Thứ ba, 07/05/2024

“Về với Cố đô Hoa Lư” vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều cảnh quan thiên nhiên kì vĩ, thơ mộng…

Thứ ba, 04/04/2023

Nhà báo, Nhà thơ KIM QUỐC HOA

Chủ tịch Hội Thơ Đường luật Việt Nam


Nhà báo, Nhà thơ Kim Quốc Hoa, Chủ tịch Hội Thơ Đường luật Việt Nam phát biểu tại ngày Hội thơ                        Ảnh của MINH TUYỀN

Mùa Xuân Quý Mão - 2023, Hội Thơ Đường luật Việt Nam tổ chức Ngày hội Thơ Đường luật toàn quốc lần thứ XV tại tỉnh Ninh Bình, sau 3 mùa xuân (2020, 2021 và 2022) không thể mở hội do đại dịch COVID-19. Đây là thời cơ của những người yêu thơ Đường luật - một trong hai thể thơ truyền thống độc đáo của dân tộc và nền văn học nước nhà - sẽ lại hội tụ, gặp gỡ, giao lưu, du xuân trong niềm hân hoan sau hơn một nghìn ngày chờ đợi.

Thật may mắn là Ban Thường vụ Hội cân nhắc, lựa chọn địa phương đăng cai, đặt vấn đề, kiến nghị tổ chức tại tỉnh Ninh Bình thì được UBND tỉnh chấp thuận, đồng ý cho Hội Thơ Đường luật Việt Nam tổ chức Ngày hội truyền thống (Văn bản số 775/UBND-VP 6 ngày 21 tháng 10 năm 2022) do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tống Quang Thìn kí.

Trong quá trình chuẩn bị, triển khai để tổ chức thành công như 14 lần đã làm ở 13 tỉnh, thành phố trong cả nước, theo thông lệ có việc phát động sáng tác thơ Đường luật về địa phương đăng cai để xuất bản. Lần này, Ban Thường vụ đưa ra chủ đề sáng tác “Về với Cố đô Hoa Lư”, lập tức được đông đảo hội viên hưởng ứng. Chỉ trong 2 tháng thông báo có gần 457 cán bộ, hội viên gửi về trên 1.316 bài viết tập trung vào đề tài của vùng đất lịch sử - văn hoá - tâm linh, văn minh và văn hiến, có nhiều cảnh quan thiên nhiên kì vĩ, đồ sộ, đó là tỉnh Ninh Bình.

“Về với Cố đô Hoa Lư” là về với kinh đô thứ 6 cúa đất nước trong lịch sử cổ đại. Trước đó, dân tộc ta đã hình thành các kinh đô: Phong Châu (Phú Thọ ngày nay), kinh đô Cổ Loa nước Âu Lạc, kinh đô Mê Linh (dưới thời Hai Bà Trưng), kinh đô Long Biên (nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế), kinh đô Cổ Loa thời vua Ngô Vương Quyền. Kinh đô Hoa Lư thời vua Đinh Tiên Hoàng nước Đại Cồ Việt, là Nhà nước phong kiến tập quyền hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử, triều đại tiến bộ nhất so với thời kì trước đó, mở ra một kỉ nguyên độc lập tự chủ lâu dài của đất nước cho đến ngày nay.

“Về với Cố đô Hoa Lư” là về với tỉnh Ninh Bình được tái lập ngày 01/4/1992 (tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh). Hiện nay, Ninh Bình có diện tích 1.376,7km2, dân số hơn 1.120.000 người, hầu hết là người Kinh, một số là dân tộc Mường. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, bao gồm: Thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp và các huyện Yên Khánh, Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Kim Sơn.

Thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đang chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỉ trọng nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, tăng tỉ trọng khu vực dịch vụ, tiếp tục xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại, xuất, nhập khẩu, nhất là đẩy mạnh du lịch trở thành mũi nhọn của nền kinh tế, v.v…

Tỉnh Ninh Bình nằm ở phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng, cách Hà Nội 90km, là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế -thương mại - du lịch và văn hoá giữa hai miền Nam - Bắc. Ninh Bình là đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời. Tạo hoá ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên kì vĩ, đồ sộ, độc đáo, phong phú, vô cùng hấp dẫn. Đó là quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; khu Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long, v.v… Bên cạnh đó là khu di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư (Đền thờ vua Đinh, vua Lê), dấu ấn của Hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, chùa Bái Đính, v.v… cùng nhiều di sản văn hoá phi vật thể khác, các lễ hội dân gian, lễ hội làng nghề phong phú, đa dạng, ẩm thực độc đáo, v.v…

Về Ninh Bình, mọi người có cơ hội khám phá Tràng An là bảo tàng địa chất ngoài trời, ghi dấu ấn những chuyển động thăng trầm của vỏ trái đất và toát lên trong lòng nó lịch sử hình thành những dải đá vôi với thung lũng, sông ngòi hoà quyện vào nhau, tạo nên một không gian huyền ảo, thơ mộng. Địa chất, địa mạo đặc biệt, hệ thống hang động xuyên thuỷ khiến Tràng An chứa đựng nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, song hành tồn tại hệ sinh thái trên cạn và dưới nước với nhiều loại động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Một điểm du lịch kì thú nữa là Vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng nằm trên ranh giới các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hoá - Hoà Bình có hệ động, thực vật hàng nghìn loại, rất phong phú, đa dạng, nhiều cây cổ thụ. Khu rừng nhiệt đới đặc biệt này được Tổ chức World Travel Awards bầu chọn và vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu Châu Á.

Đọc hơn 1.300 bài thơ của các tác giả trong cả nước, hầu hết các nhà thơ, người yêu thơ Đường luật đều ngợi ca quê hương Ninh Bình, giàu cảm xúc nhắc đến, viết ra, ngợi ca, bình phẩm về các di tích lịch sử - văn hoá, các điểm du lịch kì vĩ, độc đáo, sự đổi mới về mọi mặt của vùng đất Cố đô Hoa Lư, hòa quyện xưa và nay, toát lên khát vọng đất nước nói chung, Ninh Bình nói riêng phồn vinh, hạnh phúc.

“Về với Cố đô Hoa Lư” là một tuyển tập Đường luật độc đáo, tâm huyết của hàng nghìn hội viên hướng về Ngày hội, về quê hương Ninh Bình yêu dấu. Đây là món quà văn hoá, tinh thần tri ân của Hội Thơ Đường luật Việt Nam dành cho tỉnh Ninh Bình vì đã quan tâm, giúp đỡ Hội tổ chức thành công Ngày hội truyền thống lần thứ XV mang màu sắc văn hoá, thi ca vào mùa Xuân Quý Mão - 2023.

K.Q.H

(Nguồn: TC VNNB 279-4/2023)

Bài viết khác