Chủ nhật, 19/05/2024

Mẹ chồng Lan

Thứ sáu, 07/10/2022

Truyện ngắn của NGUYỄN MINH NGỌC

Tiếng chuông báo hết giờ làm việc buổi sáng vang lên, mọi người trong cơ quan dừng tay, thu xếp tài liệu cất vào nơi quy định. Cánh đàn ông bao giờ cũng nhanh hơn, họ tới phòng lấy mũ áo rồi vội vã đi xuống nhà xe, lấy xe ra về. 

Nghe tiếng chuông báo giờ nghỉ, Lan thấy nhẹ cả người, cô cùng các bạn nữ thong thả xuống nhà để xe, vừa đi họ vừa vui vẻ nói chuyện, mỗi người góp một vài câu làm bật lên tiếng cười trong trẻo, xua tan đi những căng thẳng, mệt nhọc trong giờ làm việc, có vẻ như ai cũng thấy trong lòng nhẹ nhàng, khi làm xong công việc của mình; cái niềm vui giản dị, khiến Lan trong chốc lát quên đi những ý nghĩ lo buồn. Dắt xe ra khỏi cổng cơ quan, mấy chị em dừng lại ở gốc cây đa bên đường, sửa lại mũ áo, còn cố nói thêm vài chuyện cười đùa với nhau. Lan nhanh nhẹnh nói: “Thôi chào các bạn nhé, mình phải về không muộn mất rồi!”. Lan vội vàng lên xe đạp đi. Một người nhìn đồng hồ nói:

- Hôm nay họ rung chuông báo nghỉ muộn mất mười lăm phút, chả trách nào chị Lan vội. Về muộn như này, thế nào chị ấy cũng bị khổ với bà mẹ chồng cho mà xem.

- Tôi mà như cô Lan. - Người phụ nữ lớn tuổi, nói với một vẻ tức giận - Thì tôi bỏ anh ta lâu rồi. Giàu có mà làm gì. Thà ở một mình còn hơn làm nô lệ suốt đời cho cái gia đình ấy.

Những người khác chỉ biết nhìn theo, chép miệng thở dài…

Đi hết khu vực thị xã, Lan còn phải đi trên đoạn đường hơn năm cây số nữa mới tới nhà. Con đường nhỏ nằm giữa cánh đồng, gồ ghề khúc khuỷu, bánh xe của Lan lồng lên hạ xuống, những giọt mồ hôi rịn ra trên trán. Hai bên đường Lan đi, dăm chiếc lá đã ngả vàng, óng ánh trong nắng thu; đám cúc dã thảo ven đường sáng rực những chùm hoa trắng nhị vàng và lúa trên các thửa ruộng xanh mướt thì con gái khẽ khàng xao động trong làn gió nhẹ… Không khí mát mẻ trong lành, hương đồng, gió nội xua tan mệt nhọc trong lòng người, và khơi lên niềm vui thanh thản… nhưng Lan đâu có tâm tư để tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên, cô nhấn mạnh chân cho xe lao nhanh về phía trước. Giữa trưa vắng bóng người, lòng Lan lại quay về với tâm sự của riêng mình. Nghĩ đến hạnh phúc của gia đình các bạn đồng nghiệp, Lan lại buồn cho cuộc sống của mình, cô lẩm bẩm tự trách mình: “Tại sao ngày ấy mình lại không yêu Hưng, để bây giờ khổ như thế này!”. Ngày còn là sinh viên trường đại học Nông nghiệp, Lan có tiếng là xinh đẹp: gương mặt tươi như hoa, làn da trắng hồng, mái tóc đen mượt dài tới kheo chân, khiến không ít những chàng trai mê mệt vì cô; trong đó có Hưng người bạn cùng tỉnh đẹp trai, học giỏi rất nhiệt tình với cô, nhưng không hiểu sao Lan lại không mấy quan tâm đến anh. Không hiểu sao tâm tư Lan luôn hướng về Hân (người chồng bây giờ của cô). Tuy rằng Hân ở xa và không đẹp, người anh ta hơi thô, gương mặt khó đăm đăm, nhưng Lan vẫn cho rằng như vậy là mình đã suy nghĩ đúng, cô luôn nhớ tới lời mẹ thường nhắc nhở: “Ta về tắm nước ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Con nhá”. Là vì gia đình Lan và gia đình Hân cùng làng, lại là chỗ quen biết nhau; Lan và Hân học cùng lớp cùng trường, suốt mười năm học họ là bạn của nhau. Giờ Hân đang trong bộ đội, đang trong vất vả gian khổ lại càng làm cho Lan, một cô gái có trái tim giàu tình cảm hướng về Hân và thương Hân nhiều hơn.

Lan học xong đại học, hai người tổ chức lễ thành hôn, Hân trở lại quân ngũ, Lan được điều về làm trong sở Nông nghiệp tỉnh nhà. Quay đi quay lại đã hơn mười năm nay. Lan không ngờ, cuộc đời của cô ngày lại bước dần xuống một địa ngục tối tăm. Chồng đi bộ đội, xa nhà ít được về, Lan phải gánh vác mọi công việc của gia đình, hầu hạ dạ vâng bố mẹ chồng hết mọi nhẽ. Bố mẹ chồng Lan, là những người xưa nay hiếm, họ thừa kế một nếp sống chặt chẽ của thời phong kiến, về phép tắc dâu con trong đạo gia đình. Khi ông bố chồng qua đời, mình bà mẹ chồng nhận nhiệm vụ này, còn xuất sắc hơn cả ông bố.

Từ khi đất nước hoà bình, nhờ ơn tổ tiên con trai bà được chuyển sang làm việc trên con tầu viễn dương, vật chất con trai gửi về nhiều lên, kinh tế ngày càng khá giả thì Lan càng phải chịu nhiều khổ sở, mà không dám kêu ca. Lan âm thầm đau đớn, cố tâm chịu đựng làm lụng mọi việc có thể để giảm bớt những lời lẽ đay nghiến, cay nghiệt của bà mẹ chồng. Tuy nhiên những ngày về muộn như thế này của cơ quan là không tránh khỏi, Lan luôn phải chuẩn bị tinh thần đón nhận những điều chẳng lành.

Linh cảm của Lan không sai, về đến cổng nhìn thấy bà mẹ chồng đang lễ nhễ bê nồi cơm điện đến gần bể nước, mặt hầm hầm, miệng đang lẩm bẩm điều gì. Mẹ chồng Lan khoảng sáu mươi tuổi, người bà to cao khoẻ mạnh, nước da hồng hào, béo tốt biểu hiện một sự đầy đủ và nhàn hạ; hai mắt bà tròn to, sáng nhảo sắc như con dao cau, đôi môi đỏ bầm quết trầu. Nghe tiếng xe lạch cạch ngoài cổng, bà liền để nồi cơm xuống đất, cất tiếng nói, giọng của bà vang to, hơi chua và rất đanh:

- Tôi tưởng chị quên lối về cái nhà này rồi. Ối… giời ơi…! Sao mà cái số tôi nó lại khổ thế này không biết. Sinh ra con tưởng được nhờ con, nào ngờ phải hầu hạ người ta như một đứa con ở trong nhà. Con ơi, về mà xem cảnh mẹ này, sao con cứ đi mãi như vậy con ơi!... 

Rồi bà khóc, bà gọi con trai của bà… cứ như thế, bà kêu la cho đến khi Lan dựng vội chiếc xe, đến bê lấy nồi cơm.

Về nhà chồng hơn mười năm nay, đã có hai con, Lan lẳng lặng làm tròn bổn phận của mình, lương viên chức ít, để bù vào Lan phải cấy lúa, chăn nuôi. Có kiến thức về nông nghiệp, Lan trồng cấy, chăn nuôi lợn, gà đều cho năng xuất hơn người. Buông dầm cầm sào lúc nào Lan cũng tất bật, tan việc ở công sở là cô phải lo ngay đến công việc gia đình, đi mua rau khoai, mua cám lợn, cám gà hoặc phân bón lúa ngoài thị xã chở về nhà. Sức yếu, người Lan gầy rộc, gương mặt lúc nào cũng xanh xao, cơ quan xa nhà năm cây số, ngày bốn lần đi về, rồi lại công việc và sức ép từ người mẹ chồng khiến cô kiệt sức. Một hôm đang trong giờ làm việc Lan bị ngất, ngã vật xuống nền nhà, y tá cấp cứu cho cô. Nằm trên giường bệnh, mặt Lan không còn giọt máu, đôi môi trắng bệch, mấy người bạn nữ  thương cảm, họ phàn nàn với nhau.

- Chị Lan thật là khổ. Một người nói: Ngoài giờ làm việc, về đến nhà phải làm quần quật suốt ngày, vẫn bị bà mẹ chồng trì chiết đủ điều.

- Thời này, mà còn có mẹ chồng cay nghiệt như vậy thì sợ thật. Chỉ tại Lan nó hiền quá, nên bị bà ấy bắt nạt.

Một cô bạn thân của Lan nói:

- Nghe đâu, bà ta còn viết thư cho con trai nói xấu Lan, bà ấy ghê gớm lắm. Ngày ông bố chồng còn sống, thì Lan khổ với cả hai ông bà. Họ bắt khoan bắt nhặt đủ điều, cơm bưng nước rót, tối đến đun nước pha thuốc ngâm chân cho họ vv… hơi có việc gì không vừa ý là họ đay nghiến, mắng mỏ như con ở.

Một lúc sau tỉnh lại, Lan mở mắt nhìn thấy mọi người, cô nói: “Em đỡ rồi, để em về, mọi người không phải lo cho em đâu.” Nhưng Giám đốc, sợ một mình Lan đi không an toàn, ông cử một anh có xe máy đèo Lan, và một người bạn nữ đi chiếc xe đạp của Lan, đưa cô về nhà. Thấy có người lạ đến nhà, mẹ chồng Lan như một người khác hẳn, bà ỏn thót kêu rên:

- Ôi… Ôi… Con tôi làm sao mà lại như thế này? Bị ngất hả. Khổ thân quá thôi!... - Bà ta đưa ngón tay trỏ, và ngón tay cái lên vuốt cái môi đỏ trót đầy quết trầu, đôi mắt như rơm rớm nước mắt, bà quay sang phân trần với hai người - Đấy anh chị xem, người thì ốm yếu thế này, mà con dâu tôi cứ tham công tiếc việc. Tôi đã bảo với chị ấy, thôi đừng cấy ruộng nữa con ạ. Nhưng thương mẹ chồng không có lương, chị ấy cứ làm, thế có khổ không cơ chứ!... Tôi trông con tôi gầy yếu mà vẫn tham làm tôi xót xa lắm. Tôi thương con dâu tôi lắm, anh chị ạ!

- Chị ấy tỉnh rồi nhưng vẫn còn yếu. Cô bạn của Lan nói: Sợ chị đi đường không an toàn, nên Giám đốc cử chúng tôi đưa chị ấy về bà ạ.

- Vâng. Vâng. Tôi biết. Tôi biết, tôi xin cám ơn cô và anh, xin cám ơn ông Giám đốc ạ! - Bà ta ỏn thót một hồi, và chắp tay cúi đầu thi lễ hai người, như một người trong rạp xiếc vậy.

Khi khách ra về, bà ta lấy lại bộ mặt lạnh tanh đi nấu cơm. Buổi trưa, hai đứa trẻ đi học về, bà bảo chúng vào gọi mẹ xuống ăn cơm. Lan nói với con: “Mẹ còn mệt chưa ăn được, các con mời bà ăn cơm đi.”. Ăn cơm xong, bà ta đến bên gường Lan nằm, chỉ tay vào mặt cô nói: “Cô ốm. Làm sao mà cô phải ốm? Cô làm vậy để bêu riếu tôi phải không? Cô không ăn cơm. Cô ốm thì cô chết. Cô chết thì thiệt cái thân cô. Con tôi nó sẽ lấy vợ khác. Cô đừng tưởng ăn vạ nhà tôi như vậy mà được đâu nhá!”.

Bà nói vậy, nhưng lòng bà lại nghĩ ra nẻo khác. Tối hôm ấy, cũng như những lần trước mỗi khi có chuyện khúc mắc với con dâu, bà lấy ngay bút mực viết thư cho con trai. Bà thêu dệt, thêm thắt cho câu chuyện vừa ý bà, rồi gửi đi cho con.       

Chồng Lan, Hân giống mẹ về cả hình dáng bề ngoài lẫn tâm hồn, anh ta thuộc dạng người: “Đo lọ nước mắm, ngắm củ dưa hành.”. Từng đồng tiền anh ta gửi về, Lan chi tiêu phải ghi chép đầy đủ, dưới sự giám sát của bà mẹ chồng, phần nào chưa hợp lý, thì tra hỏi cho bằng ra. Sống trên con tàu viễn dương, lênh đênh trên biển, lăn lóc qua nhiều xứ sở, chung đụng với nhiều hạng người, tiền cũng lắm mà tình cũng nhiều. Trên bến dưới thuyền, những nụ cười, ánh mắt lẳng lơ son phấn gọi mời, Hân đã để cho trái tim rơi vãi mọi nơi. Về nhà thấy vợ gầy yếu xanh xao anh ta chán. Trong người anh ta chỉ còn sót lại sự thô bạo được di truyền, cộng thêm với sự ghê gớm của bà mẹ, nên nhiều khi Hân coi vợ không bằng con ở trong nhà.

Mỗi lần nhận được thư của mẹ kể tội vợ, Hân điểm kỹ trong tâm, khi về thăm nhà, anh ta đem ra tra hỏi tỉ mỉ, và xử sự phũ phàng với vợ. Lần này nhận được thư mẹ viết về chuyện vợ ốm, Hân tức điên lên, những muốn về nhà ngay lúc này, nhưng rồi phải hai tháng sau anh ta mới có dịp về. Máu ghen tuông, suy bụng ta ra bụng người, Hân hùng hùng hổ hổ bắt vợ quỳ xuống nền nhà, chiếc roi để một bên, tra hỏi vợ:

- Tại sao mày ốm?... Mày nạo thai với nó phải không?... - Không để cho Lan có thời gian trả lời, Hân nghiến răng vung roi quật vợ túi bụi, vừa đánh vừa nói - Chúng mày ở với nhau mọi nơi, mọi chỗ chưa chán, còn dám đưa nhau về nhà trêu ngươi mẹ tao à? Mẹ tao đã kể với tao hết rồi. Mày đừng hòng mà che mắt được tao nhá.

Bà mẹ dưới bếp đi lên, đứng trước cửa chống nạnh một tay, một tay chỉ vào Lan nói:

- Con hỏi xem, cô ta có muốn đi với cái nhà anh ấy, thì để cho cô ta đi luôn đi.

Lan chỉ còn biết ôm mặt kêu lên:

- Oan cho con quá, con đâu phải là người như vậy.

- Sự thật ràng ràng ra đấy. - Bà mẹ nói - Thôi đừng có gái đĩ già mồm nữa, cô ạ! Rồi bà ta tiếp tục đay nghiến, nhiếc móc Lan bằng những lời lẽ chua cay.

- Mày còn cãi à? - Hân nghiến răng. Chiếc roi lại rung lên, quất xuống túi bụi vào người Lan. Đau đớn, uất ức, nhưng Lan không đủ can đảm chống lại cái cay nghiệt xung quanh mình. Vì các con, hai đứa một trai một gái, xinh đẹp ngoan ngoãn và đứa nào cũng học giỏi, và vì bố mẹ ở kề một bên, Lan không thể để cho mọi người đau khổ vì cô được. Cho nên ngày nọ nối ngày kia, Lan vẫn phải chịu cái đời khổ ải của mình. Năm tháng hờ hững trôi qua…

* * *

Thế rồi xuân hạ thu đông, theo nhau lần lượt trôi qua, hết năm này đến năm khác tan dần trong biển cả mênh mông… Chớp mắt đã qua cái thời gian công tác, Hân đành ôm luyến tiếc trong lòng trở về quê nhà ở với vợ con, nhưng người ở một nơi, tâm tư hắn hướng về một nơi, đợi chờ, mong ngóng một sự thay đổi. Một buổi sáng Hân nhận được một cú điện thoại: “Anh ra ga đón em, anh yêu!” - Lòng Hân như được cởi ra, hắn tất tưởi lên xe máy đi.

Buổi sáng hôm ấy, Lan như chết nửa con người, là ngày chủ nhật nhưng các con đi học thêm cả, không biết tránh đi đâu, cô đành đứng lặng ở dưới bếp. Trên nhà bà mẹ ríu rít chào hỏi, chuyện trò với khách. Nhìn quanh không có người rót nước mời khách, Hân đi xuống bếp bảo vợ:

- Cô không lên tiếp đón người ta à?

- Cô ta là ai, tại sao tôi phải tiếp?

- A, cô dám hỏi tôi như vậy à? Cô không làm theo ý tôi thì liệu hồn đấy.

Bà mẹ trên nhà chạy xuống chỉ vào Lan, nói:

- Trai năm thê, bẩy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng. Đời tôi cũng vậy đấy cô ạ.

 Cực chẳng đã, Lan vùng lên nói:

- Các người ép tôi quá lắm, tôi sẽ đi khỏi cái nhà này.

- Mày đi đến đâu tao cũng tìm được, không thoát được tay tao đâu. - Hân nói và sấn đến túm lấy Lan, đe dọa ép buộc Lan phải tuân theo, hầu hạ cơm nước cho mẹ con nhà họ.

Buổi trưa hôm ấy, bọn chúng đưa nhau vào phòng của Lan. Không còn đất dung thân, Lan đành dắt xe ra đi. Bầu trời mùa đông một màu trắng đục, từng đợt gió bấc thổi về, hàng cây ven đường run lên bần bật; lá xanh và cả lá vàng lả tả bay trong gió lạnh. Không có áo ấm, vì tất cả còn để ở trong phòng ngủ, Lan rét run từ trong ruột run ra, lòng đau đớn, rối ren biết đi đâu về đâu bây giờ?!...

Ra khỏi làng, Lan đi trên cánh đồng không một bóng người, không một âm thanh, tất cả như lịm đi vào giờ chính ngọ của một ngày đông hoang vắng… Nước mắt chảy tràn trên mặt, chốc chốc Lan đưa tay lau nước mắt để nhìn đường đi, chân đạp xe đều đều. Chiếc xe đưa Lan đi trên con đường hàng ngày đến cơ quan, ra đến thị xã rồi, nhưng cô vẫn chưa biết trú ngụ nơi nào? Không dám vào nhà các bạn đồng nghiệp, vì sợ gây phiền hà đến bạn. Lan đạp xe vượt qua thị xã, xuống con đường Mười phía nam, đi thêm một đoạn khoảng hai cây số nữa, Lan nhìn phía bên phải, thấy có một con đường nhỏ, cô rẽ vào đấy. Con đường nhỏ đưa Lan đến một làng quê, ở đầu làng có một ngôi chùa, Lan dừng chân dắt xe vào cổng.

Nhìn thấy một người phụ nữ bé nhỏ, xanh xao, đôi mắt sưng mọng nước, run rẩy trong chiếc áo mỏng, sư trụ trì ân cần đón tiếp cô. Người đốt mấy nén nhang đưa cho Lan đi thắp ở các cửa Phật, trong chùa làn khói hương ấm áp Lan tỉnh dần, cô ngồi chắp tay thành kính cầu xin đức Phật … Một lúc sau tĩnh tâm trở lại, Lan đi xuống nhà chung nói chuyện với sư thầy, sư thầy là một phụ nữ khoảng ngoài năm mươi tuổi.

- Bạch thầy. - Lan nói - Con có một chuyện muốn thưa với thầy, có được không ạ?

- Có điều gì, xin thí chủ cứ nói.

- Vâng. Bạch thầy, xin thầy đại xá cho con mang chuyện đời bụi bặm vào chốn linh thiêng, nhưng con không còn cách nào khác nữa ạ.

Lan kể sơ qua về sự việc diễn ra vừa qua của gia đình cô, và cô trình bầy với nhà sư nguyện vọng của mình. Sư thầy ngồi nghe, thi thoảng lại chau mày thương cảm! Nghe xong bà nói:

- Thí chủ xử sự như vậy là rất đúng. Đời là bể khổ, tình là dây oan. Nhưng Phật dạy: “Chữ nhẫn là trương vàng, ai mà nhẫn được mọi đàng mọi vinh.” Xin thí chủ đừng ngại, cửa Phật không hẹp gì, mời thí chủ hãy nghỉ tạm ở đây. Lan xin cảm tạ cửa Phật từ bi! Từ đó cô được nương náu chốn cửa thiền, ban ngày đi làm, tối về chùa ăn chay niệm Phật. Bạn bè, và hai đứa con qua lại liên lạc với Lan.

Buổi trưa hôm Lan ra đi, đến chiều đôi tình nhân ngủ dậy, không thấy Lan, Hân lồng lên giận dữ:

- Nó đi rồi à? Nó dám đi. Tôi sẽ đi tìm, tôi mà tìm thấy nó ở nhà nào, tôi không để cho nó và cả cái nhà ấy yên đâu.

- Tìm làm gì, để bà ta đi cho rảnh, có hơn không anh yêu! - Cô tình nhân õng ẹo nói.

- Nhưng lấy ai cơm nước cho chúng mình, hầu hạ mẹ, và hai đứa nhỏ.

- Tôi còn khoẻ mạnh lắm, chưa phải nhờ đến ai. - Bà mẹ nói - Cứ để cho cô ta đi đi, tôi cũng chán nhìn mặt cô ta lắm rồi. Bà mẹ Hân nói vậy, là vì bà nhìn thấy trên người cô tình nhân của Hân có khá nhiều đồ trang sức bằng vàng, vòng chân, vòng tay, dây truyền, khong tai, nhẫn vàng lóng lánh đầy người. Máu tham đã ngửi thấy hơi vàng! Bà muốn giữ cô ta ở lại.

- Vâng. Mẹ nói đúng đấy ạ. - Cô ta nói - Em ở đây với anh, và sẽ làm con dâu tốt của mẹ.

Bọn họ thoả thuận như vậy, họ sống những ngày vui vẻ, ngọt nhạt với nhau bằng đầu môi chóp lưỡi. Dần dần họ quên Lan. Ngày tháng tiếp tục trôi, đông qua xuân tới tiếng là cô con dâu mới về chăm mẹ, nhưng thực ra là mẹ hầu con. Ngày ba bữa cơm ngon, canh ngọt, khác với Lan, bà ta luôn ngọt ngào ca tụng cô con dâu hờ của mình.

Mùa xuân năm nay, trời mưa liên miên, những giọt mưa nhỏ nhẹ nhưng mưa dầm lâu cũng thấm đất, đường làng trơn như đổ mỡ. Một buổi sáng trời mưa, mẹ chồng Lan đi từ chợ về nhà, trên tay bà một rổ đầy những thức ăn. Đường trơn, mắt bà ta nhìn xuống đường, nhưng tâm tư bà ta lại hướng về phía cô con dâu hờ, và thỏi vàng trên người cô ta. Bà nghĩ thầm: “Người thành phố có khác, béo trắng và đẹp quá!... Chẳng bù cho cái cô này một ít, người thì vừa một tay xách nặng, trông như con mèo hen ấy…”. So sánh hai cô con dâu chán, bà lại nghĩ đến vàng: “Ngày xưa thì người đẹp về lụa, chứ bây giờ thì người đẹp về vàng. Đúng vậy, nhiều vàng quá, mà cái nào cũng đẹp. Mình đối xử thật tốt với nó, thế nào nó chẳng tặng mình một vài chỉ.” Cứ như vậy, bà triền miên suy tư về những tấm vàng trên người cô con dâu hờ, và ước ao có được nó… Bất đồ bà bị trượt chân, ngã đập đầu xuống một phiến đá, bà bị bất tỉnh nhân sự, rổ thức ăn tung toé ra đường. Người ta đưa bà vào bệnh viện, bà bị hôn mê trên giường bệnh.

Biết tin mẹ chồng ốm, Lan xin phép cơ quan nghỉ việc về chăm mẹ. Mãi tới mười ngày ở bệnh viện bà mới tỉnh lại, con cháu vui mừng đứng quanh giường bệnh gọi bà. Bà mở mắt nhìn mọi người một lượt, rồi đưa mắt tìm kiếm ở khoảng không, bà nói: “Con… dâu… của… tôi… đâu? Con… dâu… của… tôi… đâu?”. Mặc dù Lan đã ra hiệu cho con đừng nói, nhưng đứa cháu gái của bà vẫn nói: “Bà ơi, cô ta lấy trộm hết tiền và vàng của bố cháu, và cả của bà rồi. Rồi cô ấy bỏ đi mất rồi, bà ạ!” Đứa cháu dứt lời, bà rùng mình, hét lên: “Ối…giời… đất ôi…ôi ..ô..i!...”  Bà lại rơi vào tình trạng hôn mê.

N.M.N

(Nguồn: TC VNNB 269-9/2022)

Bài viết khác