Chủ nhật, 19/05/2024

Hàng xóm

Thứ hai, 05/10/2020

Truyện ngắn của PHẠM THỊ DUYÊN 
(Rút trong tập truyện ngắn “Xuống cửa là đường” Giải C,  Giải
thưởng VHNT năm 2019 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam)

Một ngày giữa tháng Chạp, cái xóm nhỏ rộn ràng hẳn bởi nhà ông Dần tổ chức gả chồng cho con gái. Nhà ông không giàu sang. Họ sống bình dị, chan hòa nên không có nhiều điều tiếng cho những người rỗi việc trong xóm rỉ tai nhau bàn tán. Khi gia chủ mời hàng xóm đến họp bàn công chuyện, mọi người đều biết tiệc cưới được tổ chức giống như tất thảy mọi đám trong xóm. Sẽ chọn ngày lành tháng tốt, có mắc rạp tại sân, đãi cỗ, tức là phải có người đến giúp việc. Thanh niên viết thiếp hồng, cắt dán, trang trí, bưng bê, còn người già tiếp khách, trung niên rau thịt, bếp núc... Cái xóm nhỏ của Loan là vậy, tuy không có hương ước nhưng đã thành lệ, thành nếp, mỗi người đều có trách nhiệm với công việc. Loan cũng vì tinh thần chung, cô xăng xái cùng bà Dần mua thực phẩm, mua hoa hồng về trang trí và dẫn cô dâu đi thuê mướn áo cưới, sắm một số đồ tư trang lặt vặt trước khi về nhà chồng...

Mưa quá, đã lập xuân đâu nhỉ? Năm nay rét sớm, mưa phùn cũng sớm! Thỉnh thoảng có người lại ngao ngán thốt lên một câu tương tự như thế.

Chật chưỡng, lóng ngóng mãi, đám đàn ông không sao quật được con dê ra để xẻo thịt. Họ hò lão Sấn. Giết mổ là sở trường và lạc thú của lão. Cả cái món ghẹo đàn bà goá nữa, lão cũng nổi danh không kém. Không chỉ đàn bà, kể cả con gái chưa chồng, cứ xểnh ý lơ đễnh một tí đã thấy bàn tay lão nhồn nhột ở mông. Nhưng vì lão khoẻ, lại nhiệt tình, đám nào ở đâu, ai hơi ho một tí lão đã có mặt. Đối với lão, công cán sá gì, một bát tiết canh, hai bát, chứ dăm bát càng tốt. Cả chậu tiết sống dốc vào bụng lão như nước đổ ống thuốn. Ai hậu hĩnh hơn biếu bộ cà dê, tràng lợn, mật chó mực là lão khì khà cả tháng.

Chả ai biết lão chui rúc ở xó xỉnh nào, mọi người nhớn nhác tìm. Lúc nãy lão còn ngồi chồm hỗm trên ghế châm chọc đám đàn bà vặt lông gà. Những câu lão xả ra khiến đám đàn bà trẻ đỏ lựng mặt bỏ đi làm việc khác, đám nhầng nhầng muốn nôn mửa mà không ói ra được, mấy bà đương độ tái xuân cùng khí khá cười. Lão tét một cái rõ kêu vào mông Loan trong lúc cô đang lúi húi thổi lửa đồ xôi, làm mặt cô suýt nữa bị bỏng với cái hông xoong. Lão vo mồm khen mẩy. Tay đương cầm sẵn thanh củi, Loan thụi luôn một nhát vào sườn lão. Một mảng vạt áo dạ của lão bị lửa bén, bốc mùi khét lẹt. Lão nhảy tưng tưng như con khỉ đực bị thiến sót trước đám đàn bà, rồi biến mất hút. Cho bõ khớn, vợ lão lụng bụng, nhưng Loan biết chị ta còn tiếc chiếc áo khoác hơn.

Họ hàng ông bà Dần ở quê lên, rồi làng xã kéo đến mỗi lúc một đông. Họ chúc tụng, ăn uống. Vấp trong nhốn nháo, Loan gặp Hương. Nom chị có vẻ đầy đặn hơn nhưng hình như già đi nhiều. Ông bà Dần chỉ là người quen sơ sơ thôi mà chị cũng bỏ mấy ngày nghỉ tết đầm ấm bên chồng con để về mừng. Loan định hỏi, anh có về không. Chắc chắn anh không về. Ngày xưa anh chị đi đâu cũng có đôi. Trông họ thật lý tưởng. Loan cứ ước sao sau này gia đình mình cũng hạnh phúc như thế! Ngại chị khó xử, Loan chỉ chào bằng nụ cười xã giao. Giá như chồng Loan cũng có chút xíu sự nhiệt tình như chị thì Loan không phải nhiều lời bao biện, chống chế với xóm giềng. Loan lại tự nhủ, mình đúng là giống đàn bà hay ước muốn vẩn vơ và ôm hàng đống giá như những thứ không tưởng.

Loan quay sang hỏi Giang:

- Em có áo dài chưa?

Giang ngập ngừng, e thẹn:

- Chưa, chị ạ! Em lấy chồng về nông thôn, suốt ngày chân lấm tay bùn, may áo dài phí lắm, chả biết mặc vào lúc nào, với lại em muốn tiết kiệm.

- Chị có mấy chiếc áo dài đem sang cho em mặc nhé! - Loan hồ hởi.

- Em gầy, chui vào lùng nhùng như áo tế! Thôi chẳng...

- Ngày cưới, chị chỉ gầy như em thôi. Chiếc áo may, mặc mỗi lần rồi cứ treo mắc suốt. Chị đảm bảo nó rất hợp với em! - Loan ngó quanh - Ừ, phòng bên này không có ổ điện cắm bàn là nhỉ?

- Em không mặc đâu!

- Đừng ngại, cô dâu tiếp khách phải mặc áo dài cho sang trọng lịch thiệp chứ, không kẻo...

- Bây giờ em chẳng muốn làm cô dâu một tí nào cả!

-Vớ vẩn! Để chị về lấy.

- Không!

Giang nói gần như gắt khiến Loan sững sờ. Giang cố tình chối từ lòng tốt của Loan. Có lẽ Giang mặc cảm? Loan đứng ngẩn ra, nghĩ, rồi thở dài bỏ qua. Vừa lúc tiếng bà Nga xoe xoé nhà bên. Mọi người hùa kéo nhau sang.

Tẽn tò chưa? Người ta đổ xô vào chửi rủa, nhiếc móc, xỉa xói lão Sấn. Tí nữa thì lão hại đời con bé. Nó không thật tính nên lão mới dám sấn sổ, xằng bậy vậy chứ. Chỉ tội chị vợ, sống như cái giẻ lau thịt của lão. Chị cứ thủng thẳng câu một: Cho chết mẹ nó đi!

Một ngày quần quật với bưng bê thái giã, Loan đã thấm mệt, lặng lẽ rút lui về nhà. Lái chân bầng quầng buồn nhưng vẫn phải ngồi vào bàn vi tính, một núi công việc còn tồn đọng sẽ giải quyết như thế nào vào ngày mai. Tiếng nhạc karaoke ở đám cưới đập vào tai chát chúa khiến Loan bị phân tán tâm trí. Cô tắt máy tính, lên giường nằm. Hình như những con người ở xóm nhỏ này họ vừa làm việc vừa tận hưởng cuộc sống. Lối sống xô bồ, gấp gáp ngoài thành thị chẳng ảnh hưởng gì đến họ. Có cảm giác họ đau khổ, buồn nản, thất vọng vì tình cảm nhiều hơn tiền bạc. Loan biết, mọi mối quan hệ trong xóm đều được ứng xử bằng cái tình ngụ cư mà không có bất kỳ sự ràng buộc ruột già máu mủ như những ngôi làng bản địa. Những mối quan hệ thân tình đủ để nương tựa chứ chưa thể chết cùng nhau nhưng cũng không dửng dưng, vô cảm như phố thị. Mà với một tâm hồn không nhiều ước muốn tham vọng như vợ chồng Loan thì cuộc sống nơi này giống như một món xôi đỗ không thể thiếu trong các mâm cỗ chẳng có gì khiến cô phải bận tâm hay phiền muộn. Với cô ngôi nhà đơn giản chỉ là nơi trú ngụ. Còn chồng cô, khi xa nhà liệu anh có cảm nhận gì khác hơn sự trần trụi ấy không?

 Từ tối tới giờ chỉ có giọng nữ hát. Hình như có hai ba người hát, một giọng chua loét, một giọng như bị sặc nước, còn một giọng rất trong, đưa đẩy. Xen lẫn những bài vui nhộn lại một bài rất buồn. Tất nhiên, trong bối cảnh này người hát không thể trải hết nỗi lòng của mình được nhưng ở những bài buồn ấy có vị mặn của nước mắt. Người hát chỉ chọn những bài hát thuộc thể loại nhạc trữ tình. Ca từ còn dính líu đến cỏ cây hoa lá, nhân vật luôn ở thế bị động, được hình tượng hoá, chứ không khô cứng, thô ráp như thép khối ở những bài hát mới.

Tiếng hát lọt vào tai Loan, khiến lòng cô du dương như có gió. Loan thả hồn mình ra để đón đợi và cảm nhận. Rồi có những khoảnh khắc tim Loan thổn thức, phấp phỏng, xót xa. Nghe những bài hát họ chọn, Loan đoán người đó hẳn là một người có một tâm thế nhất định, có một chút thanh lọc trong trí não và bay bổng trong tâm hồn. Cô hay đánh giá con người qua cách nhìn họ ăn, nghe họ nói và xem họ làm. Đôi khi cái thói quen ruộng đồng quê kiểng ấy làm hao tổn thời gian và tâm trí của Loan, cô chỉ có thể mài mòn, lãng phí và huỷ diệt một cách vô thức cái tinh tế của con người cô chứ cô không hề biết tận dụng để làm cao sang con người mình. Loan có phải lột xác cả trăm lần thì cô cũng không thể thoát khỏi cái ý thức hệ của mình.

Loan mặc thêm chiếc áo khoác mỏng. Nhà bà Dần giáp bên nhưng khác ngõ nên Loan vẫn phải đi đường vòng. Mưa phùn nặng hạt và cái rét như thấu tới tận các khớp xương. Chín giờ ba mươi phút, chưa đến giờ cấm mà các nhà hàng xóm đã đóng cửa, chỉ nhà có đám cưới còn ồn ào và điện đỏ rực rỡ. Nếu bình thường, những đêm thăm thẳm như thế này cũng sẽ âm thầm trôi đi không đọng lại trong bất kỳ ai ở cái xóm nhỏ này một ký ức đáng nhớ. Mà cũng có thể sẽ có một đêm huyền diệu với nhiều người còn với Loan lại không thể có thì sao. Nghĩ, Loan lại tủm tỉm cười một mình.

Bỗng nhiên cô rùng mình. Bộ dạng lùn chùn ngủn, cái đầu tốt tóc và bản mặt tối tăm của lão Sấn chờn vờn trước mặt. Loan làm động tác đặt bàn tay lên ngực trấn an tinh thần. Hẳn không phải lão đấy. Lúc ngập ngoạng tối mấy bà hàng xóm xôn xao rủ nhau đi thăm lão Sấn bị ngã. Hình như lão đuổi con dê đực xuống núi bị trẹo chân. Tính thú hoang đã đẩy lão ta ra nông nỗi ấy.

Loan khen chị Hương hát hay, tất nhiên không phải hay do điêu luyện như các ca sĩ chuyên nghiệp mà có lẽ hay do cảm tính của cô. Người ngồi bên cạnh bảo, nếu được nghe chồng của chị ấy hát thì đây á, tầm thường thôi. Lúc Loan ở nhà, chị hát bài “Cho em một ngày. Loan không thích ca từ này bởi người con gái ấy quá uỷ mị, thiếu tự trọng. Sao cứ phải rên rỉ mãi một điệp khúc: Cho em một ngày thôi? Nhưng khi bài hát vận vào một số phận, một người đã từng hiện hữu trước mặt Loan, cô lại muốn được làm sợi dây níu giữ chồng chị ở bên chị một lần, một buổi, một giờ, không chỉ cần một giây thôi. Đúng vậy, chỉ một giây nhận ra nhau, sưởi ấm tâm hồn nhau là họ thuộc về nhau mãi mãi.

Loan đưa mắt nhìn con trai chị. Chắc thằng bé đã nghịch ngợm, chơi đùa và ngồi im lặng nghe mẹ hát suốt một buổi tối. Nó đã đi lấy nước chè xanh cho mẹ nó uống, xà vào các bàn bốc kẹo ăn và giờ thì nó buồn ngủ. Nó đòi mẹ bỏ mic về ngủ với nó nhưng chị không về, nhất định không muốn về. Nó giống hệt bố nó. Chị gượng cười lý giải. Chiếc mic lại đặt lên miệng chị, ánh mắt chạy theo dòng chữ trên màn hình ti vi.

- Không, mẹ về, mẹ phải về cơ!

Mọi người xua:

- Thôi, cho con về đi.

Chị cố tình tỏ ra không đoái hoài đến nó giống như kiểu người yêu trêu tức người yêu í... Chị đừng trêu nó như vậy có được không. Tội nghiệp lắm.

Nếu thằng bé là con của Loan thì cô sẽ thương con lắm, sẽ không để cho con bị rơi vào nỗi thất vọng và chờ đợi sự ban ơn. Loan chỉ cho con những ngọt ngào âu yếm. Cô sẽ không bắt con phải chiều mình. Sự hy sinh của Loan dành cho con là vô bờ bến. Còn nếu là con của Hải, chắc hẳn chồng cô sẽ là một người cha nghiêm khắc và mẫu mực. Nhưng tất cả những điều đó với Loan còn xa vời.

Loan muốn khóc như những giọt nước mắt nghẹn ngào của thằng bé âm thầm rơi. Nhưng cô đâu phải là một đứa trẻ. Loan hớp ngụm nước chè. Cô lấy hạt dưa tẽ vỏ và đưa cho nó, nó lắc đầu. Loan nhìn đĩa kẹo, người lớn muốn thí trẻ con chỉ đưa cho nó vài chiếc kẹo là chúng sẽ thích và quên đi hết thảy mọi điều. Nhưng thằng bé có vẻ già trước tuổi, hơn nữa chị bảo nó giống bố. Chắc bố nó cũng bướng bỉnh và cầu toàn. Vậy thì với thằng bé này người lớn sẽ không thể làm những điều đơn giản như những đứa trẻ con khác. Loan bảo nó hãy chọn một bài hát mà con thích. Nó cúi gằm mặt, hai tay bứt dứt chiếc khoá áo rét. Lúc này, thứ cần với nó là mẹ. Nó sẽ nín khóc ngay nếu người mẹ ấy bỏ chiếc mic xuống bàn và quay lại bế nó, đi về nhà.

- Thôi chuyển bài khác đi, họ nghe thấy lại động lòng bây giờ.

Chị đập nhẹ xuống tay Loan. Cô bấm chiếc điều khiển như một cỗ máy bị lỗi chức năng. Dòng chữ hồng màu mồng tơi “má ơi đừng gả con xa, lỡ mai...” chưa kịp tím đã bị next khỏi màn hình. Mọi người nhìn nhau đồng cảm. Giang cũng đi lấy chồng xa.

Loan có cảm giác lời hát của chị đã thực sự vô nghĩa nhưng Loan không hề tìm thấy một âm hưởng vô nghĩa nào ở trong đó. Cơm vẫn là cơm chứ không thể lẫn lộn cơm là rơm khô được. Ngồi chọn bài hát, nghe hát, cùng hát những bài Loan yêu thích, nhưng giờ thì cô chỉ ngồi cắn hạt dưa. Chị vẫn hát say sưa, hát quên tuổi, quên không gian, quên thời gian, quên đi chính sự tồn tại của mình. Nhiều cuộc đời vẫn sống nhưng sự sống đã chết.

Hạt dưa đỏ nhuốm hồng đầu ngón tay Loan. Loan thấy sống mũi cay hăng xông tận hốc mắt. Tủi buồn cho những sắt son xe chỉ luồn kim. Chị có thực sự là một người đàn bà ham chơi không? Lâu lắm rồi chỉ có hai mẹ con chị đèo nhau về nhà ngoại. Thằng bé không bao giờ chịu rời chị nửa bước. Hai vợ chồng công tác ở những môi trường chuẩn chỉ về nhân cách. Chị thường bảo, mình khô khan bộc tuệch còn anh lãng mạn, ý tứ. Anh nâng giấc cho tình yêu và chăm chút cho gia đình hơn cả những mẫu tình yêu lý tưởng trong các cuốn tiểu thuyết tình cảm.

Có lần về thăm quê ngoại, hai vợ chồng chị sang ngủ nhờ nhà Loan. Lúc ấy cô thấy vợ chồng họ đắm đuối như sam có đôi, như tơ kén tằm. Có lần, người ta nói rằng chồng chị dẫn một người con gái trẻ hơn tuổi chị về ra mắt bố mẹ chồng. Thằng bé lẫm chẫm học đi, kém con trai chị một hai tuổi. Hai đứa giống nhau như hai giọt nước. Rồi một lần Loan vô tình nghe thấy người hàng xóm nói chuyện với nhau nguyên nhân do chị có bạn trai. Nhưng Loan lại được nghe: Có lần dọn nhà, vô tình nhặt được cuốn sổ nhật ký của anh để tận dưới đáy hòm sách cũ. Những dòng chữ đã nhoè mực trên mặt giấy ngả màu khiến con tim chị nhói đau. Anh ước vợ mình có được đức tính giống cô người yêu cũ. Người mà anh vẫn yêu cho đến khi anh gặp được chị. Người mà anh vẫn vô tư kể với chị trong mọi lẽ chị vẫn là người hoàn hảo hơn cả. Người mà anh chị vẫn thỉnh thoảng gặp trên đường đi làm. Chị biết người con gái ấy vẫn ngượng ngùng đỏ mặt mỗi khi phải đối mặt với anh. Ai cũng có một thời yêu, ai cũng có những góc ký ức riêng tư. Ngay kể cả đến khi có chồng chị cũng có những người đàn ông theo đuổi và tán tỉnh khiến chị phải cầu cứu đến sự bảo vệ của anh. Chị không nói với anh về cuốn nhật ký, chị suy đoán, dằn vặt rồi biện minh cho anh. Dường như càng làm như thế khiến chị càng thêm nghi ngờ. Rồi một người hàng xóm lại thì thầm với Loan chuyện gặp người đưa thư gọi tên chị ở cổng nhà mình. Bà te tái chạy ra mở cổng và bàng hoàng thấy đó là một tờ giấy yêu cầu chị ra toà li dị.

Người nhà chị không ai giãi bày bất kỳ điều gì. Loan cũng không gạn hỏi. Cô sợ chạm vào nỗi đau. Mỗi lần thấy mẹ con chị đi về lẻ bóng, Loan lại canh cánh trong lòng. Nếu chuyện đó là sự thật thì anh ấy chính là người chồng bội bạc, người cha tội lỗi?

Không còn hứng thú với trò hát hò nữa, Loan thấy ớn lạnh trong người. Cái xóm nhỏ của cô cũng lắm chuyện éo le. Có người cãi vã, đánh đập nhau gãy tay, sứt đầu nhưng không bao giờ thấy họ nhắc đến chuyện bỏ nhau. Có người vừa cưới chồng được hai ngày đã bỏ chồng vì chồng không chịu rửa chân khi lên giường ngủ. Có người sắp đến giờ rước dâu, chú rể lại đoạn tình, để một mình phải nuôi con trong sự tủi nhục.

Lòng Loan buồn não nề. Lớp thanh niên đến chơi tối ăn kẹo, uống nước chè xanh và cắn hạt dưa đỏ thưa vãn dần. Cái Giang đâu phải là người nhanh nhẹn hoạt bát, giao du rộng rãi. Bỏ học sớm, đi làm xa, khi về lấy chồng thì bạn bè trang lứa gần như đã tay bế, con bồng. Có lẽ cô dâu buồn nên đi vào nhà sớm. Loan vào theo để lấy hạt dưa ra cắn cho đỡ buồn. Vừa vào đến cửa buồng, Loan thấy Giang đang xé vụn những tấm hình, châm lửa đốt rồi lau nước mắt. Có lẽ tối nay Giang đã ngóng chờ một người. Nhưng người đó không đến. Nếu Loan là người ấy thì chắc hẳn Loan cũng sẽ không đến trong ngày hạnh phúc của Giang.

Cô sắp những đống đồ vứt bừa bãi trên giường vào va ly cho Giang, rồi an ủi, dặn dò mọi điều như mẹ đã dặn cô trước khi cô về nhà chồng. Sắp đi sắp lại cũng không thấy trong đồ của Giang có chiếc khăn trắng dành cho đêm tân hôn. Loan định hỏi, nhưng thấy mình thật vô duyên nên cô chỉ bảo Giang chuẩn bị lấy một ít kim khâu giắt vào gấu váy, khi ngồi xuống giường cưới thì kín đáo giắt vào gấu màn. Giang tựa đầu vào vai Loan khóc thút thít như một đứa trẻ. Cô thương Giang phận gái như hạt mưa sa vào nơi côi cút, xa xôi, khốn khó. Loan cố làm cho Giang bình tâm trở lại. Cô nhấc chiếc va-li xuống đất, phủi giường cho Giang ngủ. Bỗng Loan thấy như có vệt sao băng qua mắt mình, đôi vòng i nox văng ra khỏi giường, lăn loong coong dưới nền nhà. Cô vội vàng nhặt nó lên, ngắm nghía. Có lẽ đôi vòng này đã làm cho Giang buồn. Trên đôi vòng có khắc tên và ngày tháng... Tim Loan đập dồn. Giang hốt hoảng “Chị...”. Giang nói quá bé hay tai Loan không nghe thấy điều gì. Có thể chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên. Ở đời có nhiều sự trùng lặp như thế lắm chứ?

Chồng Loan khéo tay lắm. Ai cũng ca ngợi vậy. Loan rất đỗi tự hào. Nghe kể, ngày trước anh hay bị cha mẹ đánh đòn vì suốt ngày hí hoáy làm rất nhiều vòng i nox. Có một lần khi Loan mới về làm dâu, em chồng Loan cứ gặng hỏi mãi chuyện chị dâu đã nhận được bao nhiêu đôi vòng i nox từ anh trai rồi. Loan đã lườm vui cô em chồng, bảo: Anh ấy có tặng cho chị vòng mắt, vòng eo thôi. Những ngày yêu, Loan chỉ được anh tặng những món quà có sẵn trong các cửa hiệu. Anh khô khan và vụng về. Chiếc nhẫn cầu hôn cũng bằng vàng tây nạm đá quý. Hôm cưới Loan vào ngày nắng, Loan thấy Hải lau mồ hôi bằng chiếc khăn tay bằng vải lon. Chiếc khăn thêu hai chữ cái H và G lồng trong trái tim thêu rồi Loan không thấy Hải dùng lại một lần nào nữa. Ngày cưới Loan, Giang không có mặt. Ngày Giang đi lấy chồng, Hải đột nhiên đi công tác dài ngày.

Loan nhìn khắp lượt gian buồng ngủ còn nồng đượm mùi của Hải. Có lẽ nào còn điều bí mật mà Loan không biết. Cô mở toang cánh tủ tìm lại cái khăn tay thêu. Đập vào mắt cô là chiếc áo cưới tân thời đỏ rực rỡ thướt tha treo trước bộ véc xám của Hải. Thật vô duyên. Nếu chiếc áo cưới đó người mặc là Giang? Những chiếc áo sơ mi của Hải được cô là lượt và treo ngay ngắn xen kẽ những chiếc áo váy mềm mại của cô. Bỗng nhiên cô không muốn những chiếc áo của cô dính líu gì đến Hải. Ngăn trên cùng có những cuốn abum ảnh, chụp lại những kỷ niệm của Hải mà hằng đêm vắng Hải không ngủ được cô thường đem ra ngắm nghía để vơi đi nỗi nhớ. Biết đâu, trong những bức hình đó có những kỷ niệm giữa hai người. Không, Loan không dám sờ tay vào. Cô không dám lục lọi, sâu chuỗi quá khứ. Hồi mới cưới, có lần Hải nói với cô “có một thứ đơn giản ở cái xóm nhỏ mà bây giờ anh mới cảm nhận được là niềm vui cùng tận hưởng còn nỗi đau phải nén xuống”. Cô sợ.

Ngột ngạt. Cô ra ngoài sân, vớt nước lạnh tấp lên mặt. Mưa bay mịt mù, đêm tối thẫm, lòng Loan cũng rối bời bời. Liệu họ có cùng đứng nép vai nhau hứng những hạt mưa bay rồi cười rúc rích không. Mưa bụi có bao giờ nhỏ thành giọt như mưa rào không? Liệu mình có tự thoát ra khỏi nỗi ám ảnh hay cũng nhẫm lại vết xe đổ của chị Hương? Loan rùng mình. Nếu lão Sấn rình rập đâu đó trong bóng tối. Vô thức, cô giơ tay lên đầu rút chiếc trâm bằng inox cầm khư khư như một thứ vũ khí phản vệ cuối cùng. Chiếc trâm mà Hải nhặt vội ở kẽ giường đưa cho cô trước khi đi công tác xa.

                                                         Đêm giáng sinh 2010

(Nguồn: TC VNNB 241+242+243)

Bài viết khác