Chủ nhật, 19/05/2024

Như là cơn gió ...

Thứ năm, 26/08/2021

Truyện ngắn của MAI THỊ HỒNG QUẾ

- Ngủ đi!
Bố với tay tắt cái công tắc điện phía trên đầu tôi. Sau tiếng “tách”, không gian phía trước nhà tối đen. Tôi rờ rẫm trên phím đàn, bỗng nhiên tôi muốn kiểm tra sự tinh nhạy của mười ngón tay khi chúng thoát khỏi sự kiểm soát của mắt. 
Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang…
- Thôi ngủ đi con! 3 giờ xe đến!

Tôi buông đàn! Tiếng mưa rơi đã nhỏ dần, chỉ còn tiếng tách tách của những giọt nước đọng trên mái bạt nhỏ xuống đất. Hơi ẩm làm tôi muốn hắt hơi. Lâu rồi tôi không còn bị dị ứng bởi bụi đá, tôi chỉ dị ứng với không khí ẩm. 

Ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn ngủ phía căn phòng cuối xưởng bỗng tắt phụt. Chỗ đó là phòng ở của vợ chồng anh Minh, người thợ chính trong xưởng nhà tôi. Vợ chồng anh ở lại luôn tại nhà tôi, thỉnh thoảng mới về nhà với con. Tự nhiên, tôi thấy tò mò. Tôi lặng lẽ đi về phía bóng tối vừa lan đến. Trong căn phòng tối om, tiếng rên khe khẽ của chị Nguyệt, tiếng thở hồng hộc của anh Minh rõ hơn cả trong những đoạn video tôi xem trộm trong đêm. Tôi đứng im, người cứng đơ như khúc gỗ, phía dưới bụng, cộm lên một đống. Tôi liếc nhanh về phía nhà cái Miến, đèn vẫn sáng. Đi được nửa đường, tôi quay lại. Tôi nhớ lời bố “luôn luôn phải nghĩ đến trách nhiệm”. Tôi mới mười bảy, tôi chưa thể chịu trách nhiệm về cuộc đời người khác.

Tôi đã đi một phần đời để kiếm tìm định nghĩa sự bình yên.

Thật kì lạ, sự bình yên đem đến tôi biết bao vỡ vụn. Có những vỡ vụn phải chạm tới mùa đông, tới lặng thinh trong tâm hồn mới lạo xạo phát tiếng...

Cái Miến từng bảo tôi sao mới mười bảy tuổi đầu mà đã như ông cụ, có lúc nó lại bảo tôi như một cậu nhóc, mười bảy tuổi mà chưa dám thử vị đời, thấy con gái mặc áo hở ngực mà không dám nhìn trộm. Tôi biết thừa cái Miến khiêu khích tôi nhưng tôi cứ giả vờ ngô ngọng. Tôi chả đã tường tận về thân hình nó, qua đoạn clip quay trộm của thằng Yên. Thực ra tôi cũng thích tận mắt nhìn thấy cái nốt ruồi chỗ kín của cái Miến nhưng mỗi lần mon men đến gần nhà nó, tôi lại nhớ lời bố “phải nghĩ đến trách nhiệm cho việc mình làm”. Bố sợ tôi bị con Miến đánh bẫy. Đương nhiên, tôi còn phải đi xa. Bố mẹ cho tôi ăn học không phải để quay trở về làm công việc tôi đã biết làm từ năm lên bảy tuổi.

Đàn ông lúc yếu lòng

Bóng tối của trưởng thành là những giọt nước mắt khô khan và khổ đau. Ai rồi cũng sẽ trải qua những tháng ngày như thế. Ngay cả em, người còn đang mơn mởn với cuộc sống xuân xanh.

Tôi cứ nằm dài như thế và suy nghĩ miên man trong bóng tối. Từ giấc mơ ướt đầu đời tôi đã nghĩ đến người con gái của đời mình. Cô ấy đã đến với tôi trong giấc mơ linh thiêng ấy, nhẹ nhàng lướt qua, chạm nhẹ vào vồng ngực. Tôi thấy rõ từng múi cơ trên ngực mình nổi cuộn và nơi cuối cùng nàng đặt tay, sóng ngầm cuộn lên và phun như một dòng nham thạch. Nàng đã đi, lướt đi rất nhanh, ngay khi cơ thể tôi còn chưa kịp rũ xuống. 

Anh sẽ tìm em, anh sẽ tìm em bằng được.

Tôi tò mò ngắm bàn tay của đám con gái trong lớp. Tay con Lan béo thì trùng trục như quả chuối mắn, động vào người chỉ thấy buồn cười. Tay con Hậu thì như que củi, đã thế móng tay lại đen xì, nhìn thôi đã thấy phát khiếp. 

Bao giờ anh mới gặp được em, người hẹn hò với tôi từ tiền kiếp.

“Thằng dở hơi”, thằng Yên bảo tôi thế khi phát hiện ra điều tôi giấu kín trong lòng. Cái lần nó rủ tôi đi hát tay vịn ngoài phố huyện, tôi buột miệng “tao không thể có lỗi với cô ấy được”. Nó ôm bụng cười rũ rượi sau khi căn vặn cô ấy là cô nào.

Người ta có thể giữ được mình với một mối tình thanh sạch.

- Dậy đi Trung ơi!

 Những ngọn đèn cùng lúc bật lên sáng rực từ trong nhà ra ngoài sân. Bố đứng trước cửa, lưng cong như một dấu hỏi. Từ ngày bố nhận tấm giấy có dòng chữ “nghệ nhân”, lưng bố đau nhiều hơn. Thỉnh thoảng không chịu được, bố đeo một cái đai vòng quanh lưng, bố lom khom giữa bãi đá khoảng mười phút là cái đai cũng thấm đẫm mồ hôi.

- Xe đến rồi à bố?

- Ừ, dậy được không?

Dĩ nhiên là tôi dậy được. Khi bố làm việc, tôi sẽ vô cùng tỉnh táo. Tôi muốn đỡ đần bố, dù tôi không thích công việc này một tí nào.

Anh Minh chạy ra từ trong căn phòng cuối bãi đá, ghé vào buộc cẩu. Trên người anh có mùi ngai ngái. Tôi hít sâu. Xộc vào mũi một thứ mùi khăn khẳn lạ lẫm. Tôi nôn khan. Anh Minh đẩy tôi ra “vào bếp kiếm cái gì ăn đi”.

* * *

- Nhanh lên Trung ơi!

Thằng Dũng lao vù xe vào bãi rồi co cẳng chạy. Tôi định bước đi thì nhìn thấy cái xe của nó nằm chướng mắt quá liền dựng lên, xếp ngay ngắn theo hàng của lớp. Tí nữa cái Oanh đi giao xe, thế nào cũng ghi tên lại mà phạt thằng Dũng. Thằng Dũng sợ bị phạt nhưng cứ tránh lỗi nọ thì mắc lỗi kia. Tôi thì toàn kiếm cớ để bị phạt. Tôi thích nhìn cô chủ nhiệm lộ vẻ bất lực với mình.

- Ối! Em xin lỗi!

Một con bé chạy qua va mạnh vào tôi. Mấy thứ đồ nó cầm trên tay lăn lông lốc dưới đất. Nó cúi nhặt vội mấy thứ trống phách con con, chân váy đen lòe xòe trên đất. Ăn mặc kiểu quái gì không biết. Tôi chưa kịp hỏi, con bé đã chạy vụt đi, như một con sóc.

- Mày ra chào cờ đi, cho tao ở trông lớp, nay tao đau bụng.

Con Trinh năn nỉ tôi. Tôi là đứa thường xuyên ở lại lớp những giờ hoạt động ngoài trời. Tôi bị phạt trực nhật triền miên trong năm học.

- Trả công tao cái gì?

Con Trinh nhăn nhó ôm bụng còn cố cười:

- Nay tao hết tiền ăn bánh mì rồi. Mày đòi trả công thì tao cho mày sờ ngực một cái này.

- Bố tiên sư, xôi của mày một nghìn xôi ba nghìn lá, ông chả thèm!

- Thằng mất dạy! Mày nhòm trộm tao rồi à? Tao kiện!

Nó cười hi hí rồi lại gục đầu xuống bàn. Đám con gái kể cũng khổ, mỗi tháng một lần như thế cũng chả bõ “là con gái thật tuyệt!”.

- Xin trân trọng giới thiệu sự ra mắt của Câu lạc bộ hát xẩm trường ta!

Tiếng cô chủ nhiệm vang lên trên sân khấu. Lúc đứng làm MC, cô duyên dáng thế mà lúc quắc mắt với tôi, chả khác gì bà chằn.

Tiếng trống, tiếng phách, tiếng nhị vang lên. Một nhóm đen đen nâu nâu ngồi trên manh chiếu trải giữa sân khấu. Cái gì nữa đây, thời nào rồi mà còn ỉ eo, kẽo kẹt.

“Dứa dại không gai/ Chúng anh nghĩ rằng cây dứa dại không gai/ Ai ngờ thì gai dứa lại dài hơn chông/ Em dối anh, em chửa có chồng.”

Tiếng con gái lanh lảnh, từng tiếng một rơi xuống cùng tiếng phách. Hát cái gì ngộ vậy ta.

“Nói dối anh em chửa có chồng/ Hỏi con đâu có cô mình bế mình bồng trên tay/ Hỏi cái gì nó lù lù trước ngực cô nàng may/ Oản tẻ hay cặp bánh dày/ Vừa trắng vừa xinh/ Nhắc thì coi qua, em nom thấy nó hữu tình”.

Tôi phì cười, len lên chỗ đầu hàng gần sân khấu. Tôi nhận ra đứa đang lanh lảnh hát những ca từ rất buồn cười kia là đứa va vào tôi lúc sáng. Trông bé con con mà hát như bà mợ.

- Này, mày biết em kia không?

Thằng Đạt kéo tôi xuống thì thầm. Chúng nó vẫn truyền nhau rằng cần biết thông tin gì về đám con gái trong trường thì cứ hỏi tôi. 

- Tao không biết. Chắc nó mới vào trường.

- Nghe nói nó là cháu của nghệ nhân hát xẩm đấy. Cha truyền con nối.

- Thế à?

Tôi ngồi thụp xuống. Như có một luồng điện chạy qua người, tôi thấy tay chân run rẩy. Lần nào cũng thế, nhắc đến cha truyền con nối là tôi lại giật mình. Nhận chiếc đục từ tay ông nội, bố gác lại hết đàn, sáo, bắt đầu công việc mà ông nội, cụ kị đã làm ngày trước. Tôi ra đời, cả nhà mừng vui vì đã có thằng con giai để truyền nghề.

Mà tôi thì không thích cái nghề gia truyền này. Tôi bị ám ảnh bởi những tấm lưng cong ướt sũng mồ hôi vần những tảng đá hộc giữa cái sân chang chang nắng.

- Xin giới thiệu với các thầy cô và các em: thành viên của câu lạc bộ hát xẩm, em Hà My.

Con bé đen nâu đứng lên giữa sân khấu, cúi chào. Quê kệch không phải gu của tôi, tôi thích những cô gái cá tính và hiện đại. Những cô gái ấy luôn kích thích sự tò mò khám phá ở những thằng giai mới lớn như tôi. Tất nhiên, cũng có lần thất vọng tràn trề.

Tôi lủi vào lớp. Con Trinh đang say sưa đọc một cuốn truyện tranh mà nhìn lướt qua tôi cũng biết là gì. Nó giật mình dúi cuốn truyện vào ngăn bàn, mắt liếc tôi. Tôi vờ như không hiểu ánh mắt của nó, gục đầu xuống bàn ngủ vùi.

“Nói dối anh em chửa có chồng/ Hỏi con đâu cái cô mình bế mình bồng trên tay”.

Vợ tôi cứ dúi đứa con bé tí bắt tôi bế. Tôi nhìn đồng hồ, chỉ còn mười phút nữa là vào lớp. Thằng bé con toe toét miệng cười, tôi đặt nó xuống giường thì nó khóc ngặt khóc nghẽo.

“Vợ đâu rồi, có nhanh tay lên cho chồng đi học không? Muộn rồi!”.

Tôi choàng tỉnh, mồ hôi vã ra trên trán, chảy ướt cả mặt bàn. Trời ạ, hú hồn, là một giấc mơ. Mà mơ quái quỷ gì không biết, tôi vẫn đang cảm thấy cái cảm giác nặng trĩu trên tay vì một thằng cu bụ bẫm. Nó đã cười với tôi y như thật. Còn mẹ nó nữa, tức là vợ tôi ấy. Tôi không tưởng tượng lại được khuôn mặt, nhưng tôi nhớ, chết rồi, tôi nhớ cái người đó hát mấy câu ngộ ngộ. Những câu hát con bé hát xẩm vừa hát trên sân khấu.

Thật may cô chủ nhiệm đã vào lớp, nếu không tôi sẽ khóc vì hoảng sợ mất. Tôi đã từng mơ những giấc mơ ân ái cùng đứa này đứa khác nhưng có một đứa con trai thì thật là kinh khủng. Tôi mới mười bảy tuổi thôi mà.

- Các em, hôm nay có cảm tưởng gì khi nghe các bạn kéo nhị, đánh trống, hát xẩm?

Ôi giời ơi, chết tôi rồi. Cô chủ nhiệm đang hưng phấn vì xẩm, có nghĩa là tiết sinh hoạt đầu tuần này, chúng tôi sẽ ngộ độc vì xẩm.

- Trung nào, cho cô biết cảm nghĩ của em!

Trời đất quỷ thần ơi, sao lại là tôi cơ chứ. Tôi còn chưa hoàn hồn vì giấc mơ ban nãy.

- Dạ, thưa cô. Em thấy xẩm là một di sản cần được bảo tồn ạ. Các bạn hát rất hay.

Mấy thằng mặt giặc ngồi xung quanh ré lên cười. Thằng Dũng quay xuống nhìn tôi rồi hớt:

- Cô biết không, mới sớm ngày ra, bạn Trung đã va vào cô đào xinh đẹp rồi.

- Sao lại là đào? - Cô chủ nhiệm cau mặt - Người hát xẩm không được gọi là đào. Không phải đào hát.

- Đúng vậy - tôi muốn lái câu chuyện của thằng Dũng đi - đào hát thì phải xinh đẹp, hấp dẫn. Người hát xẩm trông quê kệch, lam lũ quá đi!

Đám mặt giặc lại cười ré lên. Cô chủ nhiệm lườm tôi rồi bốc một thằng đang ngoác miệng cười. Câu chuyện định hướng của cô thoáng chốc đã chuyển hướng thành những tranh luận đả phá. Thằng Đạt huýt sáo rõ to theo điệu của bài hát Photograph.

- Chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi về vấn đề này trong giờ sinh hoạt tuần tới. Cô giao cho mỗi nhóm một nhiệm vụ tìm hiểu về xẩm để thuyết trình. Và tất nhiên, chúng ta sẽ được thưởng thức một số làn điệu xẩm từ các bạn trong câu lạc bộ.

Cô chủ nhiệm kết luận và kết thúc buổi sinh hoạt bằng một nụ cười rất tươi. Cô có khả năng lắng nghe tuyệt vời, chưa bao giờ nổi cáu trước những quan điểm trái chiều. Và lần nào chúng tôi cũng mắc bẫy của cô vì những điều chúng tôi tự giương lên.

- Chết mày chưa Trung ơi - thằng Dũng gào lên -  thế nào mày cũng được hát cùng em đào xẩm.

Oe, oe, oe … tiếng khóc của đứa trẻ con như đang thoát ra từ miệng thằng Dũng. Chết tiệt.

* * *

Ai từng nói cô đơn là chọn lựa, rõ ràng là nói dối. Bởi có ai trên đời này mà không sợ cô đơn. Ngay cả những gã trai can đảm nhất. 

Chỉ là con đường phía trước đau thương đang vẫy chào nên đành ngậm ngùi quay đầu chọn một lối không ai.

Tôi cầm đàn, dạo lên vu vơ những điều vừa chợt đến. Bố mẹ đi ăn cỗ bên ngoại chưa về, anh chị Minh đã tắt đèn đi ngủ sớm. Nửa đêm, có chuyến hàng đi nên giờ này chắc anh Minh không trót dại nữa. Có lần tôi nghe mẹ nhắc chuyện anh chị, ý là phải kín đáo một chút, thằng Trung đang tuổi lớn. Tôi thấy chị Nguyệt mặt đỏ bừng, mấy ngày sau có ý tránh tôi. Tôi phải vờ như không để ý.

Tôi mười bảy tuổi rồi, tôi đã biết thế nào là cô đơn.

Tôi bông đùa với đám con gái trong lớp, thỉnh thoảng tôi cho cái Miến mát xa khắp cơ thể. Nhưng tôi chỉ nhớ em thôi, người con gái xa lạ đã đến cùng tôi trong giấc mơ báo hiệu sự trưởng thành.

Em ở đâu, người con gái nhỏ bé của tôi

Sao không trở về xoa dịu nỗi cô đơn trong lòng tôi

Hãy nhắn cho tôi biết, bằng cách nào đó, tôi sẽ tìm em ở đâu…

Trong những đêm cô quạnh, tôi tìm giấc ngủ bằng cách tự đưa mình vào khoái lạc. Nhưng khi cơ thể run rẩy trong nỗi thống khoái cô độc thì tôi cũng gục khóc vào gối. Tôi nhớ quay quắt bàn tay đã lướt đi trên ngực, trên bụng mình với cảm giác của hạnh phúc tuôn trào.

- Trung, chưa ngủ à con?

Bố mẹ về lúc nào mà tôi không biết. Trong bóng tối, tôi đã lan man những giai điệu không chủ định. Mẹ đã nhận ra điều bí mật:

- Suy nghĩ gì đấy, con trai? 

- Mẹ, bố không có phản ứng gì khi phải từ bỏ đoàn chèo à?

Mẹ ngước nhìn cây đàn nguyệt treo trên vách, thở dài. Hẳn đã từng những chịu đựng, những ghen tuông, những hờn dỗi trong suốt những năm tháng bố đeo đuổi vai trò nhạc công đoàn chèo.

- Không bỏ đoàn về thì giờ chết đói!

Bố ngồi xuống bên cạnh. Bố rít một hơi thuốc lào dài rồi phả khói vào mẹ. Tôi nhăn mặt vì cái sự đùa cợt không ra sao của bố, nhưng mẹ chỉ né đi một tí. 

Bố cầm cây ghi ta từ tay tôi, bật tưng lên vài giai điệu. 

Mưa buồn mãi rơi trên biển xưa âm thầm

Ôi biển vắng đêm nao tình trao êm đềm…

Tiếng ghi ta của bố hòa theo rất nhanh giọng hát của mẹ. Giọng mẹ trầm buồn, tiếng đàn của bố thì phiêu du, tài tử. Tôi cố gắng tưởng tượng hình ảnh của họ hai mươi năm trước mà không thể xóa đi được hai vóc dáng lam lũ đang hiện ra trước mặt. Nếu ở hoàn cảnh khác, có lẽ họ sẽ là một đôi như Lê Uyên Phương ấy chứ, nhưng như thế chắc tôi cũng chả có mặt trên đời.

- Thôi, ngủ.

Bố buông đàn và đứng lên rất nhanh. Bố là nhạc công chắc không bị thoái hóa đốt sống lưng như bây giờ. Mẹ đi hát phòng trà thì sẽ mặc váy dài hở ngực, mặt đầy son phấn ấy nhỉ. Không biết họ mất bao nhiêu lâu để thôi tiếc nuối.

* * *

- Vào đây, các cháu!

Người phụ trách chiếu xẩm là một người phụ nữ trung niên, có chiều cao cực kì khiêm tốn. Thế mà cô ấy lại bước đi rất nhanh, vừa dẫn đường vừa ngoái lại cười cười nói nói:

- Các cháu học sinh mà biết quan tâm đến nghệ thuật hát xẩm, quý quá!

- Chẳng qua cô giáo cháu bắt thôi ạ - tôi nén câu trả lời. Kì thực tôi không thích cách người ta đối xử với cái gọi là cổ truyền bây giờ. Yêu quý, trân trọng chỉ là một phần, còn hầu như là làm cho có phong trào và tìm kiếm cơ hội vật chất hay tiếng tăm trong đó. Giống như đứa em họ tôi, thỉnh thoảng lại tìm cách tiếp cận bố tôi để xin ké chân “nghệ nhân” mà làm ăn chứ thực sự chẳng phân biệt nổi các loại đá.

- Ối, em xin lỗi!

Lại là con bé hôm nọ. Lại như ma đuổi trên chiếc xe đạp điện. Nó lao đến, dựng xe trước cửa nhà, tíu tít bám lấy tay người phụ trách chiếu xẩm chuyện trò như không hề biết đến sự hiện diện của chúng tôi.

- Hà My, chúng ta có khách đấy!

- Các anh ấy học cùng trường cháu mà bác. Cô giáo các anh ấy bắt đi tìm hiểu về hát xẩm đấy bác.

Con bé nhìn chúng tôi, ánh mắt tinh quái. Tôi chống chế:

- Không phải đâu bác. Hôm Câu lạc bộ ra mắt, cháu xem các em ấy hát từ đầu đến cuối “Nói dối anh em chửa có chồng. Hỏi con đâu các cô mình bế mình bồng trên tay…”

Câu hát ám ảnh bật ra, nhưng là theo cách của một rapper. Con bé rũ rượi cười trong khi bà bác khiêm tốn chiều cao thì tròn xoe con mắt.

- Thôi chết, cháu quen miệng nói nhảm. Bác, bác cho cháu hỏi một số vấn đề được không ạ.

* * *

Lại một đêm nữa bố mẹ vắng nhà. 

Cơ sở mới cần sự có mặt của cả ông bà chủ. Và tôi trở thành cậu chủ cai quản cơ ngơi ở nhà. Chị Nguyệt nấu cơm cho tôi nhưng tôi không thích ngồi ăn cùng anh chị, trong căn phòng hẹp, giường ngủ kê sát bàn ăn. Cái Miến nhắn rủ tôi đi ăn bún đậu ngoài phố nhưng tôi không muốn bố mẹ bận tâm trong khi phải giải quyết một việc quan trọng hơn. Tôi bảo chị Nguyệt cho tất cả mọi thứ đồ ăn vào bát tô và nằm trên ghế lười biếng vừa ăn vừa nhìn ra khoảng trời trắng đục sau nhà. Lâu rồi tôi không nhìn thấy khoảng trời ấy có màu xanh ngăn ngắt. Nó đã biến mất khi các xưởng đá mọc lên ngày càng nhiều.

Rồi đến đời con tôi, chỗ kia sẽ như thế nào.

Tôi lại nhớ đến gương mặt tươi rói của thằng bé xuất hiện trong giấc mơ của tôi hôm trước. Không sợ hãi, mà ngược lại, một cảm giác thật êm ái.

Không, tôi chưa từng cầm tay con gái, chưa từng làm chuyện đó với bất cứ người con gái nào, ngay cả trong những lúc vật vã bản năng. Ngoại trừ em, người con gái bí ẩn.

- Trung, ngủ sớm thế?

Cái Miến nói ngay trên đầu. Khiếp, in như một con mèo!

- Ơ, Miến tuổi mèo mà lại. Tuổi mèo, cung Bọ Cạp nhé.     

Nó cười khanh khách rồi cúi xuống nhét vào miệng tôi một miếng táo. Nó mặc cái áo cổ rõ rộng.

- Bà cứ mặc thông thống thế này á? Thảo nào mấy ông trong làng thích ra gội đầu thế.

- Cùng lắm là như đàn ông cởi trần thôi mà, có sao đâu - nó nguýt dài - còn vớ vẩn á, còn lâu! Miến đây làm nghề cắt tóc gội đầu chứ không làm điếm nhé!

Nó cười ré lên, rồi chợt im bặt. Chị Nguyệt ngó đầu vào:

- Đóng cửa đi ngủ thôi Trung, đêm dậy bốc hàng xúm với anh. 

Thấy chị Nguyệt đuổi khéo, cái Miến ngúng nguẩy ra về. Nó mà cứ ngồi đây tí nữa có khi tôi ngủ mất. Tôi không thích tỉnh dậy lại có nó bên cạnh. Tôi chưa sẵn sàng cho việc này, mà nếu có tưởng tượng đến cũng không bao giờ là nó. Thú thực tôi sợ cái mùi mồ hôi ngậy ngậy toát ra từ dưới lớp áo mỏng tang kia.

Có một chiều, em cố ngoái về phía sau tìm kiếm một điều gì đó tinh khôi nhất còn sót lại, nhưng lại chỉ thấy những ước mơ của mình rụng rơi đổ lấm tấm trên ngõ vắng kéo dài mãi đến tận rìa của hoàng hôn. 

Bàn tay đang gõ nhịp vào không khí theo một giai điệu vừa nảy ra trong đầu bỗng nhiên khựng lại. Tôi cảm thấy rất rõ một bàn tay rất mềm mại vừa đặt lên tay tôi. Trong khoảnh khắc, hai lòng bàn tay chạm vào nhau, hơi ấm truyền vào hơi ấm, các ngón tay đan cài, bện chặt trong một mối giao cảm mãnh liệt. Cả người tôi tê dại, năng lượng bị hút dồn về phía đôi bàn tay tưởng tượng. Tôi nhắm mắt, thả lỏng người buông mình vào một giấc diệu huyền.

* * *

- Bây giờ anh làm thử đi!

Con bé chuyển chiếc trống con sang phía tôi. Đơn giản, đánh trống theo nhịp thì tôi làm tốt. Thấy tôi có vẻ vênh váo, nó lùa tiếp cái phách tre sang: 

- Đây, bây giờ anh tập cùng lúc, tay đánh trống, chân gõ phách nhé!

Quả này thì là chơi khó nhau rồi. Tôi không thể cử động nhịp nhàng cùng lúc cả chân và tay. Tôi bắt đầu cảm thấy hai tai nóng bừng.

- Hi, em đùa anh thôi. Cái này em phải tập cả năm trời đấy.

Nó cầm lại phách và trống, chân gõ nhịp phách ròn rã, tay đều đặn cắc cắc tùng tùng.

“Dứa dại không gai/ Chúng anh nghĩ rằng: cây dứa dại không gai/ Ai ngờ thì gai dứa lại dài hơn chông”.

Tiếng hát nó bật lên lanh lảnh. Tôi chưa kịp định thần thì giật bắn mình nhận ra trong đôi mắt cười cười của con bé ánh mắt của thằng bé con. “Nói dối anh em chửa có chồng. Hỏi con đâu cái cô mình bế mình bồng trên tay.”

Tôi ôm đầu định tháo chạy. Tôi không học xẩm nữa, tôi mặc kệ cô giáo, mặc kệ cái buổi sinh hoạt lớp chết tiệt. 

- Anh Trung ơi! Anh bị làm sao vậy?

Một bàn tay đặt lên vai tôi lay lay. Rồi lướt đi trên cánh tay tôi đang ôm đầu. Cha mẹ ơi, từng cái lông tơ trên người tôi dựng đứng lên. Bàn tay ấy, là bàn tay ấy…

* * *

            Nắng trong kéo bầu trời vào gần những vạt áo trắng, kéo ước mơ lại gần vào lòng tay để rồi vỡ ra giữa cơn mưa trời hạ.

Đêm nay trời lại mưa. Bột đá trôi từ trên mái nhà, mái lán xuống thành dòng trắng như sữa. Dưới sân, từng đám bụi bị lèn chặt dưới sức nặng của đá tảng, của bước chân đi lại đang tan rã từng mảng. Rồi chúng sẽ đọng lại dưới cái ao cạn kia. Cái ao nuôi cá cho hợp tác xã ngày trước, sau mươi năm đã thành một bãi đất trống lơ thơ vài cây cỏ dại.

- Mưa kiểu này rồi lại kéo dài hết ngày mai. Lại nhỡ việc.

Bố rít một hơi thuốc lào sòng sọc rồi phả khói trắng xóa cả một góc. Trông bố khắc khổ đặc một ông già nhà quê lam lũ. 

- Bố định làm nghề này đến bao giờ ạ? - Tôi buột miệng hỏi.

- Đến bao giờ không làm được nữa thì thôi. Hoặc đến khi anh tiếp quản.

Bố buông mình xuống chiếu một cách nặng nề. Hôm nay trở trời, chắc cái lưng của bố lại đau. Những đau đớn này, tôi thực sự không muốn tiếp nối sang thế hệ mình. Làng tôi, nhiều người bị đau lưng giống bố, nhiều người bị u phổi. Những bức tượng đá oai nghiêm, những ngôi mộ chờ úp sẵn lên một chỗ nào đó ở nghĩa trang lần lượt biến thành tiền thuốc, thành hóa chất và một ngày người chủ đó ra đi. Gia đình, họ hàng lại úp lên trên chỗ họ nằm một cái hộp nặng trịch. 

Có khi lại đẽo gọt mộ cho chính mình.

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi/ Ôi cát bụi phận này/ Vết mực nào xóa bỏ không hay”.

- Bố, chắc là con không theo nghề của gia đình đâu ạ.

Tôi nói đến lần thứ ba bố mới nhổm người lên, mặt nhăn lại, chắc vừa vì đau vừa vì bực tức với tôi. Nhưng chẳng phải bố cũng đi làm nhạc công chán rồi mới về nối nghiệp ông nội đấy thôi. Nhưng mà thế hệ của bố thế chứ trong làng, những đứa cùng lứa với tôi, đứa nào cũng muốn thoát cái nghề nhìn thôi cũng thấy nặng. 

- Hay bố bàn giao cho anh Lâm đi. Anh ấy chẳng tiếp cận bố mãi còn gì.

- Nó thì biết gì về đá mà bàn giao. Chưa làm đã nghĩ đến lừa đảo, bịp bợm thì chẳng mấy chốc mà đóng cửa. 

* * *

Tiết sinh hoạt diễn ra suôn sẻ. Cô chủ nhiệm hài lòng về chúng tôi ra mặt, “đặc biệt là Trung, có một tuần mà đã đánh trống và gõ phách rất chuẩn”. Thằng Đạt có ý gần Hà My liền bị tôi ne nẹt “không phải chỗ để đùa cợt”. Tôi hẹn Hà My sẽ đến học cùng các bạn của câu lạc bộ.

Bố tôi gọi điện về từ cơ sở hai, bảo tôi chuyển tiền nhanh cho bố. Anh Minh phải nhập viện cấp cứu vì bị đá đè trong lúc lắp ráp ngôi tháp cuối cùng trong vườn chùa. Chị Nguyệt cuống quýt bắt xe lên cùng chồng. Còn lại mình tôi trong ngôi nhà thênh thang, phía trước là bãi đá im lìm. Tôi mở điện thoại định nói chuyện với ai đó cho đỡ buồn thì nhìn thấy tin nhắn của bố: “Bố đồng ý với quyết định của con”.

 

Chú thích: Một số câu in nghiêng trích từ ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tản văn của nhà văn Nguyễn Minh Tiến.

13/6/2021

(Nguồn: TC VNNB 254-8/2021)

 

Bài viết khác