Chủ nhật, 19/05/2024

Kỳ diệu

Thứ năm, 07/10/2021

Truyện ngắn của AN THỊ HỒNG

Lão là một người yêu thích nghệ thuật. Dường như nghệ thuật thị giác đầy công phu đó đã trở thành “người tri kỷ’ thứ hai không thể thiếu với lão. Sáng nay, khi lấy những tấm ảnh ở hiệu về, lão xoay ngang rồi lại xoay dọc những tấm ảnh, nhìn ngắm một cách say mê và tỏ ra tâm đắc với những tấm ảnh mà lão chụp được.

Lão đặt những tấm ảnh trong tủ kính rồi ra bàn pha một ly trà ngồi nhâm nhi, đó là thói quen của lão khi cảm thấy vui trong lòng. Hương trà thơm phức hoà quyện với cái cảm giác lâng lâng sau khi xem ảnh càng làm cho lão thấy phấn khích hơn bất giác lão cất lên những lời hát khe khẽ, đang chìm trong niềm đam mê của riêng mình. Bỗng cánh cửa đằng sau bật mở cùng với giọng nói lanh lảnh của vợ lão:

-  Hôm nay có gì mà làm anh vui thế? Anh lại vừa đi "sáng tác" về đấy phải không?

Nghe cái giọng vừa mỉa mai, vừa khiêu khích của vợ, lão "cay" lắm đã định "phản pháo" ngay nhưng lão cũng kịp dừng lại vì lão chợt nhớ ra sáng nay lão đã trót lấy một triệu tiền của vợ đi rửa ảnh. Thôi thì "một điều nhịn, chín điều lành". Nghĩ thế lão im lặng, ngồi thản nhiên uống tách trà. Thôi mình "yếu" một tí, "lép" một tí để giữ được "hoà bình, ổn định" không hơn sao?! Xét cho cùng đó là mình nể vợ mình chứ có sao? Mình không có lỗi thì bố bảo thị dám hỗn thế này. Đang tự trấn an mình thì vợ lão lại lên tiếng:

- Anh có bị điếc không? Anh học đâu được thói khinh thường vợ thế? Ra ngoài chụp cho các em "chân dài, váy ngắn" sao mồm miệng dẻo kẹo, ngọt ngào thế hả? - Tiếng cuối thị ngân dài ra nghe rõ ghét.

- Ô hay! Em hỏi gì anh không hiểu? Mà sao hễ nói với chồng là em lại giở cái giọng gằn ra nhỉ? Em không nói năng tử tế được sao?

- Em chẳng đã rất tử tế với anh từ bao năm nay rồi đó sao? Đúng vô tích sự.

- Làm người cũng phải có ước mơ, có hoài bão chứ!

Vừa nói, lão vừa tiến lại phía tủ lấy sấp ảnh mở ra cho vợ xem. “Đấy em thấy không cái này phải là "tuyệt tác" luôn, cảnh này rất "độc" đố tay nào địch được với anh phen này nhé. Đây nữa, cái này anh đã đặt tên rồi: "Bình Minh" đấy, em thấy ý nghĩa không? Đây nữa... đây nữa... ! Lần này anh tin mình không thể trượt được, không nhất thì nhì chứ chả chơi. Anh sẽ cho mấy thằng bạn sáng mắt ra. Các hắn phải kiềng mặt anh... Báo chí lại chả phải tốn khối giấy mực vì anh ấy chứ! Đoạt giải anh sẽ "một, đền mười" cho em... Danh tiếng mới là cái lớn lao, cái mọi người  mong muốn em ạ!”

Thực tình vợ lão cũng là con người biết nghĩ trước sau, thị rất hiểu sự đam mê ấp ủ bấy lâu nay của chồng, nhưng bao nhiêu lần lão thất bại khiến niềm tin trong thị cứ mòn đi, chẳng khác nào một người bị lạc trong rừng, càng đi càng thấy mịt mù không tìm thấy lối ra! Các cuộc thi ảnh, lão luôn ấp ủ nuôi hy vọng rồi vẫn trượt. Thử hỏi như thế thì mấy ai còn đặt được niềm tin cơ chứ?! Hàng năm có bao cuộc thi ảnh, lần nào lão cũng tham gia "rất nhiệt tình", bao nhiêu thời gian công sức hễ rảnh việc cơ quan là lão lại cùng bạn kéo đi "sáng tác" nhanh thì một, hai ngày, nhiều thì cả kỳ nghỉ phép luôn. Dạo lão mới "bập" vào ảnh, thị cũng rất ủng hộ vì thị nghĩ: "Đàn ông ai chả có sự đam mê, nhưng đừng rượu chè, cờ bạc, trai gái là được. Mấy đứa bạn cùng cơ quan vẫn khen thị là có ông chồng ga lăng mà lại "ngoan hiền". Những lúc đó thị cũng nghĩ, vợ chồng là cái "duyên nợ" chẳng mấy ai "mười phân vẹn mươi" cả...

Nghĩ đi thì thế, nghĩ lại máu trong thị lại bắt đầu sôi lên. Lấy nhau đã hai chục năm trời, quãng thời gian đó với đời người đâu có ngắn ngủi gì, lúc nào thị cũng chịu phần thua thiệt, chịu sự nhún nhường và cam chịu đủ bề với ước muốn là gia đình ấm êm, mà rồi đâu có được. Giờ thì thị nghĩ khác, thị chịu đựng lão thế là quá đủ, thị phải sống cho mình nữa chứ. Nghĩ thế thị giật phắt sấp ảnh trên tay lão, thị ra sức xé vụn những tấm ảnh ra nhiều mảnh, vừa xé thị vừa gầm lên:

- Này thì "tuyệt tác" này! Này thì "độc" với "địa" này! Bà cho chúng ra giấy vụn hết!

Những tấm ảnh khổ to chỉ mấy giây trước thôi được lão nâng niu, hy vọng giờ trở thành những mảnh giấy vụn bay tung toé khắp gian nhà, mặt lão đỏ lên, mắt lão nhìn trừng trừng vào thị, lão xô tới giơ tay tát mạnh vào mặt vợ, một tiếng "bốp" khô khốc kèm theo là tiếng vợ lão rú lên:

- Á ... anh đánh tôi à? Anh là kẻ bất tài, là đồ ăn hại! Anh cút đi! - Thị cầm những tấm ảnh đang xé dở ném vào mặt lão.

Lão sững người lại trước phản ứng quyết liệt của vợ, lão cúi xuống nhặt vội mấy tấm ảnh còn sót lại, rồi vơ chiếc ba lô đồ nghề và quần áo trên góc giường, lão phăm phăm bước ra khỏi cửa. Tiếng vợ lão vẫn gào lên ở phía sau:

- Anh cút đi! Đồ vô tích sự!

Lão đi như vô định, cả đêm ấy nằm một mình ở cơ quan, lão tự kiểm điểm bản thân và thấy mình đúng là kẻ vô tích sự, là người đàn ông trụ cột trong gia đình mà bao năm qua lão không mảy may làm được gì cho vợ con. Người phụ nữ dẫu có hiền lành đến mấy thì cũng không thể cam chịu mãi thế được, thị là người phụ nữ thông minh, tháo vát. Bao năm qua thị hy sinh, chăm sóc cho lão từng li, từng tý. Còn lão đã làm được gì cho vợ cơ chứ? Nghĩ vậy, lão thấy thương vợ và càng trách bản thân mình. Thế mà hôm nay lão đã đánh vợ. Lão thấy xấu hổ và ân hận vô cùng. Nhưng biết làm sao, chén nước đã hắt đi thì làm sao hót lại cho đầy được nữa? Không, lão không thể để đổ vỡ được. Lão sẽ từ bỏ mọi đam mê bấy lâu nay của mình để cứu lấy gia đình. Nghĩ đến đây lão với tay lấy mấy tấm ảnh trên đầu giường, lão quyết định đốt chúng. Lão cầm ba bức ảnh trên tay, lão lặng lẽ bật lửa châm vào tấm ảnh thứ nhất, ngọn lửa xanh lét liếm dần tấm ảnh, những nhân vật trong ảnh nhìn lão với ánh mắt nửa như giận hờn, nửa như chia sẻ họ như nói với lão: "Này anh bạn chúng tôi cảm thông và chia sẻ với anh về nỗi buồn này, nhưng cuộc đời nó nghiệt ngã thế đấy, biết làm sao, hãy quay về với vợ con anh, đấy mới là cuộc sống đích thực, tuy nhiên anh cũng chẳng nên từ bỏ những sở thích của mình, vì như thế anh đâu còn là anh nữa?" Những hình ảnh ấy nhoè dần và tan biến vào màn khói xanh biếc. Lão nhìn tấm ảnh cháy mà như thấy chính da thịt mình đang cháy! Lão không đủ can đảm đốt tiếp, lão quăng hai tấm còn lại vào góc phòng, lão ôm mặt khóc nức nở như trẻ con. Bóng lão run rẩy, nhập nhoà trong căn phòng. Chưa bao giờ lão thấy mình cô đơn và đau khổ như thế.

Lão đến ở cơ quan được một tuần thì đứa con gái lớn đang học lớp 9 đến tìm lão, nó nằng nặc đòi lão về, nó bảo nếu bố không về thì nhất định nó bỏ học. Không còn cách nào khác lão đành đèo con về nhà.

Những ngày sau đó lão đi làm đều đặn, hết giờ lão về ngay nhà bắt tay vào việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa giúp vợ vì công việc của vợ lão dịp cuối năm rất bận nên hay về muộn. Lão lặng lẽ làm như để chuộc lại một phần lỗi lầm của mình với vợ con. Chiều nay lão về sớm hơn mọi ngày, lão bước vào căn phòng trên gác, bộ đồ nghề treo trên tường đập vào mắt lão, đã hơn ba tháng lão không động đến nó, như một phản xạ tự nhiên lão nhẹ nhàng lấy xuống, lão nhẹ nhàng lau chùi một cách rất tỉ mỉ, lão giở chiếc máy ảnh ra, lão mâm mê, xoay chỉnh ống kính, lão lắp ống pêlê, giơ lên lấy "nét".

Vừa lúc ấy có tiếng còi ô tô ngoài cổng, lão ngó ra thì thấy trưởng phòng của lão đang lái xe vào sân, lão không hiểu có chuyện gì mà trưởng phòng lại đến. Lão vội chạy ra đón:

- Sao anh đến không điện cho em, nhỡ em không có nhà.

- Sao phải điện, từ ngày "dã từ" nghề ảnh chú còn đi đâu được nữa. Cô ấy có nhà không?

- Dạ mời anh vào nhà, vợ em đang nấu cơm.

Trưởng phòng theo lão vào nhà. Ông nói vọng xuống bếp:

- Em lên đây, xem anh mang cái gì đến cho cô chú đây!

- Cái gì mà quan trọng thế anh?

Không để cho vợ chồng lão phải chờ, ông trưởng phòng rút từ trong cặp ra chiếc giấy mời. Rồi ông nói:

- Đây là giấy mời của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, mời chú ấy đi nhận giải thưởng đấy, giải Nhất hẳn hoi, trị giá cũng không nhỏ đâu nhé 50 triệu đấy! Cô chú không tin à?

Nói rồi ông đưa tấm giấy mời cho lão, lão đón lấy, đọc vội.

- Thế này là thế nào em không hiểu? Thực tình em không được gửi ảnh dự thi?

- Chuyện là thế này. Hôm chú về, sau đó cậu Hải dọn dẹp căn phòng nó thấy có hai tấm ảnh, ở dưới gầm giường, nó liền mang đến cho tôi, thấy đẹp tôi liền gửi dự thi luôn. Không ngờ lại được giải. Vì thế chú ngạc nhiên là đúng thôi.

Sau khi nghe trưởng phòng nói, lão và vợ vừa ngạc nhiên, vừa xúc động. Rồi lão kể lại chuyện cái đêm lão dọn đến cơ quan... Chuyện lão đã đau khổ thế nào khi vợ chồng xô xát... Chuyện lão đốt ảnh... Chuyện lão đã khóc như thế nào... Chuyện vì sao lão quẳng hai bức ảnh lại.

Đến đây ông trưởng phòng vỗ đùi nói:

- Hay! Quả đây là một điều kỳ diệu, hấp dẫn không kém gì truyện cổ tích. Chỉ cần nghe kể như vậy thôi nó đã xứng đáng là một kiệt tác rồi, bởi chỉ tý nữa thì nó đã bị xé, bị đốt, rồi nó lại bị bỏ quên dưới gầm giường, nhưng cuối cùng nó vẫn đến được với cuộc thi và trở về với chủ trong niềm tin. Đúng là kỳ diệu!                                                         

        A.T.H

(Nguồn: TC VNNB 255-9/2021)

Bài viết khác