Chủ nhật, 19/05/2024

Nâng cao nhận thức, ý thức và quyền làm chủ của cử tri trong hoạt động tiếp xúc cử tri

Thứ tư, 06/01/2021

DƯƠNG VIẾT YÊN 

Tiếp xúc cử tri (TXCT) của ĐBQH là hoạt động cụ thể trong quá trình thực thi nhiệm vụ để hướng tới cử tri nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thu thập, phản ánh kiến nghị của cử tri tại diễn đàn của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Hoạt động này được thực hiện từ hai phía đại biểu và cử tri, thể hiện mối quan hệ trách nhiệm về chính trị, pháp lý của đại biểu đối với cử tri. Để thu thập, khai thác được nhiều ý kiến, kiến nghị phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, ý thức, sự tâm huyết và trách nhiệm của cử tri đối với hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH trong hoạt động TXCT.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Yên Khánh       Ảnh: TL

Vai trò quan trọng của TXCT đối với hoạt động của cá nhân ĐBQH và của Quốc hội thể hiện ở hai vấn đề cơ bản là nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, qua đó nắm được các vấn đề đang đặt ra cho đất nước và cho địa phương; đồng thời hoạt động TXCT gắn liền với việc thực hiện các chức năng của người đại biểu Nhân dân, là nguồn cung cấp chất liệu sinh động từ đời sống để đại biểu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, TXCT còn là dịp ĐBQH được “nói cho dân nghe” và “nghe dân nói” để đưa ý kiến, nguyện vọng của cử tri vào quyết sách của Quốc hội. Như vậy, TXCT là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên để thực hiện chức năng đại diện cho cử tri và Nhân dân địa phương thực hiện quyền lực nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Các kiến nghị chính đáng của cử tri trong TXCT là hình thức phản ánh bản chất của quyền làm chủ trực tiếp và gián tiếp của Nhân dân đối với công việc của đất nước. Thực hiện càng tốt việc này càng góp phần mở rộng và phát huy dân chủ. Nếu không giữ mối liên hệ gắn bó với cử tri, ĐBQH sẽ xa rời thực tiễn, trở nên quan liêu, không thể đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Do vậy, bên cạnh việc nắm bắt, phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, thì TXCT của ĐBQH còn để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. TXCT là để lấy ý kiến người dân tham gia với Nhà nước, Quốc hội và truyền đạt hoạt động của Quốc hội tới người dân, nhằm tạo ra sự liên thông, liên kết để người dân giám sát hoạt động của Quốc hội thông qua các ĐBQH. Bên cạnh đó, TXCT giúp ĐBQH tiếp nhận những ý kiến, phản ánh của cử tri về vấn đề, lĩnh vực, hoạt động mà ĐBQH quan tâm, giúp ĐBQH có thêm thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong thời gian qua, hoạt động TXCT của ĐBQH tại tỉnh Ninh Bình đã từng bước được đổi mới và đạt được những kết quả tích cực, đi vào nền nếp, đa dạng, phong phú, qua đó đã cung cấp thông tin, giải thích pháp luật; thu thập và phản ánh kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri; mối quan hệ giữa ĐBQH với cử tri ngày càng càng gắn bó và thực chất hơn, đóng góp một phần vào quá trình dân chủ hóa, huy động sự tham gia quản lý nhà nước của người dân. Từ năm 2011 đến hết năm 2019, các vị ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành được 36 cuộc TXCT trước và sau kỳ họp tại 176 điểm tiếp xúc với 36.000 lượt cử tri tham gia; đồng thời trong giai đoạn này đã tổ chức 17 cuộc TXCT theo chuyên đề, 50 cuộc TXCT nơi cư trú và 20 cuộc TXCT nơi làm việc. Qua TXCT đã thu thập hàng ngàn ý kiến, kiến nghị, trong đó chủ yếu là kiến nghị được trực tiếp xem xét, giải quyết, trả lời ngay tại hội nghị. Các ý kiến, kiến nghị chưa được trả lời, giải quyết, Đoàn thu thập, tổng hợp gửi đến các cơ quan thuộc thẩm quyền giải quyết cả ở địa phương và ở trung ương.

Bên cạnh kết quả đã đạt được thì một vấn đề mà chúng ta vẫn cần quan tâm đó là mặc dù trong các cuộc bầu cử ĐBQH gần đây cử tri đi bầu cử chiếm tỷ lệ trên 99% nhưng thực tế hàng năm ĐBQH chỉ có thể tiếp xúc được với rất ít cử tri trong tổng số cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh số đông cử tri tâm huyết với đất nước, nêu cao trách nhiệm công dân, nhưng vì nhận thức hạn chế về mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của các cuộc bầu cử ĐBQH nên một bộ phận cử tri có biểu hiện bàng quan, lơ là công việc quan trọng này, do đó họ cũng bàng quan, không quan tâm đến hoạt động TXCT. Khi cử tri không quan tâm lựa chọn người thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của mình để bầu cử vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thì họ cũng không quan tâm gửi gắm niềm tin, hy vọng vào ĐBQH, thiết nghĩ đó cũng là điều hiển nhiên, hệ lụy là quan hệ giữa ĐBQH với cử tri chưa được thiết lập một cách chặt chẽ. Chính vì vậy, không ít cử tri chưa thực sự quan tâm theo dõi hoạt động của ĐBQH và bày tỏ ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH, chưa chủ động tham gia các hoạt động TXCT, đánh giá hoạt động của ĐBQH. Trong các hội nghị TXCT thì hầu hết là các “đại cử tri” được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mời hoặc “chỉ định” đến tham dự. Số cử tri chủ động, mạnh dạn và phát huy trách nhiệm trong việc tham gia hoạt động TXCT của ĐBQH chưa nhiều, số lượng ý kiến đóng góp còn hạn chế, nội dung đóng góp còn thiếu tính cụ thể. Cử tri chưa có điều kiện và thực tế cũng chưa sẵn sàng trong việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH.

Nghiên cứu về vấn đề này cho thấy việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cử tri cũng còn những hạn chế, bất cập. Nhiều cử tri còn khó khăn trong việc tiếp cận thông tin nên chưa hiểu rõ về quyền và trách nhiệm của mình. Một bộ phận cử tri khi trình bày lại ý kiến chủ yếu nêu vụ việc khiếu nại, tố cáo, làm mất khá nhiều thời gian trong cuộc tiếp xúc cử tri. Để diễn ra tình trạng này thì nguyên nhân được bắt nguồn từ nhiều phía như cơ chế bầu cử, cách thức tổ chức hoạt động TXCT, tiếp công dân của ĐBQH… và đặc biệt là do sự hạn chế về nhận thức, sự thiếu quan tâm theo dõi của cử tri đối với đời sống chính trị của đất nước. Như vậy, quyền làm chủ chưa đi đôi với năng lực và kỹ năng làm chủ của công dân là một thực tế hiện nay. Điều này đòi hỏi bên cạnh việc mở rộng, phát huy dân chủ phải tiếp tục nâng cao trình độ và nhận thức về dân chủ cho nhân dân, bồi dưỡng kỹ năng thực hành dân chủ, nâng cao năng lực làm chủ của Nhân dân.

   Trước hết, cần tuyên truyền, giáo dục để cử tri nhận thức đầy đủ rằng bầu cử vừa là “quyền”, là “nghĩa vụ” công dân, cũng là “trách nhiệm chính trị” của công dân đối với đất nước, đối với hệ thống chính trị và đối với quyền và lợi ích của chính mình. Cử tri cần tìm hiểu kỹ về tiểu sử các ứng cử viên, căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu để so sánh, lựa chọn người thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thái độ và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử còn thể hiện qua các hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi công tác, trong các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, phải phát huy được tinh thần dân chủ, quyền làm chủ của người dân trong các khâu, các bước của quá trình bầu cử, từ đó thiết lập mối quan hệ với cử tri ngay từ trong quá trình bầu cử. Khi cử tri quan tâm lựa chọn người thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của mình để bầu cử vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thì họ sẽ quan tâm gửi gắm niềm tin, hy vọng vào ĐBQH, thực sự quan tâm theo dõi hoạt động của ĐBQH và bày tỏ ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH, chủ động tham gia các hoạt động TXCT, đồng thời, làm cho ĐBQH thấy được trách nhiệm của mình đối với cử tri và vai trò của cử tri đối với vị trí ĐBQH của mình.

Hai là: Nâng cao nhận thức, ý thức của cử tri về quyền và trách nhiệm của mình trong tham dự TXCT, chủ động tiếp xúc với đại biểu và chủ động trong TXCT. Thực tế cho thấy, hoạt động TXCT thời gian qua có tính “một chiều”, cử tri chưa chủ động gặp gỡ, tiếp xúc với ĐBQH khi có nguyện vọng, mong muốn, mà chủ yếu là do ĐBQH chủ động gặp gỡ, TXCT khi đại biểu có nhu cầu, chủ yếu là tiếp xúc trước và sau các kỳ họp Quốc hội. Do đó, cần phát huy quyền làm chủ của cử tri, để cử tri thay đổi thái độ, đó là chủ động gặp gỡ, tiếp xúc với đại biểu khi có nhu cầu. Trong tiếp xúc với đại biểu, cử tri cần khắc phục tình trạng dè dặt, giữ khoảng cách với đại biểu, mạnh dạn phản ánh những điều mắt thấy tai nghe, tâm tư, nguyện vọng, góp ý của cử tri với đại biểu và với Đảng, Nhà nước. Qua đó, cử tri quan tâm theo dõi hoạt động của ĐBQH, bày tỏ ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH, chủ động tham gia các hoạt động tiếp xúc cử tri, đánh giá hoạt động của ĐBQH. Việc này đòi hỏi quá trình lâu dài trên cơ sở phát huy dân chủ và ý thức trách nhiệm, thái độ của đại biểu khi gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri. Bên cạnh đó, trong TXCT, cử tri cần chủ động tham gia ý kiến, kiến nghị, nhận xét, góp ý với ĐBQH và với chính quyền các cấp. Để TXCT đạt hiệu quả, nhất là tại các hội nghị TXCT, trước khi tham gia ý kiến với ĐBQH, cử tri cần chuẩn bị trước nội dung phát biểu, sắp xếp thứ tự trình bày cho dễ hiểu, khoa học nhằm tiết kiệm thời gian, thuận lợi cho quá trình tiếp thu, tổng hợp kiến nghị của đại biểu và các cơ quan chức năng trả lời và giải quyết. Khắc phục tình trạng cử tri khi phát biểu thiếu tinh thần xây dựng, gây không khí căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc tiếp xúc.

Ba là: Mở rộng và đa dạng hóa hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác TXCT đối với đông đảo quần chúng Nhân dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò, trách nhiệm của ĐBQH, của cử tri và các cơ quan hữu quan trong công tác TXCT. Tăng cường cung cấp thông tin cho cử tri qua nhiều kênh khác nhau về chính sách, pháp luật, tình hình kinh tế xã hội của đất nước, của địa phương; tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị mà cử tri đã nêu trong các cuộc tiếp xúc trước, nhất là cử tri ở vùng sâu, vùng xa do còn khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.

Bốn là: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm và năng lực thực hành dân chủ, nâng cao năng lực làm chủ cho cử tri. Đó chính là nhận thức về quyền và nghĩa vụ công dân, về khả năng tham gia thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước… Nhận thức về dân chủ và kỹ năng thực hành dân chủ là yếu tố thực sự cần thiết đối với cử tri để bảo đảm trách nhiệm hai chiều trong mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri.

Triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể để tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri phải tính đến sự khác biệt về trình độ, năng lực, văn hóa, tập quán, truyền thống của cử tri ở các vùng miền, các dân tộc để mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần thực hiện mọi lúc, mọi nơi, nhưng đối với ĐBQH cần quan tâm đối thoại, trả lời, giải thích khi TXCT để cử tri nắm vững và hiểu rõ vấn đề là hình thức giáo dục có hiệu quả. ĐBQH phải giải thích cho cử tri hiểu rõ ý kiến cụ thể nào đó được cử tri kiến nghị, phản ánh mặc dù là đúng, nhưng lại không có khả năng thực thi vì hoàn cảnh và điều kiện chung của đất nước. Việc giải thích có tình, có lý sẽ “nuôi” nguồn cảm hứng và sự nhiệt tình, trách nhiệm của cử tri và họ không hụt hẫng. Qua đó, cử tri cũng nhận thức rõ hơn điều kiện thực hiện các kiến nghị phải được quan tâm đặt ra, nó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả TXCT, đó là chất lượng các ý kiến, kiến nghị. Trong đối thoại ĐBQH phải thực sự cởi mở, chú tâm và có những biểu cảm phù hợp tạo sự cảm thông, cộng cảm để cử tri thật sự tin tưởng, hy vọng vào người mà họ đã tin cậy ủy quyền.

Năm là: Bên cạnh việc quan tâm giải quyết ý kiến, kiến nghị của Nhân dân thì cán bộ, công chức, viên chức phải thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc trong thực hành dân chủ, chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân. Tránh tình trạng thiếu tin tưởng vào người dân, coi việc quản lý nhà nước là công việc riêng vốn có của Nhà nước mà không phải là nhiệm vụ của chính người dân, phải tuyên truyền và tạo điều kiện để người dân tham gia rộng rãi vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Tăng cường mối quan hệ gắn bó trách nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước với Nhân dân. Tuyên truyền, vận động để Nhân dân có thêm niềm tin, niềm phấn khởi và tự hào, tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Cùng với đó, triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ. Quan tâm nâng cao uy tín, hình ảnh của đất nước, vừa hết sức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn ráo riết chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Hoạt động TXCT của ĐBQH là một trong những hình thức quan trọng để ĐBQH giữ mối liên hệ với cử tri và ngày càng đổi mới, đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Để hoạt động TXCT thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi cần phải đổi mới cả trong tư duy lý luận và cả trong việc thực hiện lấy yếu tố con người làm trung tâm. Sự vận động thuyết giảng các quy định của pháp luật bằng lý luận không thể thay thế cho phương pháp vận động bằng hành động cụ thể với thực hiện văn hoá công sở của cán bộ, công chức, viên chức, những công bộ của nhân dân. Qua đó, cử tri và Nhân dân hiểu giữa quy định vai trò quan trọng của Nhân dân đối với đất nước đồng thời trong hiện thực cuộc sống được thực sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ. Bên cạnh đó, một lẽ thông thường là sự tâm huyết, trách nhiệm chỉ được phát huy khi người dân cảm nhận họ được tôn trọng trên cơ sở quy định của pháp luật, thông qua tiếp xúc hằng ngày với những công bộc của dân. Vì vậy, cần có sự đổi mới trong nhận thức và hoạt động của mỗi cá nhân để đạt được hiệu quả đã đặt ra của hoạt động TXCT. Đặc biệt là cần tạo môi trường chính trị, pháp lý cần thiết, có cơ chế, chính sách và phương pháp, cách thức vận động, tuyên truyền, hướng dẫn để cử tri nâng cao năng lực làm chủ, thấy hết được quyền lợi và nghĩa vụ của mình có vai trò, trách nhiệm tham gia quản lý nhà nước, quản lý nhà nước xã hội góp phần vào việc nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của Quốc hội, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

D.V.Y

(Nguồn: TC VNNB 245+246/12-2020)

 

Bài viết khác