Chủ nhật, 19/05/2024

Phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình phát triển lên tầm cao mới

Thứ tư, 30/09/2020

T.S TRẦN HỒNG QUẢNG 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình 

Nhiệm kỳ 2014 - 2019, sự nghiệp văn học, nghệ thuật đạt nhiều thành tựu quan trọng góp phần không nhỏ cho sự phát triển trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh Ninh Bình, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Kết quả quan trọng của nhiệm kỳ qua sẽ là sự động viên, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh tiếp tục có những đóng góp tích cực, đưa sự nghiệp VHNT tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới.

Với vai trò to lớn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã khẳng định: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình luôn xác định phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội phải kết hợp chặt chẽ và tương xứng với phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt; kiên trì thực hiện phương châm mỗi nấc thang của tăng trưởng kinh tế phải tạo ra bước phát triển mới về văn hóa; văn hóa phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thường xuyên quan tâm lãnh đạo củng cố, đổi mới hoạt động và chỉ đạo định hướng hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và các đơn vị hoạt động văn học, nghệ thuật; động viên các văn nghệ sỹ tích cực hưởng ứng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, "tự chuyển hoá” trong nội bộ"; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”... Định kỳ, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức gặp mặt, làm việc với Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và đại biểu văn nghệ sỹ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời động viên, chia sẻ, giải đáp, định hướng và giải quyết khó khăn, vướng mắc, các đề xuất kiến nghị của văn nghệ sỹ. Trong một số buổi gặp mặt, trên cơ sở báo cáo kết quả của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các ý kiến của đại biểu văn nghệ sỹ, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo kết luận buổi gặp mặt các văn nghệ sỹ để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Chấp hành khóa VI nhiệm kỳ 2020-2025     Ảnh: MINH TUYỀN

Được xác định là một lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà trong giai đoạn mới, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện và đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, có bước phát triển mới. Các hội viên, văn nghệ sĩ thường xuyên được tập huấn chuyên môn, tham gia các trại sáng tác văn học, nghệ thuật, các buổi sinh hoạt chuyên đề, các đợt khảo sát, thâm nhập thực tế; các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật theo các chủ đề; các cuộc hội thảo, trao đổi về kỹ năng sáng tác, thẩm bình về thơ, truyện, ký, kịch bản văn học; các cuộc hội thảo, giao lưu văn học; các cuộc triển lãm nghệ thuật trong tỉnh, trong khu vực, trong nước, quốc tế. Đội ngũ văn nghệ sỹ của tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đến nay đã có hơn 180 hội viên; 1 hội viên được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 11 hội viên được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý như Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Ưu tú. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã thể hiện rõ vai trò là trung tâm đoàn kết, tập hợp các văn nghệ sỹ; tổ chức được nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Điểm nổi bật là hầu hết các văn nghệ sỹ luôn vững vàng về quan điểm chính trị, quan điểm, phương pháp sáng tác, không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mặt trái của cơ chế thị trường cũng như sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại, những tác động tiêu cực từ các xu hướng tư tưởng trái chiều.

Trên chặng đường sáng tác phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển của quê hương đất nước, văn học nghệ thuật của tỉnh đã bám sát định hướng, có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, khắc hoạ sinh động đời sống kinh tế, xã hội cùng truyền thống văn hoá của mảnh đất và con người Ninh Bình trong quá trình hình thành, phát triển và hội nhập. Đã có gần 300 tác phẩm sáng tạo của hội viên đạt giải cao tại các triển lãm, hội diễn khu vực, toàn quốc và Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, các cuộc thi trong và ngoài nước, góp phần mang lại vinh dự cho tỉnh nhà và cho Hội VHNT tỉnh; các văn nghệ sĩ cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó mỗi văn nghệ sĩ thực sự là hạt nhân tạo nên những giá trị tinh thần cho đời sống cộng đồng. Tham mưu tổ chức thành công trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Trương Hán Siêu lần thứ 5 (2011-2016) với 82 tác phẩm đạt giải; góp phần tôn vinh và biểu dương tài năng, cống hiến của văn nghệ sỹ trong lao động sáng tạo; động viên, khích lệ các tác giả sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Đồng thời góp phần quan trọng phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật của Nhân dân, giới thiệu, quảng bá hình ảnh tươi đẹp của thiên nhiên, bề dày truyền thống văn hóa tốt đẹp, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tới bạn bè trong và ngoài nước.

Công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống và phát triển nghệ thuật quần chúng cũng đã làm nên dấu ấn của văn học, nghệ thuật Ninh Bình; trong đó đặc biệt chú trọng tới việc khuyến khích Nhân dân bảo tồn, truyền dạy các môn nghệ thuật truyền thống đặc trưng của Ninh Bình (hát Xẩm, hát Chèo, hát Rằng Thường). Hoạt động nghệ thuật quần chúng ngày càng phong phú, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia; đã có nhiều khởi sắc cả về mặt sáng tác và biểu diễn, nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, chi hội văn học nghệ thuật được thành lập ở các địa phương, đơn vị, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân trong tỉnh.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Văn học nghệ thuật của tỉnh còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, chưa có nhiều những tác phẩm thực sự tạo ra sức hấp dẫn đối với quần chúng, vẫn còn ít những tác phẩm phản ánh sâu sắc bước chuyển mạnh mẽ của đời sống xã hội của địa phương cũng như của đất nước. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của vùng đất Cố đô. Công tác phát triển hội viên, nhất là hội viên trẻ, gặp nhiều khó khăn; lực lượng làm công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật còn mỏng, chưa đạt yêu cầu. Công tác đào tạo cho đội ngũ văn nghệ sỹ và những người làm công tác quản lý văn học, nghệ thuật chưa thực sự thường xuyên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người lưu ý: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Đó cũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta đối với văn hóa, văn học, nghệ thuật. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) khẳng định: “Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng”. Hiện nay quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức mới đan xen; trong đó, văn hóa, nghệ thuật là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nhất. Các thế lực thù địch đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”; tăng cường tuyên truyền phá hoại tư tưởng, văn học nghệ thuật bằng nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt là trên internet, mạng xã hội. Đứng trước yêu cầu mới hiện nay, để tiếp tục phát triển nâng tầm văn học, nghệ thuật của tỉnh giàu bản sắc dân tộc, đậm nét văn hóa, con người Cố đô Hoa Lư, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và các văn nghệ sỹ cần thẳng thắn với tinh thần tự phê bình và phê bình sâu sắc nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật những năm gần đây; đồng thời cần phát huy tối đa sức sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sỹ và tính ưu việt, đặc trưng của các loại hình văn học, nghệ thuật để tạo nên tính đa dạng trong khám phá, sáng tạo cuộc sống và con người, đồng thời tìm phương thức phù hợp để đưa sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh lên tầm cao mới.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về văn hóa, văn học, nghệ thuật, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững của đất nước”, Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phải thực sự là mái nhà chung, nơi tập hợp, động viên đội ngũ văn nghệ sỹ của tỉnh sáng tạo, nghiên cứu, phê bình, định hướng thẩm mỹ và năng lực thụ hưởng văn hóa cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cần đổi mới toàn diện, hiệu quả hơn nữa tổ chức và hoạt động của Hội để tạo bằng được môi trường văn hóa, sáng tạo lành mạnh, thuận lợi. Chú trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, "tự chuyển hoá” trong nội bộ", xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đức, có tài, sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung tư tưởng sâu sắc, nghệ thuật phong phú, hấp dẫn. Đầu tư, tổ chức các trại sáng tác có quy mô lớn và động viên đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực bám sát thực tiễn, sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới. Đặc biệt, khuyến khích văn nghệ sỹ, nhất là đội ngũ sáng tạo trẻ coi trọng hiệu quả xã hội, thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật, phát huy tối đa sức ảnh hưởng của văn học, nghệ thuật đến đông đảo quần chúng nhân dân trong việc khẳng định cái mới, cái tích cực và phê phán các tiêu cực cản trở sự phát triển của đất nước, của tỉnh; tích cực tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc. Xây dựng và phát triển Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, Trang thông tin điện tử của Hội thực sự trở thành cơ quan ngôn luận, diễn đàn của đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh; coi trọng sử dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong việc quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tiếp tục đổi mới công tác xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật, đảm bảo phong phú, đa dạng về nội dung đề tài, tăng về số lượng và chất lượng. Phấn đấu có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đạt giải trong các cuộc thi của trung ương, khu vực và của tỉnh, có nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị và thật sự đi sâu vào lòng bạn đọc, công chúng. Tiếp tục tham mưu cho tỉnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển văn học nghệ thuật, về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, trong đó có văn nghệ sỹ đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Văn học - nghệ thuật vốn có chức năng cao quý là khám phá, sáng tạo, phản ánh chân thực, sinh động, hấp dẫn hiện thực cuộc sống - hiện thực vĩ đại của dân tộc; phản ánh hiện thực có chiều sâu, từ trong bản chất của nó. “Nhà văn là kỹ sư tâm hồn”, “là người thư ký của thời đại” (Ban-dắc). Mỗi văn nghệ sĩ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của họ phản ánh chân thực cuộc sống, làm sao cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy “mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da” (Ka-li-nin). Do vậy các văn nghệ sỹ của tỉnh cần tích cực chủ động đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; sự xâm nhập của các ấn phẩm độc hại, khuynh hướng hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, sản phẩm lệch lạc, thị hiếu tầm thường, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Nêu cao hơn nữa vai trò của văn học nghệ thuật trong việc “truyền cảm hứng” về phát huy sức mạnh truyền thống lịch sử, sức mạnh nội sinh của văn hóa Ninh Bình, nội lực của con người Cố đô Hoa Lư văn hiến để biến thành động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển của quê hương Ninh Bình, đồng thời hướng vào mục tiêu quan trọng nhất là chăm lo xây dựng con người Ninh Bình có nhân cách, lối sống tốt đẹp, mang đặc trưng vùng đất Cố đô Hoa Lư: thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách.

Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình văn hóa, nghệ thuật; hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Quan tâm tạo điều kiện cho các hoạt động của các câu lạc bộ văn học, nghệ thuật ở cơ sở; thực hiện các dự án, đề án nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống giàu tính nhân văn. Đặc biệt là có cơ chế, giải pháp cụ thể để “Khuyến khích nhân dân sáng tạo, truyền dạy các môn nghệ thuật truyền thống đặc trưng của Ninh Bình. Xây dựng, nhân rộng các câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm, chầu văn, rằng thường; phát triển các đội ca khúc chính trị, đơn vị tổ chức sự kiện văn hóa”; “Xây dựng chiếu chèo Phạm Thị Trân”; đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy trong trường học; đồng thời gắn kết chặt ch giữa hoạt động văn hóa và du lịch, tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng của Ninh Bình. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, các bất cập về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các hội chuyên ngành và của các văn nghệ sỹ.

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Trách nhiệm”, cùng với niềm tin, khí thế mới trong nhiệm kỳ 2020-2025, tin tưởng rằng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sẽ phát huy mọi khả năng sáng tạo của hội viên, động viên hội viên đoàn kết thi đua sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp phát triển quê hương; vun đắp nền tảng đạo đức xã hội, đáp ứng lòng mong đợi của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

T.H.Q

(Nguồn: TC VNNB 241+242+243)

Bài viết khác