Chủ nhật, 19/05/2024

Xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình trong phát triển bền vững

Thứ năm, 21/04/2022

MINH DƯƠNG 

Nhân loại đang bước vào thời kỳ của kinh tế tri thức, nhân tố con người quyết định tới chất lượng và tốc độ của sự phát triển nên nhân loại ngày càng đề cao nhân tố con người, sức mạnh trí tuệ và văn hóa.

Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa không chỉ đơn thuần là đời sống tinh thần của con người - xã hội mà nó chính là sức mạnh trường tồn của cả dân tộc, là sức sống vươn lên của thời đại, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của văn hóa, luôn coi văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng, là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”, Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức quan tâm đến yếu tố văn hóa, con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều đó đã được thể hiện trong từ Đề cương Văn hóa Việt Nam (năm 1943) đến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và nhấn mạnh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đảng ta không ngừng kế thừa, bổ sung các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Vị trí, vai trò của văn hóa ngày càng được khẳng định và đánh giá cao, được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội. Thấm nhuần các Nghị quyết của Trung ương trên lĩnh vực văn hóa, trong thời gian qua, nhất là từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, việc xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình luôn được chú trọng, thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”.

Truyền nghề (Sơn dầu)                                      Tranh của KIM ĐỨC THẠO

Ninh Bình, một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang và bản sắc văn hoá độc đáo. Trải qua hàng triệu năm vận động, kiến tạo của địa chất, tự nhiên cùng với sự phát triển của lịch sử, cho đến ngày nay, Ninh Bình đã trở thành vùng đất cổ, địa linh nhân kiệt, nơi giao lưu của văn minh sông Hồng và sông Mã, nơi giao hoà của thiên nhiên và con người, nơi tạo hoá ban tặng những danh lam thắng cảnh kỳ thú, tạo nên một Ninh Bình đa dạng, giàu truyền thống và bản sắc văn hoá, Ninh Bình là kinh đô của Việt Nam ở thế kỷ thứ X, Kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc.

Qua các tài liệu của Viện Sử học, của các nhà nghiên cứu và theo phần viết về tỉnh Ninh Bình tại 3 tài liệu sách “Đại Nam nhất thống chí”, “Đồng Khánh dư địa chí”, “Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên” của Danh nho Nguyễn Tử Mẫn - Danh xưng Ninh Bình chính thức có từ năm 1822 (năm Minh Mệnh thứ ba) đến nay tròn 200 năm. Trước khi có danh xưng Ninh Bình, nơi đây là một vùng đất cổ có con người cư trú rất sớm từ thời đại đồ đá cũ mà dấu tích còn lưu lại ở các di chỉ Thung Lang (Tam Điệp), hang Đăng Đắng (Cúc Phương). Miền đất này đời Tần (255-207 trước công nguyên) thuộc Tượng quận. Trong giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 2 dưới đời nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ, đời Ngô và đời Tấn thuộc Giao Châu, đến cuối đời Lương là châu Trường Yên cũng thuộc Giao Châu. Khi Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp và thu phục xong 12 sứ quân, thống nhất đất nước lập nên triều Đinh (968-980) đóng đô ở Hoa Lư thì đất này gọi là châu Đại Hoàng của nước Đại Cồ Việt. Đến đời Tiền Lê gọi là châu Trường Yên. Đời nhà Lý gọi là phủ Trường Yên, sau gọi là châu Đại Hoàng nước Đại Việt. Đầu đời Trần gọi là Lộ, sau đổi là Trấn Trường Yên. Năm Quang Thái thứ 10, đời Trần Thuận Tông, đổi thành Trấn Thiên Quan. Thời kỳ thuộc Minh gọi là châu Trường Yên. Đời Thiệu Bình dưới triều Lê Thái Tông chia làm 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan thuộc về trấn Thanh Hoa. Đời Hồng Đức, Lê Thánh Tông cho nhập 2 phủ ấy vào Sơn Nam Thừa Tuyên. Đời nhà Mạc, gọi 2 phủ này là Thanh Hoa ngoại trấn, ngăn cách với Thanh Hoa nội trấn bởi dãy núi Tam Điệp. Sau khi nhà Mạc bị tiêu diệt, nhà Lê đem 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan nhập vào Thanh Hoa gọi là Thanh Hoa ngoại trấn. Thời Tây Sơn cũng gọi là Thanh Hoa ngoại trấn thuộc Bắc thành. Dưới triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 5 (1806) đổi Thanh Hoa ngoại trấn thành đạo Thanh Bình.Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), đổi tên đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình. Danh xưng Ninh Bình có từ đó. Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), mới chính thức đổi làm trấn Ninh Bình. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình. Sau ngày thống nhất đất nước, ngày 27/12/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá V ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 26/12/1991, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá VIII ra Nghị quyết tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Ngày 01/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên gần 1.400km2, 02 thành phố và 6 huyện với 143 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 119 xã, 17 phường và 7 thị trấn, năm 2021 dân số trên 973.000 người.

Vùng đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử với những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc mà dấu tích còn để lại trong các di tích lịch sử, văn hóa, đình, chùa, đền, đài, miếu mạo, từng ngọn núi, con sông, từng địa danh của mỗi làng quê. Đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng dựa vào địa hình rừng núi Tam Điệp để chống lại quân Đông Hán do Mã Viện chỉ huy, tại đây nhân dân trong vùng đã cung cấp lương thảo, gia nhập nghĩa quân đánh giặc. Đầu thế kỷ X, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền dựa vào dãy núi Tam Điệp đắp thành luỹ để xây dựng và bảo vệ lực lượng ở miền Thanh Hoá, rồi tiến quân đánh thắng quân Nam Hán, lập chiến công vang dội ở Đại La năm 930, Bạch Đằng năm 938. Vào nửa cuối thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, lập vương triều phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dựng kinh đô ở đất Hoa Lư, vào năm 968 xây dựng triều chính và quản lý đất nước. Những năm cuối thế kỷ X, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua, lập vương triều nhà Lê (thay thế vương triều Đinh) trực tiếp thống lĩnh quân sỹ kháng Tống, bình Chiêm giữ vững nền độc lập và bờ cõi đất nước. Tiếp theo nhà Lê, năm 1009 Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra nhà Lý, năm 1010 quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (Thăng Long - Hà Nội). Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ XIII, các vua Trần lấy dãy núi Tam Điệp làm bức tường thành bảo vệ vùng Châu Ái, Châu Hoan (Thanh Hoá, Nghệ An). Năm 1285, vương triều Trần thực hiện chính sách “vườn không nhà trống” rút khỏi kinh thành Thăng Long về vùng đất Ninh Bình xây dựng căn cứ địa Trường Yên (thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư ngày nay). Từ căn cứ này, các vua Trần tổ chức quân dân Đại Việt phản công đánh thắng quân Mông - Nguyên xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV, nghĩa quân Lê Lợi nhiều lần tiến quân đánh giặc Minh xâm lược, qua vùng Tam Điệp, Nho Quan (huyện Khôi), Nhân dân ủng hộ lương thảo và gia nhập nghĩa quân tham gia chiến đấu, giải phóng các lộ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cuối thời hậu Lê, Ngô Thì Nhậm chọn vùng núi Tam Điệp – Biện Sơn, Ninh Bình làm nơi phòng thủ, chờ đại quân Tây Sơn tiến ra Bắc. Từ Tam Điệp, đại quân Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến đánh tan 29 vạn quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập cho muôn nhà.

Truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của Nhân dân Ninh Bình ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Ninh Bình là một trong những địa phương sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 9/1927, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên được thành lập tại làng Lũ Phong, tổng Quỳnh Lưu (Nho Quan) do đồng chí Lương Văn Thăng làm Bí thư; đến ngày 24 tháng 6 năm 1929, Chi bộ chuyển tên thành Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Sau khi được thành lập, chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Lũ Phong đã tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, gây dựng cơ sở phát triển nhiều hội viên, thành lập một số chi bộ khác trong tỉnh. Việc thành lập chi bộ cách mạng sớm đã kịp thời tuyên truyền giác ngộ nhân dân, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đóng góp những chiến công to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xứng đáng là quê hương anh hùng của một dân tộc anh hùng. Trong niềm vui chung của cả dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Bình bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 16 năm hợp nhất tỉnh Hà Nam Ninh (1976-1991), quân dân các huyện, thị xã khu vực Ninh Bình phấn đấu góp phần cùng cả tỉnh giành nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách, tạo ra những động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân.

Trong thực tiễn xây dựng và chiến đấu bảo vệ quê hương, người dân Ninh Bình đời sau nối tiếp đời trước hun đúc nên những phẩm chất, tính cách cao đẹp trở thành truyền thống quý báu. Đó là truyền thống lao động cần cù sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian khổ, chống đỡ, khắc phục hậu quả thiên tai, dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử và con người Ninh Bình hàng nghìn năm qua đã tạo ra một nền văn hóa Ninh Bình tương đối năng động, mang đặc trưng khác biệt trên nền tảng văn minh châu thổ sông Hồng. Toàn tỉnh hiện có 1.821 di tích được kiểm kê, 379 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là Quần thể danh thắng Tràng An, 3 di tích quốc gia đặc biệt là Cố đô Hoa Lư; khu hang động Tràng An - Tam Cốc, Bích Động; núi Non Nước). Những thành tựu rực rỡ về kiến trúc, điêu khắc như đền thờ Vua Đinh - Vua Lê, đền Thái Vi, nhà thờ đá Phát Diệm…; những áng thơ văn, lễ hội, ca múa, trong đó hát Chèo có từ thời Đinh, hát Ca Trù, hát Xẩm ở Yên Phong (Yên Mô), hát Văn (Phủ Đồi, Nho Quan)... còn duy trì và phát triển đến ngày nay. Nhiều danh nhân nổi tiếng như Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Dương Vân Nga, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu, Ninh Tốn, Vũ Duy Thanh, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật và các vị khoa bảng, nhà văn hoá, nhà khoa học đương đại được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Mỗi ngọn núi, con sông trên đất Ninh Bình đều là những địa danh ghi lại những dấu tích về văn hoá, lịch sử trong tiến trình thích ứng với thiên nhiên, chống thù trong, giặc ngoài để đứng vững và phát triển. Mỗi tên đất, tên làng đều thể hiện khát vọng về một cuộc sống hoà bình, hạnh phúc bền vững của Nhân dân trên mảnh đất Ninh Bình…

Nhận thức sâu sắc rằng những giá trị truyền thống, di sản lịch sử, văn hóa, con người là một nguồn sức mạnh to lớn, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển bền vững của quê hương đất nước, trong 30 năm đổi mới và phát triển, từ khi tái lập tỉnh (năm 1992) đến nay, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã giành được nhiều thành quả to lớn, toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh. Công tác xây dựng văn hóa trong chính trị được chăm lo, là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Công tác xây dựng văn hóa trong hoạt động kinh tế được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thực hiện, các doanh nghiệp, người dân hưởng ứng tham gia. Môi trường văn hóa được quan tâm xây dựng ở cả trong gia đình, nhà trường và xã hội. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật hát Chèo, hát Xẩm. Chú trọng công tác nghiên cứu về lịch sử - truyền thống quê hương, nhất là các giá trị lịch sử văn hóa liên quan đến triều đại nhà Đinh và không gian văn hóa Hoa Lư. Công tác phát triển văn học nghệ thuật cũng được quan tâm. Phát huy các giá trị tốt đẹp trong văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, xây dựng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa, văn minh được đẩy mạnh. Các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật được tổ chức sâu rộng, nhiều sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia, quốc tế. Quê hương Ninh Bình ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Hợp tác giao lưu văn hóa được mở rộng. Các giá trị văn hóa mới, con người mới đang dần được hình thành.

Có thể thấy, các giá trị lịch sử văn hóa và di sản thiên nhiên luôn được các thế hệ người dân Ninh Bình gìn giữ, lưu truyền, tôn tạo, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tiếp tục tích tụ và thăng hoa trở thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Thực tiễn đang diễn ra sôi động, những bài học kinh nghiệm của Ninh Bình là chiếc chìa khóa để tiếp tục nhiệm vụ đổi mới vì mục tiêu xây dựng văn hoá, con người Ninh Bình thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, thực sự là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng Ninh Bình phát triển toàn diện, bền vững trên mọi bình diện của đời sống xã hội. Xây dựng con người Ninh Bình phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế.

Trong thời gian tới, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ tạo cơ hội cho các tầng lớp nhân dân tiếp cận với nền văn hóa đa dạng của thế giới, đồng thời là cơ hội để quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam nói chung, giá trị văn hóa, nghệ thuật của tỉnh Ninh Bình nói riêng đến với bạn bè quốc tế. Sự phát triển của khoa học, công nghệ, với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia cũng đặt ra những thách thức rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh trên, tỉnh Ninh Bình xác định một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người:

Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Tập trung triển khai đạt kết quả tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã đề ra, trọng tâm là phát triển văn hóa - xã hội, đó là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư; nâng cao hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả; đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ, gắn với sản xuất kinh doanh,...; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực sự nêu gương, đi đầu trong việc xây dựng văn hóa công vụ và văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương tiêu biểu về văn hóa trong mọi hoạt động, nhất là người đứng đầu.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, có sự gắn bó mật thiết giữa gia đình, nhà trường và xã hội.  Chú  trọng  xây  dựng  môi  trường  văn  hóa  mạng; xây dựng quy chế ứng xử văn hóa trên môi trường mạng. Đặc biệt coi trọng xây dựng các nhà trường thực sự là các trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện học sinh về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống, trí tuệ.

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của quê hương. Khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, truyền thống hiếu học, giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư, cũng như ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển quê hương đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đưa các chương trình giáo dục nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy trong trường học, tạo điều kiện cho học sinh phát huy năng khiếu, sở trường, nâng cao hiểu biết, góp phần giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ phát triển du lịch, trọng tâm là bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Chèo, hát Xẩm, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa khu di tích Cố đô Hoa Lư. Tổ chức biên dịch các thần tích về các di tích lịch sử của Ninh Bình. Tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, tạo điểm nhấn về không gian đô thị, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, đồng thời đáp ứng nhu cầu du khách.

Thi đua lập thành tích chào mừng sự kiện 200 năm danh xưng Ninh Bình, 30 năm tái lập tỉnh sẽ góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của quê hương; giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, xây dựng nếp sống văn minh gìn giữ thuần phong mỹ tục của dân tộc, từng bước xây dựng con người Ninh Bình mang đậm nét đặc trưng của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư: thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách; hướng tới chuẩn mực con người văn minh, hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, tự tin, đột phá, dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên mạnh mẽ để đáp ứng thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững.

M.D

(Nguồn: TC VNNB 262+263-3/2022)

___________

Nguồn tài liệu: Đề cương tuyên truyền 200 năm Danh xưng Ninh Bình, 30 năm tái lập tỉnh; kỷ yếu Hội thảo Văn hóa con nguời Ninh Bình; kỷ yếu Hội Nghị Văn hóa toàn quốc 2021.

 

Bài viết khác