Chủ nhật, 19/05/2024

Ngành Thông tin và Truyền thông Ninh Bình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Thứ sáu, 01/04/2022

Đồng chí TRẦN THỊ THẢO
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Ngày 20/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2015. Sau gần một năm triển khai thực hiện, Nghị quyết ngày càng đi vào cuộc sống, bức tranh ứng dụng công nghệ thông tin đã khoác trên mình gam màu tươi sáng hơn.

Hiện nay, nền tảng chính quyền điện tử, chính quyền số Ninh Bình đang được xây dựng trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng, kế thừa hạ tầng kỹ thuật, thiết bị sẵn có để phát triển, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Các hệ thống thông tin, hạ tầng mạng của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng. Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị và sớm hoàn thành việc kết nối theo yêu cầu với các hệ thống của quốc gia. 

Hạ tầng mạng viễn thông của tỉnh đã phủ rộng đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp. 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng nội bộ để kết nối các máy tính trong nội bộ cơ quan, đơn vị phục vụ ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, các hệ thống thông tin của tỉnh; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có máy tính sử dụng tại cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, tại cấp xã đạt khoảng 85%.

Mạng Truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) đã được triển khai cho 196 cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh; đã hình thành mạng diện rộng nội tỉnh dựa trên hạ tầng của Mạng TSLCD, hiện đã đấu chuyển cơ bản cho các cơ quan, đơn vị để sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung của tỉnh vào Mạng TSLCD và kết nối với Mạng TSLCD quốc gia do Cục Bưu điện Trung ương quản lý.

Trung tâm dữ liệu của tỉnh đang tích cực triển khai, từng bước phấn đấu đạt theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu nội tỉnh đã được triển khai và kết nối cơ sở dữ liệu hộ tịch, CSDL cấp phiếu lý lịch tư pháp, CSDL cấp mã số quan hệ ngân sách, CSDL đăng ký doanh nghiệp từ bộ và các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh ngành Trung ương với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Ninh Bình, hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh đang được triển khai nhằm thu thập, tích hợp dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước, tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên cơ sở phân tích các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, báo cáo của các ngành cho lãnh đạo các cấp. Hệ thống này khi đi vào hoạt động sẽ bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng CNTT, tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành.

Cổng dịch vụ công của tỉnh đã triển khai và hoạt động hiệu quả trên cơ sở tích hợp, kết nối liên thông với hệ thống Một cửa điện tử của 18 sở, ban, ngành, 08 UBND cấp huyện và 3 đơn vị ngành dọc với tổng số 2.042 dịch vụ.

Đã thực hiện kết nối liên thông Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia qua Trục LGSP của tỉnh, NGSP của quốc gia; năm 2021, thực hiện đồng bộ trạng thái hồ sơ trên Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia tổng số 341.354 (tổng cộng đã đồng bộ 630.512 hồ sơ) hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; đã xây dựng nền tảng thanh toán trực tuyến và kết nối với nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp module chức năng hóa đơn, biên lai điện tử sẵn sàng cho việc sử dụng, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý việc thu phí, lệ phí trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; kết nối cơ sở dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính.

Ninh Bình đã hoàn thành triển khai rà soát và công bố 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định áp dụng thực hiện ở mức độ 4; đã thực hiện tích hợp 795 dịch vụ đảm bảo 100% dịch vụ đủ các điều kiện theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đã nâng cấp, bổ sung tính năng, đáp ứng việc ký số, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong tỉnh và liên thông với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh qua Trục liên thông văn bản Quốc gia; liên thông giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận tổ quốc trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, đã có 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện ký số hồ sơ, văn bản điện tử; có 86,9 %  hồ sơ, văn bản tại các sở, ban, ngành; 72,6 % cấp huyện thực hiện đầy đủ ký số tổ chức và cá nhân là lãnh đạo trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh. Ước tính tiết kiệm tiền ngân sách năm 2021 khoảng 63,9 tỷ.

Việc triển khai các Hệ thống thông tin quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Toàn tỉnh đã có 10.210 tài khoản thư điện tử công vụ; hệ thống Hội nghị truyền hình đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai liên thông, tương tác đến 143 điểm cầu cấp xã, 16 điểm cầu cấp huyện và 3 điểm cầu cấp tỉnh với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; đấu nối cho 100% điểm cầu cấp xã, cấp tỉnh.

Về hệ thống Thông tin báo cáo: Đã triển khai ứng dụng cho 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với gần 100 biểu mẫu báo cáo. Thực hiện tích hợp liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ và tích hợp với Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của UBND tỉnh.

Trung tâm giám sát điều hành thông minh đã sẵn sàng tích hợp cơ sở dữ liệu với hệ thống Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử; hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành; hệ thống Thông tin báo cáo; Cổng dữ liệu, phần mềm thống kê y tế của Bộ Y tế; CSDL ngành giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp, cung cấp đầy đủ các tính năng và 100% đơn vị cấp sở, cấp huyện đã có trang thông tin điện tử. Các trang, cổng thông tin điện tử hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; Thực hiện lắp đặt hệ thống Camera giám sát tại các khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn tỉnh; Triển khai thử nghiệm hệ thống giám sát, khai báo y tế tự động tại 05 chốt kiểm soát dịch vào/ra tỉnh.

Việc thực hiện chuyển đổi số được tập trung đẩy mạnh trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó đã hoàn thành giai đoạn 1 chương trình thí điểm chuyển đổi tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao, trên cơ sở đó đã nhân rộng triển khai tại 13 xã và thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền số tại thành phố Tam Điệp. Tổng số tiền ngân sách tiết kiệm được trong năm từ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số khoảng 115 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong thời gian qua là yếu tố quan trọng giúp Ninh Bình cải thiện Chỉ số cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính (SIPAS), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2020, Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng chuyển đổi số đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước là một minh chứng.

Năm 2021, là năm đầu thực hiện Nghị quyết xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và với những kết quả đã đạt được đã tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị. Thực hiện chuyển đổi số gắn liền với tiếp tục xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử/Chính quyền số sẽ là động lực quan trọng, là cách tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp công nghệ lần thứ Tư trên địa bàn tỉnh một cách nhanh chóng, đưa tỉnh Ninh Bình bứt phá vươn lên đạt mục tiêu về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.

T.T.T

(Nguồn: TC VNNB 262+263-3/2022)

Bài viết khác