Chủ nhật, 19/05/2024

Sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Thứ hai, 24/06/2019

MAI HƯƠNG

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 33 -NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai, thực hiện Nghị quyết kịp thời, nghiêm túc, sâu rộng và có nhiều sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nên sau 5 năm đã đạt hiệu quả cao.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 23/2014, năm 2015 BCH Đảng bộ tỉnh khóa XXI xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác toàn khóa, năm 2016 ra Nghị quyết số 02 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành trên 30 nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quyết định nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 33. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tăng cường tuyên truyền Nghị quyết 33 gắn với các nghị quyết, chương trình hành động và kế hoạch của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, trong đó tập trung tuyên truyền các hoạt động về xây dựng và phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật, con người Ninh Bình. Đặc biệt ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/6/2017 “về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”, chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch thực hiện; đồng thời đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động, nghiêm túc tổ chức chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 33 với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Qua học tập, quán triệt, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hoá, con người; các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng văn hoá, con người, hình thành quyết tâm, động lực sớm đưa Nghị quyết 33 vào thực tiễn cuộc sống. 

Kết quả quan trọng trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 là văn hóa đã trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của tỉnh với quan điểm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Lễ hội mùa xuân                                                                                      Ảnh:  VŨ TỰ CUÔNG

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo đạt được nhiều kết quả tích cực. Khơi dậy niềm tự hào và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xác định đặc trưng văn hóa, con người Ninh Bình, BTV TU đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia, các sự kiện chính trị, văn hóa... như  Hội thảo “Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững” làm cơ sở khoa học để ban hành Nghị quyết số 10/2017. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam” năm 2018,  thành công của hội thảo đã thống nhất cao, nâng tầm nhận thức về vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của Nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử phát triển của Việt Nam, tổ chức thành công sự kiện 1050 Nhà nước Đại Cồ Việt năm 2018, 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình năm 2017, Tuần lễ văn hóa – thể thao và du lịch quốc gia- Ninh Bình 2018.

Về xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, BTVTU đã tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể. Hàng năm, Tỉnh ủy đã xác định rõ chủ đề công tác của năm gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, trong đó Chủ đề năm 2016 là “Xây dựng nếp sống văn hóa công sở”; năm 2017 là “Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ; xây dựng phong cách, tác phong công tác quần chúng, dân chủ, nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu”; năm 2018 là “Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ; xây dựng phong cách, tác phong công tác quần chúng, dân chủ, nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu”; năm 2019 là “Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ; xây dựng phong cách công tác quần chúng, dân chủ; tôn trọng Nhân nhân, chăm lo đời sống Nhân dân; nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu”. Từ năm 2017, việc sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần đã được tổ chức thống nhất ở tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, đến nay đã thành nền nếp, là hoạt động sinh hoạt chính trị, nét đẹp văn hóa nơi công sở, cơ quan, đơn vị, tạo sức lan tỏa trong học tập và làm theo gương Bác, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó là đã ban hành được Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...

Nổi bật là việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ. Công tác giáo dục- đào tạo được đổi mới cả về số lượng, chất lượng. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa ngày càng phát triển, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển của con người, nhất là thế hệ trẻ. Tính đến hết năm 2018 toàn tỉnh có trên 88,2% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 89,9% làng, phố đạt danh hiệu văn hóa; gần 76,3% xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và gần 42% phường, thị trấn được công nhận đạt danh hiệu chuẩn văn minh đô thị; gần 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; 100% trường học trên địa bàn tỉnh đều xây dựng, nội quy, quy định về việc ứng xử văn hóa và đều đạt cơ quan văn hóa. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có chuyển biến tích cực; 100% thôn, khu dân cư xây dựng được quy ước, hương ước. Tỉnh đã mở rộng xã hội hóa cho hoạt động văn hóa, nâng cấp, xây dựng các thiết chế văn hóa -thể thao. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục phát triển mạnh mẽ. 93,3% có nhà văn hóa thôn, phố; 82,2% số xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa được chú trọng. Tỉnh tích cực gắn kết  bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu với phục vụ giáo dục truyền thống, nghiên cứu, phát triển kinh tế du lịch. Tỉnh hiện có 1.499 di tích lịch sử văn hóa danh thắng, trong đó 77 di tích cấp Quốc gia, 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 1 di sản thế giới và 279 di tích cấp tỉnh; 24.230 hiện vật bảo tàng. Đặc biệt tỉnh đã chủ động phối hợp với các chuyên gia trong nước, quốc tế xây dựng hồ sơ di sản thế giới và tích cực gìn giữ để Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển du lịch. Thống kê ở tỉnh có 312 di sản văn hóa phi vật thể, phong phú về loại hình gồm: nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán... 2 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú. Tỉnh phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một như: Hát Xẩm, hát Chèo, hát Văn, hát Rằng thường. Mở rộng giao lưu, hợp tác với các địa phương trên cả nước và quốc tế, đảm bảo sự đan xen, hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật, văn nghệ truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc... Đồng thời triển khai 3 đề án bảo tồn văn hóa phi vật thể: Lễ hội Hoa Lư, nghệ thuật hát xẩm, tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt. Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội Báo bản Yên Từ, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ, Lễ hội làng Bình Hải…được duy trì nền nếp.

Việc quản lý Nhà nước về văn hóa được tăng cường. Công tác tôn giáo trong tình hình mới luôn được quan tâm như ban hành Chỉ thị số 27, Quy chế số 796. Đấu tranh có hiệu quả chống âm mưu “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng-văn hoá, các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội. Hệ thống báo chí, truyền thông đã tích cực, chủ động tuyên truyền phát triển văn hoá, văn học nghệ thuật, con người Ninh Bình, bồi dưỡng tình yêu quê hương cho nhân dân.

Phát biểu tại buổi làm việc ngày 17/4 với Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UV BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Ninh Bình là một địa phương có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Chính vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết 33 đã góp phần khẳng định, nâng tầm vị thế của Ninh Bình; góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Hồng, từng bước trở thành trung tâm du lịch của quốc gia. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan nghiêm túc đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết. Đánh giá toàn diện kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết ở tỉnh Ninh Bình, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực làm Trưởng đoàn ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Ninh Bình đã có rất nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Trong thời gian tới, đề nghị BTV TU Ninh Bình cần tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, thường xuyên Nghị quyết 33. Quan tâm tới tính sáng tạo, phù hợp với tình hình địa phương, với văn hoá và con người Ninh Bình trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm thực hiện Nghị quyết 33 gắn với giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội, xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng Đảng, đạo đức công vụ; phát huy vai trò cộng đồng dân cư trong xây dựng môi trường văn hoá, triển khai văn hoá tín ngưỡng... Chú trọng hơn nữa việc xây dựng, phát huy bản sắc văn hoá gắn với phát triển kinh tế; xây dựng hệ thống chính trị gắn liền với phát triển văn hoá, con người Ninh Bình; quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu của địa phương gắn với thương hiệu của mỗi một người dân.

Tiếp thu các ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức đã diễn ra vào sáng 29/5. Các đại biểu đã tập trung phân tích sâu, làm rõ những vấn đề đang đặt ra trong việc thực hiện Chương trình hành động số 23/2014 của BTVTU đối với 6 nhiệm vụ và 9 nhóm giải pháp và Nghị quyết 10/2016 của Tỉnh ủy hiện nay. Hội nghị đã biểu dương khen thưởng 16 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 33. Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: Trong thời gian tới, các cấp, các ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục một số mặt yếu kém đã được chỉ ra. Đồng thời cần tiếp tục quán triệt sâu sắc về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 33. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng văn hoá, con người Ninh Bình phát triển toàn diện, có nhân cách, lối sống đẹp, mang đậm bản sắc đặc trưng vùng đất Cố đô Hoa Lư. Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế, con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu những vấn đề, hiện tượng mới nảy sinh trong đời sống văn hóa để rút kinh nghiệm và định hướng trong quá trình thực hiện. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, chủ đề công tác năm 2019 của Tỉnh ủy. Triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Đẩy mạnh phát triển văn nghệ quần chúng, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống. Thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo những tiêu chí hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần; quan tâm xây dựng chuẩn mực ứng xử cho phù hợp. Tập trung nguồn lực xây dựng công trình văn hóa của tỉnh, cấp huyện theo hướng đa chức năng. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với việc thu hút du khách, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của tỉnh. Coi trọng xây dựng các công trình văn hóa ở khu dân cư, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; thực hiện xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, thể thao...

Một điều ai cũng có thể nhận thấy trên mảnh đất Ninh Bình tươi đẹp sau 5 năm Nghị quyết 33/2014 của TW đi vào đời sống, văn hóa đã trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của địa phương. Việc thực hiện các Nghị quyết đã góp phần tiếp tục giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương; từng bước xây dựng con người Ninh Bình ngày càng phát triển toàn diện, có nhân cách, lối sống tốt đẹp, mang đậm đặc trưng vùng đất Cố đô Hoa Lư thân thiện, thanh lịch, mến khách; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, gắn bó, phục vụ nhân dân, tuân thủ pháp luật. Từ đó tạo nền tảng trong xây dựng nền văn hoá mới, con người mới, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

 

M.H

Bài viết khác