Chủ nhật, 19/05/2024

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp - Hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường!

Thứ bảy, 06/02/2021

TRUNG KIÊN

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng họp từ ngày 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021, khai mạc tại Thủ đô Hà Nội, trong đó họp phiên trù bị ngày 25/01/2021, khai mạc chính thức ngày 26/01/2021 đến trưa ngày 01/02/2021. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.

Mở đầu hội nghị giao ban công tác báo chí, tuyên truyền tháng 1, triển khai định hướng tuyên truyền tháng 2/2021 vào sáng 5/2 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, đồng chí Bùi Mai Hoa, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình dự Đại hội XIII của Đảng đã thông tin nhanh về kết quả Đại hội XIII.

Sau hơn 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” và với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, nhân dân và đất nước, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công tốt đẹp, hoàn thành tất cả các mục tiêu chương trình, nội dung mà Đại hội đã đề ra. Đại hội đã kết thúc sớm hơn gần 02 ngày so với kế hoạch.

Đại biểu chính thức tham dự Đại hội XIII được triệu tập có 1.587 đồng chí đại diện cho trên 5,1 triệu đảng viên cả nước.Trong đó, đại biểu đương nhiên 191 đồng chí (chiếm tỉ lệ 12.04%) bao gồm 171 đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng chính thức và 20 đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng dự khuyết khóa XII; Đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc trung ương: 1.381 đồng chí (chiếm tỉ lệ 87,02%); Đại biểu nam có 1365 đồng chí (chiếm tỷ lệ 86,01%); đại biểu nữ có 222 đồng chí (chiếm tỉ lệ 13,99%); Đại biểu là người dân tộc thiểu số có 175 đồng chí (chiếm tỉ lệ 11,03%); Có 03 đại biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (chiếm tỉ lệ 0,82%); 15 đại biểu là thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú (chiếm tỉ lệ 0,95%). Đại biểu khách mời 162 đại biểu.

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình có 19 đại biểu được bầu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và 01 đại biểu đương nhiên là đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn; 02 đại biểu được Bộ Chính trị phân công sinh hoạt với đoàn đại biểu Ninh Bình là đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tài chính và đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội; đại biểu được chỉ định: 15 đồng chí (chiếm tỷ lệ 0,95%).

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt tại phiên Bế mạc Đại hội- Ảnh TL

Cùng với 67 đoàn đại biểu toàn quốc, Đoàn Đại biểu tỉnh đã tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng về công tác nhân sự. Công tác nhân sự thực hiện đúng quy trình, quy định. Đại hội giới thiệu danh sách 203 để bầu 180 UV BCH chính thức và giới thiệu danh sách 23 để bầu 20 UV BCH dự khuyết. Các đại biểu đã tham gia bỏ phiếu lựa chọn bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gồm 200 đồng chí (180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa XIII) có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ để gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong đó có 07 đồng chí là người Ninh Bình gồm các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Thu Hà, Lâm Thị Phương Thanh, Trần Quốc Tỏ, Nguyễn Quốc Đoàn, Vũ Hải Quân. Đây là những đồng chí tiêu biểu, có tài, có đức, trí tuệ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gắn bó mật thiết với Nhân dân, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng và Nhân dân.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã họp Hội nghị lần thứ nhất, bầu Bộ Chính trị gồm 18 đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hòa Bình, Lương Cường, Đinh Tiến Dũng, Phan Văn Giang, Tô Lâm, Trương Thị Mai, Trần Thanh Mẫn, PHạm Bình Minh, Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Xuân Thắng, Võ Văn Thưởng, Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú. Trong đó, tỉnh Ninh Bình có đồng chí Đinh Tiến Dũng được tín nhiệm bầu vào ủy viên Bộ Chính trị.

Với số phiếu gần như tuyệt đối, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. 

Ban Bí thư Trung ương khóa XIII gồm một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 đồng chí được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII: Đỗ Văn Chiến, Bùi Thị Minh Hoài, Lê Minh Hưng, Lê Minh Khái, Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII gồm 19 đồng chí: Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và các đồng chí ủy viên: Hồ Minh Chiến, Nghiêm Phú Cường, Đoàn Anh Dũng, Trần Thị Hiền, Nguyễn Quốc Hiệp, Nguyễn Văn Hội, Nguyễn Văn Hùng, Vũ Khắc Hùng, Hoàng Trọng Hưng, Trần Tiến Hưng, Tô Duy Nghĩa, Võ Thái Nguyên, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Minh Quang, Trần Văn Rón, Trần Đức Thắng, Cao Văn Thống, Hoàng Văn Trà.

Đại hội nhiệt liệt chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu nêu rõ: "Tôi xin chân thành cảm ơn Đại hội, cảm ơn các đồng chí đại biểu Đại hội đã tin cậy, tín nhiệm, bầu chúng tôi vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội; giao cho chúng tôi trọng trách hết sức lớn lao nhưng vô cùng vinh dự."

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Đại hội.- ảnh TL

Các văn kiện trình tại Đại hội XIII lần này được chuẩn bị rất sớm, công phu, khoa học thông qua rất nhiều vòng khảo sát, nghiên cứu lý luận, tọa đàm, hội thảo khoa học, tiếp thu ý kiến nhiều lần, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp, chất lượng cao. Với tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm cao, tại Đại hội, các đại biểu đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ các văn kiện và sôi nổi thảo luận với 788 lượt đồng chí phát biểu tại Đoàn; 36 đồng chí phát biểu tại hội trường. Thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII…

Báo cáo chính trị lần này có nhiều điểm mới: mới về phương pháp tiếp cận, nội dung, đánh giá, dự báo tình hình và xác định phương hướng trọng tâm, khâu đột phá. Các tiếp cận mới, mang tầm bao quát, ngoài nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020 còn đánh giá tổng quát 30 năm thực hiện cương lĩnh 1991; 35 năm thực hiện đổi mới đất nước; Tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ nêu nhiệm vụ 5 năm tới mà mục tiêu phương hướng đã hướng đến tầm nhìn xa hơn: xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và xa hơn đến năm 1945. Điều đó khẳng định: tầm đánh giá sâu rộng hơn, tầm nhìn định hướng dài và xa hơn.

Nội dung các văn kiện đều đã thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyền giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển. Đại hội tiếp tục khẳng định kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn mới.

Từ kết quả thành tựu đạt được và chưa đạt được, từ thực tiễn, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, trong báo cáo đã chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm rất đúng, rất quý báu: về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về quan điểm “lấy dân làm gốc”; về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; Ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển; Nghiên cứu, năm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ. Từ việc đánh giá đúng tình hình, Đại hội đã đề ra được phương hướng, mục tiêu, giải pháp phù hợp trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo.

Đại hội lần này đặc biệt quan tâm tới dự báo tình hình. Qua nghiên cứu văn kiện cho thấy dự báo tình hình lần này có nhiều điểm mới: Thứ nhất, dự báo về cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra rất nhanh, công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực; Thứ hai, dự báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng chu kỳ (sẽ nặng nề hơn, suy thoái nghiêm trọng hơn, có thể kéo dài hơn do ảnh hưởng của dịch Covid -19); Thứ ba, 5 năm tới chúng ta phải thực hiện các cam kết của hiệp định tự do thương mại trong đó đặt ra yêu cầu lớn của quyền tự do của người lao động; Thứ tư, dự báo về xu hướng già hóa dân số nhanh, bài toán đặt ra là tận dụng thời gian “dân số vàng” hiện nay phải thích ứng nhanh với “già hóa dân số”; Thứ năm, dự báo về biến đổi khí hậu, môi trường. Hiện nay Việt nam có hai thách thức gay gắt và lâu dài nhất đó là biển Đông và khí hậu, môi trường. Dự báo đúng tình hình để cán bộ, đảng viên nhìn nhận đúng, từ đó chủ động khắc phục nguy cơ, tận dụng thời cơ hoặc chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ và dự báo đúng tình hình thì Đại hội sẽ đề ra được mục tiêu, phương hướng phù hợp và có tính khả thi.

Chủ đề của Đại hội là: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Trong đó chú trọng 5 thành tố: Đảng, dân tộc; đổi mới để xây dựng đất nước; bảo vệ Tổ quốc; mục tiêu hướng tới.

Điểm nhấn quan trọng trong các văn kiện thông qua tại Đại hội XIII lần này là xác định tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.  Từ chủ đề cũng như trong dự thảo văn kiện XIII đều khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và tinh thần đổi mới sáng tạo. “Khát vọng phát triển đất nước” là một điểm mới, điểm nhấn của Đại hội XIII của Đảng. Đại hội không chỉ hoạch định đường lối phát triển của đất nước đến năm 2025 mà còn hoạch định đường lối, tầm nhìn dài rộng hơn đến 2030 và 2045. Theo đó Đại hội đã xác định mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhậptrung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong văn kiện khẳng định: “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” không phải là một ảo tưởng xa xôi, không phải là mục tiêu xuất phát từ ý chí chủ quan, duy ý chí mà là một khát vọng bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế của đất nước sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Khát vọng đó được đề ra xuất phát từ những kinh nghiệm và bản lĩnh của Đảng trong quá trình lãnh đạo. Ngoài ra khát vọng phát triển còn được bồi đắp trên cơ sở phân tích tình hình, dự báo, lường đoán kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức. Khát vọng này còn là sự bố sung kịp thời vào văn kiện Đại hội và cũng là mục tiêu hướng tới của nhiệm kỳ mới và những năm tiếp theo.

Quan điểm chỉ đạo của nhiệm kỳ mới là “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên”. Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và tầm nhìn phát triển đó, Đại hội xác định 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, cụ thể hóa ở hệ thống 06 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và bổ sung nội hàm của 03 đột phá chiến lược cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Trong đó các nhiệm vụ trọng tâm đều liên quan tới con người, vì con người. Kể cả điểm nhấn về văn hóa trong văn kiện cũng là “phát triển văn hóa con người”. Đặc biệt là các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phương hướng, đều lấy “con người” làm trung tâm, hướng đến ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đề cao vai trò của chủ thể đó là con người, đề cao vị trí trọng tâm của nhân dân trong phát triển đất nước. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm thứ 4 đề ra “Nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”. Đây cũng là những điểm mới rất giá trị của Đại hội lần này và là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện khát vọng phồn vinh, hạnh phúc.

Đại hội đề ra các chỉ tiêu chủ yếu về: kinh tế, xã hội, môi trường, về các đổi mới. Đại hội cũng đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng và xác định mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 và 6,5-7%. Đây là mức tăng trưởng khả thi trong bối cảnh nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có những thời cơ thuận lợi, tận dung cơ hội kiểm soát tốt dịch bệnh Covid- 19 để huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư và có các cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp trên các lĩnh vực.

Góp phần đáng kể vào thành công tốt đẹp của của kỳ Đại hội lần này có sự đóng góp không nhỏ của công tác tổ chức, phục vụ Đại hội rất chu đáo, bài bản, khoa học; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn trong suốt thời gian diễn ra Đại hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến Đại hội được triển khai rất tốt cả về chiều rộng và chiều sâu, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, khơi dậy khát vọng và tình yêu quê hương đất nước cho mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Đại hội XIII đã thành công toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình và còn có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Thành công của Đại hội biểu thị sự thống nhất ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ mới, thực hiện bằng được mục tiêu phát triển tổng quát đã nêu trong Báo cáo chính trị: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Ngay sau thành công toàn diện của Đại hội, Đảng bộ Ninh Bình, với tinh thần quyết tâm cao nhất, sẽ nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ tỉnh Ninh Bình. Tại hội nghị giao ban báo chí, đồng chí Bùi Mai Hoa,Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan báo chí, tuyên truyền vào cuộc ngay, tích cực tuyên truyền thành công của Đại hội và việc học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đảm bảo nghị quyết đến được với đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân; tạo niềm tin, sự phấn khởi thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng.

T.K

 

 

Bài viết khác