Thứ tư, 08/05/2024

Lắng lòng nghe tiếng đá reo!

Thứ sáu, 08/09/2023

Tản văn của  VŨ KHÁNH PHƯỢNG

Đêm. Mèo Vạc lặng như mắt nhìn của đứa trẻ người H’Mông ngồi trước bậu cửa đợi vãn cơn mưa rừng. Cả vùng cao nguyên đá như không ngủ. Giữa những vách núi sừng sững điệp trùng bao quanh thị trấn nhỏ vọng rền âm thanh của ngàn vạn côn trùng rí rách hoan ca.

Như là có cả tiếng mưa, tiếng gió và cả tiếng của trăm con thác nhỏ nứt ra từ kẽ đá đổ xuống tận chân đèo. Dường như, đó là cuộc hoan ca hào hùng của những giống loài nhỏ bé trong đêm, chào đón những giọt sương lắng đọng từ khí trời, từ mồ hôi của đá. Thứ sương quý giá vô ngần tiếp thêm sinh lực cho vạn vật trong chuỗi ngày cao nguyên đá đợi mưa. Đã bao ngày Mèo Vạc không mưa, nhưng hồn của mưa vẫn về hằng đêm trong những âm thanh ấy như vỗ về cây cỏ, vỗ về những bước chân miệt mài, lầm lũi từ sườn núi này sang sườn núi khác tìm đến những phiên chợ sắc màu.

Mèo Vạc sớm mai hoang dại và huyền ảo. Chênh chao giữa âm thanh của hồn nước, hồn đá, chợt vang lên tiếng kèn lá của một chàng trai người H’Mông nào. Thứ âm thanh gọn lảnh từng nốt như sợi kim tuyến óng ánh bung lên giữa tấm thảm thiên nhiên sẫm màu còn im ỉm trùm lên vạn vật. Giữa mênh mông mây núi, tiếng kèn lá lúc dồn dập như tiếng nước thác va vào gềnh đá, lúc lại líu lo như chim chóc gọi nhau về, lúc lại réo rắt như lòng ai than thở một nỗi u hoài. Âm thanh đơn độc mà diệu kì, nó mải miết loang xa giăng mắc cùng mây trên những sườn đèo, giục những bước chân nhanh nhanh xuống chợ, giục con đường ngắn lại, giục cái dốc nhanh đổ xuống chân đèo...

Trời mỗi lúc một sáng. Những hạt bụi mây lang thang đang gọi nhau sánh quyện lại thành từng dải phủ trắng lưng đèo, người về chợ đông như ngàn ánh hoa đăng trôi về nguồn cội. Sắc màu váy áo đổ xuống thung lũng như ngàn hoa nở rộ. Không gian mỗi lúc một rộn ràng. Tiếng chuyện trò râm ran, nhưng tuyệt nhiên không có những thanh âm lạc lõng, chênh phô, xô bồ như nhiều buổi chợ miền xuôi. Trừ tiếng của những bò, những lợn nơi bãi chợ gia súc chốc chốc rống lên ậm ò, eng éc… Người về chợ thoáng chốc đã đông như trảy hội. Bởi chợ phiên chỉ họp đến khi mặt trời đứng bóng nên ai cũng nhanh nhẹn lạ thường. Sự nhọc nhằn mệt mỏi còn không có thời gian để thổ lộ trên khuôn mặt ai dù có những người vượt  hàng cây số đường đèo, xuyên đêm xuống chợ. Tôi chỉ cảm thấy vạn dặm đường xa qua những đôi dép tổ ong hết thảy nhuộm màu bụi đường vàng khẹt và mòn vẹt đế của mỗi người dân xuống chợ.

Chợ phiên Mèo Vạc cũng như nhiều phiên chợ vùng cao khác, không chỉ là chốn bán mua trao đổi hàng hoá phục vụ nhu cầu vật chất mà đó còn là một nét sinh hoạt văn hoá làm giàu đời sống tinh thần cho những con người ở xứ sở của mây trời và đá núi ấy. Người H’Mông nơi đây xuống chợ cả gia đình, phụ nữ mặc trang phục tự may kì công và rực rỡ: khăn piêu, váy áo với họa tiết thêu đa dạng sắc màu, bắp chân quấn xà cạp đính những chuỗi cườm lấp lánh. Nam giới thường mặc áo chàm thụng, đội mũ nồi. Những đứa trẻ đi theo cũng mặc đồ thêu công phu, tỉ mỉ. Khác với miền xuôi, ở xứ sở này người xuống chợ thường vừa bán vừa mua. Người cắp con gà bên hông, người nâng trên tay đôi cặp chim câu đủ lông cánh, người dắt theo đôi lợn đen bụng căng tròn… để đổi lấy những thứ thiết yếu cho gia đình hay chỉ đơn giản là được ngồi ăn một bát thắng cố, nhâm nhi chén rượu ngô thơm nồng cùng những người vừa quen vừa lạ, được tận hưởng không khí đông vui, tấp nập sau những ngày lầm lũi nhọc nhằn, mồ hôi rơi thấm đá tai mèo…

Từ khắp các ngả đường của chợ phiên đều rực rỡ sắc màu. Tôi ấn tượng với cô bé người H’Mông nhỏ nhắn mặc chiếc váy thổ cẩm cải màu rực rỡ. Em gái mời khách mua quả lê rừng bằng giọng nói lơ lớ tiếng Việt: “Chị mua quả lê en nài, ngột lắng á” (Chị mua quả lê em này, ngọt lắm nhé). Cô bé thỏ thẻ mời chào mà đôi tay vẫn thoăn thoắt nối những sợi lanh mỏng manh cuốn thành lọn. Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh cô Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, “dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cách tay để tước thành sợi”. Trộm nhìn khuôn mặt em qua những chuỗi cườm lấp lánh rủ xuống từ chiếc khăn vấn đầu gọn ghẽ, lòng tôi xao xuyến! Khuôn mặt em tròn trĩnh, làn da ửng hồng nắng mới. Nụ cười dìu dịu, ánh mắt trong veo. Một vẻ đẹp gần gụi như đất lành, dịu dàng như bông thuỷ tiên phớt hồng mọc lên từ kẽ đá. Mải ngắm em, tôi mới chợt nhận ra, sau lưng em là một em bé nhỏ xíu, thin thít ngủ trong tấm địu quấn chéo người. “Con của em đây sao?”. “Dạ”. “Bé được mấy tháng rồi?” “Dạ, mới ba théng à”. “Ồ!”. Thấy tôi ngạc nhiên, cô bé nói thêm “Trẻ ở đây đều vậy á! Theo mẹ xuống chợ lúc hai théng á”. Cô bé có lẽ chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi vì khuôn mặt non nớt và dáng người nhỏ nhắn quá, tôi tò mò: “Thế em bao nhiêu tuổi rồi?”. Cô bé sôi nổi hẳn lên: “Hai mươi rồi á. En lấy chầng đúng tuổi nha”. Tôi cười xoà thay lời thú nhận của kẻ bị bóc mẽ suy nghĩ, em cười lỏn lẻn, mà ánh mắt đầy hãnh diện. Cũng như em, người dân nơi đây đã tiến bộ rất nhiều. Em nói rằng, giờ mọi người khác rồi, không trồng cây anh túc nữa mà trồng quả lê, quả mận, trồng ngô, trồng lanh, nuôi lợn nuôi dê… Không đi bằng ngựa nữa mà đi xe máy cho nhanh, cho khoẻ, tiết kiệm được thời gian di chuyển còn có thể tranh thủ làm thêm sau phiên chợ…

 Đúng thế, tôi không thấy ai cưỡi ngựa xuống chợ như trong những câu hát ngày xa xưa nữa, cũng không thấy người chồng nào say quên lối về, bởi hết phiên chợ, họ còn bốc hàng thuê cho những chủ thương lái miền xuôi. Mèo Vạc đã ít nhiều đổi thay. Giữa những sắc màu rực rỡ của những trang phục truyền thống, loáng thoáng những chiếc áo phông, quần âu hiện đại; món thắng cố đặc trưng đã dần trở nên gần gũi với khẩu vị người xuôi hơn. Đâu đó, người ta cũng trò chuyện với nhau bằng tiếng nói của người xuôi khiến tôi có cảm giác thân thương và gần gũi lắm… “Chị ở đâu lên chơi đấy ạ chị?”. Tôi giật mình bởi dòng suy nghĩ đang miên man: “À, mình từ Ninh Bình em ạ”. “Ồ, Ninh Bình có chùa Bái Đính, có Tam Cốc, Bích Động, có cả Nhà thờ đá… đúng không chị”. “Ồ, đúng đó em!”. Tôi vui quá! Ở xứ sở xa xôi này, cô gái người H’Mông ở ngôi nhà chon von trên đỉnh núi cách chợ phiên vài tiếng đi bộ mà kể vanh vách từng địa danh của quê hương tôi, thật không thể tả nổi cảm giác thân thương yêu mến ấy. Nói chuyện vui vẻ với khách mà tay cô bé không ngơi se sợi lanh, cuộn thoăn thoắt trên tay. Đứa nhỏ vẫn say ngủ sau lưng mẹ. Bình yên, ấm áp đến lạ kì!

Mải lang thang khắp các nẻo đường chợ phiên, ngẩng lên thấy mây đã tan biến nơi nào, từng dãy núi hiện ra rõ mồn một, sừng sững bao quanh thung lũng Mèo Vạc. Khắp các sườn cao sườn thấp, đâu đâu cũng chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn là ngô. Ngô rủ nhau leo từ thung lũng lên đỉnh đèo cao, ngô hành quân qua khe núi, ngô len lỏi mọc lên từ những kẽ đá tai mèo. Và những con đường như sợi dây thừng ngoằn ngoèo buộc lấy bụng núi mà níu kết chúng thành chuỗi, thành xâu sừng sững lưng trời. Tôi chạnh nghĩ đến những đôi chân nhỏ bé mà bền bỉ kia chưa kịp hết mỏi lại miệt mài trở về trên những con đèo, con dốc dài vô tận ấy. Chạnh nghĩ đến cả những chàng trai, cô gái người H’Mông điều khiển những chiếc xe máy rấn è è bò nghiêng giữa mây trời và vực thẳm, như những diễn viên xiếc lái mô tô bay lão luyện, dũng cảm chinh phục những cung đường. Quả thực, “không có đỉnh núi nào cao bằng đầu gối người H’Mông”. Ý chí và nghị lực của họ đầy như đá hàng hàng lớp lớp dọc các sườn đèo, mãnh liệt như đá đâm lên từ chân dốc, vững vàng như hàng rào đá xếp quanh ngôi nhà của họ. Vô biên, vô tận, trường tồn, bất diệt…

Chợ phiên Mèo Vạc                                          Ảnh của TUẤN PHƯƠNG

Mây tan rồi. Chợ tan rồi. Tôi vẫn đứng chơi vơi với đất trời Mèo Vạc, xứ sở gần mặt trời mà quanh năm thiếu nắng. Nhớ thương những con đường nhỏ dẫn lên mây, nhớ thương những ngôi nhà chon von sườn núi, nhớ thương những bàn chân không mỏi, và luyến lưu những ánh mắt, nụ cười thân thiện, bao dung. Hẹn nhé một ngày trở lại ngắm Mèo Vạc nhuộm vàng cánh đồng đá bằng bạt ngàn hoa cải. Hẹn nhé lần sau lại được lắng lòng nghe tiếng đá reo… Hẹn một lần được say trong men rượu tình nơi góc chợ Khau Vai, đắm mình trong thanh âm da diết của tiếng sáo Mèo lưng chừng núi:

“A Chiều, lòng anh nhớ gọi em. Mái !

Chiều, kìa tiếng sáo gọi em lưng đồi.

Vầng trăng lên sáng rồi, bừng lên núi

Nhớ người yêu, lòng anh buồn

Buồn ăn chẳng no lòng

Kìa tiếng sáo gọi em ơi Mái !”

                                                                     (Nhớ em yêu - Dân ca H’Mông)

                                                                                                                                                             Hà Giang, 7/2023

                                                                                                                                                                                             (Nguồn: TC VNNB 283-8/2023)

 

 

Bài viết khác