Chủ nhật, 19/05/2024

Khắc ghi lời Bác Hồ

Thứ tư, 04/09/2019

NGUYỄN KHẮC THIỆU 

Những ngày này cách đây tròn năm mươi năm, hẳn còn đọng lại trong tâm khảm của những người đã từng chứng kiến khi nghe thông báo đặc biệt, tin Bác Hồ đã theo cụ Các Mác, Lê Nin và tổ tiên về cõi vĩnh hằng. Cả đất nước, từ những em nhi đồng đến các cụ già, ai ai cũng giàn giụa nước mắt khóc tiếc thương Bác.

Nhà thơ Tố Hữu trong bài đã viết “Bác ơi”: Suốt mấy hôm rầy đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa/ Chiều nay con chạy về thăm Bác/ Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa...

Nhà thơ Trần Đăng Khoa năm ấy mới 11 tuổi cũng có câu thơ nói lên nỗi niềm ấy “Cháu ngồi cháu khóc, đất trời đổ mưa”.

Tôi nhớ cả một tuần lễ liền trời mưa tầm tã, những lá cờ rủ cứ ướt sũng nước mưa, không có lúc nào khô. Lòng người và lòng trời đều vô cùng tiếc thương Người hiền vĩ đại nhất của dân tộc. Các em thơ ở các trường học đến hỏi chúng tôi trong nước mắt “Bác Hồ mất rồi, chúng em còn được là cháu ngoan của Bác Hồ nữa không?”. Chúng tôi, những thầy cô giáo, những anh chị phụ trách gạt đi dòng nước mắt trả lời các em “Các em và sau này mãi mãi vẫn là cháu ngoan của Bác Hồ”.

Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình về Hà Nội viếng Bác Hồ (9/1969)                Ảnh: TL

Tháng 9 năm ấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên khắp mọi miền cũng đều tổ chức lễ truy điệu Bác. Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình về Hà Nội viếng Bác Hồ có 18 người thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và cả các em thiếu nhi. Dẫn đầu đoàn là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh. Tôi còn nhớ trong đoàn đại biểu Ninh Bình đi viếng Bác có một số đồng chí được Trung ương điều động về công tác ở Ninh Bình như đồng chí: Nguyễn Thanh – Bí thư Tình ủy, quê làng Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội ngày nay); đồng chí Vũ Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, quê Gia Lộc, Hưng Yên; đồng chí Ngô Phú - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, quê Quảng Nam tập kết ra Bắc; đồng chí Lê Hà - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Ninh Bình quê Ý Yên, Nam Định; đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn thanh niên Lê Đông Nguyên, quê Gia Lâm, Hà Nội...

50 năm đi qua, những người còn sống trong số đó đến nay còn rất ít, người mà tôi biết đó là đồng chí Nguyễn Ngọc Quang. Thời gian đó ông là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy. Năm nay ông đã bước sang tuổi 92. Cả cuộc đời ông cống hiến cho cách mạng.

Có một vinh dự trong cuộc đời của riêng tôi là thời kỳ ông làm Bí thư Huyện ủy Hoa Lư, tôi làm Chánh Văn phòng giúp việc cho ông. Có thể nói, ông là người học trò mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chánh Văn phòng (cấp nhỏ) cho đồng chí Bí thư huyện ủy đã từng làm Chánh Văn phòng (cấp trên) nên tôi luôn coi trọng là người thầy của tôi. Lúc tình cảm anh em thân tình, ông bảo với chúng tôi “mình làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy 21 năm”. Tôi biết ông là một người chu đáo, cẩn trọng, lấy công việc tập thể làm trên hết, vì vậy nhiều năm ông được chọn làm Chánh Văn phòng. Cái nghề mà chúng tôi từng nói vui là “làm dâu trăm họ”... lúc nào cũng phải tỉ mỉ, chu đáo... Dù tôi chỉ làm việc với ông gần một nhiệm kỳ Bí thư (cuối khóa ông  được tỉnh điều động về làm Bí thư Thị ủy Ninh Bình), ông đã cho tôi nhiều bài học, từ những việc nhỏ nhất như cặp tài liệu xong thì ghi tên đại biểu, địa chỉ vào góc của tài liệu, như thế khi phát sẽ không sót một ai. Gần 5 năm ông làm Bí thư Huyện ủy, tôi ước tính ông chỉ nghỉ ở nhà cộng lại khoảng một tháng, việc gia đình đã có chị và các cháu lo toan, không gợi chút gì của cơ quan. Có lần tổ chức hội nghị cán bộ cơ sở đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đang bị mưa úng, 5 giờ sáng ông đã yêu cầu lái xe đưa ra tận ruộng quan sát khối lượng mưa, nước ngập úng đến mức nào để có ý kiến chỉ đạo kịp thời tại hội nghị. Hoặc khi chuẩn bị cho cuộc họp cấp cơ sở với với các Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp thì tối hôm trước ông đi kiểm tra việc các xã viên che chắn, chống rét cho trâu bò có đảm bảo không để sáng hôm sau ông có ý kiến chỉ đạo xác đáng, hiệu quả...

Những câu chuyện sâu sát, tỉ mỉ với công việc của ông Nguyễn Ngọc Quang thì nhiều lắm. Ngay cả tình cảm với cấp dưới đồng chí không nóng nảy với ai bao giờ. Chính vì tác phong ấy đã khiến chúng tôi càng kính nể ông, gắng sức làm tròn nhiệm vụ.

Sau này, khi đã nghỉ hưu ông vẫn được mọi người tín nhiệm làm Chủ nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thúy Sơn. Với phương châm “Sống vui, sống khỏe, sống nghĩa tình, nêu gương sáng” Tuổi đã cao nhưng ông vẫn vẫn mải mê cống hiến hết sức lực cho công việc. 25 năm làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Thúy Sơn, ông đã tâm huyết xây dựng Câu lạc bộ thực sự là điểm sáng của tổ chức xã hội tự nguyện, nơi simh hoạt chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh, bổ ích của các hội viên là các lão thành cách mạng, các bộ của tỉnh, của thành phố đã nghỉ hưu. Các hội viên câu lạc bộ có nhiều đóng góp quý báu cho tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội. Có lần tình cờ nghe tin ông không được khỏe, tôi đến thăm, trong điều kiện sức đã yếu lắm nhưng ông vẫn bàn công việc với các đồng chí trong Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ. Nếu cứ kể thì còn nhiều chuyện, nhiều bài họa dài mãi về tấm gương sáng Nguyễn Ngọc Quang. Vừa rồi ông tìm mãi, tìm mãi, có cấp ủy và chính quyền thành phố ủng hộ bầu người mới, ông mới được nghỉ chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thúy Sơn ở 92 tuổi đời và 72 tuổi Đảng.

Người thứ hai mà tôi có nhiều kỷ niệm là bà Nguyễn Thị Vững, nay ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Ngày ấy, bà là đại biểu nhỏ tuổi nhất được tham gia trong đoàn đại biểu của tỉnh truy lên Hà Nội viếng Bác. Năm 1966 đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Năm ấy bà Vững mới 11 tuổi đang cùng 6 bạn nhỏ chăn trâu trên đồng thì gần chục chiếc máy bay đến bắn phá. Hàng trăm trái bom thả xuống giết người, giết trâu. Một bạn bị trúng đạn, mất trên đồng, hai bạn khác bị thương, mặc dù nhỏ người hơn nhưng Vững đã cõng hai bạn vượt qua cánh đồng rộng, dài khoảng 300m về trạm xá dưới chân núi cứu chữa. Hành động ấy đã được mệnh danh là “Người em gái Nguyễn Bá Ngọc”, Nguyễn Thị Vững đã được Trung ương Đoàn, UBND tỉnh tặng khen và đặc biệt là được Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu của Người.

Năm Nguyễn Thị Vững được đi Đại hội cháu ngoan Bác Hồ của tỉnh, tôi đã làm bài thơ để tặng em với tên bài là “Người em gái Nguyễn Bá Ngọc”. Bài thơ dài 112 câu, sau đó được Ty Văn hóa Ninh Bình in trong Tập san Văn hóa của tỉnh. Trong đó có đoạn: Trước mặt tôi, tự nhiên em mếu máo/ - Anh ạ, bây giờ em có khóc đâu.../ Nhưng từ đấy chúng em vẫn tới lớp/ Dưới hầm sâu tiếng hát vẫn vang vang/ Em như còn nghe tiếng bạn em hát/ Rộn bài ca “Giải phóng miền Nam”/ Em nhìn ra trời xa rung bím tóc/ Gió nhẹ vờn moi khăn đỏ tung bay/ Vạt áo hoa cánh nào cũng đua nở/ Như nhành hoa, cây lúa, luống cày/ Tôi nắm bàn tay em non xanh hoa lá/ Ôi bàn tay giống chị Lý, chị Kiều/ Mang dòng máu chảy mang hình Nguyễn Bá Ngọc/ Và mầm măng vẫn đẹp - tin - yêu.

Khắc ghi lời Bác dạy, em Nguyễn Thị Vững học giỏi, chăm ngoan, lớn lên trở thành giáo viên và là Hiệu phó trường Trung học cơ sở xã Ninh Vân. Về nghỉ hưu, bà làm Chủ tịch Hội khuyến học xã. Dù tuổi cao, phải lo toan việc của gia đình nhưng bà vẫn luôn dành hết trách nhiệm, tâm huyết với công việc của Hội khuyến học. Bà luôn đưa ra những sáng kiến để tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Hội khuyến học. Con người có đức sáng ấy đã đưa phong trào khuyến học của xã trở thành xã có phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập khá trong huyện và tỉnh.

           N.K.T

 

 

Bài viết khác