Chủ nhật, 19/05/2024

Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tỉnh Ninh Bình sau một nhiệm kỳ nhìn lại

Thứ tư, 08/01/2020

TRƯƠNG ĐÌNH TƯỞNG

Trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Ninh Bình khóa IV

Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDGVN) tỉnh Ninh Bình trực thuộc Hội VNDGVN hiện có 7 hội viên, đều có trình độ từ cử nhân đến trên đại học, công tác ở các ngành văn hóa, giáo dục, thông tin và truyền thông, đến nay tất cả đều đã nghỉ hưu, tuổi đời thấp nhất 61, cao nhất 75, trung bình 70 tuổi.

Có thể nói, đây là Chi hội ít số lượng, nhưng cao tuổi. Tất cả các hội viên của Chi hội hiện nay đều đã nghỉ hưu công tác Nhà nước. Tuổi càng cao tỷ lệ nghịch với sức khỏe, tuy nhiên, với độ chín già về kỹ năng nghiên cứu và độ dẻo dai, say sưa thì Chi hội lại không kém bất kỳ Chi hội nào trong Hội VNDGVN và so với các Chi hội trực thuộc Trung ương của Hội VHNT Ninh Bình.

 Để đảm bảo phát triển được hội viên mới, Ban Chấp hành Chi hội thực hiện kết nạp hội viên thuộc Chi hội tỉnh, tiến tới hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình Ban chấp hành Trung ương Hội VNDGVN kết nạp, vừa đảm bảo khích lệ những nhà nghiên cứu (NNC) có nhiệt huyết tham gia Hội, vừa bảo đảm nguồn phát triển của Chi hội. Đại hội đã nhất trí cao kết nạp 2 NNC là Đỗ Văn Chuyến và Nguyễn Hoán vào Chi hội VNDG tỉnh Ninh Bình.

Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tỉnh Ninh Bình Khóa V nhiệm kỳ (2019-2024) ra mắt Đại hội

Những thành tựu nghiên cứu sưu tầm văn nghệ dân gian

Trong nhiệm kỳ IV (2015 - 2019), Chi hội đã tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên nghiên cứu, sưu tầm, học tập, phổ biến di sản văn hóa dân gian, góp phần củng cố đội ngũ chuyên môn; Đồng thời, tư vấn, hợp tác với các Hội ở địa phương để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ về mọi mặt; góp phần tham gia sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, vốn di sản văn hóa phi vật thể quý giá trong địa bàn tỉnh; tư vấn và phản biện xã hội về lịch sử, văn hóa, văn nghệ dân gian địa phương.

Trong nhiệm kỳ qua, các hội viên tuy tuổi đã cao, sức khỏe một số đồng chí có giảm sút, tuy nhiên sức lao động sáng tạo của tất cả các đồng chí nhìn chung vẫn bền bỉ, cần cù như con ong lấy mật. Bởi mọi người coi đó như một niềm đam mê, niềm vui và cao hơn thế là cái nghiệp của người cầm bút, người nghiên cứu sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian. Có thể sơ bộ liệt kê những thành tựu của các hội viên trong Chi hội nhiệm kỳ qua như sau: NNC Đỗ Thị Bảy: một nữ giáo viên, bận rất nhiều công việc cơ quan và xã hội, gia đình, nhưng chị vẫn say sưa với công việc bút nghiên sáng tạo. Chị đã nghiên cứu và ra mắt độc giả công trình “Sự phản ánh quan hệ gia đình người Việt trong tục ngữ ca dao”. Tác phẩm đã được tặng giải B Hội VNDGVN và Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Trương Hán Siêu; NNC Nguyễn Quang Hải với công trình “Nghề truyền thống tỉnh Ninh Bình” được giải Khuyến khích của Trung ương Hội. Anh chuẩn bị cho ra mắt công trình nghiên cứu dầy dặn “Hồn làng nước”; NNC Nguyễn Văn Trò bận nhiều công tác của Hội VHNT tỉnh, nhưng anh cũng có nhiều bài nghiên cứu giới thiệu trên sách báo Trung ương, địa phương và biên soạn, tái bản nhiều lần tác phẩm “Ninh Bình theo dòng lịch sử” được đông đảo bạn đọc yêu thích. Anh còn tham gia biên soạn cuốn “La Mai lịch sử, văn hóa và phát triển” viết chuyện về làng xã Ninh Giang quê anh. Tác phẩm “Cố đô Hoa Lư”, “Theo dòng lịch sử”, “Di tích lịch sử thời Đinh và Tiền Lê trên đất Ninh Bình” tái bản tới hàng chục lần với hàng ngàn bản, phát hành rộng rãi, được các đối tượng độc giả, các NNC rất quan tâm; NNC Vũ Văn Lâu là người cần mẫn, ít nói, viết nhiều. Trong những năm qua, anh đã cho ra mắt nhiều công trình được bạn đọc chú ý và đoạt nhiều giải thưởng của Trung ương và của tỉnh như tác phẩm “Bên lũy tre làng”, “Văn hóa 12 con giáp”, “Chuyện thằng Còi” và “Văn hóa dân gian làng Cam Giá”. NNC Đỗ Danh Gia dầy công nghiên cứu không biết mệt mỏi, tuy ở Hà Nội, nhưng anh dành nhiều trí lực, viết nhiều công trình khảo cứu lịch sử, văn hóa Ninh Bình được đánh giá cao như cuốn “Địa danh ở tỉnh Ninh Bình” và hàng loạt công trình anh đoạt giải thưởng A,B,C của Hội VNDGVN. Năm nào anh cũng có công trình được tài trợ và đoạt giải. Anh đã có tới 15 công trình được tài trợ và được tặng giải thưởng của Hội VNDGVN trong nhiệm kỳ qua. Có thể nói, anh là hội viên được nhiều giải thưởng nhất, được nhiều tài trợ nhất trong Chi hội Ninh Bình; Đặc biệt ở đây, chúng ta phải kể đến anh Mai Đức Hạnh, một nhà giáo, một NNC cần mẫn, đi nhiều, viết nhiều, chiêm nghiệm và tích tụ lại thành các công trình quý giá. Đó là công trình: “Văn học dân gian Ninh Bình”, “Địa danh trong phương ngôn, tục ngữ, ca dao Ninh Bình”, “Văn hóa sông nước Ninh Bình”, “Khoa bảng Ninh Bình thời Nho học 1075 – 1919”. Tức là năm nào anh cũng có công trình được xuất bản, có năm tới 2 công trình. Trong nhiệm kỳ anh đã cho ra mắt ngần ấy tác phẩm với số trang vô cùng đáng khâm phục là 4.345 trang, chưa kể những tác phẩm anh chưa công bố. Hầu như năm nào anh cũng đoạt giải thưởng của Trung ương hội; NNC Đỗ Văn Chuyến, một nhà giáo, một cán bộ mẫn cán đã nghỉ hưu với công việc nhà nước, tham gia công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh, cũng cho ra mắt nhiều bài viết lý luận phê bình văn học, đặc biệt là công trình nghiên cứu văn học dân gian rất đáng trân trọng; Anh Nguyễn Hoán, một thầy thuốc tích lũy, nghiên cứu công phu, diễn ca ba tập sách về các bài thuốc, vị thuốc từ ngàn xưa của ông cha ta trên đất Cố đô Hoa Lư, trở thành cẩm nang quý giá cho không chỉ giới chuyên môn mà còn với đông đảo công chúng vận dụng trị bệnh tại gia rất hiệu quả và tiện dụng. Anh mới công bố tác phẩm khảo cứu công phu về quê hương với nhan đề “Xích Thổ miền đất cổ”. Chúng tôi rất trân trọng tác phẩm khảo cứu đầu tay của anh dưới dạng nghiên cứu địa lý, lịch sử một vùng đất mang đậm dấu ấn làng xã từ khi hoài thai đến phát triển nơi địa đầu tỉnh nhà. Có thể nói, nghiên cứu phong tục, tập quán, nét văn hóa cổ truyền làng xã như những công trình của anh Vũ Văn Lâu, Nguyễn Văn Trò, Nguyễn Quang Hải, Mai Đức Hạnh, Nguyễn Hoán là hướng đi đang được Trung ương Hội VNDGVN đặc biệt khuyến khích; NNC Trương Đình Tưởng trong nhiệm kỳ qua có ít công trình nghiên cứu, chỉ được một giải thưởng loại 3 của Hội VNDGVN với công trình “Ninh Bình qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ và ca vè”; công trình kịch bản “Lễ hội Hoa Lư” được Tỉnh và Bộ Văn hóa nghiệm thu; gần đây là đồng tác giả chuyên khảo “Lễ hội hội Trường Yên (Hoa Lư), di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, NXB Lao động ấn hành năm 2019 (song ngữ Việt-Anh, 450 trang) và cuốn khảo cứu “Đinh Tiên Hoàng, Anh hùng mở nền thống nhất quốc gia” nhân dịp tỉnh ta kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt năm 2018.

Có thể khái quát đánh giá: Sức lao động sáng tạo của tất cả anh chị em trong Chi hội thực sự kinh ngạc và rất đáng trân trọng. Hầu hết các tác phẩm đều được xuất bản với chủ yếu nguồn kinh phí cá nhân. Điều đó càng thấy những thành tựu của Chi hội không hề nhỏ bé về số lượng, lớn về tầm vóc trí tuệ, công sức không thể đong đếm được.

Định hướng tới tương lai

Tình hình kinh tế đất nước và trong tỉnh có nhiều khởi sắc. Song chắc chắn còn không ít khó khăn, thách thức. Chi hội VNDG Ninh Bình vẫn phải tự lo trang trải kinh phí hoạt động nên sẽ vẫn gặp không ít khó khăn. Song dù trong hoàn cảnh như thế nào, Chi hội cũng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng phát triển Chi hội vững mạnh về tư tưởng, tổ chức, nâng cao năng lực chuyên môn, tích cực tham gia công tác nghiên cứu, sưu tầm góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Định hướng nhiệm kỳ V (2019 - 2014), Chi hội tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ là:

1- Tích cực tham gia các chương trình tư vấn, giám định và phản biện xã hội các công trình, đề án, đề tài nghiên cứu của Nhà nước và xã hội của tỉnh có liên quan đến lịch sử - văn hóa, nhất là văn nghệ dân gian; Tổ chức và phối hợp với các cơ quan nhà nước, Trung ương Hội để hội thảo một số chủ đề, đề tài văn hóa, văn nghệ dân gian của địa phương.

2-Kết hợp chặt chẽ với bộ môn Ngiên cứu sưu tầm và Lý luận phê bình của Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh để tham gia nghiên NCST các công trình có giá trị, vừa có hoạt động, vừa có tiếng nói và vị thế của Chi hội với các hoạt động VHNT và khoa học của địa phương.

3- Chi hội có các hình thức và biện pháp khuyến khích các hội viên nghiên cứu và xuất bản, công bố các công trình nghiên cứu VNDG dưới dạng xuất bản phẩm. Có hình thức công bố hoặc tổ chức hội thảo những công trình của các tác giả xét thấy có giá trị khoa học và thực tiễn.

4-Chi hội tuy có các cây bút nghiên cứu, sưu tầm dầy dạn kinh nghiêm, có bề dầy và thành tích rất đáng tự hào. Song, lực lượng như hiện nay là quá mỏng, chất không thể thay thế cho lượng, dù đó là những tố chất tinh, quý hiếm, say sưa, yêu nghề, song đây là giai đoạn cần có “lượng đổi cho chất đổi”. Bởi thế, vấn đề cấp bách hiện nay của Chi hội là phải đặc biệt quan tâm đến phát triển đội ngũ hội viên, với phương châm không cầu toàn. Ngày mới tái lập tỉnh, thành lập Chi hội mới có 3 thành viên từ Hà Nam Ninh chuyển về, các hội viên cũng chưa phải là giỏi, mà trước hết là có nghề và có tâm với sự nghiệp sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn văn nghệ dân gian. Tích cực phát triển hội viên bằng cách kết nạp các cây bút NCST VNDG có tâm huyết vào sinh hoạt Chi hội, làm hạt nhân tiền đề để giới thiệu với Hội Trung ương kết nạp. Trong nhiệm kỳ này phấn đấu kết nạp từ 7 đến 10 hội viên mới.

5-Có ít nhất 2 công trình nghiên cứu khoa học của Chi hội hoặc nhóm hội viên Chi hội tổ chức để xin tài trợ của Nhà nước, tiến tới công bố bằng xuất bản phẩm.

                                                 Ninh Bình, ngày 27/11/ 2019

Bài viết khác