Chủ nhật, 19/05/2024

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

Chủ nhật, 26/01/2020

Ngày 29/8/2019, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành nơi hội tụ những nghệ sĩ tiêu biểu của nền nghệ thuật Việt Nam đương đại. Nghệ sĩ Việt Nam thuộc nhiều dân tộc, đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, ở đa dạng lứa tuổi đã náo nức đón nhận danh hiệu NSND, NSƯT - danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng.

Tại Lễ Trao tặng Danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” lần thứ IX - 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến trao tặng, chúc mừng các nghệ sĩ và có bài phát biểu. Trang TTĐT tạp chí Văn nghệ Ninh Bình trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Thủ tướng NXP

Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc          ( ảnh Hội NSSK VN)

- Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, 

- Thưa các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan Trung ương và TP Hà Nội,

- Thưa các quý vị đại biểu, các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú,
Đất nước chúng ta đang sống trong một không khí phấn khởi chào mừng kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mùng 02/9. Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với ngành văn hoá và nghệ thuật, trong không khí đó, và tôi rất vui mừng được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Lễ Trao tặng Danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” lần thứ IX – 2019. Tôi xin gửi tới các đồng chí, quý vị đại biểu, đặc biệt là các nghệ sĩ lời thăm hỏi thân thiết, chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. 

Thưa các đồng chí, quí vị đại biểu,
Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là phần thưởng cao quý nhất mà Nhà nước dành tặng cho đại diện tiêu biểu của đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước. Đây là những nghệ sĩ đã luôn nỗ lực rèn luyện, trưởng thành và không ngừng sáng tạo trong sự nghiệp nghệ thuật, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu. Các đồng chí là lực lượng tin cậy, trung thành của Đảng và Nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tinh thần cống hiến, và tâm huyết với nghề nghiệp. Các nghệ sỹ thực sự là những ngôi sao chiếu sáng bầu trời nghệ thuật của Việt Nam.
Nghệ thuật, văn hóa là giá trị tâm hồn của một dân tộc. Trong nhiều năm qua, anh chị em văn nghệ sĩ bỏ ra nhiều trí tuệ, mồ hôi và cả máu xương để xây dựng các giá trị tinh thần của Việt Nam, từ đó góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và Nhân dân trân trọng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ - những người đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang nền nghệ thuật nước nhà thời gian qua.
Thưa các đồng chí, quý vị đại biểu và các nghệ sĩ,  
Qua báo cáo Công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 9, Tôi đánh giá cao sự chuyên nghiệp, nghiêm túc, minh bạch trong việc lựa chọn, xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần này, trong đó đáng ghi nhận một số nội dung sau:
- Độ tuổi nghệ sĩ đa dạng, từ 30 đến 92 tuổi. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ tài năng nghệ thuật, sự đóng góp, cống hiến của các nghệ sĩ ở các lứa tuổi khác nhau và có tính kế thừa qua các thế hệ. 

- Các nghệ sĩ được trao danh hiệu đến từ khắp vùng miền của cả nước, từ nhiều dân tộc anh em như Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, H’Mông, Ê Đê, đến Jơ Rai, Khmer. Cùng với các nghệ sĩ khác, các nghệ sĩ được trao danh hiệu ngày hôm nay sẽ là những cánh chim đầu đàn gìn giữ, phát triển và lan tỏa giá trị văn hóa, nghệ thuật đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước và đến với các bạn bè quốc tế. Đây là điều hết sức đáng trân trọng, trong điều kiện đời sống vẫn còn khó khăn, vất vả. 

- Các nghệ sĩ được trao danh hiệu là đại diện tiêu biểu của nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, từ âm nhạc, điện ảnh, phát thanh-truyền hình, sân khấu (cải lương, chèo, tuồng, dân ca kịch, kịch nói, múa rối, xiếc, thiết kế sân khấu), múa… đây là những lĩnh vực nghệ thuật chủ đạo, vừa hiện đại, vừa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. 

- Lần trao danh hiệu năm nay, chúng ta còn truy tặng danh hiệu đối với 13 cố nghệ sĩ. Đây là sự trân trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với công lao, tài năng của các nghệ sĩ. Xin trao danh hiệu, niềm tự hào này tới thân nhân, gia đình các nghệ sĩ. 
391 nghệ sĩ được vinh danh hôm nay đã vượt qua một quy trình lựa chọn chặt chẽ, sáng tạo, xét trên những cống hiến thực tế của các nghệ sỹ. Các đồng chí thực sự là những viên ngọc quý của đất nước. Xin nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng các nghệ sĩ!
Thưa các đồng chí, quý vị đại biểu,
Hôm nay bên cạnh những niềm vui, cũng là dịp chúng ta cùng suy nghĩ về việc thông qua nghệ thuật để xây dựng một tâm hồn có chiều sâu, có vẻ đẹp cho dân tộc. Sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng của đất nước ta trong thời gian qua đã có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng cũng còn có không ít khó khăn, thách thức và cả những hạn chế mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận và sớm có các giải pháp kịp thời.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, văn nghệ rất đặc biệt và không chỉ chúng ta, mà ngay cả bạn bè quốc tế, cũng coi đây là môt di sản phi vật thể quý giá. Lúc sinh thời, Bác Hồ đã từng nói:  “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Câu nói ấy giản dị, mà rất đúng khi đó, và vẫn đúng đến ngày hôm nay. Như quý vị cũng biết, dịp này chúng ta đang kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác, một nhà lãnh đạo kiệt suất, nhưng cũng là một danh nhân văn hóa sâu sắc mà bình dị.
Ngày nay, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, bùng nổ của các phương tiện truyền bá sản phẩm nghệ thuật, công nghệ giải trí, đang làm thay đổi phương cách truyền tải nghệ thuật và văn hoá cảm thụ, hiện tượng suy thoái văn hóa của một bộ phận xã hội cũng như cán bộ; chạy theo thương mại, giật gân, thậm chí bóp méo lịch sử trong sáng tác và biểu diễn, đặt ra cho cộng đồng văn nghệ sĩ Việt Nam một câu hỏi lớn là: Qua nghệ thuật của mình, chúng ta có thể làm gì để cho tâm hồn văn hóa dân tộc ngày càng đẹp, càng sáng hơn?
Là nghệ sỹ, các đồng chí có thể ảnh hưởng lên giá trị của xã hội thông qua các tác phẩm của mình. Vì xã hội tin yêu các nghệ sỹ. Nhưng khả năng ảnh hưởng ấy cũng đi đôi với trách nhiệm xã hội lớn lao. Các tác phẩm của chúng ta có thể nâng cao giá trị, chuẩn mực xã hội lên, phê phán cái xấu, tôn vinh cái đẹp, góp phần xây dựng một Việt Nam ngày càng nhân văn hơn.
Để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu thì chúng ta cần một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, trong đó tôi cho rằng: 
1. Kỷ luật, trách nhiệm, tự trọng, chính trực, không ngừng sáng tạo phải là nét nhận dạng văn hoá chung của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với các nghệ sỹ và từ đó là sợi chỉ vô hình gắn kết nét đẹp truyền thống lịch sử, bản sắc của 54 dân tộc anh em. 
2. Cần phải xác định rõ các tiêu chuẩn cao về văn hóa và các giá trị đạo đức xã hội, lối sống cho người Việt Nam thông qua các tác phẩm văn hóa đặc sắc (phim ảnh, kịch nhạc, sách, truyện, viết lại truyện cổ tích, truyện dã sử) thể hiện giá trị chân thiện mỹ, lịch sử hào hùng, tự hào dân tộc. Phải được thẩm thấu và lan tỏa mỗi ngày để văn hoá này được ngấm vào tâm hồn và tạo ra khí phách Việt Nam.
Rõ ràng bối cảnh và tình hình đất nước thời gian tới đây đặt ra nhiệm vụ rất quan trọng cho nghệ thuật Việt Nam, và đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng chính là lực lượng tiên phong. 
Như tôi đã nói ở trên, để xây dựng và phát triển tốt văn hóa và con người Việt Nam thì cần nhất là hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn. Từ đó văn hóa mới trở thành nền tảng đích thực cho hội tụ - kết nối tinh hoa khoa học kỹ thuật, tạo sức hút đối với quốc tế, và nền tảng cho phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp văn hoá và ngành du lịch, để tạo ra sự khác biệt, một thương hiệu cho Việt Nam. Văn hoá chính là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đặc biệt, chúng ta đang tiến hành tổng kết, xây dựng các văn kiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó xác định phát huy giá trị văn hóa, con người, khơi dậy khát vọng dân tộc trở thành một trong những đột phá chiến lược. 
Trước yêu cầu và bối cảnh giai đoạn phát triển mới, tôi yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát các quy định pháp luật có liên quan về xét tặng đối với 2 danh hiệu nêu trên; sớm nghiên cứu, đề xuất, trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng phù hợp với thực tiễn; điều kiện, quy trình xét duyệt bảo đảm minh bạch, công bằng, nhanh chóng và thuận lợi cho các nghệ sĩ; chế độ chính sách và ưu đãi cho các nghệ sĩ được tốt hơn. 
Đề nghị các nghệ sĩ liên tục tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, kế thừa và phát huy truyền thống vinh quang của Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng; luôn sáng tạo nghệ thuật mang tầm thời đại, xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, lan toả các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Nghệ sĩ Trần Hạnh đã có chia sẻ rất sâu sắc và cảm động là "Tôi hạnh phúc vì được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân nhưng đó không phải là mục đích của tôi khi làm nghề. Tôi đến với sân khấu vì tình yêu, vì sự đam mê. Mỗi khi được giao vai diễn nào, tôi đều cố gắng làm hết sức để không phụ lòng khán giả". Ở độ tuổi 90, Nghệ sĩ Trần Hạnh vẫn giữ được cho mình tâm sáng, lòng trong và trái tim vị nghệ thuật, vị nhân sinh, đó thực sự là một điều trân quý, đáng học tập. 

Thưa toàn thể các đồng chí, 
Một lần nữa, tôi nhiệt liệt chúc mừng các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” đợt này. Chúc các thế hệ văn nghệ sĩ cả nước và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm hay - lay động lòng người, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển văn hóa, con người và chủ nghĩa xã hội của Việt Nam./.
Trân trọng cảm ơn!

Bài viết khác