Thứ ba, 07/05/2024

Ngồi thu xếp lại...

Thứ tư, 01/02/2023

NGUYÊN PHƯƠNG

Ai trong nhà có cái giá sách chắc thế nào cũng có lúc phải ngồi bần thần trước hàng chồng đống ngất ngưởng. Có thể là vì chuyển nhà, chuyển phòng hay đơn giản là sắp xếp, dọn dẹp lại cho đẹp mắt, mà thường là dịp cuối năm, ta sẽ dành một khoảng nào đó, khi không quá bị thời gian thúc ép để soạn sách trên giá.

Một việc tưởng nhanh mà mất thời gian vô cùng. Đơn giản là, không phải cứ định dọn trong bao lâu là xong mà được, không phải cứ xếp cho gọn vào là được và cũng không phải có người phụ giúp thì việc sẽ nhanh hơn. Vì chỉ mình mới biết cái gì xếp ở đâu để lúc cần liếc cái là có thể lấy ngay được mà dùng, nhất là tư liệu quý hiếm. Vào thời buổi sách báo điện tử tiện dụng, về cơ bản khi cần gõ cái là ra nội dung cần tìm thì cảm giác rất lạ khi nhìn ngắm những tư liệu bằng sách, báo in mà mình đã bỏ công cất giữ vẫn không hao hụt.

Bắt tay vào dọn sách khó ai có thể định trước mình sẽ soạn trong bao lâu thì tủ sách gọn gàng trở lại và tiện dụng như ý khi có tới vài năm ai tặng cuốn nào hấp dẫn, tờ báo có bài hay lại lưu đấy. Nhất là những bài cách khoảng hơn 10 năm trở về trước nếu tác giả không đăng tải lại trên trang cá nhân của mình, báo không có trang điện tử thì chịu, không thể kiếm đâu ra ngoài báo giấy. Rồi thì cứ chất chồng lên. Có khi đang gấp gấp, xếp xếp bỗng vớ được bài tâm đắc (dù đã từng đọc) thế là ngồi tịt đấy, chúi mũi vào, lặng phắc giữa bề bộn, rồi ngẩn ngơ sao người ta có thể viết hay đến thế, sao “guốc” người ta có thể đi “tàn bạo” thế trong lòng mình. Có khi thấy lại một cuốn sách tưởng đã thất lạc mà ý định viết gì về nó vẫn còn treo đấy, nốt gấp giấy, nét bút khoanh trang, đánh dấu đoạn hay vẫn hằn một vệt như dỗi hờn của tri kỷ bị lãng quên. Chưa kể đâu đó trong các kệ rơi ra vài trang viết tay của chính mình vào một lúc mà cảm xúc buộc nó phải ra đời và vì nhiều lí do, trang viết ấy mãi mãi chỉ có mình là độc giả. Lại nữa, nép trong cuốn sổ một tấm ảnh cũ ghi ngày tháng xa lắc xa lơ, nét mặt tuổi cũ và cảnh quan ngày cũ, nhìn và thần người... đủ để vài tiếng đồng hồ băng qua.                                                                        

 Có cuốn sách, bài báo ba bốn lần dọn vẫn nằm đấy. Có cuốn, tờ mới tinh vẫn phải thả rơi. Có cuốn đọc lướt thấy hay tìm cách đưa về bằng được mà chưa có thời gian đọc. Đi qua, nhìn gáy sách không phẳng tưng không có nếp nhăn nào của lốt giở thấy áy náy như một kiểu phụ bạc, vô tình. Nói hơi quá lên thì dùng sách như chơi với người. Đã hay thì cũ mấy cũng giữ chằng chằng, dở thì trót gắn bó cũng chỉ thương chứ không muốn vương. Nên những gì còn lại trên giá sau mấy "nhiệm kỳ" bị thanh lý hẳn nhiên quý giá. Vì có thế nào thì bao lần chọn lọc những câu chữ ấy mới không phải run rẩy tan ra trong lửa hay theo quang gánh đồng nát mà bình thản trụ lại trên một ngăn ngay ngắn chứ...

Khác người lớn, đa số bọn trẻ lúc đọc cần tìm là rút loạn lên, ngăn của chúng thường lộn tùng phèo. Nhưng quan sát lâu lại phát hiện ra, lộn xộn nghĩa là chúng có đọc, sách chưa xê dịch, còn gọn gàng là chưa động tới cái gáy sách nào. Vậy mình gọn cứ gọn, trẻ lộn xộn cứ lộn xộn, miễn là đọc. Va được vào cuốn nào là may đến đó. Thói quen đọc đầy đủ một cuốn sách, một bài báo sẽ tránh được bệnh của nhiều người trẻ bây giờ. Tìm thông tin gì cũng phụ thuộc vào “mì ăn liền” Google, biết nhanh kết quả, có thói quen đọc vớt thông tin, có vẻ cái gì cũng biết nhưng không biết gì đến nơi đến chốn.

Vài lần sắp xếp (mà mỗi lần cách nhau cả 3, 4 năm), nhìn vào những gì mình từng ngoan cố giữ và ngập ngừng loại bỏ ta sẽ thấy chúng như một kiểu chứng chỉ không dấu về cha đẻ của chúng, những người cầm bút (tất nhiên theo chủ quan của riêng mình). Thử lần lại một vài tác giả. Đầu tiên là ngăn báo chí. Bạn ấy khi đó là một trong "tứ trụ phóng sự" của "An ninh thế giới cuối tháng", viết như “lên đồng, bài nào cũng hay từ phóng sự nóng hổi tính sự kiện, đến tản văn phiếm đàm vốn ưa thích sự giàu có vốn sống, vốn văn hóa và cảm xúc... Mình đọc và luôn ngạc nhiên về các "ngăn" rất rành mạch trong tư duy của bạn. Trong số ấy bài về một lãnh đạo đình đám của thành phố lớn nhất nước làm mình nhớ mãi. Bạn ca ngợi thật lòng. Mà lúc ấy hầu hết các cây bút trong nước đều viết thế. Chỉ một vài "con sói" phóng sự thì im lặng, họ như lệch ra khỏi dòng chảy chung với sự chừng mực, cái chừng mực từ linh cảm nghề nghiệp, từ hiểu biết chính sự sâu sắc chăng? Mười năm sau đám đông quay sang khai thác đề tài nóng hổi là cái án lớn nhất của vị lãnh đạo kia cùng bầu đoàn thê tử, chiến hữu của ông. Cũng may, lần này bạn im lặng, im lặng khá lâu trên mặt báo, bởi có lẽ hơn ai hết bạn nhớ mình đã từng viết gì. Bạn đến giờ vẫn viết hay và sắc và tất nhiên chừng mực hơn. Mình vẫn theo dõi bài bạn một phần vì sự im lặng kia... Bên cạnh là ngăn sách. Một bạn văn lớn tuổi đang định cư tận phương Nam. Gần như sách của ông, mình không thiếu cuốn nào trên giá. Ông viết gì cũng là một phát hiện, một kiểu nhìn ngắm con người, thế giới không giống ai mà vẫn chạm được quy luật chung của đời sống, tác phẩm của ông luôn như một cú ra đòn”, xới tung đời sống văn chương đang có chiều hướng nhàm chán khiến bạn đọc lẫn nhà phê bình thêm một phen náo loạn. Đủ sắc thái khi người ta đọc ông: Thán phục, chê bai, tranh cãi. Sách của ông viết gì bán cũng chạy, từ tưng tửng kiểu ba thật bảy bịa về bạn văn đến tình hình đất nước, số phận cá nhân thời hậu chiến, cách đánh giá lại một hiện tượng lịch sử cho đến chuyện bếp núc của nghề biên kịch. Độc giả của ông từ bình dân đến trí thức gạo cội đều có thể đọc ở đấy một điều gì đó tùy trình độ và kinh nghiệm sống cũng như độ mẫn cảm của mình. Có một quãng lặng đến tận năm năm ông không viết một truyện ngắn, một tiểu thuyết nào, hiếm hoi là vài tản văn, chúng như nỗi nhớ chợt duềnh lên về dặm đường từng phiêu bạt của giang hồ đã gác kiếm. Hỏi, ông vô tư: Mình quyết định gác bút vì cảm thấy khó có thể vượt qua chính mình trước đây. Với người viết chân chính, thật sự tài năng, biết gác bút đúng lúc cũng là một kiểu... tài. Bởi biết người đã rất khó mà biết mình còn là thứ khó nhất trên đời. Có khi hiểu được người, viết về họ khá am tường còn về mình lại như người mù trước một trang giấy dày đặc nét bút. Đây nữa, cuốn sách duy nhất (tính đến thời điểm hiện tại) của một nhạc sĩ tài danh. Nhớ câu nói của ông trong chính cuốn sách ấy “Cuốn sách cần đọc nhất chính là đời mình”. Thoạt nghe có vẻ bất cẩn nhưng thực ra đó là đúc kết của một người đã đọc thiên kinh vạn quyển, có thể kể vanh vách tên tác giả, tác phẩm kinh điển cả phương Đông lẫn phương Tây, có thể nói về những đúc kết của bản thân về chúng một cách vô cùng thú vị. Ông cũng thành thực: Mười năm lăm nay mình không đọc cuốn sách nào, mình đọc theo cách của mình. Cái mà ông gọi là không đọc ấy chính là cách check lại những gì đã đọc bằng cái tâm thế phản biện và sáng tạo, một kiểu sản phẩm của trí tuệ khi đạt tới ngưỡng tư duy nào đó. Và du vết của chúng là ca từ tự nhiên như hơi thở, giàu chất thơ, tình cảm và thấm đẫm chất triết lý trong ca khúc... Hiểu điều ấy mới thấy người Do Thái luôn là đỉnh cao trong quan niệm và ứng xử với sách. Họ là người thổi vào trẻ em một sự thích thú với sách ngay khi ẵm ngửa bằng nghi lễ “hôn sách” và cũng chính họ luôn cảnh báo, mỗi cá nhân phải duy trì trách nhiệm và đam mê đọc trong suốt cuộc đời nhưng không bao giờ là “một con lừa cõng sách trên lưng” trong thế đọc thụ động, máy móc, không phản biện, ứng dụng khi tiếp cận những gì đọc được. Nhập đấy mà thoát đấy, vi diệu như phép thiền của đời.                                                             

 Không thể đòi hỏi ai cầm bút cũng có được cảm quan dài hơi và chính xác. Đó phải là một năng lực tổng hợp rất đặc biệt và một bản lĩnh để tránh xa cám dỗ thế nào đó mà ngày một ngày hai không dễ nhận ra. Có người trước sau bất nhất như chóng chóng, không thể phân biệt được tác giả thuộc về kiểu tư duy và tình cảm thẩm mỹ nào (Đó không phải sự thay đổi cần thiết khi biết mình sai nhất thiết phải có ở người bản lĩnh) ngoài một giọng choang choang át vía người thiếu hiểu biết hoặc ít quan tâm đến lĩnh vực anh ta viết. Thế mà tin, bài vẫn chạy trên một số tờ báo được xem là khá nghiêm túc. Thấy lạ. Có người thì đề tài nào cũng giữ được sự điềm đạm, sâu sắc và lịch lãm. Những cảm xúc và suy nghĩ của mình khi đọc bài đầu tiên được bảo lưu cho đến sau này được biết, đọc nhiều hơn. Mới thấy ấn tượng từ cái ngày rất xa ấy về tác giả là hoàn toàn chính xác...                                                              

Một điều hay ho nữa là nhìn vào những gì đã thanh lọc và được giữ lại ta còn có thể nhìn thấy chính mình trong sự còn mất ấy. Đấy là đề tài quan tâm, là sở trường hiểu biết là vui buồn hay đơn thuần là gu giải trí... ở những khúc đoạn tuổi mình. Nhìn vào những ghi chép dày dặn khi đọc xong thấy mình đã từng có giây phút, tháng ngày thật sự thanh thản. Bởi căng thẳng sẽ không còn tâm trí nào để thong thả ngồi xuống, ngả mình trên ghế bố gần đấy, cầm lên một cuốn yêu thích, ý nghĩ mặc sức lênh đênh tít tắp trong miền suy tưởng. Bởi nếu không trong trạng thái bình an của một tâm thế tĩnh làm sao có thể đọc ra người để thấy mình được nhiều đến thế… Thấy lại để quý hơn những gì còn lại.    

Giờ thì nhiều thứ đã đổi thay, phòng có thể rộng ra, máy tính có n file ghi giúp, gần như gõ đâu cũng có thể tìm được tư liệu cần tìm, vẫn muốn ngồi xuống bên một giá sách cũ ăm ắp kỷ niệm, phủi đi một lớp bụi mờ và bần thần sắp xếp…

Chợ nổi                                                 Ảnh của PHÙNG TÙNG KHÁNH

N.P

(Nguồn: TC VNNB  275+276 tháng 1/2023)

Bài viết khác