Thứ ba, 07/05/2024

Tràng An và những dư âm

Thứ hai, 03/04/2023

Tản mạn của TỐNG NGỌC HÂN

Bốn thành viên nhà mình đến thăm chùa Bái Đính vào chiều chủ nhật. Tháng Hai, trời trong, không khí mát mẻ, con đường vào chùa quanh co, không quá rộng nhưng vì vắng vẻ mà mình thấy mênh mang vô cùng. Hai bên đường, những hàng cây bồ đề đang mùa thay lá mang vẻ đẹp bàng bạc u hoài. Con đường này giống như những cảnh phim mình từng xem về cuộc rượt đuổi mà kẻ chạy trốn luôn cô độc, hơn là đường đến những danh thắng nổi tiếng. Thế mà người ta kháo nhau, tầm này, các khu du lịch tâm linh như chùa Bái Đính đông lắm. Đến gần cổng chùa phía đông, thấy cổng khóa im ỉm. Cả hai chiếc cổng khóa im lìm. Mọi người đi đâu hết cả rồi? Sau khi tìm một khách sạn cho cả nhà nghỉ trưa và ăn trưa, mình hỏi chị dọn phòng. Chùa Bái Đính mùa này còn khách không chị? Chị vui vẻ trả lời. Còn đông mà em. Nay chủ nhật đông đấy, chỉ không đông bằng hồi Tết ra thôi.

Hơn một giờ chiều, cả gia đình đi về phía cổng chính của chùa theo biển chỉ dẫn. Đưa xe vào bãi đỗ mới thấy trong ấy có cả rừng phương tiện to nhỏ của khách du lịch đang xếp hàng. Cả nhà đi vào khu mua vé tham quan chùa. Khi đó mình mới thấy là rất đông người. Đông thế mà mà lại không hề ồn ã. Có lẽ, khách hành hương hay khách tham quan, trước sự uy nghiêm của chùa thì cũng tự giữ mình. Cả nhà, không ai thấy mệt mỏi dù đi hết hành lang dài nơi đặt 500 pho tượng La Hán. Được biết, những pho tượng La Hán này do chính bàn tay khéo léo của những người thợ đá Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình tạc nên. Cứ chậm rãi từng bước, từng bước đi lên, thi thoảng lại gặp một đoàn khách người nước ngoài đi xuống, có vẻ họ cũng giống mình, rất thích thú khi viếng thăm ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Tòa Tam Thế, Tháp Báo Thiên, Tháp chuông, hành lang chuông gió... cứ nhẩn nha mà đi, đến chiều thì vừa hết. Mẹ mình cứ lẩm rẩm suốt nẻo về: "Người đâu mà giỏi thế". Bà là tín đồ Phật giáo, từng đến thăm rất nhiều ngôi chùa lớn, nhỏ vùng đồng bằng sông Hồng, nhưng đây là lần đầu bà đến chùa Bái Đính. Bà khen người giỏi là vì đã dựng được ngôi chùa lớn lớn thế, làm ra những lối đi thoáng đãng, đúc quả chuông to, tạc tượng đẹp. Bà tỏ ra tiếc nuối "biết thế này mẹ đi từ lâu rồi".

Sau khi rời chùa Bái Đính, trời còn sáng, gia đình mình quyết định đến thăm Cố đô Hoa Lư, nơi cách đó có vài km về phía Tràng An, vẫn trên con đường Bồ Đề mà lúc tới chùa mình đã đi qua. Và tận lúc này mình mới thấy được giá trị của con đường tĩnh lặng. Hiếm có con đường nào nối hai khu di sản mà lại có được vẻ tự nhiên như con đường bồ đề nối Bái Đính với Tràng An. Ở một số địa phương khác, chắc chắn, các nhà hàng quán xá, dịch vụ đã chiếm đóng hết các khoảng trống ven đường rồi, làm gì còn chỗ cho cây thảnh thơi thay lá như thế này.

Hoa Lư là nơi định đô của ba triều đại phong kiến. Nhà Đinh là nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên đóng đô ở Hoa Lư, sau đó là nhà Tiền Lê, nhà Lý. Bốn mươi hai năm ngắn ngủi so với dằng dặc lịch sử giữ nước, dựng nước, nhưng mảnh đất này khắc ghi những dấu mốc quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc. Những chiến tích hiển hách được con cháu đời đời ghi nhớ. Đánh đuổi giặc Tống, giặc Chiêm và phát tích định đô Thăng Long về sau (Nhà Lý). Cố đô Hoa Lư không có những tòa nhà bề thế như mình tưởng tượng. Kinh thành cổ kính với quần thể đền thờ, lăng tẩm nhỏ bé khiêm nhường ở thế tựa sơn, nghênh sơn, tả sơn, hữu sơn. Một không gian trầm mặc nhưng rất ấm cúng kín đáo giữa bốn bề núi dựng như thành. Mộc mạc, giản dị mà toát lên sự uy nghi. Đền thờ những vị vua trong buổi chiều muộn không còn khách thăm viếng, chỉ còn những đốm nhang chưa cháy hết và mùi hương hoa huệ phảng phất trong không gian thanh tịnh. Môn quan thấp, trang viên nhỏ nhắn, lối đi, hoa cỏ đơn sơ, sạch sẽ. Chỉ có khoảng sân là không gian lớn nhất khu di tích Cố đô. Mình nói với mọi người rằng, lịch sử dân tộc ta là lịch sử giao tranh, chiến tranh giữ nước, bảo vệ bờ cõi. Vậy nên nhà cửa có thể nhỏ, nhưng nơi cho quân sỹ tập luyện phải lớn chứ.

Từ sân lớn, đi về phía thành Đông một đoạn ngắn là tới chùa Nhất Trụ, một ngôi chùa độc đáo thuộc quần thể di tích Cố đô. Người tiếp đón đoàn trong buổi chiều muộn ấy là một cụ bà ngót tám mươi tuổi. Vừa châm nhang đưa cho đoàn, bà vừa say mê kể về ngôi chùa bằng tất cả niềm tự hào của người Trường Yên. Bà kể về những lần tôn tạo và những thay đổi, bà bảo chùa Nhất Trụ nổi tiếng không phải chỉ vì một cái trụ này đâu, mà bởi chùa là nơi lưu giữ những bức thạch kinh cổ hơn nghìn năm tuổi. Trời thì đã muộn nhưng người còn say mê kể, người còn say mê nghe. Bà tỏ ra rất am hiểu khi nói, ngoài ba đời Vua định đô ở đây thì sau đó dù đóng đô ở Thăng Long nhưng nhà Trần cũng mấy phen rời kinh thành đến Trường Yên để bày kế đánh giặc.

Đoàn ra về trong niềm lưu luyến và hẹn bà về một ngày trở lại.

Sáng thứ Hai, cả đoàn đến thăm khu danh thắng Tràng An. Đây là một trong những thắng cảnh hiếm hoi ở Việt Nam còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ. Tràng An là một quần thể di sản thế giới, nơi chứa nhiều di tích lịch sử của bốn triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần. Nơi hợp lưu của nhiều con sông, nhánh sông nhỏ, những con suối, đầm lầy, hồ nước, lạch nước. Nơi quần tụ của những ngọn núi đá vôi cao vợi, những hang động vô cùng đẹp, đa dạng, những hòn đảo thấp, những đồng lúa, những rừng cây ngập nước. Nơi chim muông, cỏ hoa, tôm cá, muôn loài chung sống bình an. Cảnh đẹp đẽ, không gian thoáng đãng nhưng tất cả không bày trước mắt bạn. Tràng An giống như những tấm bích họa khổng lồ bị lớp lớp núi non bao bọc, bạn phải khám phá lần lượt. Và để khám phá, thưởng thức Tràng An, không có cách nào thuận tiện hơn, không có cách nào lãng mạn hơn cách sử dụng những con thuyền nhỏ với mái chèo tay.

Sau khi mua vé thuyền, xuống bến, mình thấy những con thuyền xếp đều răng lược để đón khách trong làn mưa mỏng. Mỗi thuyền từ 2 đến 5 người, khách có thể bơi thuyền phụ với lái thuyền bằng dầm ngắn. Con thuyền êm đềm lướt sóng, khách thảnh thơi ngắm nghía núi non, luồn sâu vào những hang động, có hang dài cả cây số và phải đến 15 phút chèo thuyền. Khách có thể chạm tay vào vách hang, nhũ đá, nghe tiếng cá quẫy lẫn trong tiếng mái chèo khua nước. Dòng sông trong xanh, sạch sẽ vì được hút bùn, dọn rác liên tục. Những người đàn bà vớt rác trên sông cần mẫn vớt từng chiếc lá vàng hay những vật dụng nhỏ du khách vô tình làm rơi xuống nước. Nhìn những bãi lau đang mùa phất cờ lại nhớ lại tích truyện về vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Đinh.

 


Tràng An                                     Ảnh của THẾ MINH

Lần đầu tiên mình bơi thuyền mà chẳng lo lắng hay mệt nhọc gì cả. Vừa bơi thuyền vừa trò chuyện. Người lái thuyền là một nam trung. Anh không kể chuyện lịch sử, chỉ nói về lý do mà Tràng An còn trụ lại được trước cám dỗ từ chính lòng tham của con người, để hôm nay, khách tham quan còn thấy nó vẹn vẽ như thế. Không quán bar nhà hàng trên sông trên núi, không có những tàu lớn chứa những tiệc tùng, chỉ có hằng trăm, hằng nghìn chiếc thuyền nhỏ xíu chèo tay tỏa đi khắp các nhánh sông, hang động và những ngôi đền, ngôi chùa cổ thấp thoáng trong màu xanh của núi. Anh bảo, những tấm đăng kia là để ngăn cá vượt ra ngoài sông Sào Khê trong mùa mưa lũ. Vì thế Tràng An nhiều cá lắm, có những đàn cá trắm đen hơn dăm chục con, mỗi con đến mười lăm cân. Nhiều lần anh và khách đi thuyền trông thấy. Ở Tràng An, tuyệt đối không cho phép những hoạt động săn bắn chim thú, đánh bắt hải sản. Anh kể về những ngôi mộ cổ trên đảo và những lưu truyền trong dân gian về kho báu được chôn giấu. Những cây si, cây sung khổng lồ như chui ra từ vách đá để xanh ngằn ngặt. Anh kể về những người thợ điện đem ánh sáng tới các hang động. Kể về những người thợ đục đá biến những khúc hang động chật hẹp hoang sơ thành con đường ngầm dưới nước đủ lọt những chiếc thuyền đưa khách vào tham quan.

Mình góp vui, sướng nhất các vua thời xưa, sướng cả binh sỹ, không phải xây thành đắp lũy, vì núi non sẵn đã bày binh bố trận thế này. Trận đồ này mà đánh du kích thì quá hợp. Anh bảo, các cụ nhà ta xưa giỏi lắm. Ngày nay con cháu chỉ cần không phá hỏng những thứ thiên nhiên ban cho, các cụ để lại, đã là giỏi rồi.

Tôi là người từng đi đó đây nhiều cùng bạn bè, gia đình. Nhưng có lẽ, đến Ninh Bình lần này là một chuyến đi thoải mái và thong thả nhất. Tràng An cho tôi cảm giác thư giãn, tận hưởng. Không phải chạy đua với cái gì. Không phải bon chen với ai. Nhìn quanh, chỉ có cá, có chim, có bầy le le nhởn nhơ ngụp lặn. Nhìn quanh chỉ thấy núi, thấy cỏ cây, mây trời. Trời tháng Hai quá đẹp. Những hạt mưa nhẹ rây rây trên tóc nhưng trời vẫn ửng sáng. Chỉ mưa chút thôi, như thử thách lòng người và những ai chọn bước lên thuyền, đem theo ô dù, áo mưa... đều không phải ân hận. Vì hai phần ba thời gian của hành trình là tạnh ráo.

Không có dây điện giăng mắc, không thấy cột điện xếp hàng. Nhưng mà wifi căng đét. Anh lái thuyền bảo dây ở tất dưới đất, những cái thuyền dưới gốc sung kia là của đội thợ điện túc trực đấy. Cột sóng thì lấp ló dưới những lùm cây để không làm vướng tầm mắt du khách. Những người làm dịch vụ ở Tràng An phần lớn là dân bản địa. Họ nói năng nhẹ nhàng, khiêm tốn và rất thân thiện, khi cần hỏi gì, các bạn đều vui vẻ chỉ cho.

Trước khi đến Ninh Bình, mình cũng nghe nhiều thông tin về ngôi chùa Bái Đính, về Tràng An trong đó có những thông tin tiêu cực và những bình luận ác ý. Tất nhiên, khách du lịch hoàn toàn có quyền nói ra cảm nhận cũng như đánh giá của họ về nơi họ đến, trải nghiệm. Mọi đánh giá dù xấu hay tốt đều có giá trị. Nếu họ nói chưa tốt thì Ninh Bình phải làm cho tốt hơn. Nếu họ nói Ninh Bình làm tốt rồi thì Ninh Bình có thêm động lực để giữ lấy điều đó và làm tốt hơn. Mình tham khảo để biết thôi, trong thâm tâm thì luôn nghĩ, thắng cảnh không có lỗi. Mảnh đất nào trên dải đất chữ S này cũng đẹp, cũng xứng đáng để mình đến khám phá, ít nhất một lần. Còn nói về sự lừa gạt, phản cảm đến thất vọng thì... Ngay cả khi chúng ta ngồi ở nhà cũng vẫn bị người xấu vào tận nơi lừa gạt, tước đoạt. Hoặc chỉ cầm điện thoại lên nghe một cuộc gọi cũng bị lừa mất tiền. Chả cứ là phải đến Tam Chúc, Đền Hùng hay Bái Đính... Ở đâu cũng có kẻ xấu người tốt, có người ngay thẳng, có kẻ dối gian. Chỉ là con sâu làm rầu nồi canh thôi. Thời đại 4.0, những người kinh doanh dịch vụ trong và ngoài danh lam thắng cảnh phải bỏ ra một nguồn vốn lớn để đầu tư, ắt hẳn họ sẽ muốn kinh doanh lâu bền, đặt chữ tín lên đầu. Nhưng những nơi ấy vẫn có cò mồi luôn chờ để áp sát du khách trục lợi. Chưa kể một số lái xe đề nghị chủ dịch vụ khai tăng giá thực đơn, giá phòng nghỉ cho khách do mình chở đến để đút túi khoản chênh lệch. Vẫn có cả những ông bà trưởng đoàn khai khống giá dịch vụ để hưởng lợi, ăn chặn. Những người cả tin, những người lần đầu trải nghiệm, những người thiếu vốn sống... rất dễ dàng sa bẫy của chính những thân quen mà không hề hay biết rồi tưởng là nơi đó lừa ta. Rồi khi đó, tức giận làm lu mờ lý trí, tự mình phủ nhận hết những gì đẹp đẽ mà mình từng đón nhận. Lên mạng quăng ra một dòng "thề không bao giờ trở lại (...) lần thứ hai". Dòng tin ngắn ngủi ấy của bạn, vô tình hủy hoại rất nhiều thứ trong đó có bao nhiêu nỗ lực của những người làm du lịch. Mà chỉ những người từng sống chết trong nghề du lịch như mình mới cảm nhận hết được.

Không giống như những gì từng nghe, từng đọc. Sau khi ăn, nghỉ tại Ninh Bình, mình thấy giá cả dịch vụ ăn uống ở quanh khu vực chùa Bái Đính và Tràng An rất là phải chăng. Cách phục vụ cũng tận tình, không khí ấm áp vui vẻ. Một điểm cộng nữa cho Ninh Bình mà không thể không kể đến là nhà vệ sinh công cộng. Vệ sinh công cộng có ở tất cả mọi nơi du khách dừng chân. Rất sạch sẽ, đầy đủ và luôn trong tình trạng vận hành tốt. Sạch sẽ đến kinh ngạc và đáng được khen ngợi. Bước vào khu vệ sinh và ra khỏi khu vệ sinh công cộng, có cảm giác mình được tôn trọng hơn bao giờ hết. Như một người bạn của mình nói. Văn minh hay không, ở chính nơi đó. Mỗi người đều có ý thức hướng tới văn minh là cách tốt nhất để tạo ra những giá trị lâu bền.

Và mình sẽ trở lại Ninh Bình trong một dịp gần nhất.

 

                        T.N.H

(Nguồn: TC VNNB 279-4/2023)

Bài viết khác