Thứ tư, 08/05/2024

Nguyễn Tử Lan - Người có đóng góp quan trọng trong chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới

Thứ ba, 07/06/2022

NGUYỄN TỬ CHƯƠNG

Ta nhớ giai nhân mãi chẳng quên

Đố ai? Ai biết nói ngay tên

Người khi kỷ luật quyền trung đội

Người lúc chương trình chức giáo viên

Người tiệc liên hoan phun rượu thánh

Người đàn sướng họa nhả thơ tiên

Đang vui, đang mến, nay ly biệt

Ai giữ cho ta thưởng vạn tiền”...

(Trích thơ Mai Hân(1) – Nguyên đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 viết tặng ông Nguyễn Tử Lan trong giờ phút chia tay những đồng đội Điện Biên).

Ông Nguyễn Tử Lan  (Ảnh chụp năm 1965)

Ông có những nét trịnh trọng toát ra từ trong tư tưởng, nhận rõ qua ánh mắt sâu sắc, và tất nhiên đó là do kết quả của tinh thần. Sở hữu nước da trắng hồng như đàn ông châu Âu, nhưng vẫn giữ nguyên sự mịn màng tươi tắn vốn có của người Việt, dáng người cao, mảnh dẻ, sự mềm mại uyển chuyển trong từng cử chỉ làm tôn lên bộ trang phục nghiêm nghị vốn rất phù hợp với ông. Đôi bàn tay búp măng thanh tú, lòng bàn tay rộng khiến những cái bắt tay thêm ấm áp, dáng đi của ông nhanh nhẹn tự nhiên vì tinh tế mà nom như rất thong thả. Vẻ đẹp trong đôi mắt bổ khuyết cho nét duyên "quá đáng" ít thấy ở đàn ông, nụ cười hồn hậu nhưng trầm tư. Đấy là nét cuốn hút đường hoàng của một chiến binh ngoài mặt trận mà vũ khí là tri thức và mưu lược.

Dưới mái tóc dày, loáng thoáng muối tiêu như pha màu sương khói sa trường là vầng trán cao, rộng và tròn đều. Khi ông cười, một nếp nhăn mỏng hiện lên tạo thành đường nhấn giữa đôi lông mày, mơ hồ gợi cho người đối diện nghĩ đến đôi cánh Phượng Hoàng đang dang cánh bay giữa vầng trán bao la ấy. Một nhà giáo là đồng nghiệp của ông từng cảm nhận: "Nhìn ông, khiến người ta thấy như đứng trước một con người hào hiệp, thanh cao mà từng trải, tiến bước ngược chiều với những điều tầm thường trong xã hội con người".

Sau ngày chiến thắng Điện Biên, với vốn tri thức của mình ông trở thành một người thầy trong quân đội, mang trách nhiệm trang bị kiến thức cho những người lính vừa hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, để rồi rất nhiều người trong số họ sau này là các tướng lĩnh thuộc thế hệ sĩ quan cao cấp đầu tiên, góp phần kiện toàn lực lượng cán bộ chủ chốt và tinh nhuệ hóa quân đội. Có lẽ vì vậy mà ông được những người am hiểu, do quá yêu mến mà ví ông như người thầy của Sorbonne Việt Nam.

Nguyễn Tử Lan là người làng Thư Điền, ông sinh năm Ất Hợi, ngày 24 tháng 06 năm 1935, niên hiệu Bảo Đại thứ 9, ông là hậu duệ của Tham nghị Nguyễn Tử Dự - Một nhân vật trong Tràng An thất hào(2)  (bảy người Hào kiệt đất Tràng An). Tương truyền khi ông đến với thế giới này cũng là lúc khóm hoa Lan có hương thơm thanh cao, tinh tế mà Tổ phụ(3)  của ông yêu quý nhất cũng vừa nở, và đó cũng chính là lý do mà ông được đặt tên là Lan - Nguyễn Tử Lan!

Là một người thanh niên có tình yêu quê hương bằng những hành động thiết thực với niềm khát khao cháy bỏng “Đem thân mình thử thách với gian lao” ông đã tình nguyện lên đường tòng quân dù ở thời đó Việt Nam chưa có luật nghĩa vụ quân sự và bản thân là người con trai duy nhất của cụ đồ Thiệu, ông gia nhập quân đội chỉ với một nguyện vọng là được vào bộ đội chủ lực và ông đã toại nguyện khi trở thành người chiến sĩ Điện Biên duy nhất là người Ninh Bình được đứng trong hàng ngũ của Sư đoàn 312(4), ngay từ ngày đầu tiên vào bộ đội khi mới 18 tuổi ông đã vinh dự được Tướng Lê Trọng Tấn và bộ chỉ huy mặt trận đặc cách phong chức vụ trung đội trưởng, ông luôn tự hào về Sư đoàn 312 của ông. Sư đoàn 312 là một trong những Sư đoàn bộ đội chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ gồm Sư đoàn 312, 308, 316 304 và 351 trong đó Sư đoàn 312 là đơn vị chủ công, các Sư đoàn khác có nhiệm vụ yểm trợ đơn vị chủ công trong chiến dịch(5). Sư đoàn 312 cũng là đơn vị duy nhất vẫn bảo toàn nguyên vẹn lực lượng sau những cuộc chiến đấu trước đó, được Bộ chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ tấn công cụm cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch, một trận tấn công mang ý nghĩa quyết định khiến quân đội Pháp dần bị tê liệt hoàn toàn và buộc phải đầu hàng vô điều kiện vào 17 giờ 30 phút ngày 07/05/1954. Những chiến sĩ Sư đoàn 312 cũng là những người lập công đầu trong chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh chiếm hầm De Castries, cắm lá cờ Tổ quốc lên nóc hầm và bắt sống viên tướng chỉ huy, trọn vẹn với chiến dịch, góp một phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ, một chiến thắng kinh điển làm thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị trên toàn cõi Đông Dương và chấm dứt sự đô hộ của người Pháp ở “Thuộc địa tươi đẹp” này.

Những đoàn quân mặc áo bào ướt đẫm mồ hôi và khói bụi sa trường tiến vào Thăng Long - Hà Nội trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân. Lịch sử Việt Nam chỉ ghi nhận hai lần, lần một là đoàn quân của vua Quang Trung trong chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào chiều mồng 5 tết Kỷ Dậu (tức 30 tháng 01 năm 1789), và lần thứ hai là Sư đoàn 312 của ông mà tướng Lê Trọng Tấn là Sư đoàn trưởng về tiếp quản Thủ đô Hà Nội vào ngày 10 tháng 10 năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Có một câu nói tôi rất tâm đắc, mà cũng rất ám ảnh: “Một trận chiến được ghi vài dòng trong sử sách, vốn được viết nên bởi hàng vạn giọt máu tươi”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khó khăn nhất và cũng mang ý nghĩa quyết định nhất là cuộc tấn công mở màn chiến dịch vào cụm cứ điểm Him Lam, cuộc tấn công ấy đã khiến lữ đoàn “số 13” Lê dương của Pháp, từng tham gia chiến dịch Narvik (Thụy Điển) mùa xuân năm 1940 đến chiến dịch Bir Hakeim (Libi) hai năm sau đó, được xem như một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Pháp, chưa từng thua trận, nhưng đã phải thất bại trước những chiến sĩ Sư đoàn 312 là “sinh viên, trí thức mặc chiến bào” ra trận dưới sự chỉ huy tài tình của vị tướng Lê Trọng Tấn. Tại sao Sư đoàn 312 có thể chiến thắng được cụm cứ điểm cực kỳ quan trọng ấy? Tôi xin kể lại câu chuyện mà tôi được đọc từ những trang “tốc ký” của ông Nguyễn Tử Lan ở Điện Biên Phủ(6)

Đợi khi màn đêm buông xuống, một trung đội được phân công bí mật tiến sát cứ điểm đầu tiên của cụm cứ điểm Him Lam, trung đoàn 141 của ông được phân công đánh cứ điểm này (khó khăn nhất vì đây là cứ điểm của chỉ huy sở quân đội Pháp) dàn thành đội hình cái phễu, bí mật tiến về phía địch. Chờ quân Pháp đi phục về bắt sống vài tên, bằng mọi cách bắt cho được viên chỉ huy. Đi như thế không lo vấp mìn, đánh như thế cũng không sợ hỏa lực địch bắn thẳng vào. Bởi vì đường đi của lính đi phục, đường về và thời gian về của chúng đều nằm trong kế hoạch hiệp đồng rồi. Đó là chiến thuật sử dụng chính kế hoạch bài bản của địch để phản lại chúng.

Sau đó tướng Lê Trọng Tấn giao nhiệm vụ cho một trung đội ba ngày để làm việc này. Đúng ba ngày sau, trung đội trưởng(7) đã dẫn lên sở chỉ huy một tên thiếu úy tù binh. Từ lời khai của tù binh, quân ta nắm được địa thế, địa hình, cách bố trí của cụm cứ điểm Him Lam. Từ địa điểm phòng ngự, cách bố trí hỏa lực, từ đó lên kế hoạch đánh trận.

Trung tâm đề kháng Him Lam theo cách gọi của Việt Minh do nó ở gần với ngôi làng có cùng tên, quân Pháp gọi là Besatrice, sẽ là cứ điểm mở màn cho trận đánh. Đây là cụm cứ điểm phía Đông Bắc với những ngọn đồi dẫn ra tỉnh lộ 41 từ Tuần Giáo vào, được coi là "cửa mở" vào trung tâm. Cụm cứ điểm Him Lam được biết đến như một pháo đài bất khả xâm phạm, được thiết kế bởi một vị Cố vấn Mỹ vừa ở Triều Tiên về và trực tiếp đôn đốc thi công. Tướng Mỹ Odanien - Tư lệnh các lực lượng quân Mỹ ở Thái Bình Dương, trưởng phái đoàn quân sự của Mỹ ở Đông Dương và De Castries thân chinh kiểm tra công việc bố phòng. Ngài bộ trưởng quốc phòng Pleven cũng đã đến tận nơi thanh tra. Chỉ huy cụm cứ điểm Him Lam Pego là một sĩ quan lê dương chính cống. Địch cũng dự kiến đây là hướng tiến công chính của quân ta, nên đã bố trí tiểu đoàn số 3 là lực lượng thiện chiến nhất của lữ đoàn Lê dương số 13  đóng giữ. Để đảm bảo nguyên tắc "trận đầu phải thắng”, quân ta bố trí lực lượng mạnh, có cả dự phòng; kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích, dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử lý các diễn biến phát sinh trong thực tiễn chiến đấu.       

Trận địa xuất phát được tiến hành đào hào từ đêm 11/03. Đến 17 giờ 30 phút ngày 13/03/1954 cuộc tấn công lịch sử vào Tập đoàn cứ điểm chính thức bắt đầu. Từng đợt pháo kích liên tiếp nhằm thẳng Him Lam và phân khu trung tâm. Trong cuốn “Tôi đã là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ”, thiếu tá quân y Pon Grouyn đã gọi “đó là những cú bắn bậc thầy”. Chưa bao giờ quân Pháp phải nếm những đòn dữ dội đến vậy. Không riêng trung tâm đề kháng Him Lam mà toàn bộ cụm cứ điểm cùng rung lên dưới các đợt oanh kích của Sư đoàn 312, trong khi pháo của ta vẫn đang bắn cấp tập vào các vị trí mục tiêu, quân địch chưa kịp trở tay thì các đơn vị xung kích báo cáo đã chiếm được các cứ điểm. Riêng trung đoàn 141 đánh cứ điểm 1 (cứ điểm của chỉ huy sở Quân đội Pháp) gặp nhiều khó khăn hơn do phải vượt qua nhiều hàng rào đại bác của địch. Tuy nhiên, vào lúc 22 giờ 30 phút, việc chọc thủng phòng ngự đã hoàn tất. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên cụm cứ điểm Him Lam khi mọi thứ kết thúc lúc 0 giờ 30 phút rạng sáng ngày 14/03, sau 07 giờ giao tranh tiếng ầm ầm của vũ khí đã nhường chỗ cho sự im lặng lạ kỳ, khắc sâu trong ký ức của những người tham gia trận đánh. Sư đoàn trưởng Lê Trọng Tấn báo cáo Bộ chỉ huy chiến dịch, Sư đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, và tịch thu được toàn bộ vũ khí, trang bị của địch. Như vậy Sư đoàn 312 đã hoàn toàn làm chủ được trung tâm đề kháng Him Lam, giáng một đòn mạnh mẽ vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp, tạo thời cơ thuận lợi tiến công đánh chiếm hai cứ điểm còn lại trong kế hoạch của đợt tấn công tiếp theo là đồi Độc Lập (Gabrielle) và bản Kéo (Anne-Marie)(8). Tiêu diệt được cứ điểm Him Lam đã tạo nên một niềm tin mãnh liệt, có sức lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội ta tại tất cả các đơn vị, trên tất cả các mặt trận; việc tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương này không phải là “bất khả thi” như phía quân Pháp thường tuyên bố và việc bắt sống De Castries cùng toàn Bộ chỉ huy của Quân đội Pháp sẽ là quyết tâm lớn nhất trong trận công kiên lớn nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam lúc này.


Bút tích của ông Nguyễn Tử Lan (Bài thơ “Tôi yêu đời” - Ông viết trong thời kỳ hoạt động bí mật)

Và như đã biết, Sư đoàn 312 của ông Nguyễn Tử Lan đã bắt sống tướng De Castries trong trận thắng cuối cùng vào 17h30 phút ngày 07 tháng 05 năm 1954. Sư đoàn được nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác Hồ trao tặng. Tướng Lê Trọng Tấn, Sư đoàn trưởng là người được vinh dự báo tin Chiến dịch Điện Phủ toàn thắng.

Với tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ được các sử gia phương tây chuyên nghiên cứu về đề tài chiến tranh thế giới so sánh ngang tầm với những chiến thắng lừng lẫy trong lịch sử như Waterloo, Brodino, Stalingad... Lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ có thể mô tả như cách nói của chính các sử gia người Pháp là “vinh quang chói sáng” một phần lớn nhờ có các chiến công mang yếu tố quyết định của các chiến sĩ Sư đoàn 312 ở Him Lam, Độc Lập, Mường Thanh... Đó là nhờ vào việc tổ chức quân đội, sự phân công nhiệm vụ hợp lý, khai thác tối đa mặt mạnh của từng cá nhân, đặc biệt là các vị trí chỉ huy. Dưới đây là lực lượng chỉ huy từ cấp trung đội trở lên của Sư đoàn 312. Ngoài những người ở cấp chỉ huy tối cao thì lực lượng này của Sư đoàn 312 có thể được coi là những người lập công đầu và có những đóng góp quan trọng nhất trong chiến thắng Điện Biên Phủ.

Biên chế các cấp chỉ huy từ trung đội trưởng trở lên của sư đoàn 312 ngày ấy là: Sư đoàn trưởng 01, sư đoàn phó 01, trung đoàn trưởng 03, trung đoàn phó 03, tiểu đoàn trưởng 09, tiểu đoàn phó 09, đại đội trưởng 27, đại đội phó 27, trung đội trưởng 81.

Ông Nguyễn Tử Lan, với những dấu ấn như được Sư đoàn trưởng Lê Trọng Tấn một vị tướng nổi tiếng về khả năng phát hiện và khai thác những điểm mạnh của vai trò chỉ huy trong quân đội đã phong đặc cách chức trung đội trưởng ngay ngày đầu tiên khi ông tham gia chiến dịch mà không phải qua bất kỳ chức vụ nào theo thứ tự từ dưới lên, được giao nhiệm vụ trinh sát và bắt sống viên thiếu úy Jacques và lấy lời khai, từ đó nắm được địa hình, chiến thuật của quân Pháp góp phần cho việc lên phương án chính xác trận đánh mở màn ở trung tâm đề kháng Him Lam và dành thắng lợi, với khả năng tiếng Pháp của mình, sau mỗi trận đánh ông được giao trọng trách trong việc điều hành và quản lý các tù binh Pháp, truyền thông để họ phải tâm phục, khẩu phục chiến thắng của quân đội ta, tổ chức nhiệm vụ nhân đạo chăm sóc, cứu chữa cho các tù binh bị thương, ngày trao trả tù binh ở sân bay Mường Thanh họ đã bắt tay thật chặt các chiến sĩ Việt Minh cùng những cái ôm trong niềm xúc động, đầy lòng biết ơn và mãi mãi sau này khi về nước trong ký ức của những cựu binh Pháp đó là những đặc ân của quân đội Việt Nam dành cho họ. Khi kết thúc chiến dịch ông lại trở thành người thầy trang bị kiến thức cho chính những người đồng đội của mình, trong số họ có cả những người là thủ trưởng của ông, với nhiệm vụ giảng dạy trong quân đội ông đã góp phần giúp những người lính có đủ kiến thức để tham gia khóa sĩ quan đầu tiên ở trường sĩ quan lục quân cũng do chính tướng Lê Trọng Tấn là hiệu trưởng. Với những đóng góp như vậy ông Nguyễn Tử Lan có thể được xem như ở trong khoảng 100 người có đóng góp quan trọng nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cuốn DéLicaS của ông Nguyễn Tử Lan lúc mang bút danh Hoài Nam. Hoài Nam là bút danh làm báo, cũng là tên mà ông sử dụng khi là Trung đội trưởng quân báo (Tình báo quân đội). DéLicaS là cuốn sách viết tay chứa nhiều bút tích, chứng tích quan trọng về ông Nguyễn Tử Lan trong chiến dịch Điện Phủ do ông Lan và những đồng đội của ông ghi lại.

Có một thống kê của tôi sau khi tìm hiểu về những người chiến sĩ của Sư đoàn 312 tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, qua cuốn lưu bút đồng đội của ông Nguyễn Tử Lan, qua danh sách cựu chiến binh Điện Biên do Đại tá Nguyễn Xuân Mai là trưởng ban liên lạc cung cấp, trong những người tôi đã đến được gia đình họ, và cả những người tôi đã liên lạc được thì tướng Tấn là người duy nhất thọ 72 tuổi (ông mất năm 1986), còn lại chưa có ai vượt qua tuổi 70, tuổi thanh xuân của họ đã hiến trọn cho những chiến trường ác liệt, tâm sức của họ đã vắt kiệt cho tuyến đầu của những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hòa bình độc lập trên mảnh đất Việt Nam thân yêu. Khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, khi khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông  có những bước tiến dài và trở thành lĩnh vực quan trọng không chỉ với mỗi quốc gia, mà còn quan trọng đối với từng tế bào xã hội, từng thực thể xã hội. Các bộ phim tài liệu, phóng sự, các ấn phẩm về chủ đề Điện Biên ở thời kỳ này không còn các nhân chứng của Sư đoàn 312, hy hữu tôi được thấy một vài lần nhưng là các chính trị viên, là hậu cần, phụ trách thông tin, liên lạc không trực tiếp chiến đấu. Những tư liệu về các chiến tích của sư đoàn 312 chỉ có thể tra cứu từ tài liệu lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp hoặc các tài liệu gốc từ Cục văn thư và lưu trữ nhà nước, những tài liệu này lại chỉ dùng cho những đề tài nghiên cứu chuyên sâu, các công trình khoa học không phổ biến rộng rãi.

Trở lại câu chuyện về ông Nguyễn Tử Lan. Thời đó, Việt Nam còn nạn mù chữ, có tới 90% dân số chưa biết đọc biết viết, ông Nguyễn Tử Lan là người may mắn được xuất thân trong một gia tộc có truyền thống khoa bảng của nền học vấn Nho giáo, thân phụ ông là cụ đồ Thiệu (Nguyễn Tử Thiệu) cháu nội của Danh nhân Nguyễn Tử Mẫn. Bởi vậy ông thành thạo chữ Hán từ rất sớm, lại được học dưới mái trường của nền giáo dục Pháp Việt. Trong hệ thống giáo dục Pháp Việt thì ngoài tiếng Pháp, người học còn phải học thêm hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt. Có thể nói ông Nguyễn Tử Lan là một người được tiếp cận với cả hai nền văn minh Phương Đông và Phương Tây, không những chỉ kiến thức nhà trường mà còn được hun đúc từ cuộc sống, đặc biệt từ truyền thống gia đình và cương vị công tác trong quân đội. Với vốn tri thức và ngôn ngữ đa văn hóa như vậy ông được đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng đôi khi vượt quá giới hạn về cấp bậc của mình(9). Những lần áp giải tù binh Pháp từ Điện Biên về trại giam chỉ có ông là một trong số rất ít người giao tiếp được với họ, họ có nguyện vọng gì đều đề xuất với ông, dù ông không phải là thủ trưởng cao nhất.

Lúc ấy, với những người lính Pháp vừa thất trận, thì một cực hình mới lại bắt đầu. Đó là những cuộc hành trình đi bộ dài dằng dặc về các trại giam giữ, nhưng cách cư xử của ông đối với họ rất đúng mực và nhân văn, có lẽ đó là cái khí chất quân tử mà ông được kế thừa từ giáo dưỡng gia đình về văn minh phương Đông, ông kể: “Người Pháp họ rất sợ phải đi chân đất, nhất là đi trên những con đường gồ ghề sỏi đá như ở Việt Nam thời ấy, vì đi như thế họ không quen nên không những rất đau mà còn có nguy cơ trầy xước, nhiễm trùng, nhiễm bệnh”.

Ông là người hiểu điều đó và thông cảm mà “linh động” cho họ được đi giầy trên những con đường dẫn giải về trại giam, bởi ông nghĩ khi họ đã chịu khuất phục hoàn toàn thì đâu có nhất thiết phải hành hạ họ thêm làm gì, ở một góc độ nào đó thì họ cũng chỉ là những con người vô tội, chính họ cũng là những nạn nhân của một sai lầm chính trị dưới thời tổng thống Vincent Auriol và nhà cầm quyền Pháp thời ấy, trong phần lời kết cuốn sách “Điện Biên Phủ 13/3 - 07/5/1954” sử gia người Pháp Ivan Cadeau viết về những binh lính Pháp thất trận: “họ là nạn nhân của một hệ thống chính trị tham nhũng và không có năng lực cùng bộ chỉ huy yếu kém”, và nếu như chúng ta có cái nhìn xuyên suốt và bao quát hơn từ lịch sử (từ thời vua Gia Long - Triều Nguyễn) và có sự đánh giá khách quan hơn về công, tội, về ảnh hưởng của người Pháp đối với văn minh thế giới nói chung và với Việt Nam nói riêng thì Pháp là một "thực dân" duy nhất trên thế giới mà dấu chân của họ đi đến đâu thì nền móng của văn minh tiến bộ họ đặt ở đấy, tạo nên dấu ấn ở đấy. Với Việt Nam, khi ra đi người Pháp đã để lại những điểm nhấn quan trọng về văn hoá, y tế, giáo dục và kiến trúc...

Sau ngày chiến thắng Điện Biên và tiếp quản Thủ đô Hà Nội từ chính quyền thực dân ông ở lại Quân đội dạy học và làm báo với bút danh Hoài Nam(10). Đến năm 1957, ghi nhận những cống hiến và tri thức của ông, quân đội đã cử ông đi học lớp chế độ sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam để áp dụng việc phong quân hàm, vì đến ngày 31/05/1958 luật Quy định chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam mới hoàn thiện và chính thức có hiệu lực, còn trước thời điểm đó chế độ quân hàm chưa áp dụng toàn quân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ phong cho một số trường hợp đặc biệt nhằm kiện toàn bộ máy chủ chốt trong Quân đội, gồm duy nhất một đại tướng là Võ Nguyên Giáp và sau này thêm tám thiếu tướng là Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn…

Ông nhiều lần được tướng Lê Trọng Tấn hồi đó là Sư đoàn trưởng đầu tiên của Sư đoàn 312 làm công tác tư tưởng về việc phong cấp quân hàm và mong muốn ông tiếp tục ở lại Quân đội, nhưng ngày ấy song thân của ông ở quê nhà tuổi đã cao lại hay đau yếu và trong suốt nhiều năm do chiến tranh nên ông không có điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng. Những lá thư, những vần thơ viết vội tại mặt trận Điện Biên gửi về gia đình là nỗi lòng day dứt về chữ hiếu mà ông được ảnh hưởng sâu sắc từ đạo lý Nho giáo: Chín chữ chưa đền công núi bể/ Hai vai đã nặng gánh non sông”… (Chúc thọ song thân - Nguyễn Tử Lan)

Vì nước quên nhà con ra đi/ Cha đừng đau đớn nỗi phân li/ Con đi, đi mãi bao giờ đến/ Độc lập vinh quang con sẽ về”… (Con ra đi - Nguyễn Tử Lan)

Những ngày cuối cùng trong quân đội, trước giờ phút khi chia tay, những người đồng đội viết về ông qua những dòng lưu bút, những vần thơ nghẹn ngào, thấm đẫm tình đời, tình người, tình bạn, sự nuối tiếc vì phải tạm biệt một người đồng chí, người quân nhân cách mạng mưu lược, dũng cảm nơi chiến trường mà hào hoa, ân tình, luôn hết lòng vì đồng đội. 

...Trải bao chiến địa sông pha/ Rừng bom bể lửa cũng là có nhau/ Rừng xanh đi suốt đêm thâu/ Leo đèo lội suối dắt nhau chẳng rời.../ ...Lan về phụng dưỡng song đường/ Cho tròn hiếu đạo luân thường Á Đông/ Đôi ta ghi tạc chữ đồng/ Mai ngày cũng lúc tương phùng hạ xa.../ ...Mấy lời tiễn biệt nôm na/ Chúc Lan mạnh khoẻ về nhà bình yên/ Chữ rằng thiên lý lương duyên. (Kim - Lan tiễn biệt -Trịnh Kim(11))

Bốn biển anh em gặp gỡ đây/ Đồng tâm đuổi giặc thực dân Tây/ Hai vai gánh nợ cùng non nước/ Một dạ thương nòi trước đến nay/ Ngàn dặm quan san vừa họp mặt/ Đôi đường Nam Bắc đã chia tay/ Ly đình tiễn biệt người đôi ngả/ Ngơ ngẩn nhìn theo nước với mây. (Nguyễn Xuân Tuấn(12))

 Ông đã viết đơn một mực từ chối (lá đơn ấy sau này gia đình ông đã tìm lại được và hiện đang được lưu giữ cùng những kỷ vật khác). Ông Nguyễn Tử Lan cảm ơn sự quan tâm của tướng Lê Trọng Tấn và các thủ trưởng Sư đoàn 312 rồi phục viên, đến ngày 24 tháng 9 năm 1960 thì ông nhận được quyết định của bộ Quốc gia giáo dục do bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ký. Đặc cách điều động về nhận công tác tại cơ quan bộ, tại thời điểm đó thân phụ của ông là cụ đồ Thiệu đang ốm nặng nên ông đã viết thư đề nghị xin hoãn lại 10 ngày để phụng dưỡng, nhưng sau đó bệnh tình của cụ đồ Thiệu ngày càng trở nặng khiến ông không thể về nhận công tác được như trong thư đề nghị, sự lựa chọn của ông Nguyễn Tử Lan lúc đó được giới trí thức và nhân dân truyền tụng đến tận ngày nay là một tấm gương về chữ hiếu, có thể so sánh như việc từ quan để phụng dưỡng song thân trong thời Nho giáo của Việt Nam. Sau này khi thành lập bảo tàng Nguyễn Tử Lan, gia đình ông đã tìm lại được bức thư đề nghị có dấu công văn đến của Bộ Quốc gia giáo dục số 1685 ngày 04 tháng 10 năm 1960 và hiện đang lưu giữ tại bảo tàng cùng các chứng tính quan trọng khác về cuộc đời và sự nghiệp ông. Sau thời điểm đó ông về công tác tại ngành giáo dục tỉnh nhà. Với vốn tri thức được kế thừa từ gia đình, được học tập tu dưỡng qua các nền giáo dục: Nho giáo, Pháp thuộc và nền giáo dục Việt Nam thời cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, được đúc kết kinh nghiệm, cập nhật kiến thức qua thời gian làm công tác giáo dục trong môi trường Quân đội và hơn hết là những kiến thức thực tiễn của một người lính từng tham gia cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp, ông đã có những đóng góp đáng kể cho cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Trong bài xã luận “Vài suy ngẫm về sự nghiệp giáo dục”, ông viết:…“Trí tuệ con người ngày càng phát triển với những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật kỳ diệu. Trong khi nhà trường là nơi đào tạo và giáo dục nên những tinh hoa trí tuệ, đòi hỏi những nhà giáo phải tự mở rộng trình độ và nghiên cứu bằng tư duy mới cao hơn, phải có những nỗ lực nâng cao kỹ năng giáo dục nhằm đào tạo con người mới sao cho ngang tầm với thời đại… Do đó cần phải luôn nhạy bén với thời cuộc, với sự đòi hỏi không ngừng của lĩnh vực khoa học giáo dục trong một xã hội ngày càng yêu cầu cao hơn, sâu sắc hơn, triệt để hơn. Mong rằng nhà giáo chúng ta, mỗi người sẽ tự xác định vị trí và chức năng của mình để có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục đào tạo mà chúng ta đã lựa chọn”…

Ông về công tác tại trường sư phạm Khánh Nhạc(13) và Ty giáo dục Ninh Bình. Đồng đội của ông, những người ở lại (nhiều người là học trò của ông) hầu hết được cấp nhà ở thủ đô Hà Nội và trở thành những tướng lĩnh thuộc thế hệ sĩ quan cao cấp đầu tiên trong Quân đội. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy ông nói dù chỉ một lời về sự thiệt thòi hay nuối tiếc.         

Đến năm 1964 theo chủ trương của tỉnh nhằm kiện toàn đội ngũ cán bộ, đáp ứng mục tiêu của Trung ương về phát triển kinh tế ở miền Bắc và ưu tiên thực hiện nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là công tác cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức đã điều động ông về công tác tại Ban nông nghiệp Tỉnh ủy Ninh Bình(14). Sau những năm tháng ở chiến trường Điện Biên và là một trong những người lính đầu tiên về tiếp quản thủ đô Hà Nội từ chính quyền Pháp thuộc, ông đã có được những kinh nghiệm đúc kết về sự ứng biến linh hoạt trong mọi hoàn cảnh và điều kiện không thuận lợi, những kinh nghiệm đó ông đã mang vận dụng sáng tạo cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà, và lần đầu tiên chiếc xe đạp thồ ở chiến dịch Điện Biên được sử dụng làm phương tiện vận chuyển trong thu hoạch lúa thay cho việc gồng gánh tốn nhiều công sức mà năng suất lao động lại rất thấp, lần đầu tiên những chiếc máy tuốt lúa đạp chân và trục lăn lúa được ứng dụng, thời điểm ấy Ninh Bình là một trong rất ít địa phương trong cả nước có những bước đi đầu tiên trong cơ giới hóa nông nghiệp, cùng thời gian đó mô hình sản xuất lúa giống theo kỹ thuật thâm canh khoa học được triển khai thay cho thói quen chọn từ lúa lương thực làm lúa giống. Đây cũng là giai đoạn sản xuất nông nghiệp Ninh Bình có một bước tiến dài chưa từng có với thành tựu đột phá mà thế hệ cán bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình thời ấy đã đạt được, giá trị sản lượng nông nghiệp năm 1965 tăng 18,3% và cũng là năm được mùa lớn nhất kể từ nhiều thập niên trước đó. Sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp được đẩy mạnh và phát triển, giá trị tổng sản lượng công nghiệp cũng tăng gấp 12 lần so với năm 1955.

Suốt 37 năm đi dọc chiều dài cuộc trường chinh của dân tộc, học tập, lao động và chiến đấu, hiến trọn tuổi thanh xuân cho những giá trị thiêng liêng của Tổ quốc, cùng các cán bộ đồng nghiệp của mình trải qua thời kỳ của những thập niên đầu Việt Nam vừa dành được độc lập, với điều kiện công tác khó khăn đến lạ lùng mà nếu như không có năng lực dân vận, không có sự yêu thương che chở và đồng lòng ủng hộ của nhân dân thì rất khó để hoàn thành nhiệm vụ.

Cả một thời thanh xuân tuổi trẻ của ông chẳng nghĩ việc riêng tư, chẳng nghĩ sống cho mình. Khi về nghỉ hưu ông mới có thời gian nhiều hơn cho Gia tộc, quê hương, cho những người đồng đội của ông, họ là những người một thời khoác áo chiến bào cùng ông xông pha nơi chiến trường rừng bom bể lửa, đầy gian khổ, hiểm nguy mà vinh quang và rất đỗi tự hào, họ là những người cùng ông ca khúc khải hoàn trong một ngày tháng 5 lịch sử, và họ cũng là những người được vinh dự góp mặt trong đoàn quân tinh nhuệ tại lễ duyệt binh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam ở Quảng trường Ba Đình ngày 01 tháng 01 năm 1955 đánh ấu sự kiện quan trọng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vừa bước sang năm đầu tiên của thế kỷ 21, ngày 04 tháng 02 năm Canh Thìn (2000) thì ông rời cõi nhân gian. Tiễn ông về với tiền nhân, hôm ấy đang giữa mùa xuân mà những cơn mưa rào cứ liên tục trút xuống, nước ngập hết mọi nẻo đường như cố gắng níu ông ở lại, những giọt mưa như những giọt nước mắt trong cái đêm ông nắm tay những người thân yêu nhất của ông lần cuối để về trời, những gian khó mà ông đi qua đã để lại những giá trị thật lớn cho thế hệ chúng tôi hôm nay, ông đã sống trọn một cuộc đời dâng hiến, một đời chẳng màng danh lợi, một đời thanh bạch, xa lánh những giá trị ngoại thân phù phiếm.

Nguyễn Tử Lan, con người của một thế hệ vàng về nhân cách, về sự cống hiến hết mình cho Tổ quốc, Nhân dân.

 

Các nguồn tư liệu chính: Các tài liệu lưu trữ quân sự liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ được bảo quản tại lâu đài Vincennes thuộc lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp do sử gia người Pháp Ivan Cadeau công bố năm 2019; Các tài liệu của Cục văn thư và lưu trữ nhà nước; Bảo tàng lịch sử chiến thắng Điện Biên, Nhà truyền thống sư đoàn 312; Cuốn hồi ức “Từ Đồng Quan đến Điện Biên” của Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 1994; Các sách, báo, tài liệu, bút tích - Bảo tàng Gia đình Nguyễn Tử Lan; Qua lời kể từ các đồng đội, đồng nghiệp của ông Nguyễn Tử Lan; Các gia đình ông Nguyễn Tử Lan từng lưu trú trong quá trình công tác.

Chú thích: (1) Ông Mai Hân người làng Gia Chung (nay đổi là làng Cao Lý), xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; (2) Theo Đại Nam nhất thống chí - Di sản tư liệu thế giới mộc bản triều Nguyễn. Tràng An thất hào gồm: Tham nghị Nguyễn Tử Dự, người xã Giá Hộ; Thị độc Ninh Thấu, người xã Khôi Trì; Hiến phó sứ Nguyễn Đình Chi, người xã Bồ Xuyên; Tham chính Phạm Kiêm Huyền, người xã Thiên Trì; Thừa chính Nguyễn Đoan Tước, người xã Phúc Am; Thừa chính sử ti Hoàng Trọng Cung, người huyện Yên Khánh; Thiêm sự Trịnh Xuân, người xã An Liêu; (3) Tức cụ Nguyễn Tử Mỹ, ông nội của Nguyễn Tử Lan; (4) Ông Nguyễn Tử Lan ở đại đội 9, tiểu đoàn 428, trung đoàn 141, Sư đoàn 312; (5) Theo tư liệu của Bảo tàng lịch sử chiến thắng Điện Biên và lời kể của ông  Hoàng Minh Tuấn - Cựu chiến binh Điện Biên, ở số nhà 16 đường Phù Long, phường Trần Tế Xương, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. (lời kề của ông Hoàng Minh Tuấn được Nhà báo Thùy Dung - Thông tấn xã Việt Nam đăng tải trên cổng thông tin điện tử Bộ quốc phòng Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân). Xem thêm hồi ức của Đại tướng Lê Trọng Tấn “Từ Đồng Quan đến Điện Biên” - Nxb Quân đội nhân dân, năm 1994, trang 333; (6) Những ghi chép “tốc ký” của ông Nguyễn Tử Lan ở chiến trường Điện Biên có nội dung trùng khớp với những tài liệu lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp được công bố lần đầu vào năm 2019 nhân kỷ niệm 65 năm ngày lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, bởi nhà sử học Ivan Cadeau người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ phía bên kia chiến tuyến; (7) Theo các tư liệu mà chúng tôi xác minh thì ông Nguyễn Tử Lan chính là người Trung đội trưởng quân báo (tình báo quân đội) đã bắt sống tên thiếu úy Jacques. Trong trận này trung đội quân báo của ông đã tiêu diệt hơn một tiểu đội địch và bắt sống ba lính lê dương. Tuy nhiên trong cuốn hồi ức “Từ Đồng Quan đến Điện Biên” của Đại tướng Lê Trọng Tấn thì người trung đội trưởng này lại tên là Lư, nhưng qua danh sách các cựu chiến binh Điện Biên mà chúng tôi có được từ ban liên lạc, qua cuốn sổ ghi chép ở Điện Phủ có tên & địa chỉ các đồng đội của ông Lan ở trung đoàn 141 - Sư đoàn 312 thì không có ai tên là Lư. Vậy chúng tôi đưa ra 2 giả thiết như sau: Một là cuốn “Từ Đồng Quan đến Điện Biên” Đại tướng Lê Trọng Tấn hoàn thành bản thảo năm 1985 (sau 31 năm kể từ năm 1954) bởi vậy có thể tác giả đã nhớ không chính xác tên người trung đội trưởng này. Giả thiết thứ 2 là cuốn sách mới hoàn thành thực chất ở dạng bản nháp, Đại tướng dự định sẽ tiến hành rà soát, đối chiếu, sửa chữa lại, nhưng rất tiếc dự định đó chưa kịp thực hiện thì đại tướng qua đời năm 1986. Sau đó 9 năm (1994) cuốn bản thảo còn dở dang của đại tướng mới được Biên soạn và xuất bản. Cuốn sách được ra đời trong hoàn cảnh như vậy nên rất khó tránh khỏi có những nội dung mang tính chủ quan, chưa hoàn toàn chính xác mà phần “Lời nhà xuất bản” và lời giới thiệu của đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng cho rằng cuốn sách còn một số hạn chế. Qua các giả thiết như vậy chúng tôi khẳng định ông Lan chính là người trung đội trưởng quân báo đã lập chiến tích đó. Tác giả bài viết rất mong nhận được thêm những ý kiến đóng góp về nội dung này; (8) Gabrielle: Độc Lập & Anne-Marie: Bản Kéo là tên gọi của người Pháp về 2 địa danh này; (9) Theo lời kể của một người đồng đội của ông Nguyễn Tử Lan là Đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên tổng biên tập báo Phòng không - Không quân & Tổng biên tập Báo cựu chiến binh Việt Nam; (10) Hoài Nam cũng là bí danh ông dùng trong thời kỳ hoạt động bí mật; (11)  Là một người đồng đội của ông Nguyễn Tử Lan ở Sư đoàn 312. Ông Trịnh Kim quê ở thôn Thanh Dương, xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Sau giải phóng Điện Biên ông lập gia đình và sinh sống tại thị xã Sơn La (nay là thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La); (12) Ông Nguyễn Xuân Tuấn – Đồng đội của ông Nguyễn Tử Lan ở khu Phố 4, xóm 4, thị trấn Thanh Hóa, nay là Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; (13) Trường sư phạm Khánh Nhạc là tiền thân của Trường đại học Hoa Lư; (14) Ban đầu ông được điều động về làm trưởng Ban kinh tế, sau một thời gian ngắn thì Ban Kinh tế sáp nhập vào Ban Nông nghiệp.

N.T.C

(Nguồn: TC VNNB 265-5/2022)

 

 

Bài viết khác