Chủ nhật, 19/05/2024

Núi lở

Thứ năm, 12/05/2022

Truyện ngắn của MAI THỊ HỒNG QUẾ

Giữa tháng sáu mà trời mù mịt như có sương. Không khí khét lẹt khiến Lâm vừa mở tung cửa sổ ra đã phải đóng vội vàng. Nhưng hắn sững lại, đẩy cửa sổ lần nữa,  khoảng không ngoài khung cửa trống trải kì lạ. Đỉnh núi Song đã bị phạt đứt, trơ ra một mảng màu nham nhở.

Lâm lao ra ngõ, hấp tấp mở cánh cổng tre rồi phi lên đường. Con đường bê tông mới làm, cao hơn nền nhà hắn nhưng từ trên đường có thể nhìn xa hơn ra dãy núi Song. Con cá Song đang giãy giụa cái vây loang lổ máu trên cánh đồng lúa đã uôm uôm.

- Hú! Hú!

Lâm hoảng hốt, đôi mắt bỗng nhiên trở nên ngây dại. Hắn vật ra giữa đường, tay chân giật đùng đùng.

- Cứu! Cứu! Cứu!

Trong một lúc, người ta nghe thấy tiếng kêu cứu của cả Lâm và vợ hắn. Vợ hắn trong lúc không gọi được thằng con dậy đã ghé vào bát tô tè một bát nước giải đầy. Thị túm một củ gừng bên chái nhà, rửa qua quýt rồi cho vào mồm nhai sồn sột. Khi cái bã gừng nhai dập cùng với nước tiểu vàng khè quệt ngang dọc trên gan bàn chân của Lâm chừng dăm phút thì hắn mở mắt. Tròng mắt đã đảo khẽ nhưng miệng hắn vẫn chưa thôi lẩm bẩm “cứu, cứu”... Lâm mở được mắt ra, hơi thở đều dần thì mọi người mới chạy đến. Vợ hắn túm lấy tay lão Hải tóc xoăn, ra hiệu cho lão cùng khiêng chồng vào nhà. Còn hắn thì một tay chộp vội tay kia của lão hàng xóm, một tay huơ huơ về phía núi Song. Lão Hải trợn ngược mắt, đặt đầu của thằng bạn chí cốt xuống đất, vươn hai cánh tay về phía trước, miệng méo xệch:
- Trời ơi! Quân đốn mạt!

Theo tay lão chỉ, mọi người đổ xô mắt về phía núi Song. Đỉnh núi thứ ba đã bị phạt đứt và chẻ toác thành hai. Núi Song ba đỉnh giờ thành bốn ngọn cộc lốc và nham nhở.
- Vậy là đêm qua, lúc giông gió sấm chớp ầm ầm! Quân khốn kiếp!

Lão Hải gầm lên mà giọng uất nghẹn. Chợt nhớ ra thằng bạn còn đang nằm trên đất, lão vội đỡ bạn dậy, cúi lưng xuống cho bạn bám vào cổ mình rồi cõng bạn vào. Chân thằng bạn dài thượt, quét lê phía sau, vẫn in như cái thủa còn là hai thằng cò đen nhẻm, thả bò ăn cỏ dưới chân núi phía Đông.

* * *

Trường bắn núi Song ở mé phía tây của dãy núi. Thời trường bắn còn hoạt động, thỉnh thoảng bên mé đông, người làng vẫn nghe thấy tiếng súng ùng oàng. Mỗi lần như thế, người ta lại thấy ông từ đền Thượng tất tả xách làn đồ lễ lên đền, rạp đầu khấn vái. Ông bảo phải khấn cho vong hồn vừa lìa khỏi xác được thánh thần vuốt ve che chở mà tìm được đường thoát khỏi bến Mê.

A di đà Phật

A di đà Phật

Kính lạy sơn thần thổ địa núi Song…

Đám trẻ chăn trâu bỏ ông từ lại một mình giữa sân đền, một khoảng trống chon von trên sườn núi, hăm hở trèo lên đỉnh. Dốc núi thẳng đứng, lại mọc rất nhiều cây mắt mèo, động vào là gai cào tướp máu, thế mà chẳng biết bằng cách nào đám trẻ quần đùi áo cộc cũng leo lên được. Đứng từ trên đỉnh núi chon von nhìn xuống đám đất trống phía dưới chỉ thấy một đám đông lố nhố nhỏ xíu. Những chiếc xe màu xanh bộ đội nhỏ như chiếc xe đồ chơi. Một lát đám đông đó rút đi, bãi đất trống lại vắng tanh vắng ngắt. Chỗ ngôi mộ vừa đắp, đất mới cũng được phủ kín bằng những mảng cỏ vừa xắn về từ một khoảng đất gần kề.

- Tao muốn xem tận mắt cảnh xử bắn - Lâm thì thầm bên vai Hải. Nó được xem xử bắn mấy lần, nhưng cũng chỉ là sau khi tử tù đã nằm im trong lòng đất.

- Mày điên à - Hải nhăn nhó - Bắn người chết tươi đấy. Sợ lắm!

Thằng Lâm bĩu môi, xì thằng bạn nhát như cáy.

- Nhưng người chết là tội phạm, là đáng chết, nghe chưa!

Thằng Hải đuối lí, bao giờ nó cũng đuối lí trước thằng bạn cao lớn, thông minh. Nhưng mà, tội phạm cũng là người, chết cũng đau như nhau mà.

- Đòm phát, chết luôn! Làm gì kịp biết đau nữa!

- Vậy trước khi bị bắn, nhìn những mũi súng chĩa vào mình mà không sợ à?

Cuộc tranh cãi còn chưa dừng lại thì chiếc khánh đá dưới đền vang lên tiếng coong coong trong như ngọc. Ông từ đánh chuông tạ các bậc thánh thần, cũng là làm ám hiệu gọi đám trẻ trên núi xuống. Bóng tối sẽ sập xuống rất nhanh.

- Ông ơi, ông đã bao giờ sang trường bắn chưa? - đám trẻ líu ríu đi trước, ông từ đi sau cùng. Lối mòn quanh co, những bậc đá tự nhiên mà dễ đi như xây từ đá xẻ.

- Ông chưa… à mà rồi, dạo trước ông ở trong nhóm đào mộ chôn tử tù đấy.

Đám trẻ hú lên. Chúng đứng sững lại giữa đường, đổ dồn mắt vào ông từ hiền lành. Chúng chăm chăm nhìn đôi bàn tay vừa ân cần phát lộc.

- Thật á ông? Ông từng nhìn thấy người ta bắn tử tù à? Tự tay ông chôn tử tù á?

Ông từ trở nên bối rối. Ông không thể kể với đám trẻ những chuyện kinh khủng đó được. Ông đã giấu kín tâm tư vào tiếng chuông mỗi ngày rằm, mồng một. Khói nhang u uẩn mang những lời thỉnh cầu của ông tới thánh thần, để cứu vớt những linh hồn lầm lạc, cứu rỗi cho cả chính ông nữa.

Đám trẻ líu ríu dắt tay nhau xuống núi. Trông chừng chúng đã đi ra đến đầu cống đại rồi, ông từ mới lặng lẽ ngồi xuống bậc đá cuối cùng. Bóng tối đã lan đến tận gốc cây gạo cổ thụ. Từng chùm bông gạo trắng phơ phất bay luẩn quẩn một lúc rồi chờ gió, bốc thẳng lên bầu không.

* * *

“Ông ơi, cứu cháu!”

“Ông ơi, cứu cháu!”

Tiếng kêu cứu rất nhỏ từ đâu đó vẳng tới. Tiếng kêu xuyên qua đêm tối len trong giấc mơ của Điền, khiến ông không thể nào ngủ được. Tỉnh dậy đi quanh nhà thì không thấy một bóng người, nhưng cứ nhắm mắt, lại thấy ong ong tiếng nói thì thầm, như vọng từ trong lòng đất. Giọng rất nhỏ nhưng là giọng của một cậu con trai còn trẻ.

 Sáng tinh mơ, Điền lao đến khu vực trường bắn. Bên hàng rào sắt đã lố nhố bóng của mấy người trong cùng đội đào mộ. Ánh mắt họ nhớn nhác kinh hoàng và hình như mặt ai cũng rộc đi vì mất ngủ.

“Rõ ràng đồng tử cậu ta đã giãn hết.”

“Đúng. Người lạnh ngắt.”

“Các anh ấy cũng đã kiểm tra kĩ mạch rồi mà.”

“Chắc chắn chết hẳn rồi. Không thể…”

Họ nhìn nhau, dường như đang cố gắng tin vào điều mình vừa nói. Nhưng ánh mắt vẫn không giấu được vẻ hoang mang lo sợ.

“Có cách nào vào được trong đó không?”

“Chỉ có cách duy nhất: trèo lên đỉnh núi rồi tìm đường xuống.”

“Nhưng sườn bên này đá lở liên tục.”

Không ai dám phá rào. Họ leo lên đỉnh núi Song rồi từ đó lần đường xuống. Sườn núi phía đông thì cây mọc um tùm nhưng bên sườn tây vách đá thẳng, cây dại chỉ mọc lơ thơ. Bên này, thỉnh thoảng đá vẫn lở và lăn xuống chân núi từng tảng to như trụ bê tông làm cống đại

 Rồi năm người bọn họ cũng lần được xuống bãi đất trống được rào bằng hàng rào thép gai chắc chắn. Cả nghĩa địa có khoảng hai chục ngôi mộ, cỏ lên cao lút cả những tấm bia giống y như nhau. Ngôi mộ mới đắp chiều qua nằm khuất sau những ngôi mộ cũ. 

“Thế này là thế nào?”

Trên vồng đất khum khum mới đắp, những mảng cỏ xanh hôm qua đã được xếp tương đối cẩn thận giờ bị lật ngược phơi nguyên màu nâu non của đất mới lật lên. Tấm bia vẫn cắm chỗ cũ nhưng chổng ngược chân lên trời.

Tất cả lặng đi. Ai đó đã nhanh tay đốt lên một nắm nhang, khói bay lởn vởn xộc cả vào mắt, mũi. Điền nằm rạp người xuống, nghiêng tai lắng nghe. Trong đất, rì rầm tiếng thở của đất, của rễ cỏ, của côn trùng, tuyệt nhiên không có âm thanh kì lạ nào khác.

“Cậu ấy còn trẻ quá. Mắt sáng như sao.”

Ai đó lẩm bẩm phía trên đầu. Đôi mắt ấy đã nhìn thật bình thản vào những người trước mặt. Trông đôi mắt sáng tinh anh trên khuôn mặt thư sinh ấy không ai tưởng tượng được đến việc cậu ta đã ra tay tàn độc như thế với người mình từng yêu thương.

 Điền cố nghe một lần nữa, bỗng nhiên ngồi thẳng dậy, hoang mang nhìn đám đất bị bật ngược trở lại, bật khóc tu tu “Cậu trẻ ơi, cậu sống khôn chết thiêng, cậu đừng bắt tội chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết lo cho cậu mồ yên mả đẹp”. Nỗi lo sợ của những người còn lại chỉ chờ có thế cũng bật lên thành tiếng khóc mỗi ngày một to. Bỗng nhiên, một con quạ đen sì từ trên cành cây sát vách núi sà xuống, “qu…ạ qu..à” lên hai tiếng thật to. Không ai bảo ai, cả năm người thợ đào mộ òa lên, co cẳng chạy.

Điền bỏ công việc đào mộ từ lúc đó.

Bốn người kia cũng thế. Có người đi làm ở rất xa. Ngày làng có việc, họ vẫn gặp nhau nhưng không ai hé miệng nhắc gì đến chuyện đã xảy ra.

Đúng lúc làng cần một ông từ trông nom hương khói trên ngôi đền cổ ở lưng chừng núi. Điền xin làng làm công quả, đều đặn ngày tuần lễ bạc tâm thành. Và lâu lâu, nghe tin chuẩn bị có xử bắn, ông từ lại lên hương đèn nến, xì xụp khấn vái cả tuần liền.

* * *

 - Ông ơi, ngôi đền này có từ lâu chưa ạ?

Cái thằng cu Lâm hiếu động và hay tò mò, hay hỏi vặn ông từ. Cu Hải thì tính lành, hay cười như con gái. Trong đám trẻ, hai cu cậu này là hay lẽo đẽo đi theo ông từ, giúp ông quét dọn sân đền.

- Đền này là đền Thượng, có từ lâu lắm rồi. Đền thờ Đức Thánh Tản Viên, các cháu biết Đức Thánh Tản Viên không?

- Cháu biết thừa - Lâm nhanh nhảu - Là ông Sơn Tinh chứ gì ạ. Ông Sơn Tinh cướp được bà Mị Nương là nhờ vua Hùng ưu ái. Ông Sơn Tinh thì được thờ khắp mọi nơi còn ông Thủy Tinh thì bị ghét, chả ai thờ phụng.

- Ấy chết - ông từ vỗ vỗ nhẹ lên đầu cu Lâm - Chết, không được phạm thượng con ơi! Thánh quở!

Lâm ngồi thụp xuống, chắp hai tay lạy trước ban thờ thần núi, nhưng vẫn cố quay ra cãi ông từ hiền lành:

- Phải có cả núi cả biển chứ ông. Cô giáo cháu bảo đất nước mình rừng vàng biển bạc, không nhớ ơn thần biển thì không đúng rồi.

Hải ngồi ở góc sân đền, lúc này mới rụt rè nói:

- Có mà, dân vùng biển họ vẫn có đền thờ thần biển đấy. Họ gọi là mẹ biển cậu ạ.

- Vậy à, vậy thì lúc nào chúng mình phải đi ra biển, phải ngắm mặt biển mênh mông, sóng biển gợn lăn tăn như… tóc mày.

Hai đứa trẻ cười bò lăn ra mảnh sân nhỏ sạch không chút bụi.

- Ừ, rồi hai đứa lớn nhanh lên, lớn nhanh mà đi ra biển. Nhưng nhớ đi đâu cũng phải thay ông bảo vệ ngọn núi này, chăm sóc hương khói cho các thánh thần nghe.

- Cả những người nằm dưới kia nữa chứ ông - Hải chỉ tay xuống phía chân núi. Bãi đất trống giờ đã được gỡ bỏ hàng rào, cỏ mọc xanh um, tràn từ ngôi mả này sang ngôi mả khác.

* * *

Giấc mơ ra biển của Lâm cũng thành hiện thực. Lênh đênh trên những con tàu, đi hết biển gần đến đại dương xa tít tắp. Rồi một ngày, Hải được tin báo người bạn ấu thơ của mình gặp tai nạn trên biển, không thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ bay bổng thủa nào. Lâm về làng, phục hồi dần nhưng không còn là người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhất làng. Thỉnh thoảng trái gió trở trời, Lâm lại bị lên cơn co giật tím tái hết cả người. Hải mối lái cho Lâm cô gái làng bên, dáng người thấp đậm, hơi vụng về nhưng tốt tính. Cô gái ấy là vợ của Lâm bây giờ.

- Anh Hải ơi, bây giờ phải làm sao chứ. Người thì đã đống bệnh mà toàn đi lo chuyện bao đồng. Mỗi lần anh Lâm bị như thế này em sợ lắm.

- Được rồi, cô yên tâm, cứ từ từ rồi tôi thu xếp.

Thấy ông bạn của chồng nói thế, dù trong lòng vẫn đang ấm ức nhưng cô vợ của Lâm vẫn phải nuốt xuống. Thị đi ra chái nhà chôn lại cái gốc gừng vừa nhổ lên.

- Bây giờ làm sao được ông ơi - Lâm khẽ mở mắt thều thào.

- Thôi được rồi, ông cứ nghỉ ngơi đi đã rồi tính sau.

- Nghỉ thế nào được hả ông? Ông nhìn kia kìa, chúng nó bổ đôi cả quả núi. Cơ sự này rồi chẳng bao lâu nữa mà chúng nó hốt sạch nhẵn mọi đất đá của núi Song.

Lâm thở dài thườn thượt. Lão Hải cũng nén tiếng thở, bàn tay vầy vò mái tóc xoăn đã bạc quá nửa.

- Hôm qua con bé nhà Lộc mới đi viện về. Lại ung thư máu rồi ông ạ.

Mắt lão Hải ầng ậc nước. Lâm gồng người lên, nghiến răng ken két:

- Vậy là đứa trẻ thứ sáu rồi. Sáu đứa trẻ vô tội nhiễm độc thuốc nổ. Rồi còn bao nhiêu nữa, quân giết người!

Lâm thét lên và xồng xộc lao ra khỏi nhà. Lão Hải cuống quýt chạy theo. Khi vợ Lâm lao từ nhà sau ra thì hai gã khùng đã đang trên đường, vừa đi vừa chạy.

* * *

Núi Song từ ngày trở thành ngọn núi “đẻ ra tiền” không còn vẻ hoang vu ngày trước. Từng đoàn xe tải nườm nượp vào ra nhấn chìm ngôi làng nhỏ bé trong lớp bụi mù mịt. Dân làng còn nhìn thấy bụi bay như lốc sau mỗi tiếng gầm vang của thuốc nổ. Người ta đặt thuốc nổ phá dần từ phía bắc, sau mấy tháng đã thấy trơ ra khoảng đất trống đến mấy sào ruộng. Miệng ăn núi lở, khiếp thật, dân làng xót xa nhìn những mảng vách núi lở loét mà chẳng biết làm gì. Ông chủ tên là Nhân, còn rất trẻ, đã mua được giấy phép khai thác đá để đốt vôi và cung cấp đá cho các công trình xây dựng.

Lâm lênh đênh biển Nam biển Bắc, cả năm mới về thăm nhà một bận. Hải trở về làng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lấy vợ và làm một trang trại nhỏ trên mảnh ruộng trước kia vốn là thùng đào thùng đấu. Thỉnh thoảng cụ Điền chống gậy ra chơi lại tấm tắc cu Hải hiền lành giỏi giang. Cho đến một hôm chợt nhớ lâu lâu không thấy ông từ đền Thượng, Hải vội lao xe về làng. “Ông cháu dạo này ốm suốt, cứ thở ngắn than dài chuyện người ta phá núi. Sáng nay, ông chống gậy đi, bảo là lên đền chú ạ”. Hải vừa đi vừa chạy, linh tính điều chẳng lành. Sân đền lổn nhổn những mảnh ngói vỡ, ông từ gục xuống bất tỉnh bên cạnh những lư hương, khánh đá đổ nghiêng ngả. Bức tượng thần Cao Sơn trên ban thờ chỉ còn lại phần thân nham nhở.

Từ ngày cụ Điền mất, trong làng bỗng nhiên xảy ra những chuyện kinh khủng. Đầu tiên là đứa bé con nhà Mộc, mới lên ba tuổi, khắp người da dẻ bỗng dưng bong tróc như da rắn. Lớp da non mọc lại không lâu thì lại xạm đen như đổ chì rồi lại bóc. Con bé vừa mất thì đứa cháu họ nhà Lâm lại mắc một chứng bệnh lạ lùng khác. Con bé đang tuổi ăn tuổi lớn, mơn mởn như cái cây non bỗng nhiên sắc mặt tái nhợt như người ngã nước, đi viện truyền máu vào được mấy tháng hồng hào rồi lại xanh xao, rộc rạc. Được hai năm thì nó mất.

Dân làng hoảng sợ, nghĩ tới sự trừng phạt của thánh thần. Họ gom góp tiền của sang sửa lại ngôi đền. Đền Thượng được gia cố thêm lớp mái tôn phía trên, ban thờ gắn chặt vào tường nhưng mỗi lần phía bên kia nổ mìn, những hòn đá to bằng cái bát, cái cốc vẫn lăn xuống cồng cộc.

Cho đến đứa trẻ thứ ba, thứ tư, thứ năm… Hải tìm gặp người bạn thời quân ngũ đang công tác tại binh chủng hóa học. “Khả năng cao là nhiễm độc nguồn nước. Mạch nước ngầm làng cậu đã bị nhiễm độc từ thuốc nổ phá đá rồi.”

Từ đó, người ta thấy Hải bỏ cả ruộng vườn cho vợ, suốt ngày ôm cái cặp trong có đủ loại giấy tờ, chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Chẳng biết Hải đi những đâu mà phía bắc núi Song đá vẫn lở, bụi vẫn cuộn lên như lốc, mùi khét lẹt của thuốc nổ vẫn xộc vào làng.

* * *

Sân nhà lão Nhân đậu ba, bốn chiếc xe con bóng loáng. Từ góc sân vẳng ra tiếng loa đang phát một bản nhạc thiền hoan hỉ. Giữa gian phòng khách sang trọng, gần chục con người ăn mặc sang trọng đang cười nói. Cửa kính đóng kín nên Lâm và Hải không nghe thấy họ nói gì. Lâm định lao vào sân nhưng cánh cổng sắt to tướng sơn màu đồng thau ngăn hắn lại. Trong sân, con chó cảnh trắng tinh sủa ra lách nhách.

- Thằng Nhân, thằng Nhân đâu - Lâm gào lên!

Tiếng gào nối nhau của Lâm và Hải phải mãi mươi lăm phút sau mới truyền được vào đến đám đông đang vui vẻ. Lão Nhân khệ nệ bê cái bụng nặng nề của mình ra, tay vuốt vuốt mái tóc xì keo bóng loáng.

- Chuyện gì đấy Lâm? - giọng lão Nhân điềm nhiên như không có chuyện gì. Lão ta đứng sau cánh cổng và không hề có ý định mở cánh cổng màu vàng đồng quý giá.

- Chuyện gì! Chuyện đỉnh núi Song, tối qua đứa nào đã nổ mìn chặt đứt.

Mắt Lâm ngầu đỏ, nhưng lão Nhân chỉ liếc qua và cười khẩy:

- Ai biết! Đêm qua đây không có nhà. Đây vừa trên Hà Nội về.

- Đừng chối! Chỉ có nhà mày mới có thuốc nổ. Chỉ có nhà mày mới có gan phá núi.

Nhân đứng sát lại cánh cổng, giơ ngón tay múp míp có đeo chiếc nhẫn đen sì chỉ thẳng vào mặt Lâm đang đằng đằng sát khí:

- Đây không có trách nhiệm trình bày với đấy nhá! Mà phá đá là hợp đồng hợp pháp của nhà đây đấy. Sao không?

Lâm lao tới. Hải nhanh tay túm tay bạn lôi lại. Thiếu chút nữa, trán Lâm đã đập vào thanh sắt to tướng.

- Con bé nhà Lộc bị ung thư máu rồi, mày biết không? Mày có biết làng này đã có sáu đứa trẻ con bị bệnh vì nhiễm độc nguồn nước rồi không?

Lão Nhân xoay người, nhún vai “Chịu” rồi lững thững đi vào trong nhà, mặc kệ Lâm rung rầm rầm hai cánh cổng.

- Hải, tôi không cam chịu như thế này đâu, chúng ta không thể đầu hàng!

Gương mặt Lâm bỗng nhiên ráo hoảnh. Hắn chậm rãi trèo từng bước một lên bậc đá. Đền Thượng lưng chừng núi ai đó vừa lên hương, mùi trầm mùi quế quanh quẩn không tan. Lâm nói lầm rầm gì đó trong miệng rồi rập đầu ba lạy.

Hắn xuống núi, đi vòng ra bãi đất trống phía tây. Trên bãi đất chỉ còn lại chơ vơ dăm ngôi mộ. Hắn cẩn trọng đến trước từng ngôi lại lầm rầm và vái lạy. Xong xuôi, hắn quay lại, bảo lão Hải vẫn đang đi theo từng bước:

- Đi! Ông với tôi lên tỉnh!

M.T.H.Q

(Nguồn: TC VNNB 264-4/2022)

 

Bài viết khác