Chủ nhật, 19/05/2024

Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam khóa X

Thứ tư, 20/01/2021

Sáng ngày 14/01/2021, Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Việt Nam đã dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội         Ảnh: M.H

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Kính thưa các bác, các anh, các chị, các đồng chí và các bạn!

Hôm nay tôi rất vui mừng được đến dự Đại hội lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2025 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam được diễn ra ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới các vị đại biểu khách quý, các bác, các anh, các chị và đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước lời chào thân thiết, lời thăm hỏi ân cần với những tình cảm chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Đại hội của chúng ta thành công rực rỡ.

Thưa Đại hội!

Lịch sử dựng nước và giữ nước của chúng ta đã hình thành nên nền văn hóa Việt Nam lâu đời, đặc sắc, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với vị trí, vai trò là lĩnh vực rất quan trọng, nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, văn học và nghệ thuật đã hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, khí phách của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Trải qua những biến thiên của lịch sử, những cuộc tiếp biến văn hóa lớn, văn học và nghệ thuật nước nhà, đã chứng tỏ được bản lĩnh khi tiếp thu, chọn lọc, thẩm thấu tinh hoa từ những nền văn hóa khác nhau tạo nên những giá trị mang đậm bản sắc dân tộc và nhân văn trao truyền cho các thế hệ sau những di sản văn hóa vô giá

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn tin tưởng, coi trọng, chăm lo và tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sỹ nước nhà hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trước dân tộc và đất nước.

Trước sự lãnh đạo của Đảng, suốt 73 năm xây dựng phát triển và trưởng thành, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam mà tiền thân là Hội Văn nghệ Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.

Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, đội ngũ văn nghệ sĩ đã tự nguyện dấn thân nơi tuyến lửa, vượt mọi gian lao, thử thách, sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình để viết nên những bản hùng ca vượt thời gian, kịp thời cổ vũ, nhân lên sức mạnh của toàn dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kiến thiết đất nước.

Sau khi nước nhà thống nhất, cả nước tập trung xây dựng và phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới mái nhà chung của Liên hiệp, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, tâm huyết, đổi mới, sáng tạo, đóng góp quan trọng và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần hoàn thiện từng bước đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Bước vào thời kỳ đổi mới, văn học nghệ thuật Việt Nam đã thực hiện hành trình cách tân tràn đầy hứng khởi, sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng và khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ta.

Trong 5 năm qua, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các mặt hoạt động. Thông qua việc tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác, các cuộc triển lãm, liên hoan văn nghệ quốc gia, quốc tế và khu vực, những cuộc thi, giải thưởng, hội thảo, tọa đàm… Liên hiệp Hội đã tạo mở những không gian sáng tạo, khơi dậy tiềm năng của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Công tác phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật được chú trọng, tạo nên sinh khí mới cho đời sống văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, lĩnh vực sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số, văn nghệ dân gian cũng được Liên hiệp Hội quan tâm có những bước tiến mới với những công trình, dự án dài hơi, bài bản.

Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, bám sát thực tiễn, góp phần xác lập, khẳng định những giá trị đích thực, đồng thời, cũng kịp thời phê phán những khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống văn nghệ.

Hoạt động giao lưu, hội nhập, quảng bá, giới thiệu văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới có sự khởi sắc với một số hình thức sáng tạo, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Công tác xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật xuất hiện nhiều điểm sáng tích cực. Phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương có những bước phát triển mới, từng bước đáp ứng nhu cầu thưởng thức, bảo tồn, phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc ta.

Nội dung, phương thức biểu hiện của văn học, nghệ thuật giai đoạn vừa qua đã được đầu tư, tìm tòi, mạnh dạn thể nghiệm. Các dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo ngày càng được phát huy và trân trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực nghệ thuật đều có những tác phẩm chất lượng tốt, có giá trị, tiếp tục khơi thông mạnh mẽ dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc, phản ánh chân thực cuộc sống và phần nào đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân.

Bên cạnh đó, các phương tiện, phương thức sản xuất, trình diễn, sử dụng, truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật cũng có những bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng hiện đại, góp phần đưa văn học, nghệ thuật đến nhanh hơn, gần hơn với người dân, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới và hải đảo.

Với những đóng góp to lớn đó, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành đã vinh dự đạt được nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, đặc biệt là Huân chương Sao vàng vào dịp kỉ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp cùng hàng nghìn văn nghệ sỹ đã được trao tặng Danh hiệu, giải thưởng quan trọng. Đó là sự thể hiện, ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao của Nhà nước và Nhân dân đối với đội ngũ văn nghệ sỹ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin chúc mừng, biểu dương và cảm ơn về những cống hiến to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà, cũng như của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; nhân dịp này, chúng ta hãy cùng nhau tưởng nhớ, tri ân sâu sắc đến các thế hệ văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã hi sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã lao động quên mình, cống hiến thầm lặng và để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian, góp phần làm phong phú và rạng rỡ cho nền văn hóa nước nhà.

Kính thưa Đại hội!

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, chúng ta vui mừng, tự hào với những kết quả đạt được, nhưng với tinh thần tự phê bình và phê bình sâu sắc, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, so với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, sự kỳ vọng của Nhân dân, thì nền văn học, nghệ thuật Việt Nam vẫn còn những hạn chế như đã nêu trong Báo và Tổng kết nhiệm kỳ 2016-2020 và tới đây cần phải được tập trung khắc phục với quyết tâm cao nhất.

Giai đoạn tới, tình hình trong nước và quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, khó lường, với những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Với vai trò là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Văn học nghệ thuật phải nâng tầm, đổi mới mạnh mẽ, phát huy sức mạnh đặc biệt của các loại hình văn học nghệ thuật cũng như tiềm năng sáng tạo to lớn của đội ngũ hơn 40.000 văn nghệ sĩ để có một giai đoạn mới sáng tạo, cống hiến thêm nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng, giáo dục, nghệ thuật, ghi lại chân thực dấu ấn về giai đoạn phát triển quan trọng của đất nước.

Tôi cơ bản tán thành với những mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong dự thảo Văn kiện đã được Đại hội thảo luận với tinh thần trách nhiệm và trí tuệ, dân chủ; đồng thời cho rằng chúng ta cần đặt lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong tổng thể chiến lược, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới để từ đó hoạch định tầm nhìn và sứ mệnh, tạo khâu đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển.

Trong thời gian tới, đặc biệt là nhiệm kỳ 2020-2025, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội của Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Đồng thời, phải vừa bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình, vừa đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước nói chung, của đời sống văn học, nghệ thuật nói riêng.

Liên hiệp phải thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, dân chủ, là mái nhà chung ấm áp, thân tình của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước. Tổ chức Hội phải là nơi để mỗi văn nghệ sĩ gửi gắm tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm và đóng góp tài năng, sức lao động của mình, để tăng thêm cảm hứng và xung lực sáng tạo.

Tương lai của nền văn học nghệ thuật nước nhà đặt trên vai của các thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có các thế hệ trẻ. Thực tiễn cũng đã cho thấy, khi các tổ chức hội có sự quan tâm thích đáng đến thế hệ trẻ, có hạt nhân dẫn dắt sẽ có được những tài năng giàu triển vọng.

Do đó, trong nhiệm kỳ tới, tôi đề nghị Liên hiệp Hội xác định việc phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng, giúp đỡ các tài năng trẻ làm khâu đột phá. Để làm được điều này, Liên hiệp cần phải có một kế hoạch rất cụ thể, khả thi và hiệu quả, tạo điều kiện để các tài năng trẻ được phát huy, thực sự vững vàng tiếp nối các thế hệ đi trước.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động giao lưu, quảng bá các giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài và tiếp thu tinh hoa văn học, nghệ thuật thế giới vào Việt Nam cũng cần được xem là một trọng tâm ưu tiên của nhiệm kỳ tới.

Đất nước hòa bình, thống nhất đã hơn 45 năm, vị thế đi trước mở đường hội nhập của văn học, nghệ thuật cần phải được tiếp tục đặt ra và từng bước khẳng định; những giá trị truyền thống độc đáo, đặc sắc của dân tộc ta, khát vọng hòa bình và vươn lên mạnh mẽ của con người Việt Nam trong văn học, nghệ thuật hôm nay cần phải được truyền tải đầy đủ, sâu sắc đến bạn bè năm châu. Trên cơ sở phát huy những hình thức, diễn đàn hiện có, Liên hiệp cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thành các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển; phải quy tụ, phát huy tài năng, tâm sức và các nguồn lực tổng hợp để hướng tới hiện thực hóa mục tiêu lớn quan trọng này. 

Bám sát Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, từ cuối năm 2019 đến năm 2020, các Đại hội của các Hội chuyên ngành, Hội văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương đã được tiến hành, trở thành những đợt sinh hoạt nghề nghiệp sâu rộng, quan trọng về chính trị và văn hóa của đội ngũ hội viên và đông đảo văn nghệ sỹ.

Tiếp nối thành công đó, Đại hội lần này đã đánh giá, phân tích sâu sắc về tình tình hoạt động của các Hội và của Liên hiệp Hội trong nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những bài học kinh nghiệm quý trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động để từ đó đề ra phương hướng giải pháp nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng hiệu quả của hoạt động chuyên môn, góp phần chăm lo đời sống và tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ sáng tạo.

Đại hội cũng đã sáng suốt lựa chọn bầu ra Đoàn Chủ tịch Liên hiệp với những nhân tố mới, những văn nghệ sỹ tâm huyết và có uy tín nghề nghiệp. Đoàn Chủ tịch khóa mới cần tranh thủ tối đa kinh nghiệm và đóng góp của các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm, để nhanh chóng nắm bắt công việc, phát huy vai trò là hạt nhân, quy tụm đoàn kết của giới văn nghệ sĩ cả nước.

Tôi tin tưởng rằng sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo của các tổ chức Hội sẽ đem đến nguồn sinh khí mới, cảm hứng mới, kích thích mạnh mẽ sự sáng tạo của nền văn nghệ nước nhà.

Tôi cũng mong Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là cầu nối thông suốt và tin cậy giữa đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước với cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đảng, Nhà nước luôn sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; các chủ trương, chính sách của Đảng về văn học, nghệ thuật đã được kịp thời thể chế hoá thành hệ thống pháp luật, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật (như: Luật Điện ảnh; Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, Luật Xuất bản...). Đảng, Nhà nước cũng sẽ sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những phản biện, đóng góp xác đáng của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Do đó, Liên hiệp Hội cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, ý kiến phản biện, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ; xác lập các diễn đàn, các cơ chế hiệu quả để kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình đất nước, cùng những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nhân đây tôi cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm thường xuyên, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, để hỗ trợ tối đa về điều kiện sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ.

Trong điều kiện nguồn lực đất nước còn hạn chế, con đường hiệu quả nhất để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật chính là cần tạo ra một cơ chế phù hợp. Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần tăng cường phối hợp với Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên để rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách hiện hành, kịp thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật cũng cần phải ý thức rõ trách nhiệm và tình cảm, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, về tính chất đặc thù của lĩnh vực này, để từ đó không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức Hội của Liên hiệp, tích cực hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng.

Kính thưa Đại hội!

Nhiệm vụ trong thời gian tới là vô cùng nặng nề với những khó khăn thách thức nhưng tôi luôn tin tưởng với truyền thống vẻ vang của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, với bản lĩnh, tài năng, tâm huyết và khát vọng chung của giới văn nghệ sĩ nước nhà, chắc chắn, nền văn học, nghệ thuật của Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và to lớn hơn nữa, có những “vụ mùa bội thu” với những tác phẩm lớn, có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

Mong các bác, các anh chị em văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và truyền ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, vững tin vào tương lai dân tộc, tích cực dấn thân, đắm mình vào thực tiễn đời sống của đất nước, của nhân dân để mang hơi thở của cuộc sống vào từng tác phẩm. Nguyện thấu cảm, nâng đỡ những khát vọng cao đẹp của con người Việt Nam hôm nay và cống hiến hết mình để kiến thiết các giá trị cao đẹp, nêu cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái, gây phương hại cho sự phát triển lành mạnh của đời sống văn nghệ.

Nhân dịp năm mới 2021 và chúng ta chuẩn bị đón Tết Tân Sửu, tôi thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước một lần nữa xin chúc các vị đại biểu khách quý, các bác, các anh, chị, em và đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước luôn mạnh khoẻ, với khí thế mới, sáng tạo mới và có nhiều niềm vui, hạnh phúc, thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn!

(Nguồn: TC VNNB248-02/2021)

Bài viết khác