Chủ nhật, 19/05/2024

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”

Thứ năm, 15/06/2023

MAI HƯƠNG

Ngày 05/4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới". Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; đại biểu lãnh đạo các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, các sở, ban, ngành, Liên hiệp Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh; Thường trực các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao các huyện, thành phố; các tập thể, cá nhân được khen thưởng…

Tại hội nghị, đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Báo cáo khẳng định: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chương trình hành động, kế hoạch, nghị quyết, đề án phát triển văn học nghệ thuật, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để Hội Văn học Nghệ thuật phát triển, thu hút, đãi ngộ văn nghệ sỹ, nhất là tài năng văn học, nghệ thuật. Hằng năm, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt, làm việc với Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và đại biểu văn nghệ sỹ, ban hành Thông báo kết luận để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức các cuộc tọa đàm về nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật; các địa phương bố trí ngân sách hỗ trợ, tổ chức các chương trình nghệ thuật lớn, thực hiện các đề án bảo tồn, phát huy các môn nghệ thuật truyền thống. HĐND tỉnh kịp thời rà soát, xây dựng các chính sách khuyến tài, hỗ trợ văn nghệ sĩ có tác phẩm xuất sắc; UBND tỉnh ban hành các kế hoạch phát triển văn học nghệ thuật theo từng giai đoạn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị       Ảnh của MINH TUYỀN                    

Trong giai đoạn 2015-2020, chi cho sự nghiệp văn hóa chiếm 3,37% tổng chi ngân sách toàn tỉnh; giai đoạn 2021-2025, chi đầu tư cho các công trình, dự án văn hóa chiếm 20% tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, đạt mức cao trong cả nước. Các hoạt động văn học, nghệ thuật có bước phát triển mới, hài hòa giữa nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng, đáp ứng đa dạng nhu cầu tinh thần của người dân. Tổ chức, hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đi vào chiều sâu. Đội ngũ văn nghệ sĩ được rèn luyện, bồi dưỡng, có bản lĩnh chính trị, thể hiện được tâm huyết, trách nhiệm của người nghệ sỹ; Số lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật tăng, chất lượng tư tưởng và giá trị nghệ thuật của các tác phẩm có nhiều tiến bộ, có những tác phẩm đạt các giải cao, có uy tín ở trong nước, khu vực và thế giới;  Phong trào nghệ thuật quần chúng được duy trì và có nhiều khởi sắc;  Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống được phục hồi và phát triển. Hầu hết các địa phương đã thành lập các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống của cấp huyện và cơ sở, như: hát chèo, hát xẩm, hát văn, ca trù, hát rằng thường và các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, truyền thống; Công tác quản lý Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực, chú trọng việc cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách, kế hoạch, quy hoạch cụ thể.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã khẳng định những kết quả  đạt được, chia sẻ những kinh nghiệm hay và làm rõ hơn khó khăn, thách thức hiện nay đối với phát triển văn học, nghệ thuật. Đồng thời có nhiều đề xuất, kiến nghị và nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23 trong thời gian tới.

Nhân dịp này, 10 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới" đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen

Trong chương trình hội nghị, các đại biểu đã được thưởng thức một số tiết mục hát chèo, hát xẩm, hát rằng thường sâu lắng do các nhạc sĩ sáng tác và các nghệ sĩ, nghệ nhân cùng các cháu thiếu nhi biểu diễn; được xem chương trình phóng sự sinh động mang tính tổng quát đánh giá  tầm quan trọng của văn học nghệ thuật trong đời sống kinh tế xã hội của tỉnh từ khi có Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị. 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực của văn học, nghệ thuật tỉnh trong thời gian qua; biểu dương những đóng góp và thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân, những mô hình tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị: Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị tạo cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh. Tổ chức, hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ văn nghệ sĩ đã bám sát định hướng chính trị, chủ đề và thực tiễn đời sống, sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng, đề cập nhiều vấn đề của đời sống, thực tiễn xã hội. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đảng ta xác định nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Hạnh phúc của người dân chỉ có được khi cả nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần được đảm bảo. Văn học, nghệ thuật góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Hơn nữa, văn học, nghệ thuật còn tạo động lực, là nguồn tài nguyên đầu vào cho phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Ninh Bình.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về văn học nghệ thuật trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật nhất là những mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật.

Tiết mục văn nghệ chào mừng                               Ảnh của MINH TUYỀN

Tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật, bám sát thực tiễn cuộc sống; vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế xã hội phải mang tính tích hợp cao, nhìn phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường phải thấy có văn học, nghệ thuật; trong xây dựng nông thôn mới thì vai trò văn học nghệ thuật trong kiến trúc ngôi nhà truyền thống, văn hóa dân gian, bảo tồn kiến trúc; văn học nghệ thuật tham gia vào sản phẩm nông nghiệp, nâng tầm nghệ thuật trong ẩm thực, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm du lịch, tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm. 

Các cấp, các ngành phải tiếp tục kết nối, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội hóa dành cho văn hóa, văn học nghệ thuật, trong đó đầu tư phải tập trung, tránh dàn trải và có sự kết nối giữa các nguồn lực. Hiện nay, đầu tư nguồn lực còn hạn chế, chưa có sự kết nối nguồn lực giữa Nhà nước - doanh nghiệp - xã hội. Đầu tư cho nghệ thuật truyền thống, nguồn lực Nhà nước đầu tư về cơ sở hạ tầng, đầu tư phải tập trung, đầu tư xong phải kết nối với doanh nghiệp để phát huy giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật. Kết nối văn hóa truyền thống, giá trị kiến trúc của vùng đất Cố đô với phát triển du lịch. Văn học nghệ thuật trong tôn giáo như kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật,… cần được quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình văn hoá, hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.

Quan tâm bồi dưỡng thu hút nguồn nhân lực văn học, nghệ thuật. Đặc biệt là bồi dưỡng nghệ sĩ, nghệ nhân tài năng, có kế hoạch đào tạo năng khiếu và tài năng văn học, nghệ thuật trẻ bắt kịp nhịp độ phát triển của tỉnh và đất nước. Thực sự coi trọng, nâng cao chất lượng công tác giáo dục thẩm mỹ, các môn văn học, nghệ thuật trong các nhà trường; tiếp tục tổ chức dạy và học các môn nghệ thuật truyền thống, trên cơ sở đó, sớm phát hiện, bồi dưỡng các tài năng nghệ thuật, xây dựng thế hệ công chúng đam mê, yêu thích, biết thưởng thức nghệ thuật và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đặc biệt là giáo dục môn nghệ thuật trong nhà trường phải gắn liền với đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo. Phải đổi mới tư duy, coi trọng và đầu tư cho môn nghệ thuật, không có môn học chính và môn học phụ. Ngành giáo dục cần có tổng kết sâu hơn về nội dung này để có giải pháp để thực hiện.

Tăng cường công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; chú trọng quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, nhất là thế hệ trẻ.

 Tăng cường đưa các hoạt động nghệ thuật về cơ sở, đồng thời với phát triển mạnh các hoạt động nghệ thuật quần chúng, nhất là các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống, các câu lạc bộ nghệ thuật, ban, nhóm nhạc trong thế hệ trẻ, các hoạt động nghệ thuật trong các khu, cụm công nghiệp,... Trước mắt, tập trung phối hợp để tham mưu, hướng dẫn, tổ chức quản lý các câu lạc bộ nghệ thuật đúng quy định pháp luật, thuận lợi trong việc thành lập, tổ chức và hỗ trợ hoạt động. Thúc đẩy, khuyến khích sáng tác, xây dựng các sản phẩm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân và khách du lịch, tạo thêm sản phẩm hấp dẫn du khách, nâng thu nhập cho người hoạt động chuyên nghiệp, không chuyên; đồng thời, góp phần tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch tỉnh Ninh Bình. Văn học, nghệ thuật phải chủ động tham gia, quảng bá về lịch sử, truyền thống, văn hóa Ninh Bình. Phải đưa văn học, nghệ thuật vào trong từng sản phẩm du lịch để quảng bá về lịch sử, truyền thống, văn hóa Ninh Bình tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Thời gian tới các cấp, ngành, các địa phương cần tiếp tục coi trọng đầu tư và khôi phục những giá trị văn hoá đặc trưng của mảnh đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến gắn với tiếp tục phát triển văn học nghệ thuật, phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc trong kiến trúc, tôn giáo, vùng miền, địa phương trong tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tham mưu tổ chức cuộc gặp mặt của Thường trực Tỉnh ủy với đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu tỉnh Ninh Bình. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu phù hợp với yêu cầu và thực tiễn.

Đồng chí tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý có hiệu quả của chính quyền, đặc biệt là tâm huyết, khát vọng, tài năng, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh, nền văn học, nghệ thuật của Ninh Bình sẽ có những bứt phá mới trong thời gian sắp tới, góp phần xứng đáng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

M.H

(Nguồn: TC VNNB 280-5/2023)

 

Bài viết khác