Chủ nhật, 19/05/2024

Vượt qua cơn lũ

Thứ tư, 01/06/2022

Truyện ngắn của VŨ NGUYỆT KHÁNH PHƯỢNG

“Các con hãy biết trân quý từng phút giây, như thể ngày mai ta không còn được sống nữa”! 

Giờ thì con bé hiểu lắm ý nghĩa câu nói của cô vẫn thường khuyên chúng mỗi khi thấy trò của mình có biểu hiện tâm lí rệu rã, mệt mỏi. Cũng như lũ bạn cùng lớp, nó đã từng trải qua những tiết học trong sự uể oải, chán nản mỗi khi bị giao nhiều bài, hay gặp bài khó. Chúng còn chẳng muốn nhấc mông khỏi cái ghế đã chịu sức nặng cả buổi, nằm bò ra bàn với những tiếng thở dài ngao ngán. Một làn gió may, một áng mây trên bầu trời xanh ngắt hay những tiếng líu lo ríu rít của lũ chim sâu bên ô cửa sổ lớp học cũng chẳng làm chúng rung động chút nào. Chúng luôn vin vào cái cớ học hành căng thẳng, áp lực để từ chối bước ra khoảng sân mênh mông nắng trời và màu xanh dịu dàng của cây lá. Ngủ gục, chép miệng thở dài, lướt facebook với những dòng comment không màu sắc…. đó là cách chúng giết thời gian mỗi ngày. Con bé cũng từng vùng vằng với mẹ mỗi khi mẹ ép ăn thêm một miếng thịt để lấy sức khoẻ học tập, từng giận dỗi với bố vì không cho xem ti vi quá lâu…

Tuổi học trò của chúng sẽ trôi đi nhạt nhoà như thế nếu không có cô, một làn gió mát lành, đến đánh thức, gieo vào lòng chúng niềm yêu tha thiết từng phút giây đang sống. Chẳng phải bà tiên có sức mạnh quyền năng trong truyện cổ tích. Nhưng mỗi lần cô xuất hiện trước lớp với nụ cười rạng rỡ, ánh mắt tin yêu đong đầy và giọng nói trong veo như làn suối mát là cả lũ chúng nó đang nằm rạp bỗng ngẩng lên xôn xao, miệng chúng cũng nở những nụ cười từ lúc nào. 

“Cô chào lớp mình, nay cô thấy không gian lớp học mình sáng hơn? Cô không biết vì sao?” Thế là những đôi mắt ít chịu quan sát lập tức được huy động đi tìm câu trả lời. “Đó là vì nay chúng em mặc đồng phục đầy đủ đấy cô”! Cô cười ấm áp lắm, đứa nào cũng thích nhìn cô cười nên từ hôm sau chúng tự bảo nhau thực hiện đồng phục thật tốt. “Cô thấy Ánh hơi mệt, đúng không em?”. “Dạ, đêm qua em thức khuya nên nay hơi mệt cô ạ”. “Đúng rồi, khi cô thức khuya, cô cũng thấy rất mệt, lại còn buồn ngủ nữa. Nên từ sau cô chừa đấy, chỉ khi nào có việc quan trọng không thể sắp xếp thời gian được cô mới dám thức. Sức khoẻ quan trọng đúng không các em?”. “Thưa cô, em chưa làm bài ạ” - một đứa cắm mặt xuống bàn, vẻ hối lỗi. “Tùng gặp khó khăn gì khi làm bài?”. “Dạ, qua em xuống ăn cơm nhà bác, về muộn quá nên làm không kịp”. “Nay cố gắng sắp xếp thời gian làm bù nhé, được không. Cô nghĩ, cả bài hôm nay nữa chắc em sẽ không làm kịp mất”… Không bực tức, không giận dữ, cô của chúng nó cứ từ tốn thế mà đứa nào cũng thấy mình lớn lên, biết quan tâm nhau hơn, và quan trọng là chúng đã không còn ru rú trong lớp mà đã trở nên cởi mở, hoạt bát, hồn nhiên hẳn ra. Chúng mong chờ cô mỗi ngày để được nghe cô giảng bài, để được khoe một điểm tốt, để được giãi bày lí do bị điểm yếu, để được cô khen mái tóc mới, chiếc vòng tay xinh…

* * *

Con bé rúm mình lại khép nép bên thân cây bàng vỏ đã bị tróc tượt từng mảng lớn như thân thể một người bị bom Na - Pan dội xuống chớt chát hết da thịt. Mới chỉ hơn hai tuần trước đó thôi, chỗ nó đứng ngập tràn tiếng cười nói của lũ bạn vô tư, tinh nghịch. Chúng cứ nô đùa, mặc cho cơn đau đang vò xé trong cái bụng lép kẹp của nó. Nó sợ hãi khi nghĩ đến lúc phải lên bàn mổ. Bác sĩ nói khối u ở dạ dày khá to, chèn ép gây đau đớn. Nó khóc như mưa, nó sợ hãi, nó gào thét, nó nguyền rủa số phận cay nghiệt với nó. Buồn chán, sợ hãi đeo bám nó suốt những ngày chờ đợi kết quả hội chẩn của bác sĩ. Lũ bạn í ới hỏi thăm mà nhăn nhăn nhở nhở “Còn lâu mới chết được mà lo”, “Loại nhát gan, chưa gì đã sợ khiếp vía”, “Cố lên cô nhóc siêu quậy” … Nó chợt thấy ấm áp và yên lòng khi nhìn vào đôi mắt cô, đôi mắt dịu dàng âu yếm, vừa lo âu vừa yêu thương trìu mến. Cô cầm tay nó thật lâu, cô nói thật chậm như cố dằn từng tiếng để từng thanh âm phát ra không méo mó: “Em phải cố gắng giữ tinh thần thoải mái, và phải tin tưởng vào bác sĩ. Không được khóc nhè đâu nhé. Cô cho điểm không đấy!”. Nó cố gắng không khóc để cô đỡ buồn lo nhưng nước mắt cứ ứa ra giàn giụa. “Cô cho em nợ bài, khi nào khỏi em về trả bài cho cô nha cô!”. Cô cười hiền từ, ấp chặt bàn tay nó: “ Nhất định rồi, phải trả bài cho cô chứ! Thật nhanh khỏe em nhé. Cả lớp đợi em về!” 

Khi nó lên bàn mổ cũng là lúc nó nghe tin quê nhà đang mưa lũ, nhà cửa nguy cơ bị lụt. Thời sự đưa tin lũ lụt miền Trung, hình ảnh những đứa trẻ lội bì bõm vớt sách vở trôi lềnh phềnh khắp nơi cùng với tiếng sụt sùi than trách ông trời của bố cứ theo nó vào tận phòng mổ, cho đến khi bác sĩ chụp cái máy thở choán hết cả khuôn mặt quắt queo của nó thì mọi thứ dần mờ nhoè đi, xa dần, xa dần... Nó chìm vào mê man…  Bác sĩ lấy ra trong lớp rạch dài bên bụng của nó tới 2 khối u to bằng quả chanh với lời chúc mừng ca mổ thành công, nó sẽ nhanh bình phục trở về. Bố nó lau mồ hôi trên trán, đôi mắt mệt mỏi bao đêm mất ngủ ánh lên niềm hạnh phúc. 

Ngày thứ 13 nằm viện, mưa vẫn chưa ngớt. Nó nằm nhớ quay quắt cái làng quê ngán mưa thừa nắng của nó. Nó nhớ lớp học với những đứa bạn vừa biết vui đùa, nhớ cái nhìn ấm áp của cô, nhớ những bài giảng nhẹ nhàng mà sâu lắng, nhớ cả những cái nhíu mày nhẫn nại của cô khi nghe trò ấp úng trả bài. Làng nó giờ chắc nước ngập đến lưng cột cờ nhà văn hoá rồi. Cả lớp học của chúng nữa… Những chiếc ghế nhựa sẽ lại lềnh phềnh khắp các lớp học như hồi năm ngoái. Không biết hội thằng Trung, con Hoa, con Nhung tệch toạc thế có nhớ cất dọn sách vở trước khi về tránh lũ không, hay cũng lại để nó đi “du lịch” khắp nơi? Còn cái bồn hoa mười giờ cô trò nó ươm trồng đang mơn mởn nữa…

Mưa không ngớt. Bố nó đứng ngồi không yên, khuôn mặt hốc hác. Hình như bố nó khóc, cái giọng hắng è è như bị tắc gì trong cổ họng: “Cơ chừng này là nước ngập lên tới ban thờ mẹ rồi…”. Nó lặng người lo cái ban thờ trôi mất, mẹ nó sẽ lại một lần nữa chết trôi… Bằng giờ này năm ngoái, cơn lũ hùm beo đã cuốn mẹ nó trôi tuột luột ra kênh Đồng Nội khi mẹ vừa kịp bế đứa nhỏ cuối cùng trong lớp mầm non của mẹ lên chiếc ca nô cứu hộ. Giữa tiếng khóc gào của những đứa trẻ, tiếng kêu thất thanh của đồng nghiệp, tiếng nước sôi lên ằng ặc, mẹ nó chới với rồi mất hút giữa mênh mông…Ba ngày sau người ta mới tìm thấy mẹ dạt vào mương nước trước cửa sổ chỗ nó vẫn nhìn ra mỗi khi lơ đãng. Chính cô giáo nó đã phát hiện và báo người ta mang mẹ về…Nó đau quá, vết đau từ vết mổ chưa lành hay từ trái tim xót đau cho người mẹ dũng cảm của nó? …

* * *

Nay nó về đây, tại mái trường này mà nghe sao tang tóc. Nó đưa mắt nhìn quanh bốn bề, chỉ toàn thấy đất, đá, cành cây gãy đổ ngổn ngang. Dãy nhà hai tầng tuyệt đẹp còn thơm mùi bàn ghế mới giờ nhuốm màu loang lổ, tanh nồng bùn đất. Những chiếc bàn xinh xắn trôi dạt hết phương nào rồi! Còn lũ bạn đâu, sao không ra mà nhăn nhở cười cái thân thể gầy tọp đi cả chục cân của nó? Và cô đâu? Nó muốn hét thật to: “Cô ơi, con về trả bài cho cô!” Rồi cô sẽ bước ra từ lớp học sạch sẽ thơm tho kia, đến bên nó và lại nắm đôi bàn tay trơ những đốt ngón của nó mà bảo: “Nhung Anh à, chào mừng em trở lại!”. Nó sẽ hạnh phúc biết nhường nào!

Nó thấy như có cái gì đó từ sâu trong lồng ngực rội xộc lên cổ, lên mũi rồi cay xè nơi khóe mắt. Nó nhớ cô quá, nhớ các bạn quá đi mất! Phải chi được gặp mọi người thì vui biết mấy! Hơn hai tuần nằm viện, nó nhớ thao thiết cái mùi của sách vở, mùi của mồ hôi những đứa bạn nghịch ngợm mỗi giờ ra chơi. Nó nhớ góc sân trường có cây bàng già võng lưng uốn mình làm ngựa cho bọn trẻ cưỡi nhong nhong. Nó nhớ dãy hành lang lớp học nở đầy hoa sam, hoa bách nhật… Nó nhớ thằng Hùng hay ngặt nghẽo cười tít mí, nhớ cái Loan thỉnh thoảng rên rỉ mấy câu hát chế lời. Nhớ cái lũ bàn trên cứ rục rịch quay bài mỗi lần kiểm tra, cái lũ con gái cuối lớp chúa hay ăn quà… Đang miên man suy nghĩ, nó chợt giật mình bởi tiếng loa phát thanh vang lên từ phía nhà Ủy ban xã khuất sau rặng tre vọng lại: “Bà con chú ý, không đến gần khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở… Hiện tại đoàn tìm kiếm cứu hộ vẫn đang tích cực tìm kiếm những nạn nhân mất tích trong lũ… 

Tiếng loa cứ phập phồng theo gió, tiếng được tiếng chăng như lồng ngực đang hồi hộp, sợ hãi của nó, nhưng nó nghe rõ lắm rằng trường nó vẫn đang trong khu vực nguy hiểm, cái ngôi trường khiêm nhường nép vào chân núi giữa bao nhiêu cây cối um tùm. Một nỗi lo lắng sợ hãi làm người nó lạnh ngắt, mồ hôi nó túa ra, chân tay nó run rẩy, đầu óc nó mường tượng toàn những điều đau đớn hãi hùng… Nó bặm chặt môi để cố gắng không bật thành tiếng khóc, hình ảnh lớp học, bạn bè, cô giáo thân thương nhòa dần trong mắt nó. Nó bíu lấy thân cây bàng mình đầy thương tích, chân nó nhũn ra tưởng như không còn đứng vững.

Bỗng, có đôi tay dịu dàng ấm áp đặt lên vai nó: 

- Nhung Anh đấy phải không?

 Như có luồng sinh khí mạnh mẽ chuyền thẳng vào cơ thể yếu ớt của nó, nó quay phắt lại, sửng sốt: 

 - Ôi, mẹ… mẹ! 

Nó sà vào lòng cô. Nó đang tưởng như cô là người mẹ yêu thương của nó, hay người mẹ đã cùng hiện về trong hình hài người cô dịu dàng, đôn hậu ấy. 

Cô giáo dịu dàng đỡ lấy nó, xiết trong vòng tay ấm áp: 

- Cô vẫn ở đây, các bạn vẫn ở đây đợi em về mà! Cô bé kiên cường của cô! 

Nó mặc kệ là cô hay là mẹ, nó chìm đắm trong cảm giác được chở che, được vỗ về, như con mèo con sa vào cơn lũ được người ta vớt lên rồi ủ ấm cho nó. Lúc này đây, tai nó vẫn nghe tiếng thì thào ấm áp: “Cố gắng lên con, mọi đau đớn rồi sẽ qua, và con hãy sống như ngày mai không còn ánh mặt trời nữa”. Nó lim dim mơ đến những ngày nắng đẹp, rồi chúng nó lại tung tăng vui đùa dưới sân trường này. Cây bàng sẽ sớm lành những vết thương, những mầm xanh sẽ vươn dậy nhanh thôi. 

Trong màu của bùn đất, nó chợt thấy những bông mười giờ hồng thắm trước hiên lớp học đồng loạt ngẩng lên khoe sắc. Lòng nó như thổn thức, rộn ràng! Cuộc sống có thể có nhiều điều đau đớn, rủi ro, nhưng cũng không ít những phép màu. Điều quan trọng là ta phải biết trân quý từng giây phút mình đang sống, ta sẽ thấy cuộc đời này tươi đẹp biết bao nhiêu!

Nó vẫn tiếp tục chiến đấu với những khối u có thể mọc ra bất cứ lúc nào. Và nó sẽ cùng thầy cô, bạn bè dọn dẹp lớp học, trồng thêm những luống hoa để đón chào những ngày mới an yên, hạnh phúc.

06/4/2022

(Nguồn: TC VNNB 265-5/2022)

 

Bài viết khác