Chủ nhật, 19/05/2024

Huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới 2018

Thứ năm, 28/02/2019

PHẠM NGỌC QUÝ
TVHU, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh

Sau hơn 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của toàn thể cán bộ, nhân dân, NTM Yên Khánh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tích cực, đồng đều trên các lĩnh vực:

 

Sau hơn 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của toàn thể cán bộ, nhân dân, NTM Yên Khánh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tích cực, đồng đều trên các lĩnh vực: Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đến hết năm 2017, huyện Yên Khánh đã có 18/18 xã đạt chuẩn NTM. Ngày 28/11/2018 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.


Khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Khánh đã gặp không ít những khó khăn: nền nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; hạ tầng kinh tế - xã hội thấp, thiếu sự đồng bộ, đồng đều giữa các địa phương, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường; số tiêu chí bình quân chỉ đạt 8,3 tiêu chí/xã... Đây là những khó khăn lớn ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện.


Trước những khó khăn trên, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự hưởng ứng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân để chung sức, chung lòng, tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phải khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chậm đổi mới trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện uỷ; phân công nhiệm vụ cụ thể các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện chương trình, với vai trò là chủ thể, đồng thời giám sát các nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Trên cơ sở Nghị quyết của Huyện ủy, đề án của UBND huyện, Đảng ủy, HĐND, UBND các xã đã cụ thể hóa sự chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND-UBND huyện, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện bằng các Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và các Nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, đề án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, xây dựng các kế hoạch công tác, chương trình hành động về xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng và ban hành các quy chế quản lý quy hoạch, đất đai…vv.


Với phương châm phát huy nội lực, phát huy quyền và trách nhiệm chủ thể của người dân cùng cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng nông thôn mới là chính. Công tác thông tin, tuyên truyền đã tập trung vào tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung của việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chú trọng công tác vận động, tạo sự đồng thuận nhất trí trong nhân dân; đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu đi đầu của từng cán bộ, đảng viên với tinh thần “đảng viên đi trước làng nước theo sau”.

Phong trào thi đua “Toàn dân Yên Khánh chung sức xây dựng nông thôn mới” được phát động rộng khắp, đạt kết quả, có sức lan tỏa. Nhân dân đã tích cực chủ động, sáng tạo tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới như: Tự nguyện hiến đất, góp công, tích cực tham gia làm đường nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, phố; chỉnh trang nhà cửa, làm vỉa hè; xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xóm, phố, văn hóa; dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng; tham gia thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường; xây dựng tuyến đường hoa, hàng cây, dòng sông xanh, đường điện chiếu sáng…vv, góp phần làm cho cảnh quan nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.

 
 Để đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã kết hợp và phát huy hiệu quả các dự án, các chính sách của Trung ương và của tỉnh; đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp như: Hỗ trợ kinh phí các trường được công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 từ năm 2012, mức hỗ trợ: 30 triệu đồng/ trường; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, phố từ năm 2012, mức hỗ trợ: 15 triệu đồng/nhà văn hóa; hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các hợp tác xã, các mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản có hiệu quả; hỗ trợ kinh phí cho các mô hình chuyển đổi phát triển kinh tế phục vụ xây dựng nông thôn mới ở các xã, thị trấn, mỗi mô hình: 300 triệu đồng; hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn ... Các chính sách hỗ trợ đã phát huy hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy sản xuất, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.


Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới toàn huyện đạt 5.115.974 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 1.348.045 triệu đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp là 169.423 triệu đồng; vốn huy động của cộng đồng dân cư là 1.282.216 triệu đồng và vốn huy động từ con em xa quê, các đơn vị hỗ trợ, tài trợ...Đặc biệt, nhân dân đã đóng góp 125,83 ha đất để chỉnh trang đồng ruộng, đường giao thông nông thôn. Diện mạo nông thôn được đổi mới, ngày càng khang trang, sạch đẹp.


Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch; toàn huyện đã nhựa hóa, bê tông hóa 1.520 tuyến đường với 224,7km, nâng cấp 1676 tuyến với 166 km, các tuyến đường có quy mô đạt tiêu chuẩn, được bố trí hệ thống biển báo giao thông theo qui định. Các công trình thủy lợi, đảm bảo tưới, tiêu cho 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Xây mới, sửa chữa nâng cấp gần 3.000 cầu cống; các công trình thuỷ lợi, trạm bơm, kênh mương, đê, kè, cống được quản lý, khai thác, vận hành có hiệu quả, phục vụ tốt cho 100% diện tích đất sản xuất. Hệ thống điện được đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, đảm bảo nguồn cung cấp điện đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của huyện.


Huyện có 65 trường học, trong đó có 03 trường THPT, 20 trường THCS, 22 trường Tiểu học, 20 trường Mầm non; đã có 62 trường THCS, Tiểu học, Mầm non đạt chuẩn, 2/3 trường THPT đạt chuẩn. 19/19 xã, thị trấn có nhà văn hóa, sân vận động; 100% thôn, xóm, phố có nhà văn hóa; 19/19 xã, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011- 2020.
Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, công nghiệp được phát triển; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; năm 2018 tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 13,1%, công nghiệp - xây dựng 69,5%, dịch vụ 17,4%.  


Đặc biệt là huyện đã triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như: mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, các mô hình sản xuất nông sản, rau, củ, quả sạch, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất... Các mô hình đều thực hiện liên kết sản xuất từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, nông dân trực tiếp ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, tổ hợp tác đại diện ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư vốn, giống cây trồng, vật nuôi trên để sản xuất nông sản theo quy mô lớn đảm bảo được sản lượng, chất lượng nông sản theo yêu cầu của thị trường.


Năm 2018 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1625,2 tỷ đồng; năng suất lúa bình quân cả năm đạt 61,7 tạ/ha; Thu nhập bình quân đầu người 41,93 triệu đồng; giá trị sản xuất/ha canh tác năm 2018 đạt 137,7 triệu đồng/ha, tăng 7,65 lần. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 374,04 tỷ đồng.  
Văn hóa, xã hội phát triển, môi trường được bảo vệ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò của tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.


Sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện cùng với sự đồng thuận trong nhân dân; đến nay, huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính. Ngày 28/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn NTM năm 2018. Đây chính là sự ghi nhận xứng đáng những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân dân Yên Khánh trong quá trình xây dựng NTM; đồng thời cũng là nguồn động viên to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế xã hội địa phương.


Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới huyện Yên Khánh sẽ tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM theo hướng phát triển mọi mặt chất lượng đời sống người dân; qua đó tăng cường sự đồng thuận xã hội, tạo động lực để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã được xác định trong Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Yên Khánh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xây dựng huyện Yên Khánh ổn định, phát triển, mạnh giàu.

                                    P.N.Q

Bài viết khác