Chủ nhật, 19/05/2024

Về nhà

Thứ tư, 06/07/2022

Truyện ngắn của NINH ĐỨC HẬU

Tôi tên là Kauki, có nghĩa là Ánh sáng của hy vọng. Cái tên có ý nghĩa này tôi mới được đặt khi được giải cứu và mang về Trung tâm cứu hộ của Vườn Quốc gia, trước đó tôi làm gì có tên. Ấy là tôi nói đến cái tên riêng, còn tên chung thì đương nhiên phải có rồi. Felis silvestris, các nhà khoa học khi nghiên cứu về chúng tôi thường gọi như thế.

Trình độ ngoại ngữ của tôi có mức độ thành thử mỗi lần uốn lưỡi đọc cái tên khoa học của mình cũng chẳng dễ dàng gì. Kể ra cứ gọi chúng tôi một cách dân dã là Mèo rừng, để phân biệt với Mèo nhà, có phải là gần gũi và thân thiện hơn không. Nhưng thôi, việc ai người ấy làm, gọi thế nào cho phù hợp, thuận lợi với công việc là được. Ở trung tâm cứu hộ, tình cờ một lần tôi nghe cô Ly, nói với người yêu của cô là chú Tiến: “Kauki con vật đáng yêu này là loài quý hiếm trên thế giới”. Anh chàng người yêu cô Ly xì một tiếng: “Thì cũng chỉ là một con mèo thôi, quý gì, hiếm gì cơ chứ!” Tôi nghĩ anh chàng này không tìm hiểu về thế giới loài vật hoang dã nên nói phứa đi như thế. Sau này tôi biết, chú Tiến hay đùa và hay chọc giận cô Ly, mà đùa lại chọc vào loài vật hoang dã cô Ly yêu quý thì cô không giận mới là lạ. Cô Ly nguýt một cái, sị mặt, đôi mắt đẹp như mơ cau lại, cô vùng vằng: “Hôm nay em bận lắm!” Sau đó dường như cô không cần biết chú Tiến đang có mặt ở đó, cô ngồi xuống đưa bàn tay mềm mại vuốt lên bộ lông vàng nhạt có nhiều đốm đen của tôi, cô nhẹ nhàng: “Kauki à, hôm nay em đỡ đau chưa?” “Kauki à hôm nay em ăn có ngon miệng không?” Chú Tiến biết Ly bắt đầu giận, anh chàng tủm tỉm cười, rồi cà cuống lên: “Ly…Ly… Anh xin lỗi… là anh tưởng…” Chắc anh ta tưởng loài mèo rừng của tôi cũng như các loài mèo nhà thông thường khác. Nhầm to rồi chú Tiến ơi. Cô Ly giả vờ như như không nghe thấy gì, cô vẫn nựng tôi: “Kauki à, em đói chưa?” Gớm nữa, cô Ly ơi cô quên rồi sao, cô vừa cho em ăn thịt gà chưa đầy tiếng mà. À, thì ra cô nựng mình để làm như không có anh ta ở bên thôi. Tình yêu lạ thật, chỉ tí xíu phật lòng cũng giận cũng hờn. Tôi co mình lại, khẽ rên ư ử. Hình như vết thương ở chân tôi bắt đầu nhức. Tôi thử co lên xem thế nào, nhưng không được. Bất chợt tôi kêu “Á”, cô Ly giật thót mình: “Đừng làm cô sợ, Kauki em đau à.?” Anh chàng người yêu cô Ly cũng cuống cuồng (không biết chú Tiến cuống thật hay vờ), mồm anh ta líu ríu: “Nó… Nó… sao vậy em?”. Cô Ly lấy điện thoại: “A lô, bác sĩ Nguyệt à… Kauki…” Mặc dù cô Ly không bật loa ngoài nhưng tôi vẫn nghe rõ tiếng bác sĩ Nguyệt: “Yên tâm  đi chị đến ngay”. Lúc sau, khi các bác sĩ thú y chẩn đoán tỉ mỉ cẩn thận tôi được đưa đi phẫu thuật, trước khi lên bàn mổ, cô Ly nắm lấy chân tôi, cô nói nhẹ nhàng, tôi nghe như một làn gió thoảng: “Cố lên Kauki”. 

Khi thuốc mê ngấm cơ thể, tôi chìm trong một ảo giác lạ. Từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ đây là lần đầu tôi đắm vào một cơn mộng mị, nặng nề, kinh hoàng. Bóng tối chùm xuống. Một tiếng nổ chát chúa. Một dòng máu vọt ra. Những bước chân loạng choạng. Những tiếng hò hét đến rợn người…

Một buổi tối bình thường như những buổi tối khác, ba anh em chúng tôi đi sâu vào rừng kiếm ăn. Mẹ dặn: “Các con nhớ kỹ nhá, chuột, dơi, sóc, chũi… nhanh và thính lắm, đánh hơi thấy các con chúng rất nhanh lẩn vào hang hốc. Chim chóc còn nhanh hơn, chúng lại có đôi cánh nữa, thấy mình là vội vút lên không trung… Tuy nhiên mưu lược, nhanh nhẹn là các con bắt được thôi. Nhưng có một “loài” các con phải hết sức cẩn thận, kẻo không mất mạng như chơi…”. Vì ngày nào mẹ cũng dặn dò kỹ lưỡng nên anh em chúng tôi đều thuộc lòng. Đã nhiều lần đi kiếm ăn, và cũng đã hơn một lần đụng mặt cái “loài” đáng sợ kia, nên anh em tôi cũng có đôi chút kinh nghiệm. Chúng tôi biết, hiện nay loài mèo rừng đang có xu hướng tuyệt chủng, bởi sự săn lùng, thỏa mãn thú vui hoặc ẩm thực hay giá trị kinh tế cao, nên cái “loài” kia tìm mọi cách triệt hạ, bắt bớ chúng tôi. Bài học thực hiện hiệu quả nhất chính là bài học mà tổ tiên loài mèo đã dạy hổ năm xưa, ấy là, khi gặp nguy nan phải thật nhanh co mình phóng tít lên cao, trong rừng cây cao không hiếm. Cũng đã mấy lần anh em tôi thoát nạn nhờ bài học dạy hổ ấy. Nhưng rồi như người ta thường nói; Ở đời không gì là không thể. Bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra. Xảy ra ở bất cứ đâu. Xảy ra với bất cứ ai, dù có được đề phòng, cảnh giác, cẩn thận đến mức nào. Buổi tối, rừng yên tĩnh đến mức nghe rõ tiếng lá thở. Hơi thở của lá khe khẽ phập phồng. Một vài cái lá khô, hoặc đã ngả vàng rời cành lao chao liệng mình vẫy chào tạm biệt rừng xanh hạ cánh xuống thảm dày thực vật đã ải mục. Tôi nằm ép mình, tai vểnh ngược, hai cánh mũi khịt khịt đánh hơi, đôi mắt lim dim nhìn về phía trước. Bỗng roạt một con chuột lao qua mặt. Phản xạ tự nhiên, tôi phốc dậy bật lên lao vút đi như mũi tên. Tôi cũng chẳng nhớ mình đã sử dụng miếng võ săn mồi nào, chỉ biết trong tích tắc con chuột đã nằm gọn trong móng vuốt của tôi.  Cũng đúng vào lúc ấy, tôi nghe rất rõ một tiếng hô cục cằn, thô lỗ: “Bắn”. Một tiếng nổ khô khốc, tôi thấy nhói một cái ở chân phải trước, một dòng máu đỏ ối phọt ra bắn vào một gốc cây xăng lẻ. Tôi chỉ kịp hét lên: “Chạy đi các em”, nhưng tiếng hét của tôi hình như quá muộn, bởi ngay đấy tôi cũng kịp nghe tiếng hai đứa em thất thanh: “Mẹ ơi cứu con”.

Ba anh em tôi đều trúng đạn, ngất xỉu. Bọn họ không cần trói, chúng xách ngược chúng tôi lên rồi ước lượng; Con này bốn cân, con này hơn ba cân, Ui! con này phải sáu cân chứ chẳng ít đâu. Một người vừa cười hô hố vừa nói với cái vẻ đắc thắng : “Hơn chục củ là cái chắc!”. Họ quẳng anh em chúng tôi lên một cái xe bán tải và giục nhau chuồn nhanh về thành phố.

Khi chúng tôi tỉnh dậy thì cả ba anh em đã an toàn tính mạng trong Trung tâm cứu hộ của Vườn Quốc gia. Mấy hôm sau tôi nghe được bác Trinh giám đốc Vườn, một người đàn ông, ngoài bốn mươi, dáng vẻ chững trạc, ăn vận phong trần, trán rộng, mắt sáng, miệng tươi, (nghe nói người Thủ đô nhưng yêu rừng nên rời bỏ chốn phồn hoa về với cỏ cây nuông thú), nói với một nhà báo: “Cuộc giải cứu mấy con mèo rừng này có thể làm thành một bộ phim hình sự… li kỳ, hấp dẫn . Nhưng tóm tắt lại… Bọn lâm tặc săn bắn trái phép vừa ra khỏi rừng thì lọt vào tầm ngắm của các chiến sĩ kiểm lâm. Với phương châm không cho chúng nó thoát, phải giải cứu bằng được những động vật quý hiếm, các chiến sĩ kiểm lâm đã không ngại gian khó, không sợ nguy hiểm, lập tức đuổi theo. Lợi dụng trời tối, đường xá ngoằn nghèo, bọn lâm tặc phóng như điên dại. Nhưng chúng không thể ngờ được các chiến sĩ kiểm lâm còn tinh tường dũng mãnh và tài nghệ hơn chúng nhiều. Vả lại lưới trời lồng lộng, các chốt kiểm tra bủa vây giăng kín, chúng chống trả dẫu quyết liệt cuối cùng cũng phải đầu hàng…”. Ra  thế, anh em chúng tôi được cứu thoát nhờ  sự dũng cảm của những chiến sĩ kiểm lâm. Thú thực từ sâu thẳm lòng mình tôi biết ơn các anh ấy lắm.

Ca phẫu thuật của bác sĩ Nguyệt và đồng sự thành công. Hết thuốc mê tôi thấy đau chút ít. Tất nhiên rồi, vết thương nào mà chẳng đau. Tôi lo lắng cho những đứa em của tôi. Thật may hai đứa, tuy trúng đạn nhưng không nặng như tôi. Chúng được cô Trang, cô Hằng chăm sóc, vậy là yên tâm rồi.

Những ngày ở Trung tâm cứu hộ là những ngày tôi không thể nào quên. Người gắn bó với tôi là cô Ly. Ly còn trẻ, có nước da trắng  mướt mát, mịn màng, đôi mắt bồ câu trong trẻo, sống mũi cao, cái miệng luôn tươi như hoa, đặc biệt nhất có lẽ ở dáng người, cô cao, chân dài… hàng ngày nếu cô không chăm chút vào công việc bên những con thú bị thương có lẽ người ta tưởng cô là người mẫu đi thăm rừng nguyên sinh. Ly học Trung cấp Thú y, ra trường cô xin về vườn làm công nhân chăm sóc động vật hoang dã. Người yêu Ly là Tiến, anh chàng tôi đã nhắc đến ở phần đầu câu chuyện. Tiến tuy không mấy đẹp trai, song công bằng mà nói anh ta cũng dễ nhìn, hai người bên nhau không hẳn đã đẹp đôi nhưng cũng chẳng lệch nhau mấy tí. Vả lại nhan sắc chỉ tăng thêm độ thi vị cho tình yêu thôi chứ không là điều quyết định. Tiến có tính hài hước, anh ấy luôn làm cho Ly vui vẻ, tuy cũng có lúc làm cho người yêu bực mình, như câu chuyện phần trên tôi đã kể. Tiến công tác ở thị trấn, tuy khoảng cách ngót hai chục cây số, song rảnh rang cái là Tiến phi vào rừng ngay. Tôi thường xuyên được nghe hai người trò chuyện với nhau, công nhận anh chàng Tiến có duyên. Một lần tôi thấy Tiến tán: “Em biết không, bố anh bảo, mày đến tuổi lấy vợ rồi, tiêu chuẩn không cầu kỳ lắm, xấu đẹp không thành vấn đề, cơ bản nó phải xinh như cái Ly!” Ly phì cười: “Anh chỉ giỏi bịa”. Tên của tôi cũng do Tiến tham mưu cho Ly đặt đấy. Thì ra trước đây có một thời Tiến đi lao động bên Nhật, anh bảo Ly; Kauki (tiếng Nhật) tức là ánh sáng của hy vọng, hy vọng con mèo này tìm được ánh sáng nơi hoang dã.

Ngày ở nhà mẹ tôi bảo, tôi là đứa hiền lành nhất trong mấy anh em, nhưng có một nhược điểm là hiền quá hóa cục, mỗi lần cục cằn tôi trở nên hung dữ không ai bằng. Những gì không vừa lòng tôi lên cơn tức giận, là gầm gừ, là nhe răng, răng tôi sắc nhọn, là giơ vuốt, vuốt tôi chỉ kém hổ, báo chút ít thôi. Nhiều khi bản năng hoang dã trội dậy tôi sẵn sàng tấn công người đối diện, kể cả người đó là Ly. Những lúc ấy dường như tôi quên hết công sức chăm sóc mình của cô ấy. Thật may Ly biết công việc của mình luôn đối diện với nguy hiểm, thú hoang dữ tấn công bất cứ lúc nào. Ly không tỏ ra tức giận, cô nhìn tôi bằng ánh mắt hiền từ, cô dịu dàng: “Kauki ơi, em làm sao thế, bữa ăn hôm nay không hợp khẩu vị của em ư, chị đổi món khác nha… Hay là em khó ở trong mình, hay là vết thương tái phát… hay là…” Ly cứ ngọt ngào như vậy, rồi bàn tay của Ly cứ như muốn thò vào trong lồng để vuốt ve tôi. Trước một tấm lòng nhân hậu như thế, cơn giận dữ của tôi nguôi ngoai dần, tôi phủ phục xuống, ngậm miệng giấu hàm răng sắc lẻm đi, ngước nhìn  Ly bằng ánh mắt nhận lỗi. Tôi hiểu những người làm công việc chăm sóc chúng tôi sau khi được giải cứu không hề đơn giản chút nào. Có thể gọi đây cũng là một nghề nguy hiểm, chẳng khác nào các chiến sĩ kiểm lâm đối mặt với bọn lâm tặc. Để thuần phục, và làm cho những thú hoang tin cậy ngoài tay nghề cao họ còn phải có tình yêu thương thực sự với động vật. Hơn một tháng được bên Ly tôi nhận thấy cô ấy có đủ hai yếu tố này. Thật hạnh phúc cho những con thú hoang nào được Ly chăm sóc.

 Một hôm, tôi bỗng nghe thấy ai đó to tiếng ở chuồng bên, nơi cô Trang làm việc, chuồng bên ấy là em trai tôi, hình như nó tên là Herich.

-Tôi không hiểu nổi cô nữa… cô coi mấy con mèo rừng ấy hơn cả tôi đấy.

Tôi đến sát lưới chuồng đưa mắt nhìn sang. Ồ thì ra là anh chồng cô Trang. Anh ta đỏ mặt tía tai xem ra có vẻ bực tức lắm. Cô Trang  cũng đỏ mặt, nhưng mặt đỏ vì ngượng ngùng, không biết cô ngượng với đồng nghiệp hay ngượng với em trai tôi, bởi lúc ấy thằng Herich ngơ ngác đôi mắt nhìn cô. Đợi cho cơn giận của chồng hạ nhiệt cô Trang từ tốn nói:

 - Anh ạ. Tội nghiệp nó lắm, còn bé xíu thế này đã bị đạn bắn rách đùi. Mà mấy hôm nay con Herich còn bị sốt nữa, em có về muộn chút cũng để xem nó ăn uống có được không, với lại xem bác sĩ thuốc men cho nó thế nào.

Anh chồng cô Trang không nói gì nữa, tôi thấy anh ấy nhìn thằng em trai tôi tuy chưa mấy thiện cảm xong cũng không ác ý gì. Tôi thở phào.

Có lần tôi nghe cô Hằng trò chuyện với Cô Ly về tình trạng sức khỏe của đứa em gái tôi. Nó được các cô đặt tên khá điệu: Minon. Tôi chẳng biết ý nghĩa của cái tên này là gì, có thể là một loài hoa đẹp nở về đêm chăng, mà cũng chẳng hề nghe các cô ở trung tâm giải thích. Em Minon của tôi là một đứa xinh xắn dễ thương. Về độ nhanh nhẹn nó chỉ kém hai ông anh chút đỉnh, nhưng thông minh khôn khéo ăn đứt các anh. Nó bị thương vào vùng bụng, hôm ấy máu ra nhiều, tuy nhiên vết thương ở phần mềm nên không đến nỗi nguy kịch. Hiềm một nỗi con bé bị bệnh phổi. Cô Hằng bảo: “Mình lo lắm, Minon thở khò khà khò khè thương lắm cơ.” Cô Ly cũng lo lắng: “Bác sĩ Nguyệt bảo sao hả Hằng” “Hôm rồi bác sĩ khám bảo nó viêm phổi cấp, bác sĩ kê thuốc, mấy hôm nay cũng đỡ nhiều rồi.” Tôi biết các cô ở trung tâm coi chúng tôi, mà không riêng gì ba anh em tôi đâu, ở đây có hàng trăm cá thể, nhiều loài hoang dã khác nhau, như con như cháu của họ. Các cô, chú, anh, chị ở đây già cũng như trẻ họ hết lòng chăm sóc chúng tôi, chỉ mong sao chúng tôi sớm bình phục, khỏe mạnh.

Ấy vậy mà, có những con thú hoang chẳng biết điều gì cả. Cách đây hơn tuần, trạm kiểm lâm số 15, giải cứu được một bạn khỉ độc khá lớn, bạn ấy bị bọn lâm tặc gây nhiều thương tích, khi đưa về Trung tâm bạn ấy trong tình trạng hôn mê. Được các bác sĩ, y tá cứu chữa kịp thời, bạn ấy mê mệt mất mấy ngày. Lúc tỉnh dậy, thấy bác sĩ Nguyệt, bạn ấy chồm lên, nghiến răng gầm gừ, hai tay giơ vuốt ra định tấn công hoặc đe dọa. Bác sĩ Nguyệt, người có nhiều kinh nghiệm, bác sĩ hiểu rằng, tuy độ sát thương của khỉ không lớn nhưng những mầm bệnh lây sang người rất cao, vậy nên bác kịp thời né tránh. Đứng ngoài chuồng, bác sĩ Nguyệt trò chuyện với bạn khỉ ấy khá lâu. Bạn khỉ vẫn chẳng có chút gì thay đổi, vẫn gầm gừ, vẫn nhe răng, giơ vuốt. Có lẽ bản năng bảo vệ hối thúc bạn ấy làm vậy, mà cũng có khi cơn địa chấn do lâm tặc gây ra vẫn làm bạn ấy hoảng loạn. Ở chuồng của mình tôi nói vọng sang: “Đừng như thế nữa bạn khỉ ơi”, tuy nhiên khỉ không hiểu được tiếng mèo, nên tôi biết mình phí công. Bác sĩ Nguyệt hiểu được tôi nói gì, bác quay lại phía tôi, miệng bác sĩ nở một nụ cười tươi tắn.

Có một hôm, tôi bị đau bụng, chẳng thiết ăn gì cả. Cô Ly lo lắm, cô ngồi trực ngay cửa chuồng, phát hiện ra tôi đi ngoài phân lỏng, cô Ly gọi ngay bác sĩ Nguyệt tới. Thì ra tại ăn uống nên tôi bị đi ngoài. Cái khoản ăn ở đây cũng cầu kỳ, thức ăn của mỗi loài hoàn toàn chẳng giống nhau tí nào. Các “anh nuôi” “chị nuôi” những đầu bếp siêu hạng phải phân loại,thậm chí trong một loài lại phân ra con này ăn gì, con kia ăn gì. Nhất là những con thú còn bản năng hoang dã, phải tìm hiểu qua quan sát và thí điểm nhiều lần để xem ý thích, tính nết của chúng ra sao, rồi lên thực đơn từng bữa. Tôi thấy nhiều bạn ăn uống quá cầu kỳ quá kén chọn, như cái kiểu “được voi đòi tiên” chỉ khổ cho các anh chị nuôi ở Trung tâm thôi. Giá như tất cả như ba anh em tôi, chỉ đơn giản ăn các loại thịt thú nhỏ là ngon miệng rồi có phải hơn không.

Bác Trinh giám đốc Vườn thường xuyên  xuống kiểm tra Trung tâm. Đi hết chuồng này sang chuồng kia, bác hỏi han từng anh chị công nhân, chăm chú xem xét từng cá thể hoang dã đang được nhốt, được chăm sóc, được huấn luyện, thích nghi dần với môi trường tự nhiên. Đến gần chuồng của tôi, chợt bác phát hiện anh Thắng bị thương có băng buộc ở tay, bác Trinh hỏi, được biết, anh Thắng bị một chú Voọc cào khi đưa thức ăn vào chuồng. Bác không vui, nhẹ nhàng nói: “Lần sau em phải nhớ kỹ, không được chủ quan, không được tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã nếu chưa được thuần phục.” Anh Thắng đáp lí nhí: “Vâng ạ”. Tôi thấy bạn Voọc ấy hơi bị quá thể, người ta cho ăn lại đi cào vào tay người ta. Bác Trinh  bảo với bác sĩ Nguyệt: “Khám chữa bệnh cho động vật hoang dã em phải luôn lấy tiêu chí an toàn lên hàng đầu đấy nhá” Bác sĩ Nguyệt mỉm cười: “Anh ơi em thuộc lòng rồi ạ!” Bác Trinh cũng cười: “Thì anh nhắc lại cũng không thừa mà.” Quay sang với cô Ly, cô Trang, cô Hằng bác Trinh hỏi: “Tình hình mấy chú mèo này thế nào rồi?” Cô Trang nhanh nhảu: “Thưa anh ổn lắm ạ” Cô Ly giọng nói bùi ngùi: “Anh ơi chúng em có lẽ sắp sửa phải chia tay các bạn ấy rồi!” Bác Trinh gật gật đầu: “Vậy là tốt, rất tốt đấy!”

Thấm thoát đã bao nhiêu ngày tháng trôi qua, anh em chúng tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh. Được ăn uống đúng chế độ, thuốc men đảm bảo, chăm sóc tận tình chu đáo tôi cảm thấy mình còn khỏe mạnh hơn xưa. Chỉ có điều bị nhốt trong chuồng lâu ngày tù túng quá. Bản năng hoang dã cứ hối thúc sự mong muốn trở về với thiên nhiên trong tôi. Tôi mong đợi ngày được về với rừng già với tâm trạng háo hức khó diễn tả.

Rồi ngày ấy cũng đến. Buổi sáng vừa cho tôi ăn, cô Ly vừa thủ thỉ: “Kauki à, thế là chúng mình phải xa nhau rồi. Chị mong sao về với nhà mình em phải cứng rắn, giỏi giang nha. Chị nhớ em nhiều lắm.” Mấy tiếng cuối tôi thấy cô Ly nghẹn ngào. Tôi thấy sống mũi cay cay, đôi mắt  nhòe nhoẹt nước. Tôi chỉ biết rên lên ư ử, rồi lè lưỡi cố thò ra khỏi song sắt để liếm láp lên bàn tay mềm mại của cô Ly. Chao ôi, có lẽ suốt quãng đời còn lại tôi sẽ không quên được sự mướt mát đến tê tái lòng mình, khi giác quan đầu lưỡi lướt trên bàn tay nõn nà.

Xung quanh tôi, chú Tiến, cô Hằng, cô Trang, chồng cô Trang và nhiều người nữa. Trông ai cũng vừa trang nghiêm vừa hân hoan lại vừa bùi ngùi. Chú Trường phát cho mỗi người một cái áo ba lỗ màu vàng, in lo go của Vườn, đó là hình một chú Voọc đang vươn tay lên bám vào một cành cây. Chú Trường bảo, đã nhiều lần Vườn tổ chức thả nhiều cá thể động vật hoang dã về rừng, lần nào cũng vậy, lễ nghi trọng thể chu toàn. Tôi hồi hộp đến mức nghe tim mình đập thình thịch. Tôi đưa mắt nhìn sang những cái lồng bên cạnh. A, đợt này ngoài ba anh em tôi còn có một bạn Diều Hoa, bạn ấy bảnh bao lắm, áo gấm vàng, cũng lốm đốm hoa như anh em tôi, sự phẫn khích làm bạn ấy thi thoảng lại đập cánh phành phạch, bạn ấy đang khởi động để lát nữa bay vút lên cao. Lồng bên cạnh, một bạn trăn dễ chừng phải ngoài bốn mươi ký, bạn ấy khoang mình thành một vòng tròn, đôi mắt him him mở ra nhắm vào liền tù tì, à thì ra loài trăn bầy tỏ niềm vui từ hai con mắt.

Xe chở chúng tôi đi sâu vào trong rừng. Đến nơi tập kết, tôi thấy ngoài các cô chú ở Trung tâm, còn có cả các em thiếu nhi và đồng bào người dân tộc Mường. Còn nữa, rất đông phóng viên báo đài, người máy quay, người máy ảnh, họ chờ đợi giây phút chúng tôi “Về nhà”. Bạn Diều Hoa được mở cửa lồng trước. Bạn ấy chần chừ giây lát, rồi vút một cái, sải rộng cánh bay lên, liệng một vòng và sà xuống đậu lên một cành cây. Tiếp đến bạn trăn, bạn cũng trần trừ tí tẹo, rồi mới lặng lẽ trườn ra khỏi lồng. Đôi mắt him him của bạn ấy hay háy vài cái rồi bạn trườn vào vào bui rậm. Đến lượt anh em chúng tôi chuẩn bị được về nhà. À quên mất, sao tôi lại không có đôi lời về hai chữ Về Nhà này nhỉ. Thực ra đây là Tour du lịch mang tên “Về nhà” dành cho khách du lịch trải nghiệm tham gia thả động vật hoang dã về với môi trường thiên nhiên. Như vậy, hôm nay ba anh em tôi cùng bạn Diều hoa, bạn trăn, là những nhân vật chủ thể của một hành động đầy cảm xúc. Tự hào, vinh dự quá đi ấy chứ. Em trai tôi, thằng Herích được thả trước. Bản tính năng động, nhanh nhẹn, nên cửa lồng vừa hé mở, nó đã phốc ra ngoài, không một chút trần trừ sợ sệt gì nó lao một phát vào lùm cây trước mặt. Tiếp đến em gái tôi, cô bé Minon xinh đẹp. Con gái có khác nó e thẹn, còn lấy tay che mặt nữa cơ chứ, rón ra rón rén một lúc mới đủng đỉnh đi về phía trước. Giờ phút trọng đại đã đến với tôi. Bất chợt tôi nghe tiếng cô Ly: “Tạm biệt Kauki nha”. Tôi đảo mắt nhanh, mặc dù đông người, cô Ly đeo khẩu trang, mang kính mát tôi vẫn nhận ra cô. Không hiểu sao lúc ấy tôi không cất nổi lời chào cô, có lẽ do xúc động và nghẹn ngào. Bước ra khỏi cái lồng chật chội, tôi ngước mắt lên và choáng ngợp bởi sự hoành tráng của rừng nguyên sinh. Thú thực tôi cũng có đôi chút lưỡng lự, và cảm thấy chưa tự tin lắm. Dẫu sao rừng này vẫn còn xa lạ với tôi. Một thoáng nghĩ nhanh, không biết tôi sẽ thích nghi với môi trường mới này ra sao. Có đầy cạm bẫy và nguy hiểm đang rập rình tôi không? Tôi nhớ có lần ở Trung tâm nghe bác Trinh nói: “Hơn nửa thế kỷ qua rừng nguyên sinh chưa một lần bị cháy và mấy chục năm rồi không còn lởn vởn bóng dáng của những kẻ săn bắn trái phép…”. Nhớ lại vậy tôi yên tâm hơn. Tôi vươn vai, doãi mình, cảm giác sảng khoái, tôi đưa mắt về phía những người thân yêu, gửi lời chào tạm biệt, sau đó tôi nhẹ nhàng trở “Về Nhà”.

N.Đ.H

(Nguồn: TC VNNB  266-6/2022)

 

Bài viết khác