tháng an dưỡng, gương mặt không còn tái mét do sốt rừng. Gò mà hồng hào, đôi mắt sáng, vầng trán rộng. Với vầng trán này, nếu không vì chiến tranh, chắc đã có bằng Đại học. Hai cánh tay chắc nịch, vai nở, lưng thon, có dáng con nhà võ.

- Hão huyền, Chí tự cười nhạo mình. Chỉ tội, trình độ mới hết 10…

Chí mượn chiếc xe đạp Thống Nhất, đến nhà chú để đi xin việc.

Đúng hẹn, hai chú cháu đến căn phòng nằm chính giữa cơ quan, có tấm biển: “Trưởng Phòng Nguyễn Khang Phú”, gõ cửa. Mời vào! Một giọng nói dõng dạc. Ông Trưởng phòng đã tại vị trên bộ bàn ghế đầy sổ sách. Bên cạnh là bộ bàn ghế tiếp khách với đầy đủ phích, ấm chén, hộp đựng trà. Ông mặc bộ comple màu hạt dẻ, rất sang. Chân ông ta đi đôi giầy da đỏ. Đúng là quan lớn giầy đỏ, quan nhỏ giầy đen. Trưởng phòng năm nay chừng hơn 35 tuổi, khuôn mặt tròn, da trắng, vóc dáng đẫy đà vẻ phồn thực. Nghe đâu, anh ta là con một cán bộ chủ chốt ở tỉnh. Trong chiến tranh được đi du học mãi Liên Xô; khi về nước ông được bố trí làm Trưởng phòng Tổ chức Ty Lương thực tỉnh. Vừa an vị, ông chú vào đề ngay, giới thiệu:

- Báo cáo anh, trường hợp thằng cháu, tôi đã nói với anh hôm trước, được anh cho phép, nay tôi dẫn cháu tới gặp anh.

 Ông Trưởng phòng nhìn lướt hai người, gật gật đầu: …À, tôi nhớ rồi. Tiếng nói của Trưởng phòng chậm, có âm nhấn như cách nói mà Chí từng nghe trên sân khấu. Ông pha trà, mời khách. Nâng chén trà, ông khoe có mấy lạng chè Thái được thằng em nó biếu hôm nọ. Ông vừa uống vừa xuýt xoa khen, ăn đứt cả loại Ba Đình hay Hồng Đào được phân phối.

Chí nhìn ông thấy xa lạ. Vì đã bao giờ Chí được mặc Comple. Đời lính với Chí được mặc quân phục bằng vải Tô Châu, bằng Ka ki Triều Tiên, được đi giầy vải cao cổ, hơn hẳn những nông dân như cha mẹ anh, cả đời chỉ quần áo nâu, cày sâu cuốc bẫm. Chí dán mắt vào ông Trưởng phòng. Hiểu ý, ông Trưởng phòng được dịp khoe ngay:

- Bộ Comple này tớ may ở Matscơva. Đôi giày này mình đóng ở Khác-cốp… - Tên những đồ dùng, những địa danh, Chí mới chỉ nghe trong các giờ Địa lý, sao mà xa vời.

Chí cúi nhìn xuống chân: đôi dép cao su, bộ quân phục đã sờn, cũ. Chí thấy mình nhỏ bé, Chí co người lại như bị cơn gió rét. Đôi chân Chí nhẹ nhàng đưa về phía sau giấu đôi dép cao su vào gầm ghế. Sau màn xã giao tiếp nước, ông Trưởng phòng chủ động:

- À này, nghe nói đồng chí vừa ở chiến trường ra. Đó là chiến trường nào vậy? Đồng chí có tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh không?

- Dạ em vừa ở Miền Đông Nam bộ ra. Đơn vị em tham gia giải phóng Xuân Lộc - Chí thành thật trả lời.

- Chà! Xuân Lộc, mặt trận ác liệt đấy. Thế mà đồng chí trở về, khỏe mạnh là giỏi lắm, phúc lắm. Chúc mừng, chúc mừng…!

- Vâng cảm ơn anh, cũng nhờ cái số nữa - Tranh thủ thời cơ Chí cảm ơn và bắt vào đề ngay: Báo cáo anh, chuyện giặc giã đã qua rồi, nay em muốn xin vào làm việc ở cơ quan ta, lao động chân tay cũng được. Hôm trước em đã nói với chú Tiến, anh cố gắng giúp đỡ.

Ngừng một lát như suy nghĩ điều gì, Trưởng phòng nhìn ra cửa khề khà: “Hiện nay đất nước đã thống nhất. Công đầu thuộc về các đồng chí. Phải nói rằng, những ngày diễn ra chiến dịch, theo dõi tình hình, chúng tôi sung sướng lắm. Lúc đó giá mà được, tôi xin xông ngay ra chiến trường. Phải nói tuyệt vời, dân tộc Việt Nam, quân đội Nhân dân Việt Nam rất anh hùng. Bọn ngoại xâm có thèm miếng mồi Việt Nam thì hãy nhìn gương quân Mỹ”. Chí sốt ruột bắt ngay vào vấn đề của mình: “Vâng đúng như vậy đấy ạ. Sau chiến thắng, chúng em cũng có may mắn là còn sống trở về. Tương lai chúng em còn ở phía trước. Việc mưu sinh sắp tới không đơn giản chút nào anh ạ. Vì vậy, em đến đây mong anh xét và giúp đỡ để có một công việc ở cơ quan ta”. Bộ mặt Trưởng phòng trở lại vẻ nghiêm túc cần thiết của người cán bộ Tổ chức. Chậm rãi, lạnh lùng, nhìn thẳng vào Chí, dừng lại ít phút, giọng ông ta trở nên trầm hơn:

- Thật sự tiếc cho đồng chí, rất tiếc. Không chỉ tiếc cho đồng chí mà chúng tôi còn tiếc cho cơ quan đã bị lỡ cơ hội không nhận được những người anh hùng vào đội ngũ của mình - Ông phân trần - Sự thể là thế này đồng chí ạ: Khi anh Tiến nói có người cháu muốn xin vào cơ quan, tôi đã nhận lời. Nhưng theo lịch sáp nhập tỉnh, đến hôm qua là hết hạn nộp danh sách biên chế rồi. Nếu hai chú cháu đến sớm thì tốt quá. - Im lặng một hồi, Trưởng phòng tiếp - Thôi đồng chí còn sức dài vai rộng, có trình độ hãy cố gắng về đi ôn thi vào đại học hoặc học lấy một nghề, tôi tin đồng chí còn tiến xa.

Nghe đến đó, tai Chí như nghe tiếng kêu của cả đàn ve sầu hồi ở rừng Trường Sơn. Chí ngả người tựa lưng vào ghế cho đỡ chống chếnh, thở dài cho vơi nhẹ. Biết Trưởng phòng nói thế thì không thể khác được, ông chú chào Trưởng phòng, dắt tay Chí ra về. Chí chào và bắt tay ông Trưởng phòng theo cách xã giao, uể oải bước ra sân.

***

Không khí tết còn dư âm như làn khói bếp vương trên các nóc nhà. Đoàn thương binh đã khăn gói lên đường theo lịch hẹn. Tiết Xuân năm ấy khá thuận mưa. Cánh đồng lúa ven đê được nước, gặp đất đai phù sa màu mỡ đang buông lá tỏi. Đường đê lồi lõm, trơn như đổ mỡ. Đi trên đê sông Đào, nhìn cánh đồng mênh mang, mịt mù một màu trắng xóa mưa xuân. Hơi lạnh luồn vào người theo từng cơn gió, Chí thấy tê buốt cả chân tay. Đường đê vắng ngắt. Thấp thoáng vài nông dân lom khom với nón lá, áo tơi, làm cỏ, bón phân cho lúa trên các thửa ruộng. Đồng hành chia sẻ với họ là những chú cò. Thỉnh thoảng chúng bay vụt lên đùa giỡn hoặc tranh mồi, chọi nhau kêu coo…coo. Trên những chiếc xe đạp khung miền Nam, xe Nam Hà cọc cạch, đoàn thương binh bơi trên mặt đường. Một vài người phải đèo thêm đồng đội lại càng nặng nhọc. Cứ một đoạn lại phải dừng lại dùng que soi đất dính bết trong chắn bùn. Người đi thở ra khói trắng. Trời rả rích mưa. Mỗi người đi đều có một quyết tâm tìm đường lập nghiệp. Riêng Chí, trong lòng vẫn dư âm câu nói của Trưởng phòng Nguyễn Khang Phú… Bởi thế, ngọn lửa quyết chí lập thân trong lòng Chí luôn bập bùng, át đi cái lạnh của trời đất…

***

Từ Phòng Tổ chức bước ra, trời bỗng đổ mưa. May quá, trước khi đi, mẹ chạy theo dúi cho chiếc túi đựng phân đạm làm áo mưa. Chí chậm chạp mặc áo mưa, đội mũ. Phó phòng Tổ chức vừa tới, bước vào phòng, ông hỏi luôn:

- Thế nào anh, trường hợp anh Chí, cháu anh Tiến có được không?

- À… sau chiến tranh bộ đội về xin việc khá nhiều. Những ông này đúng là vô sản nòi; tinh thần, tư tưởng thì tốt, làm việc được. Cậu này nhìn tướng mạo khá đấy. Có thể tiến xa chứ không dừng lại ở công việc tạp vụ như anh Tiến đặt vấn đề đâu. Thực tình tôi ngại các vị hay đấu tranh, đòi hỏi đủ các chế độ, các ông ấy giỏi lắm đấy. Bọn mình, tiếng là đi du học, chủ yếu là học bàn là, nồi áp suất, chậu nhôm Liên Xô. Cơ quan, hằng ngày lo chuyên môn cũng bở hơi tai, lại phải căng ra mà đối nhân xử thế, che trước, chắn sau, cẩn trọng đủ điều, mệt lắm…!

Qua khe cửa Chí vô tình lĩnh hội đủ đoạn hội thoại. Thế là đã rõ. Lý do ông ta nói với hai chú cháu chỉ là cái cớ. Chứ nguyên nhân chính là việc sợ sự thẳng thắn, cương trực của cánh bộ đội đã một thời trận mạc. Ông ta chưa có sự nếm trải thì biết thế nào là tình đồng chí, đồng đội. Ông ta gọi Chí là đồng chí do thói quen, thấy nhiều người gọi thế. Chí nghĩ, dù sao ông ta cũng đã gợi cho anh một lối thoát: ôn thi, học tập kiếm lấy một nghề. Chí không nói điều mình nghe được với người chú.

Sự bẽ bàng khi đi xin việc đã giúp Chí quên bớt nhọc nhằn. Và con đường gian khổ cũng ngắn lại. Đoàn đến nhập trường vào lúc gần trưa, trời cũng bắt đầu ấm áp bởi những tia nắng xuân. Người nào người nấy mồ hôi lẫn với nước mưa quyện lại thành cái mùi không hấp dẫn chút nào. Ngôi trường trước đây dành cho thương binh miền Nam an dưỡng và học nghề nằm ở Nghìa Đồng. Đây là vùng lúa trù phú, xa quốc lộ, tránh được sự oanh tạc của máy bay trong chiến tranh phá hoại. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên và nhiều giáo viên đều từ bộ đội mà ra. Ký túc xá vẫn còn một số thương binh miền Nam sắp thi tốt nghiệp, nên đoàn ôn thi được nhà trường liên hệ xin nghỉ nhờ nhà dân.

Chí trọ trong một căn nhà ở tận cuối ngõ sâu trong xóm. Chủ nhân là Cụ Ngọ, một ông già cao gầy, da ngăm đen, đôi mắt sang ẩn dưới cặp lông mày rậm. Cụ mặc cái quần ta, thắt dải rút, chiếc áo khách màu ngụy trang – đặc sản thời chiến, đầu đội mũ dạ đen kiểu Pháp, chân đi đôi guốc mộc, tay chống chiếc gậy trúc, quanh năm khoác chiếc áo đại cán cũ của người con trao lại khi xuất ngũ. Nhìn ông cụ, Chí hơi ngại vì hình dáng cụ có vẻ trầm tư, khó hiểu. Bộ đội vốn hồn nhiên trong rừng lâu ngày sợ có điều gì thất thố. Quả thật, ở nhà cụ luôn nghiêm túc, có uy tín, nói gì các con trai, con dâu đều nghe theo răm rắp. Cụ bà thì bốn mùa quần đen, áo nâu. Răng hạt na, gương mặt đôn hậu. Cả ngày đánh vật với hai đứa cháu nội: Việt và Nam. Hôm Chí đến, trên bàn đã sẵn ấm tích nước chè xanh nóng hổi trong giỏ mây đã lên màu đen bóng. Bên cạnh là bộ chén tống giả cổ hoa xanh rất sạch; một vài cái bị rạn, được đai bạc trên miệng khá cầu kì. Ngôi nhà làm theo mẫu truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ. Tường đắp đất, mái rạ, lòng nhà hẹp; nền nhà bằng đất nện luôn được quét sạch, mát và yên tĩnh. Cụ Ngọ nhìn Chí nói: phòng có hai chiếc giường, chiếc giường đôi giữa nhà dành cho các chú, chiếc giường một trong góc kia là của tôi. Gia đình sẽ ở căn nhà ngang bên kia. Cụ chỉ sang phía cuối sân.

Cụ có hai người con trai đã có vợ, một đi bộ đội đã xuất ngũ, chuyển ngành. Hai cô con gái chạc trên dưới hai mươi chưa lập gia đình. Nhà có bốn lao động chính, một lực lượng dồi dào trong gia đình. Hai cô gái luôn bận bịu với việc đồng áng, mỗi ngày chỉ đủ mặt lúc trời đã nhá nhem. Thu nhập nghe nói mỗi ngày công không quá 5 lạng thóc. Con trai cả của Cụ, anh Hà thì mở quán cắt tóc, nộp tiền lấy điểm của Hợp tác xã. Vợ anh, một phụ nữ khá hoạt bát, một nông dân kiêm “phe phẩy”. Sau những giờ cấy hái của nông dân, chị đi gom hàng. Chị liên kết với nhân viên các cửa hàng Hợp tác xã mua bán, gom các nhu yếu phẩm đem ra bán lấy lời. Đây là một trong những cách để các nhân viên, cán bộ Hợp tác xã kiếm chác, làm giàu. Lúc này, những người buôn bản nhỏ thường bị xã hội coi thường gọi là “con buôn, con phe”. Tiếng là “con phe”, nhưng chị Hà cũng chất phác như những người nông dân khác. Nếu cứ thu nhập theo công điểm của hợp tác xã, thì mỗi vụ gia đình được hơn hai tạ thóc. Hai tạ thóc với 8 miệng ăn trong sáu tháng, nếu không tìm cách này hay cách khác thì nấu cháo cũng chả đủ. Đấy là chưa kể lúc giỗ, chạp, ốm đau, việc hiếu, hỷ trong làng, lại các cháu đi học…Thời bao cấp, ở Hợp tác xã thì chỉ có chủ nhiệm và một số cán bộ đội sản xuất là dư dả. Trong dân gian từng truyền khẩu câu ca dao Mỗi người làm việc bằng ba. Để cho Chủ nhiệm xây nhà, xây sân.. Một chiều Chí ngồi học bài, Việt và Nam, con anh Hà đứa 5 tuổi, đứa 9 tuổi chạy lại xem bộ đội học liền bị bà cụ Ngọ gọi giật:

- Việt, Nam đâu rồi, các cháu về đây bà bảo.

- Vâng ạ!

Các cháu liền chạy về. Không biết cụ bà nói những gì, sau đó các cháu ra chơi ngoài gốc nhãn. Mỗi khi được chú Chí gọi hai cháu phải liếc mắt xem bà có đồng ý, mới chạy đến chơi. Cháu Việt đang học lớp 4 rất thích nghe kể chuyện chiến đấu. Khi gặp bài Toán, hay bài Tiếng Việt khó, đắn đo mãi cháu mới dám hỏi. Được cái trí nhớ còn tốt, nên những bài Chí giải cho cháu Việt đều được cô giáo khen. Từ đó không chỉ Việt mà cả Nam phục tài chú bộ đội, rồi hai cô của cháu cũng thầm nể phục.

Một buổi chiều, hai chú cháu đang mải mê giải bài toán khó. Hình vẽ phải xoay chiều này, chiều kia, mãi mới tìm ra cách giải. Chí thở phào sung sướng. Chợt một làn hương bồ kết, lá bưởi thơm nhẹ phả vào mũi. Chí quay lại, chỉ còn chút nữa hai gương mặt áp vào nhau. Mấy sợi tóc chạm vào mặt anh man mát. Hoa, cô của Việt ngượng ngùng lùi lại, hai gò má ửng đỏ, một vẻ đẹp dịu dàng, thầm kín của cô gái nhà nông. Chân vội bước đi, miệng còn mỉm cười gửi lại lời khen:

-  Anh Chí giỏi quá…!

Học được chừng một tháng thì Nghĩ, người cùng nhóm rủ Chí chuyển đến ở nhà khác, lý do ở đây nhà chật, tường đất, mái rạ nóng bức khó chịu. Sau khi Nghĩ chuyển đi, không khí sinh hoạt trong nhà cụ Ngọ có vẻ trầm lắng.

Chiều tháng năm, hoa phượng trên cành đã đỏ, tiếng ve râm ran gọi nắng. Cụ Ngọ kê chiếc chõng tre dưới gốc nhãn cạnh cầu ao, trên chõng là tích nước chè xanh. Cụ ngồi phe phẩy cái quạt mo, ngắm cánh đồng lúa đang đỏ đuôi ra chiều tư lự. Thỉnh thoảng cụ liếc vào trong nhà, nơi Chí đang học bài. Mỏi lưng, Chí nằm ngả xuống giường thư giãn. Các khớp xương được dịp giãn ra kêu răng rắc. Bỗng nghe tiếng cụ Ngọ: Chú Chí ơi, ra đây ngồi uống nước cho mát.

- Vâng ạ! Chí trả lời và xếp gọn sách vở ra bờ ao tiếp chuyện cụ.

Cụ Ngọ chầm chậm rót đầy chén nước chè xanh, trân trọng nâng trên tay:

- Chú uống nước đi. Nước chè vườn thơm lắm. Tay cụ nâng chén, mắt cụ nhìn Chí thăm dò. Trên môi nở nụ cười đôn hậu. Cụ tiếp:

- Này chú ơi, vì sao chú Nghĩ lại chuyển đi ở nhà khác. Chú chê nhà tôi chật chội, hay là các cháu có gì không phải với các chú?

- Chí suy nghĩ giây lát rồi trả lời: Không phải đâu cụ ơi. Nhà ta tuy mái rạ, tường đất nhưng rất mát, yên tĩnh. Ở đây sướng gấp trăm lần hồi ở chiến trường ấy chứ. Chí cười, động viên cụ một cách chân tình.

- So với chiến trường thì nói làm gì; các chú về đây gia đình vui lắm, mong giúp các chú được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Nay chú Nghĩ chuyển đi, tôi áy náy lắm.

- Chí khẩn khoản: Thưa cụ, việc anh Nghĩ chuyển đi là để có bạn ôn cùng khối thảo luận. Hiện gia đình nhường nhà cho con ở đây là tốt lắm rồi. Cụ đừng suy nghĩ gì về việc ra đi của anh bạn.

- Vâng, chú nói vậy thì tôi biết vậy chứ thực lòng, khi chú Nghĩ ra đi tôi băn khoăn lắm. Nay còn chú ở đây thì có cần giúp đỡ gì, chú cứ nói. Nhà chúng tôi tuy nghèo, nhưng với bộ đội chúng tôi không tiếc, có gì giúp nấy. Con chúng tôi đi bộ đội viết thư về nói là ở đâu cũng được nhân dân giúp đỡ. Vì vậy nay các chú ở đây cứ coi như người nhà, đừng ngại gì hết. Chỉ mong sao, sau khi ôn thi, các chú đều đỗ đại học, có việc làm, ổn định cuộc sống. Công lao của các chú đáng được hưởng lắm. Ông cụ nói một lèo như trút được nỗi niềm trong lòng. Cụ vươn vai, hít thở một hơi dài.

- Vâng, cảm ơn cụ! Chí lễ phép đáp lại tấm thịnh tình của chủ nhân. Hai người chuyển sang chuyên đề khác…

Từ buổi nói chuyện dưới gốc nhãn, không khí giao tiếp giữa gia đình và Chí thoải mái, cởi mở hơn. Những ngày thứ bảy, chủ nhật ở lại, cụ lấy phiếu ăn của Chí đưa cho đồng đội, mời anh ăn cơm với gia đình. Cơm quê gạo mới, mùi thơm tỏa ra tận cổng ngoài. Cơm trắng, có thịt lợn chưng với mắm tép, nhìn đã thấy thèm. Những bữa cơm như thế, nếu không giữ ý, Chí có thể đả đến ba bát đầy. Gia đình có lệ, hai người đàn ông và khách, có thêm thì chỉ cháu Việt được ăn trước, ăn riêng. Bà cụ lại lấy lý do phải cho các cháu ăn, nên không bao giờ ngồi ăn cùng khách và con trai. Bữa đầu Chí rất ngại nhưng cụ ông nói, lệ nhà như thế, Chí đành chiều cụ, ngồi vào mâm. Riết rồi những bữa sau Chí cũng quen dần, ăn uống tự nhiên. Duy có việc giữ ý ăn vừa đủ rồi đứng lên. Có khi nào ở ngoài trường Chí được ăn ngon như thế.

***

Ngày cuối cùng của khóa ôn thi, Chí thức rất khuya đọc bài. Được ăn no, uống rượu ngon, vừa xếp sách, anh kéo một giấc ngon lành. Còn đang mơ màng, Chí nghe có ai nói “đánh thức chú ấy dậy kẻo muộn mất”. Chí bừng tỉnh, ngồi bật dậy. Vừa kịp mở mắt, Chí nghe phảng phất mùi hương trầm, mùi xôi nếp cái thơm xộc vào cái mũi rất nhạy của nguời lính.

Chí đang rửa mặt; cọc…cọc, nhịp guốc khoan thai, cụ Ngọ ra tận nơi săn đón: Chú lau tay, vào ăn sáng. Hôm nay các cháu thổi xôi, thắp hương khấn thánh thần, thổ công và tiên tổ phù hộ cho chuyến đi của chú công thành danh toại rồi.

Hai tai Chí nóng bừng cảm động, lòng rưng rưng ngồi vào mâm cơm thịnh soạn. Cụ Ngọ phân trần: Hôm nay tiễn chú đi thi, gia đình sắm mâm cơm, lại có cả xôi đỗ để chú đạt điểm cao. Đây là tấm lòng của chúng tôi, chúc chú thành công! Vừa nói, cụ vừa nâng chén rượu đưa cho Chí và cất chén cùng uống. Ba người đàn ông nhắm rượu thịt gà, ăn xôi nếp. Vì đi xa, Chí không dám uống thêm, xin phép cụ được ăn cơm. Chí kiểm lại hành lý lần cuối, buộc ba lô để ra trường đi cùng các bạn.

Cụ Ngọ dơ tay ngăn lại: Chú cứ từ từ.

Hoa mang ra một gói đường 3 lạng (tiêu chuẩn đường tháng của cán bộ lúc bấy giờ), kèm 10 quả chanh, thủng thẳng:

-Đợt này nắng nóng, anh mang đi ít đường, pha nước chanh để giải nhiệt. Xin anh đừng từ chối. Chí lúng túng nâng gói đường cảm ơn gia đình.

Cụ Ngọ gọi với ra cổng: Hai cháu Việt, Nam đâu?  Sau hai tiếng dạ ran, các cháu chạy ra cổng. Chí chưa biết mô tê gì. Cụ Ngọ nói luôn: Bây giờ chú đi được rồi.

Ra tới gốc nhãn, cháu Nam đi vào. Đi một đoạn nữa thì cháu Việt cười vui đi vào: Cháu chúc chú thi tốt!

À ra thế! Chí nhớ đến tình tiết trong tiểu thuyết Lều chõng của cụ Ngô Tất Tố. Mặt Chí nóng râm ran, trong lòng gợn lên ý thức trách nhiệm trước tấm chân tình, sự chăm lo theo tín ngưỡng dân gian của gia đình. Đợt này mà trượt vỏ chuối thì cứ đeo mo vào mặt, không dám nhìn ai, không bao giờ dám quay lại Nghĩa Đồng. 

***

A lô, ông Khanh phải không? Đầu dây bên kia trả lời:

- Đúng rồi. Ông đã nghỉ hưu rồi phải không? Ông Khanh hỏi luôn.

- Tôi cũng nghỉ được một tháng, vừa hoàn thành thủ tục xong. Ông khỏe không? Nghe ông Khanh nói khỏe, Chí nói luôn:

- Chủ nhật này, chúng mình đi thăm lại Nghĩa Đồng, đồng ý không?

Hai bạn cùng tuổi, cùng hoàn cảnh, nên cùng sở thích. Nói gì là làm ngay. Buổi sáng chủ nhật, vào mùa thu, hai đồng đội dong duổi trên chiếc xe máy đi thăm lại Nghĩa Đồng, nơi khởi nghiệp đầy ân nghĩa. Trời đã cuối thu, nên không khí mát mẻ. Đường đi Nghĩa Đồng nay đã bê tông hóa hoặc trải nhựa, rộng thênh thang. Xe đi chậm, Chí ngước nhìn bầu trời xanh ngắt, gió thu mơn man. Hai bên đường lúa uốn câu, trĩu hạt. Phố xá sầm uất, đủ các mặt hàng. Cửa hàng Hợp tác xã mua bán không còn, thay vào đó là các quầy tạp hóa không thiếu thứ gì phục vụ cho đời sống dân sinh. Nghĩa Đồng đã được công nhận Nông thôn mới…

- Này, ông Khanh. Vùng này đổi thay quá nhanh, liệu ông còn nhớ đường đi không?

- Nhớ chứ, quên làm sao được. Mấy năm trước tôi còn về đấy công tác. Nghe Khanh nói, Chí yên tâm ngồi tựa vào lưng bạn ngắm cảnh. Thoáng một cái đã đến bến đò.

Hai người vào quán nước, chờ sang sông. Chủ quán chạy ra:

- Các anh uống trà hay cà phê?

- Bác cho ấm trà, Chí trả lời.

Bỗng cả chủ và khách đều ngớ người nhìn nhau. Chí nhìn khuôn mặt dù già xọm, vẫn có nét quen quen, nghi ngờ, lên tiếng trước:

- Hình như anh Phú?

- Đúng rồi, tôi là Phú. Anh là……?

- Tôi là Chí. Anh trước kia là Trưởng phòng Tổ chức Ty Lương thực?

- Đúng vậy. Chủ quán xác nhận. 

Vậy tôi còn nợ anh một lời cảm ơn. Hôm nay gặp anh như có duyên hội ngộ.

- Anh ạ! Nhắc lại ngày xưa, chuyện cũ, tôi ngượng quá. Khi anh ra về tôi ân hận mãi…

- Thôi anh ạ, chuyện cũ qua rồi. Hôm nay gặp được ở đây, tôi chân tình cảm ơn anh. Nghe được lời khuyên của anh, tôi quyết chí học tập và công tác, nay đã về hưu, cuộc sống cũng kha khá. Mỗi khi nghĩ lại, tôi tự nhủ: Ở đời, trong cái rủi lại có cái may.

- Vậy hôm nay được gặp các anh ở đây, mời hai anh vào nhà tôi chơi, cho tôi được nói chuyện để anh thông cảm.

- Thế là thế nào? Bạn cũ à? Khanh hỏi.

- Chí thủng thẳng: Không phải bạn, mà là “ân nhân”. Để trên đường đi tớ kể cho nghe. Hai người từ chối ở lại, đi Nghĩa Đồng. Họ về thăm và tri ân bà con nông dân đã cưu mang, động viên, khuyến khích mình nên cơ nghiệp, nay hạ cánh an toàn.

Trên đường về, Chí kể cho Khanh nghe câu chuyện đi xin việc. Và thêm cái kết cục: Ông Phú vì tham nhũng bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, về hưu non.

                                                                                    Cúc Phương, tháng 7/2019

 

Bài viết khác