Chủ nhật, 19/05/2024

Hội thảo “Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” thành công tốt đẹp

Thứ ba, 03/01/2023

MAI HƯƠNG

Hòa cùng không khí phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra năm 2022, chào năm mới 2023, ngày 18/12/2022, tại Nhà khách An Bình (Tp. Ninh Bình) đã diễn ra Hội thảo “Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” do Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình (VNNB) tổ chức. Đây là một điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 30 năm Tạp chí VNNB - một chặng đường phát triển.

Dự  và chủ trì Hội thảo có nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Hào, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Ninh Bình, đồng chủ trì Hội thảo có nhà báo Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí VNNB. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành trong tỉnh, Hội Khoa học lịch sử, Hội nhà báo tỉnh, trưởng phó các phòng chuyên môn của tỉnh, phóng viên báo, đài, cổng, trang thông tin điện tử tỉnh, báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam. Về phía đại biểu Hội VHNT, Tạp chí VNNB có các đồng chí trong Thường trực Hội, nguyên lãnh đạo Hội, nguyên lãnh đạo Tạp chí qua các thời kỳ, Ban Chấp hành Hội; Trưởng các Bộ môn chuyên ngành; Trưởng ban Thanh tra, ban Hội viên, ban Văn học trẻ; Trưởng các Chi hội VHNT cấp huyện, thành phố; trưởng các Chi hội chuyên ngành trung ương tại tỉnh; Biên tập viên Tạp chí, cán bộ viên chức Văn phòng Hội; toàn thể hội viên Hội VHNT Ninh Bình thuộc 8 chuyên ngành: Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình, Nghiên cứu sưu tầm, Âm nhạc, Sân khấu, Mỹ thuật và Nhiếp ảnh cùng hơn 30 cộng tác viên tích cực của tạp chí trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập Tạp chí VNNB cho biết: Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Tạp chí VNNB là tiếng nói của văn nghệ sỹ và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Tạp chí thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh và các Ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị cùng với sự nỗ lực của hội viên văn nghệ sĩ, cộng tác viên. Tạp chí thời gian đầu từ 1 năm 2 kỳ xuất bản đến năm 2003 1 năm 6 kỳ xuất bản, từ năm 2005 tới nay đã ổn định gần một trăm trang, định kỳ xuất bản 1tháng/kỳ, nhuận bút tăng. Năm 2008, trang Website của Hội được thiết lập và đi vào hoạt động, năm 2018 được xây dựng lại để thông tin nhiều hơn tác phẩm VHNT đến công chúng. Đến nay Tạp chí in và trang Thông tin điện tử đã có nhiều bước phát triển mới. Tạp chí đã có nhiều đóng góp quan trọng cùng Hội VHNT xây dựng diện mạo VHNT Ninh Bình thời kỳ đổi mới. Nhiều tác phẩm, công trình VHNT được chọn lọc, in trên Tạp chí đã góp phần định hướng thông tin, định hướng dư luận trên mặt trận tư tưởng văn hóa, văn học nghệ thuật của tỉnh. Nhiều chuyên trang chuyên mục được mở rộng đã giới thiệu đa dạng nguồn tác phẩm và có nhiều tác phẩm hay ghi dấu ấn sâu sắc với bạn đọc, đóng góp nhiều công trình VHNT có giá trị với nền VHNT khu vực và cả nước. Tạp chí VNNB đã làm sâu sắc thêm các giá trị văn hóa của đất và người Ninh Bình.

Đồng chí Tổng biên tập nêu rõ: Hội thảo hôm nay là diễn đàn quan trọng để Ban chấp hành Hội, Ban biên tập Tạp chí, Bộ môn chuyên ngành, chi hội, các đồng chí đại biểu, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, cùng với các văn nghệ sĩ, hội viên của Hội, cộng tác viên Tạp chí nhận diện, đánh giá và khẳng định những kết quả mà Tạp chí VNNB đã đạt được sau 30 năm hoạt động. Đồng chí nhấn mạnh: Với tinh thần mạnh dạn, cầu thị, chủ động, Thường trực Hội và Ban biên tập Tạp chí rất mong được nghe ý kiến phát biểu tham luận thẳng thắn, trách nhiệm, trọng lượng, sâu sắc của các đại biểu nhằm đánh giá, tổng kết thực trạng các hoạt động của Tạp chí về phổ biến chủ trương đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng; nội dung thông tin định hướng sáng tác cho đội ngũ văn nghệ sĩ, định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng; công bố tác phẩm mới của văn nghệ sĩ; hình thức mỹ thuật tạp chí; công tác biên tập, chế bản, in ấn, phát hành; xây dựng mạng lưới cộng tác viên, bồi dưỡng phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; nhận diện tiềm năng sáng tạo tác phẩm VHNT của lực lượng tác giả ở các lĩnh vực: văn xuôi, thơ, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc, lý luận phê bình, nghiên cứu lịch sử văn hóa dân gian; lợi thế của tạp chí trên các phương diện;… Với tinh thần đánh giá đúng sự thật, khách quan, đề nghị các tham luận tập trung phân tích, chỉ ra những tồn tại, hạn chế về: Đề tài phản ánh; chất lượng: tác phẩm, chuyên trang chuyên mục; chất lượng cộng tác viên, biên tập viên; công nghệ xuất bản, nhuận bút, phát hành… Đây là vấn đề khó, đồng thời cũng là vấn đề hết sức quan trọng, là một trong những mục tiêu quan trọng mà cuộc Hội thảo hướng tới. Đề nghị các đại biểu tiếp tục kiến giải dưới mọi góc độ chỉ ra những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan của những hạn chế, yếu kém nêu trên. Đồng thời dành sự quan tâm đưa ra những kiến giải hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn hiện nay về bộ máy tổ chức, về công nghệ xuất bản, về mở rộng diện phát hành, đề xuất phương thức đổi mới, các giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nội dung và hình thức tạp chí, các yếu tố, điều kiện để phát triển Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình với 02 ấn phẩm Tạp chí in và Tạp chí điện tử nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hoá - xã hội của tỉnh.

 


Đồng chí Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí VNNB phát biểu tại Hội thảo                    Ảnh của MINH TUYỀN

Tại hội thảo, có 16 tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp, các đại biểu đã đánh giá, tổng kết về một số vấn đề chính như: “Tạp chí VNNB 30 năm từng bước phát triển” (nhà thơ Thanh Thản, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí VNNB), “Tạp chí VNNB 30 năm đổi mới” (nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Trương Đình Tưởng, nguyên Phó Chủ tịch Hội, nguyên Tổng biên tập Tạp chí VNNB), “30 năm xây dựng Tạp chí VNNB gắn liền với bước phát triển VHNT Ninh Bình trong thời kỳ hội nhập và phát triển” (nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bình Nguyên, Chủ tịch Hội, Trưởng Bộ môn Thơ)… Phần lớn các tham luận tập trung, trao đổi, phân tích về một số nội dung cụ thể của từng chuyên trang, chuyên mục trên tạp chí: “Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng văn xuôi của Tạp chí VNNB” (nhà văn Đinh Ngọc Lâm, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Ninh Bình), “Vài suy nghĩ về tạp chí VNNB và chuyên trang Thơ trên tạp chí 30 năm qua” (nhà thơ Nguyễn Khắc Thiệu, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy), “Công tác lý luận, phê bình với việc nâng cao chất lượng của Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình” (nhà lý luận phê bình Đỗ Văn Chuyến), “Công tác nghiên cứu sưu tầm lịch sử, văn hóa Ninh Bình ở tạp chí VNNB” (Tiến sĩ Đinh Văn Viễn, giảng viên Trường Đại học Hoa Lư), “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng chuyên mục âm nhạc trên tạp chí VNNB” (nhạc sĩ Phạm Chí Linh), “Giải pháp nâng cao chất lượng nhiếp ảnh trên tạp chí VNNB” (nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tuấn Phương, Phó Chủ tịch Hội, Trưởng bộ môn Nhiếp ảnh), “Thực trạng biên tập tranh ảnh, trình bày maket tạp chí và giải pháp” (họa sĩ Bùi Thanh Liêm, Biên tập viên tạp chí), “Trang sáng tác trẻ, văn học thiếu nhi trên tạp chí VNNB với nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ” (nhà viết kịch Ninh Đức Hậu), “Tác động hai chiều giữa văn học địa phương và nhà trường, giải pháp nâng cao chuyên mục văn nghệ với nhà trường” (nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng Khoa Việt Nam học, Đại học Hoa Lư), “Đổi mới nội dung, hình thức nâng cao chất lượng Tạp chí VNNB trong những năm tới” (nhà nghiên cứu khoa học Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ) và một số ý kiến trao đổi, tâm sự của các biên tập viên tạp chí về nghiệp vụ biên tập và xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên tạp chí, công tác trị sự, in ấn, chế bản, phát hành tạp chí… cũng được bàn thảo nghiêm túc, trách nhiệm.

Sau một buổi sáng làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khách quan, trách nhiệm cao và không có thời gian giải lao giữa giờ, Hội thảo “Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” đã thành công tốt đẹp, hoàn thành nội dung, chương trình đề ra.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng Biên tập tạp chí VNNB thay mặt Thường trực Hội, Ban Biên tập Tạp chí, chân thành cảm ơn quý vị đại biểu, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, hội viên văn nghệ sĩ, cộng tác viên tạp chí đã tâm huyết dành thời gian, công sức và trí tuệ đóng góp vào thành công của Hội thảo vì sự phát triển của Tạp chí. Đồng thời tổng hợp khái quát lại nét chính mà Hội thảo đã đạt được trên 3 nhóm vấn đề:

Vấn đề được các đại biểu đề cập nhiều nhất và đã tập trung làm rõ những kết quả nổi bật của Tạp chí đạt được sau 30 năm hoạt động. Khẳng định vị trí, vai trò của Tạp chí VNNB trong xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình; trong truyên truyền phổ biến quan điểm đường lối, chính sách của Đảng về văn hóa văn nghệ, nhất là giới thiệu các sáng tác VHNT góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh; Tạp chí là một ấn phẩm văn hóa chính thống đã đồng hành cùng quá trình phát triển trong suốt 30 năm của tỉnh. Tầm quan trọng của tạp chí VNNB trong xây dựng và phát triển nền VHNT địa phương Ninh Bình từ khi tái lập tỉnh 1992 đến nay; công bố được nhiều tác phẩm VHNT có giá trị được bạn đọc đánh giá cao, góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn diện mạo văn hóa đất và người Ninh Bình trong tiến trình hội nhập và phát triển. Chuyên mục nghiên cứu sưu tầm quy tụ được hàng chục nhà nghiên cứu hùng hậu có đóng góp quan trọng vào nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Ninh Bình. Nhiều bài nghiên cứu vô cùng giá trị đã làm sáng tỏ nhiều mảng chủ đề lớn của Ninh Bình, bổ sung nhiều vấn đề mà chính sử của các nhà nước xưa khi viết về Ninh Bình chưa đề cập tới, góp phần cung cấp thông tin, tư liệu cho lãnh đạo địa phương trong hoạch định chính sách, cho các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục trong nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử, văn hóa Ninh Bình. Nhiếp ảnh phát huy thế mạnh quảng bá sản phẩm du lịch Ninh Bình đến với du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Trang Thông tin điện tử được độc giả đánh giá cao, coi đó là một kênh quan trọng trong hoạt động của Tạp chí và hoạt động VHNT của tỉnh. Sở dĩ có được kết quả đã nêu trên là do một số nguyên nhân chủ yếu: Công tác VHNT, báo chí của tỉnh nhà luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm; đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh luôn vững vàng về tư tưởng chính trị; Ban Biên tập Tạp chí làm việc khoa học, công tâm, chọn lọc các sáng tác có chất lượng; Nội bộ cơ quan Tạp chí đoàn kết, thống nhất, am hiểu sâu về chuyên môn, nghiệp vụ…

Bên cạnh việc chỉ rõ những thành tựu, kết quả đạt được, phần lớn các ý kiến tham luận đã dành đáng kể dung lượng và thời lượng để đề cập đến nhóm vấn đề về những hạn chế yếu điểm còn tồn tại trong chặng đường 30 năm của tạp chí cần khắc phục. Đó là: Vì là một tạp chí văn học do đó phải hết sức coi trọng chất lượng thơ và truyện ngắn là thể loại cốt lõi của tạp chí. Đề tài sáng tác ở truyện ngắn chưa phong phú, chưa mới, tư duy truyện còn thiếu tính đột phá, chất lượng nghệ thuật chưa cao, tản văn còn có những bài sơ sài. Thơ còn có bài dễ dãi, non yếu về ý tứ, ngôn từ, hình ảnh. Còn có ảnh nghệ thuật không hơn một bức ảnh thông tấn…, một số chuyên mục chưa được duy trì thường xuyên, công tác biên tập đôi khi có xuất hiện tâm lý dễ dãi, nể nang…

Đặc biệt phạm vi phát hành của Tạp chí còn quá hạn hẹp, chưa đến được với công chúng và như vậy sản phẩm VHNT của văn nghệ sĩ chưa đi vào đời sống của nhân dân. Trong công tác phát hành hiện nay, tạp chí chưa bao giờ tổng hợp được số lượng bao nhiêu người nhận được Tạp chí trở thành độc giả. Đây là vấn đề cấp thiết và lâu dài cần phải bàn ở các buổi hội thảo chuyên đề chuyên sâu tiếp theo để tìm mọi cách làm cho những sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ đến được với công chúng, đi vào đời sống của nhân dân với mục tiêu hướng thiện, đồng thời khuyến khích tinh thần đấu tranh chống tiêu cực và những thói hư tật xấu trong xã hội hiện tại, làm cho đời sống nhân dân phong phú hơn theo chiều hướng tích cực.

Nhóm vấn đề về phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ phát triển tạp chí: Nhiều bài tham luận đã đưa ra những giải pháp quan trọng, có những giải pháp cho từng  lĩnh vực, có những giải pháp mang tính tổng thể, đột phá, được tổng kết từ thực tiễn: trong giai đoạn từ 2023 đến 2025, phát triển Tạp chí VNNB với 2 ấn phẩm Tạp chí in và tạp chí điện tử đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của độc giả. Hội và tạp chí chú trọng yếu tố tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để cộng tác viên, văn nghệ sỹ có tác phẩm tốt; tập trung phát triển mạng lưới cộng tác viên văn nghệ sỹ trên toàn tỉnh. Tăng cường phát hiện, bồi dưỡng các tác giả trẻ trong sáng tác để có tác phẩm hay in trên Tạp chí; Xác định đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT trên Tạp chí; Thường xuyên phối hợp với Hội tổ chức các trại sáng tác, các cuộc Hội thảo, tọa đàm, trao đổi với hội viên, cộng tác viên để nâng cao chất lượng tác phẩm và hiệu quả thông tin của tạp chí; phối hợp với các địa phương đơn vị phát động các cuộc thi sáng tác VHNT… Đây là những gợi mở hết sức quý báu, giúp Thường trực Hội, BBT Tạp chí nghiên cứu, vận dụng, xây dựng chiến lược phát triển tạp chí VNNB trong chặng đường tới theo định hướng Đại hội XIII của Đảng “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. 

M.H

(Nguồn: TC VNNB  275+276 tháng 1/2023)

 

Bài viết khác