Chủ nhật, 19/05/2024

Đưa tiếng nói của cuộc sống đến nghị trường

Thứ sáu, 01/01/2021

BÙI VĂN PHƯƠNG
TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

LTS: Tiếng nói ở nghị trường Quốc hội để có sự đồng thuận cao phải xuất phát từ thực tiễn sinh động của cuộc sống. Chính sự nắm bắt hơi thở của cuộc sống đã và sẽ giúp đại biểu Quốc hội có ý kiến sắc sảo khi xây dựng các chính sách pháp luật ở nghị trường Quốc hội.

Sinh ra ở một làng quê nghèo, từ nhỏ gắn bó với ruộng đồng, cùng với 30 năm công tác gắn bó mật thiết với cơ sở đã giúp đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương tự tin đứng trên diễn đàn Quốc hội để nói tiếng nói của người nông dân, bảo vệ quyền lợi cho họ. Một trong những thành quả đó là nội dung sửa đổi tại Điều 6 của Luật Hợp tác xã 2012

Trong những ngày sôi nổi thảo luận tại nghị trường, những ký ức của tôi về một thời hợp tác xã nông nghiệp lại tràn về, nhưng bằng một cái nhìn khác, một cách nghĩ khác, trong tâm thế khác.

Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo, từ nhỏ đã gắn bó với ruộng đồng nên những câu chuyện vui buồn của thời kỳ bao cấp đã trở nên thân thuộc với tuổi thơ của tôi và những người đồng trang lứa. Sau này, khi lớn lên, chứng kiến những đổi thay của đất nước, tôi hiểu và hài lòng với những đổi mới để phát triển đi lên, những cái cũ kỹ, lạc hậu làm chây lười nền kinh tế đã nhanh chóng bị loại bỏ, thay vào đó là một cơ chế hoạt động năng động hơn, mạnh mẽ hơn, đòi hỏi con người phát huy tất cả năng lực của mình để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thay đổi đều hoàn hảo. Chính vì vậy mà qua mỗi chặng đường, nhìn lại, chúng ta đã có điều chỉnh phù hợp. Việc điều chỉnh ngay từ cơ chế chính sách, từ sự điều hành của các nhà quản lý là mấu chốt quan trọng cho sự phát triển. Việc Quốc hội khóa XIII bàn thảo sửa đổi một số bộ luật là như vậy. Và một trong những Luật mà tôi quan tâm nhất là Luật Hợp tác xã 2012.

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta không thể không tuân thủ các nguyên tắc thị trường, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên bất cứ lĩnh vực nào cũng phải tính đến lợi nhuận, đến hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, khu vực kinh tế nông nghiệp ở nước ta lâu nay vốn là lĩnh vực có mức tăng trưởng thấp nhất, người nông dân vẫn chỉ "lấy công làm lãi". Do đó, từ sâu thẳm lòng mình, họ luôn mong muốn có sự đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ.

Năm 2012, trước khi về dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, tôi về thăm lại Hợp tác xã Phú Long, huyện Nho Quan, một hợp tác xã có quy mô toàn xã, đơn vị trước đây, dưới thời bao cấp là một trong số ít những hợp tác xã điển hình của Ninh Bình. Thời kỳ đổi mới với những thay đổi căn bản về quy mô và hình thức hoạt động, nhất là sau Luật Hợp tác xã năm 2003, Hợp tác xã Phú Long đã bước sang thời kỳ mới, như một doanh nghiệp: tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bầu sữa bao cấp không còn, toàn bộ cơ sở vật chất, nhà kho, sân phơi... đều do xã quản lý, hợp tác xã muốn sử dụng phải thuê mặt bằng, muốn vay vốn ngân hàng phải có tài sản bảo đảm, bình đẳng rồi mà, làm gì còn chuyện bao cấp. Cán bộ người được điều chuyển về làm cán bộ xã, người còn đam mê bươn chải với hợp tác xã để lo sản xuất kinh doanh trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ. Không có vốn, không có trụ sở, tất cả đều phải thuê. Và tiền thuê vốn, thuê mặt bằng đó, không ai khác, chính người nông dân sẽ phải chi trả. Vậy là, với nguồn thu nhập ít ỏi trên đồng ruộng mỗi năm, trong điều kiện mở cửa kinh doanh cạnh tranh bình đẳng của cơ chế thị trường, các doanh nghiệp tư nhân đã vượt lên chiếm lĩnh thị trường, các hợp tác xã mất dần vị thế. Và rồi phân bón giả, thuốc trừ sâu bệnh giả, tư thương o ép, được mùa mất giá, được giá mất mùa... điệp khúc kéo dài mãi!

Nhìn lại chặng đường hơn 25 năm đổi mới, hầu khắp các lĩnh vực kinh tế đều phát triển vượt bậc nhưng khu vực kinh tế nông nghiệp vẫn là lĩnh vực tăng trưởng chậm nhất, đời sống người nông dân vẫn không ít khó khăn và làm nông nghiệp vẫn chưa được coi là một nghề chính.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực nông thôn bước đầu có những đổi thay nhất định, nhìn ở bề mặt, có thể thấy sự xuất hiện của các công trình xây dựng, các dự án phát triển văn hóa, xã hội... nhưng nếu nhìn sâu hơn, những giá trị trên không mang tính bền vững bởi người nông dân vẫn chưa tự làm giàu được cho mình trên chính mảnh đất mình đang sống.

Trở lại với các chính sách phát triển hợp tác xã hiện nay, có thể thấy, một trong những cách để khu vực nông thôn phát triển ổn định, bền vững chính là bảo đảm cho sự phát triển ổn định của kinh tế nông nghiệp, trong đó, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã là một lựa chọn đúng đắn. Hợp tác xã là cầu nối, là điểm gặp nhau giữa ba nhà: nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh. Đảm bảo sự phát triển ổn định, hiệu quả của các hợp tác xã là đảm bảo cho sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, hoạt động của hợp tác xã phải đảm bảo vừa có tính kinh doanh vừa có tính phục vụ, mà muốn phục vụ tốt, thì các hợp tác xã cần lắm sự hỗ trợ của nhà nước.

Trước khi lên diễn đàn tại nghị trường Quốc hội, tôi đã đưa vấn đề này ra bàn thảo với các đại biểu trong đoàn, các đại biểu trong tổ, và đã nhận được không ít ý kiến không đồng tình, cho rằng tư duy như thế là còn nặng bao cấp, kìm hãm phát triển. Nhưng tôi cho rằng nếu đi sâu, đi sát thực tiễn đời sống bà con nông dân, chúng ta sẽ thấy họ không thể phát triển nếu thiếu sự hỗ trợ. Hơn 70% dân số nước ta sống bằng nghề nông, nhưng nông nghiệp vẫn chưa phát triển tương xứng, chưa sử dụng hết nguồn nhân lực trong 70% dân số, chưa làm ra lượng của cải vật chất phục vụ nhu cầu sống ở mức trung bình cho chính họ. Vấn đề là chúng ta hỗ trợ như thế nào để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bằng nội lực tiềm ẩn của họ. Nhà nước có thể đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đường xá, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ giống, vốn khi bị thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ phương pháp kỹ thuật mới... có cơ chế thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để hỗ trợ cho người dân. Những suy nghĩ của tôi xuất phát từ tiếng nói của cuộc sống, tiếng nói của người nông dân lam lũ quanh năm nên tôi quyết tâm bảo vệ ý kiến của mình đến cùng.

Khi bước vào diễn đàn của nghị trường Quốc hội, tôi mạnh dạn đề xuất và bảo vệ ý kiến của mình, và cũng như các cuộc họp tổ, họp đoàn, đã có nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng các thành phần kinh tế đều phải được đối xử bình đẳng, vì thế, không thể bảo hộ cho các hợp tác xã, không thể ưu tiên cho hợp tác xã khi hợp tác xã cũng là một đơn vị kinh tế. Mặc dù ý kiến của tôi nằm trong số ít các ý kiến được đồng thuận tại nghị trường nhưng tôi có đủ cơ sở thực tiễn và lý luận để bảo vệ, và nhất là xuất phát từ chỗ hiểu sâu sắc đời sống của người dân ở nông thôn, tôi quyết tâm giữ vững lập trường của mình. Và thật vui mừng, ý kiến của tôi sau cùng đã được chấp thuận, đưa vào nội dung sửa đổi tại điều 6, Luật Hợp tác xã 2012.

Sau khi Luật Hợp tác xã được thông qua, trở về tiếp xúc và báo cáo với cử tri trong tỉnh, tôi đã nhận được nhiều ý kiến động viên và chia vui chân thành của bà con.

Câu chuyện này đã thôi thúc, nhắc nhở tôi với vai trò là một đại biểu Q uốc hội phải thật sự gần dân, sát dân, lắng nghe những gì mà nhân dân quan tâm, nhất là bản lĩnh phải vững vàng, không để bị cuốn theo số đông.

Tôi có may mắn là người con của nông dân, trong suốt thời gian hơn 30 năm công tác, lại được đảm nhiệm những công việc gắn bó sâu sắc với cơ sở, chính vì vậy, những vấn đề thực tiễn trong đời sống nhân dân đã trở thành máu thịt. Sau này, khi được học tập và nghiên cứu sâu hơn các vấn đề lý luận đã cho tôi cái nhìn biện chứng, khoa học trước những vấn đề thực tiễn. Đó là cơ sở để tôi tự tin khi đứng lên diễn đàn nghị trường Quốc hội.

Và khi trở về với nhân dân, tiếp xúc với nhân dân, tôi lại là một người con của ruộng đồng, biết chia sẻ và thấu hiểu để cảm thông với những buồn vui của người nông dân, quan trọng hơn nữa, tôi mang được tiếng nói của họ đến nghị trường, bảo vệ được tiếng nói ấy, để mang lại lợi ích thiết thực nhất không chỉ cho những người dân quê tôi mà cho tất cả những người lao động trên đất nước chúng ta.

Và hôm nay, khi chuẩn bị kết thúc năm 2020, nhìn lại thành quả của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với nhiều nét đổi thay trên quê hương, tôi thầm nghĩ, có lẽ mình cũng đã có phần đóng góp nhỏ bé vì một tương lai tốt đẹp hơn, giàu có hơn, nhân văn hơn cho người nông dân.

B.V.P

(Nguồn: TC VNNB 245+246/12-2020)

 

 

Bài viết khác