Chủ nhật, 19/05/2024

Nghị quyết xây dựng chính quyền điện tử chuyển đổi số

Thứ ba, 28/09/2021

Trong thời đại xã hội hiện nay, cụm từ “chuyển đổi số” đã dần trở nên quen thuộc  và là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đã được quan tâm triển khai và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ số xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh được tăng lên qua các năm, từ thứ 40 (năm 2015) lên thứ 15 (năm 2019).

Phát huy vai trò của “chuyển đổi số” trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương, ngày 20/4/2021, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025 với quan điểm xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền; phát huy quyền làm chủ của người dân và phục vụ người dân tốt hơn. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia của người dân toàn tỉnh. Trong quá trình chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, phát huy vai trò của doanh nghiệp, hình thành văn hóa số. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện cả trong cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được thực hiện qua mạng; 100% dịch vụ công đáp ứng yêu cầu được cung cấp trực tuyến mức độ 4, được thực hiện truy cập trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 50%; 100% cơ quan Đảng thực hiện chuẩn hóa, công khai thủ tục hành chính và liên thông giải quyết giữa các cơ quan trên môi trường mạng; 100% văn bản (trừ văn bản mật theo quy định) trao đổi giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số theo quy định; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được tích hợp, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; 80% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả; 50% hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh, ít nhất 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử, 90% người dân được tiếp cận với các dịch vụ của chính quyền số, đô thị thông minh; Phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 10%; Phấn đấu 60% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh; 90% doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử trong các hoạt động về tài chính; Hình thành nền tảng đô thị thông minh tại các huyện, thành phố; phát triển các dịch vụ đô thị thông minh ở các lĩnh vực ưu tiên tại thành phố Ninh Bình; Ninh Bình nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước.

Đến năm 2030: 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 80%; 100% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả; 70% hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang phổ cập dịch vụ mạng di động 3G; tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; 100% người dân được tiếp cận với các dịch vụ của chính quyền số, đô thị thông minh; 80% doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh; 100% doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử trong các hoạt động về tài chính; Kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Xây dựng thành phố Ninh Bình cơ bản trở thành đô thị thông minh; các dịch vụ đô thị thông minh ưu tiên được triển khai tại thành phố Tam Điệp và các huyện trong tỉnh; Ninh Bình nằm trong nhóm 15 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UV BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình (thứ tư từ phải sang)
kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi số tại xã Yên Hòa, Yên Mô.                Ảnh của MINH QUANG

Nghị quyết cũng chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung để thực hiện thắng lợi Nghị quyết, đó là:

Công tác lãnh đạo chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Tiếp tục đẩy mạnh học tập, quán triệt các Nghị quyết  của Trung ương và của tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; Xác định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp; Có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, biệt phái cán bộ làm chuyển đổi số; ưu tiên, giải pháp đột phá để tập trung chỉ đạo huy động, tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện; Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.

Phát triển nền tảng chính quyền điện tử và chuyển đổi số: Hoàn thiện, phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh phục vụ chính phủ điện tử; tích hợp, chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan; Từng bước xây dựng, phát triển và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số của tỉnh trên cả 3 lĩnh vực trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó ưu tiên phát triển và hoàn thiện nền tảng chính quyền số.

Phát triển chính quyền số: Tập trung chỉ đạo phát triển hạ tầng chính quyền số, mạng Truyền số liệu chuyên dùng, internet, Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây…Phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh, kết nối nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu để cùng khai thác, sử dụng; Phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan đảng, nhà nước theo quy định.

Phát triển kinh tế số: Triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để chuyển đổi số: Phát triển thị trường thương mại điện tử  và nền tảng thương mại điện tử.

Phát triển xã hội số: Thu hút đầu tư, phát triển đô thị thông minh, khai thác sử dụng hiệu quả nền tảng số trong công tác quản lý xã hội tại địa phương; tăng cường quảng bá các sản phẩm văn hóa, lịch sử đặc trưng của tỉnh. Xây dựng hình ảnh, văn hóa con người Ninh Bình thân thiện, văn minh trên không gian mạng, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Phát triển hạ tầng mạng di động 4G/5G; smartphone; thanh toán điện tử; Thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, ban hành các quy tắc ứng xử trên môi trường số.

Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương chịu trách nhiệm về an toàn thông tin tại đơn vị; Xây dựng, củng cố lực lượng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng, sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có sự cố; Triển khai các hoạt động giám sát, đánh giá, bảo vệ, ứng cứu theo mô hình 4 lớp.

Đảm bảo nguồn lực chuyển đổi số: Hàng năm, ưu tiên bố trí ít nhất 1,0% tổng chi cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số, đặc biệt là công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ về chuyên ngành công nghệ thông tin. Tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm có tính đột phá.

VNNB

(Nguồn: TC  VNNB 255-9/2021)

Bài viết khác