Chủ nhật, 19/05/2024

Vầng pha lê

Thứ hai, 09/08/2021

Truyện ngắn của NGUYỄN HỮU VĂN

Ngày tết, Ban đang ngồi tiếp khách thì chị Ngần, vợ anh, ở ngoài quán chạy về. Thấy khách, chị niềm nở:
- Năm mới em chào các bác. Chúc các bác mạnh khỏe.
- Cảm ơn chị - Một người đứng tuổi nói – Chúng tôi cũng chúc anh chị năm nay mạnh khỏe và giàu to.

Mọi người cùng cười vui. Khi nháy chồng ra ngoài, chị Ngần nói vẻ mừng rỡ: “Cái Tình nó về cùng với dì nó đấy. Chúng đang ở ngoài quán anh ạ”. Ban cũng mừng: “Thế à! Cho chúng nó ăn gì đi. Khách chúc Tết nhanh thôi. Họ về, tôi sẽ ra ngay”. Khi khách về hết, Ban không chạy ra ngay mà ngồi lại trầm tư suy nghĩ: Sao lại dì nó nhỉ? nhưng khi nghĩ: hay có việc gì đột xuất? thì anh đi như chạy ra quán.

- Cháu chào bác ạ.

- Cháu chào ông ạ.

- Ừ - Ban nắm vai đứa bé cười – Thế bố mẹ của Tình đâu các cháu!

- Dạ! Chị cháu bị đau khớp, lại có đàn lợn tám con, mẹ nó vừa đẻ ba hôm nay nên cả anh, cả chị cháu không về ăn Tết dưới này được, sai các cháu về xin hai bác thứ lỗi.

- Thế thì không sao – Ban nói giọng yên tâm – Chị cháu hễ cứ thời tiết rét đậm là cái bệnh ấy lại hành. À mà cháu tên gì vậy? Con thứ mấy của bà Lan?

- Dạ cháu tên Hiền, con thứ năm của mẹ cháu ạ.

* * *

Ngày kháng chiến chống Mỹ, cơ quan của Ban sơ tán đến quê Lan. Cứ mỗi sáng Lan lên trường huyện học lại một lần đi qua cửa sổ của Ban. Chàng Ban hí húi can vẽ thiết kế bản đồ, nhưng hễ nàng đi qua là thế nào chàng cũng biết. Và những cái nhìn vào thinh không, vào mênh mông mà dần có lửa. Nửa năm sau họ thành thân thiết. Ban gợi mở những bài toán, bài văn cho Lan. Lan mài téc-linh cho anh vẽ. Một lần Ban khen: “Lan mài téc-linh có hạng rồi đấy! Hai lá kim loại mảnh đều nhau tuyệt đẹp”. “Sao mà tuyệt?”. “Anh vẽ lực nét một phần mười mi li trên bản đồ, mà vẫn đen nhánh là tuyệt chứ sao”. Ngồi thừ một lúc cô lại hỏi: “Nhưng hai cái lá kim loại vẫn có một khoảng cách phải không anh?”. Vô tư anh trả lời: “Đúng vậy, nên dòng mực mới chảy được chứ”. Ban nói xong thì thấy Lan như hờn dỗi, anh cười nói tiếp: “Nhưng em thấy không? Ở bên trái téc-linh có một cái ốc vít, nếu xiết cái ốc vít thì hai lá kim loại đâu còn khoảng cách nữa”. Nghe vậy, Lan vui lắm, đôi mắt cô bừng sáng và ngượng ngùng, đôi má như quả hồng chín mọng trên cây…

Thế là tình yêu đã đến. Tốt nghiệp cấp ba nhưng thi không đủ điểm vào đại học Lan buồn chán vô hạn. Và một quyết định nhanh, táo bạo. Họ đã làm lễ cưới trong tiếng bom đạn mà vui đến lạ. Các bạn ở cơ quan Ban bảo thật hiếm có một đám cưới như vậy; một đám cưới mà có tiếng súng, đạn, bom nổ ở khắp bốn phương trời.

Ban xin cho Lan vào làm nhân viên hành chính ở cơ quan mình. Một mối tình duyên đẹp đẽ vô ngần và họ đã có một đứa con “ruộng sâu trâu nái”. Nhưng mây đen ùn ùn kéo tới: Trong chuyến đi công tác dài ngày của Ban. Gái một con trông mòn con mắt. Một lần Lan không kìm nổi sự vươn dậy bất khả kháng của cõi phiếm du tràn đầy sức sống, khi gặp lãng du bạo dạn xen vào. Lan tưởng mình chỉ là chiếc ao bèo tấm rồi lại toàn vẹn trung trinh.

Sự việc đó chẳng che nổi mắt Ban. Lan khóc lóc xin nhưng Ban cực đoan không thể tha thứ. Thật trớ trêu thay, cả Ban, cả Lan đều biết Ban bị bệnh, cuộc phẫu thuật của Ban sắp tới gần, anh muốn yên tâm không phải bộn bề suy nghĩ. Và họ đã chia tay.

* * *

- Thôi, hai dì cháu ăn xong rồi vào trong nhà cho ấm.

Ban nói và vuốt mái tóc cháu ngoại âu yếm.

Ngần rất yêu chồng nên thấy Tình tìm về, biết chồng sẽ vui hơn trong ngày Tết, chị cũng vui lây. Cái phút thánh thiện ấy làm cho chị đi vội vào nhà trong, trong ngõ. Phải chăng giờ thấy chồng yêu quý đứa cháu ngoại không phải của chị đã đành, thậm chí “ông ấy” còn bồng cả nó lên mặc dù nó đã bảy tuổi, nên chị ngồi thẫn thờ? Hay có điều gì u uẩn khác? Điều gì đang len lỏi vào tâm hồn hào phóng của chị? Cái điều ấy vô lý hay có lý đây?

Ngần đã thương Ban ở cái tuổi hai mươi hai xuân sắc của mình khi Ban đã tròn ba mươi. Chị yêu thương anh thực sự, bởi anh lúc ấy mặt bủng da chì, một ca mổ thời chiến tranh thiếu thuốc, thiếu phương tiện, thiếu sữa đường, thiếu nhiều lắm, đâu có thể như bây giờ. Thể chất Ban đang héo hắt, chỉ có đôi mắt vẫn sắc lạnh và bừng sáng long lanh. Vậy mà chị đến với anh tự nhiên, trong tỏ như vầng trăng vằng vặc đêm hè. “Không thể như thế được! Ngần là một cô gái còn trẻ, lại xinh nữa, và nhất là em vẫn còn trắng trong”, Ban nghĩ vậy và một lần anh nói:

- Anh đã có vợ rồi em ạ.

- Em biết.

- Anh có một đứa con gái nữa.

- Em biết.

- Anh đã bị mổ! Đại phẫu kia đấy. Mà là mổ thận!

- Em biết hết rồi! - Ngần nói rồi cười khúc khích.

- Cái gì em cũng biết. Thế mà…

- Em cứ yêu anh chứ gì? Lại yêu mãnh liệt, hẳn hoi, phải không anh? – Rồi cô đọc những câu danh ngôn, cứ như một bài thơ thuộc sẵn: “Ái tình là khói sinh ra cùng hơi thở muộn phiền, như bệnh lây càng sợ càng dễ nhiễm – Yêu chẳng phải là chương trình định sẵn – Ái tình giống như một cơn khát, một giọt nước càng khát thêm – Ái tình là cái khôn của người dại, cái dại của người khôn – Yêu là thấy nơi người mình yêu điều mình mong ước, chứ không phải điều mình tìm được – Nếu không ước vọng, yêu đương chỉ là sự yếu đuối của tâm hồn – Ái tình giống như rượu mùi, càng ít tỏa say càng nồng. – Tình yêu là tất cả. Yêu nghĩa là không so sánh nữa – Tình yêu vẫn là điều bí ẩn dẫu được nói đến nhiều.”

- Tuyệt quá em ạ! Nhưng những câu danh ngôn đó chỉ là lý thuyết. Chớ nên yêu anh! Em không biết đấy thôi! Những điều anh vừa nói là những vật cản vô cùng to lớn, không thể xem thường.

- Chẳng lớn tí nào cả! Anh cứ cường điệu lên đấy. Các danh ngôn là lý thuyết ư? Nhưng những lý thuyết ấy lại đúc kết từ thực tiễn cuộc sống. Vả lại, anh đâu có vợ, anh chỉ có con thôi, mà con anh thì cũng là con em. Đúng không!

Trước những lời lẽ đầy lạc quan như dòng nước mát chảy ra từ trái tim của Ngần làm Ban xúc động, nhưng anh cố cưỡng lại quyết liệt:

            - Nói thì rất hay, nhưng thực tế lại rất nghiệt ngã. Cô còn nhỏ dại lắm chưa nghĩ tới đâu! Đây là bài học thấm thía của anh, bài học cho sự nôn nóng và ngu dốt – Rồi anh nói như quát – Đừng mạo hiểm chông chênh. Đừng men theo vết xe đổ của tôi nữa. Cô nên nhớ hôn nhân khác với tù nhân, tôi không thể làm hại cô được! Cô về đi! Tôi không muốn nhìn thấy cô nữa.

            Nói xong, anh tưởng Ngần khóc mà dứt áo ra về. Nhưng không! Nét mặt cô đỏ bừng vẻ tự ái giận dữ. Cô đứng phắt dậy nói dõng dạc, rắn giỏi:

            - Anh không được nói thế! Hãy nhìn thẳng vào mắt em đây! Anh không được coi thường nhân phẩm của em! Em đã uốn lưỡi bảy lần rồi mới nói đấy! Anh rõ không?

            Vậy mà phải chăng bây giờ Ngần đã khác?!

            Vừa lúc đó cậu con trai của chị ở trong nhà ra khoe:

            - Mẹ ơi! Cháu Tình và em Hiền ở ăn Tết đến mồng tám mẹ ạ.

            Đang khó chịu trong lòng chị Ngần nói luôn:

            - Nhà mình chứ có phải nhà trọ đâu con?.

            Cậu con trai ngạc nhiên nhìn mẹ: “Sao mẹ cậu lại không cho cháu Tình “trọ” là thế nào? Bao năm mẹ bế ẵm chăm sóc, mẹ quý cái Tình lắm kia mà. Mẹ bảo mẹ thương cái Tình với mẹ nó, vì mẹ nó nói: “Bố mẹ con chia tay để con “ngồi ở ngã ba đường”, làm mẹ rớt nước mắt đấy thôi”. Cậu con của chị có biết đâu là chị đang bị giày vò rằng sao lại có con của Lan đến ăn Tết ở nhà chị? – Giờ thì chị nghĩ ra rồi – Điều đó là sự đẹp đẽ, hay là sự coi thường chị.

            Lúc này bà chị dâu Ban cũng ở sát nhà trong của Ban chạy ra, thấy vậy liền vỗ vai “Thím phải lịch sự. Chị vẫn bảo trong thâm tâm rằng, thím là một con người huyền thoại đấy. Thím tuyệt lắm. Chính vì thế mà thím có phúc có phần đấy thôi. Chả lẽ có chuyện cỏn con này mà không vượt được? Theo chị nghĩ, cô Lan nó muốn nhân dịp này xem gia đình chú thím có khá không đấy”.

            - Chị ơi! Lan nó biết thừa, bố mẹ cái Tình lo chúng nó chả nói.

            - Thím buồn cười! Bố mẹ cái Tình nói thì Lan nó có tin khối.

            - Nhưng Lan nó thám thính để làm gì kia chứ?

            - Thím không biết ư? – Bà chị dâu lại giảng giải – Dù sao thì bố mẹ cái Tình và cái Tình là mối quan hệ giữa gia đình thím và gia đình cái Lan, nên nó cần phải hiểu chứ. Điều thứ hai nó cũng tò mò vì ân hận rằng, ngày chú Ban với cái Lan chia tay, chú ấy đứng trước một cuộc mổ, dù là tự ý chú ấy cứ khăng khăng đòi cắt, nhưng lúc ấy cái Lan nó không đồng ý cắt thì cũng có cắt được khối, tòa án hay bảo vệ phụ nữ hơn kia mà? Dù năm lần bảy lượt mới cắt xong, nhưng như vậy cái Lan vẫn là kẻ thất đức. Cũng may là chú thím làm ăn chả giầu cũng khối người còn kém. Thím phải kiêu hãnh vì điều đó. Mà kiêu hãnh thì phải cao tay hơn cái Lan chứ, cao tay là lịch sự với con Hiền đây! Đúng không?

            Chị Ngần nghe nói vậy thấy có lý nên ngồi yên. Nhưng sau lại thắc mắc: “Sao thám thính gì mà mãi mùng tám mới về, vô lý đùng đùng ấy chứ chị?”, “Đâu có! Nãy cái Hiền nó nói với tôi là mai gì cháu nó về mà lại. À! Đúng rồi, nó nói mùng tám là mùng tám tháng hai dương lịch đấy”. Chị Ngần nhìn lên lịch rồi cười khúc khích: “Đấy, không có chị thì em không biết ý cái Lan đâu. Thật ranh mãnh. May mà ông Ban nhà em dạo này lại béo, lại hết bệnh, chứ không Lan nó sẽ cười vào mũi em đấy!” Vừa nói đến đây thì dì cháu cái Tình chạy ra. Chị Ngần đang ngồi liền giơ hai tay đón cái Tình: “Cháu thì phải ở đây với ông bà một tháng mới về đấy?”, “Ứ ừ! Cháu phải về để đi học cơ!” Vậy là cả hai bà, cả dì Hiền đều cười vui.

            Hình ảnh đẹp đẽ và lung linh của chị Ngần như vầng pha lê chói sáng bấy lâu nay suýt nữa bị rơi vỡ, giờ vẫn đẹp nguyên và rực rỡ trong ánh mắt ngây thơ của bé Tình.

N.H.V

(Nguồn: TC VNNB 253-7/2021)

Bài viết khác