Thứ tư, 08/05/2024

Non nước Cao Bằng trong tôi

Thứ tư, 03/08/2022

Ghi chép của BÙI THỊ NHÀI 

1. Lên Cao Bằng

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng công tác quan tâm bồi dưỡng và phát triển hội viên cả về số lượng và chất lượng. Để nâng cao vốn hiểu biết, khơi nguồn sáng tạo, trau dồi kinh nghiệm sáng tác và nâng cao tinh thần đoàn kết cho hội viên trẻ, Ban lãnh đạo Hội VHNT Ninh Bình đã tổ chức chuyến đi thực tế “Về nguồn” tại Cao Bằng. Các thành viên trong đoàn là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ trẻ của Hội VHNT Ninh Bình.

Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên, Chủ tịch Hội trực tiếp làm trưởng đoàn. Cùng đi có nhà văn Phạm Thị Duyên - Phó Chủ tịch, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình; NSNA Phạm Tuấn Phương - Phó Chủ tịch Hội; Nhà viết kịch Ninh Đức Hậu - Trưởng ban Văn học Trẻ. Ngắm những gương mặt trẻ trung với những nụ cười rạng rỡ “tay bắt mặt mừng”, tôi dự cảm chuyến đi chắc chắn sẽ thu được những kết quả mỹ mãn.

Chúng tôi khởi hành từ 6 giờ ở thành phố Ninh Bình. Qua Hà Nội, xe vào đường cao tốc đi Thái Nguyên. Mấy ngày nay không khí oi nóng ở nhiều địa phương nhưng Thái Nguyên vẫn mát mẻ, đẹp hút mắt với những đồi chè xanh nhấp nhô như sóng lượn. Tiếp tục hành trình với những cung đường càng đi càng lên dốc cao hơn, chúng tôi kể cho nhau nghe về di tích hầm bí mật Dốc Tiệm và Hội trường chữ U thuộc phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh nhờ hầm bí mật này đã thoát hiểm vào năm 1947 trên đường đi công tác. Buổi chiều, chúng tôi nghỉ chân ở Đèo Gió. Nhà văn Thúy Hoàng được thỏa sức khiêu vũ cùng gió. Mua một túi đào, nhà thơ Cầm Thị Đào mời mọi người cùng thưởng thức vị ngọt giòn tan trái chín vùng cao. Chúng tôi tiếp tục qua đèo Giàng, qua đèo Cao Bắc. Bạn đồng hành đều là các nam thanh nữ tú, thông minh dí dỏm nên mọi người quên cả mệt, quên cả say xe. Mọi người trên xe vẫn hát say sưa. Nhà văn Mai Thị Hồng Quế hát xẩm, Hoàn Nguyễn hát chầu văn, Nguyễn Phương hát nhạc trẻ… Mặc dù chưa đến đất Cao Bằng, tâm trí tôi đã vang lên bài thơ “Lên Cao Bằng” của nhà thơ Vương Trọng: “Lên đến Cao Bằng không sợ dốc/ Đèo Giàng đèo Gió đã lùi sau/ Lên đến Cao Bằng không sợ đói/ Nước trong gạo trắng sẵn từ lâu/ Lên đến Cao Bằng không sợ ốm/ Chợ bày ngải cứu bán thay rau/ Lên đến Cao Bằng anh chỉ sợ/ Em không còn đó biết tìm đâu”.

Ròng rã gần một ngày đường, chúng tôi tới thành phố Cao Bằng. Đó là một thành phố miền núi xinh xắn, có những cây cầu nhỏ bắc qua sông Bằng Giang và sông Hiến. Thành phố thưa người qua lại. Đường phố rộng và sạch sẽ. Cảm nhận đầu tiên của tôi là phố xá được thiết kế quy hoạch theo kiểu ô bàn cờ. Tôi hơi băn khoăn vì trong thành phố khá ít cây xanh. Sau tìm hiểu tôi biết, đường phố trước đây nhỏ hẹp, quy hoạch mới mở rộng đường nên những hàng cây cũ đang dần bị thay thế. Tuy vậy tôi lại nghĩ: có lẽ vì xung quanh thành phố nhiều cây rừng nên đủ xanh mát rồi chăng?

2. Kỳ quan Bản Giốc

Theo kế hoạch, ngày thứ hai tại Cao Bằng, chúng tôi đi thăm thác Bản Giốc, một thác nước được cho là đẹp nhất Đông Nam Á. Vượt qua khoảng 90km đường đèo, chúng tôi được chiêm ngưỡng thác Bản Giốc vừa thơ mộng vừa hùng vĩ. Từ xa, tôi đã nghe tiếng thác xối ào ào hối hả không ngừng nghỉ một phút giây. Không khí trở nên mát mẻ bởi làn mưa bụi nước li ti bao phủ xuống cả một vùng rộng lớn. Từ chân thác nhìn lên, ngọn thác đổ xuống hàng chục mét, chia thành ba dòng thác lớn tung bọt trắng xóa. Dưới chân thác là dòng sông Quây Sơn hiền hòa chảy, có thể nhìn rõ từng viên cuội. Thác Bản Giốc hiện nay là khu liên hợp khai thác giữa ta và nước bạn. Tôi được người dân ở Bản Giốc kể cho nghe truyền thuyết một chuyện tình buồn. Thuở xưa, có một thiếu nữ Tày xinh đẹp nết na bị bắt để dâng tiến cho cung vua. Nàng lọt mắt xanh một chàng hoàng tử. Éo le thay, con tim nàng ngày đêm chỉ nhớ về người yêu nơi núi rừng xa. Nàng bỏ trốn khỏi cung vua, cùng chàng trai yêu dấu chạy lên núi cao. Hai người chạy tới Bản Giốc thì cô gái kiệt sức. Họ nghỉ chân bên khe núi và dành trọn đêm cho nhau những tâm tư sâu lắng. Thời tiết quá lạnh, họ ôm chặt nhau lịm vào giấc ngủ ngàn thu. Vị hoàng tử sôi sục lòng ghen, cho quân lính đi tìm nàng. Nhưng trời làm mưa to, dòng nước từ trên núi cao đổ xuống đã che kín hai người. Ngày nay, nhìn từ xa, giữa ba tầng thác còn có hai tầng thác nhỏ ôm nhau quấn quýt, giống như hình bóng cô gái Tày xinh đẹp trong vòng tay người yêu. Ngắm dòng thác đẹp, nhìn mọi người đùa vui dưới chân thác mà trong lòng tôi cứ gợn lên một nỗi niềm không thể nào diễn tả. Tôi nâng máy, chụp lại hình ảnh những người đàn ông lớn tuổi đứng bên này nhìn ra dòng thác, vẻ bần thần như tiếc nuối, có lẽ lòng buồn. Tôi cũng chụp được bức hình bạn tôi, họa sỹ Bùi Thanh Liêm (người thiết kế bìa cho hai tập thơ của tôi “Lời Hoa” và “Thu Tràng An”) đang đứng bên dòng thác phất cao lá Quốc kỳ. Một tình cảm thiêng liêng xúc động dâng trào. Nhìn lá Quốc kỳ, tôi thấy mình như được an ủi vậy! Cúi xuống dòng sông nơi chân thác, tôi vốc nước lên rửa mặt, nhặt những viên sỏi đủ hình dạng màu sắc mang về làm quà cho bọn trẻ. Hy vọng nhiều lớp học trò của tôi luôn ghi nhớ: thác Bản Giốc là con của Mẹ Việt Nam!

3. Pác Bó - cội nguồn cách mạng

Ngày thứ ba trong hành trình “Về nguồn”, chúng tôi thăm Pác Bó. Tôi nao nao nghĩ tới cột mốc 108, nơi bước chân đầu tiên của Bác trở về Tổ quốc (ngày 28/01/1941), nghĩ tới mảnh đất mà Bác đã nâng lên đặt một nụ hôn. Từ trạm trung chuyển, xe điện đưa chúng tôi tới điểm đến đầu tiên: Đền thờ Bác Hồ. Trên ngọn đồi thiêng “Pò Tếng Chấy”, đền thờ Bác vừa thanh thoát vừa uy nghi nhìn về phương Nam, nơi có dòng suối Lênin và cả những dãy núi đồi trùng điệp. Cả đoàn nghiêm trang dâng hương viếng Bác. Ngước lên chiêm ngưỡng tượng Bác Hồ chính giữa điện thờ, tôi thấy lòng mình an tĩnh lạ. Nơi núi rừng thiêng, tôi đã kính cẩn tạ ơn Người, cầu nguyện Người gia hộ cho quốc thái dân an, lãnh thổ được bảo toàn, biển Đông và hải đảo không còn sóng dữ. Tôi được vinh dự tự tay ghi công đức cho gia đình và các bạn đồng hành bên chiếc bàn nhỏ khiêm tốn tại đền thờ Bác. Đó là một kỷ niệm đẹp và trong sáng, hiếm có trong đời.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm dưới chân đền thờ Bác Hồ   Ảnh của NINH MẠNH THẮNG

Chúng tôi tiếp tục đi thăm núi Các Mác, suối Lê Nin. Ngắm dòng suối xanh trong hiền hòa chảy, tôi hát lên khúc hát tuổi ấu thơ “… Nắng Pác Bó sáng bừng căn nhà nhỏ, gió réo rắt cung đàn ban mai, nơi đây Bác viết bài ca cách mạng, em vui hát những lời mê say…”. Từ suối Lênin, chúng tôi đi ngược lên hang Cốc Bó, nơi Bác từng sống và làm việc, Người đã trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong giai đoạn từ năm 1941 đến 1945. Bờ suối này là nơi Bác ngồi câu cá sau giờ làm việc; nơi này là vườn cây ăn quả Bác trồng; nơi đây là bếp nấu ăn bên bờ suối; nơi này là đầu nguồn con suối, Bác làm thơ. Đây là chiếc giường gỗ đơn sơ trong hang đá lạnh, vừa là nơi làm việc vừa là nơi Bác nghỉ. Tượng Các Mác do chính tay Bác tạc vẫn uy nghi trên cao, bếp lửa tay Người nhóm hằng đêm vẫn còn đây như tỏa hơi ấm tới muôn đời sau. Một giọt nước lạnh từ trần hang nhỏ xuống vai, tôi thấy một điều gì đó rất linh thiêng hiển hiện. Tôi thực sự xúc động bởi đã được cảm nhận gần như đầy đủ tháng ngày gian khổ của Bác thời kỳ đầu Cách mạng. Đoàn chúng tôi lúc này đã phân tán đội hình. Người men ngược suối lên thăm cột mốc 108, người đi thăm nhà cũ của ông Lý Quốc Súng dân tộc Choang, là cơ sở cách mạng đầu tiên mà Bác từng ở trong những ngày đầu về nước (Tết Nguyên đán năm 1941), người lội qua suối sang chiêm ngưỡng bàn đá nơi Bác từng dịch sử Đảng. Quỹ thời gian có hạn, tôi và các bạn đồng hành đã cố gắng đi thăm nhiều nơi nhất có thể để khi về chia sẻ những gì trải nghiệm được cùng nhau. Kỳ diệu thay, tới nơi nào tôi cũng như thấy hình bóng Bác cao gầy với đôi mắt sáng đang ở phía trước. Trên đường về thành phố Cao Bằng, đoàn chúng tôi đã tới dâng hương viếng mộ anh hùng nhỏ tuổi Kim Đồng (Nông Văn Dền). Những chiếc cọn nước của đồng bào cứ rì rào như muốn kể mãi với chúng tôi những huyền thoại nơi đây.

4. Khám phá

Rời Pác Bó, chúng tôi về tới khách sạn khi đã 2 giờ chiều. Trưởng đoàn cho phép anh chị em văn nghệ sỹ tham quan và sáng tác tự do. Đã muộn, chúng tôi không kịp thời gian để đi thăm rừng nguyên sinh Trần Hưng Đạo ở huyện Nguyên Bình (cách thành phố khoảng hơn 40km đường đèo). Nơi đó có di tích địa điểm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 chiến sỹ (22/12/1944). Bạn tôi từ Hà Nội gọi video tới, biết tôi đang ở Cao Bằng, cô ấy lập tức gọi cho một người bạn của vợ chồng cô, nhờ anh đưa tôi đi thăm một số nơi cần đến. Người bạn nhiệt thành của gia đình bạn tôi đã liên lạc với tôi ngay sau đó. Trong chiều muộn, rất khẩn trương, anh tự tay lái xe đưa tôi đi thăm đơn vị cũ của chồng tôi; đi thăm pháo đài xưa; đi khắp thành phố Cao Bằng, qua sông Bằng, sông Hiến. Trên đường đi, đâu đâu cũng thấy những đồi dong riềng của đồng bào. Tôi thắc mắc về dong riềng, anh cười hiền: Đồng bào ở đây còn làm nông rất vất vả, thổ nhưỡng phù hợp với cây dong riềng nên đồng bào trồng dong làm miến, đặc sản miến dong Cao Bằng ngon nổi tiếng và được ưa chuộng trên khắp đất nước. Đặc biệt hơn, anh còn đưa tôi đi viếng đền Kỳ Sầm, thờ người anh hùng bảo vệ biên cương Nùng Trí Cao ở Bản Ngần với bao nhiêu kỳ tích và cái chết uất hận bởi kẻ xâm lăng. Anh còn kể cho tôi nghe về đền thờ nhà Mạc và rất nhiều truyền thuyết trên mảnh đất lịch sử Cao Bằng. Nhờ anh, tôi được biết nơi đây có một dòng sông “ra đi để trở về”. Người bạn mới quen còn cho tôi được thưởng thức một đặc sản rất cách mạng, rất Cao Bằng: cháo bẹ. Tôi cảm thấy mình thật sự may mắn, thật sự biết ơn bạn tôi và người bạn mới đã dành cho nhiều ưu ái. Buổi tối cuối tuần ở miền đất lịch sử này, đoàn chúng tôi đã tổ chức một “show” ca nhạc dành tặng đồng bào trên phố đi bộ Kim Đồng. Nữ nhạc sỹ trẻ Nguyễn Quỳnh Anh sử dụng tài chính riêng để tài trợ một dàn âm thanh cho đêm diễn. Tôi và ca sỹ Quế Anh chuẩn bị lời chào mừng. Nhạc sỹ Phạm Chí Linh mời những người bạn ở Cao Bằng tới dự. Chúng tôi phát hiện ra nhà văn Vũ Khánh Phượng là một MC hồn nhiên lí lắc, họa sỹ Bùi Thanh Liêm là một cổ động viên rất nhiệt thành. Chúng tôi hát say sưa bằng cả tình cảm mến yêu dành cho con người và mảnh đất Cao Bằng. Khán giả tập trung rất đông và cổ vũ nhiệt tình, giao lưu cũng nhiệt tình như có lửa. Đó là một đêm diễn không trau chuốt nhưng rất thành công để nhớ mãi Cao Bằng. Nhớ lại tối đầu tiên ở Cao Bằng, trong phòng khách của khách sạn, nhóm tác giả, nghệ sĩ chuyên ngành Âm nhạc tổ chức một “show” biểu diễn nhỏ. Nhạc sĩ Ninh Mạnh Thắng thổi kèn clarinet, nhạc sĩ Chí Linh chơi ghi ta, ca sĩ Tuấn Thắng cùng các ca sỹ không chuyên ôn lại những ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, “Lên Cao Bằng càng thêm nhớ Bác”, “Anh Kim Đồng”,… Đường Kim Đồng được thành phố Cao Bằng chọn là phố đi bộ vào hai buổi tối thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Giao lưu trên phố đi bộ, tôi thêm yêu quý những con người ở Cao Bằng. Họ luôn hồn hậu, mộc mạc chân thành dễ khiến ta cảm động. Phố đi bộ được quy hoạch phân khu: Khu ẩm thực, khu vui chơi, khu ca múa nhạc,... Trên phố có nước uống miễn phí, các trò chơi cũng hoàn toàn miễn phí. Tôi yêu thích khu vực “Trò chơi dân gian”. Ở đó, không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng say sưa với những ô ăn quan, bắn bi gỗ, búng chun, cá ngựa, kéo co,… Khuya, dòng người vui chơi trên phố trở về nhà, chỉ còn các bạn đoàn viên thanh niên thu dọn đồ chơi và hương cây thầm lặng. Bên phố, dòng sông Bằng thức dậy cuồn cuộn chảy, khác hẳn vẻ bình thản ban ngày. Có lẽ dòng sông đem lòng thương nhớ ai mà cồn cào muốn về xuôi?

Tôi cũng như các bạn đồng hành, từng được tới nhiều nơi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của đất nước mình. Có những vùng đất tôi háo hức khi đi và mến yêu để lại. Nhưng chưa có nơi nào đem tới cho tôi nhiều xúc cảm đan xen như ở Cao Bằng: kính phục, tự hào, cảm thương, tiếc nuối, lẫn lộn vui buồn và những giọt ướt mi. Cuộc sống của người dân Cao Bằng còn nhiều lắm khó khăn, nhưng tâm hồn người Cao Bằng lại đẹp như rừng như suối. Cảm ơn mảnh đất Cao Bằng, cảm ơn người Cao Bằng đã có rất nhiều điều cho chúng tôi học tập làm theo!

                                    Cao Bằng, 26/6/2022

(Nguồn: TC VNNB 267-7/2022)

Bài viết khác