Thứ tư, 08/05/2024

Gáo dừa

Thứ năm, 06/07/2023

Tản văn của ĐINH TRUNG HƯNG

Mỗi người dân Việt Nam, từ xưa dù ở thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay ở miền núi chắc ai cũng biết đến chiếc gáo dừa. Một dụng cụ để múc nước trong cuộc sống thường nhật.

Nhưng phổ biến hơn cả là cư dân sinh sống ở các vùng nông thôn, nơi có nền văn minh lúa nước. Và một điều này nữa cây dừa là loại cây có ở hầu hết các tỉnh miền Trung miền Nam và ở khá nhiều tỉnh miền Bắc nước ta.

Cây dừa dáng hiên ngang, không sợ gì gió bão, nắng mưa, như nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết: "Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ/ Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ/ Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước ngõ/ Tôi hỏi nội tôi dừa có tự bao giờ...". "Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút/ Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng."

Còn nói về quả dừa thường to bằng quả bóng đá hay có những quả còn to bằng hay to hơn cái hũ đựng đậu hay cái ấm dỏ để ủ tích nước chè của bà nội tôi xưa.

Quả dừa gồm có: vỏ quả dừa trong có lớp xốp xenlulozo gọi là sơ dừa. Bên trong lớp sơ dừa là sọ dừa khối tròn cứng như gỗ, thường to bằng quả bóng nhựa của thiếu nhi. Trong sọ dừa là lớp cùi dừa mà nhân dân miền Nam còn gọi là cơm dừa, bao bọc lấy phần đựng nước dừa tinh khiết, ngọt mát đến lạ thường. Sọ dừa là một khối cầu đầu trên hơi thuôn, phần dưới phình to tròn đầy hơn một chút cũng có khi sọ dừa tròn đều. Xưa, khi công nghệ nhựa chưa phát triển như bây giờ, con người đã biết tận dụng sọ dừa cứng, thường chọn những "quả" tròn đầy, nây đều rồi đem cưa một phần chóp trên của sọ dừa (thường là phần có hai "mắt dừa" để đục ra lấy nước và cùi dừa). Phần to hơn dùng làm gáo múc nước mà dân gian thường gọi là gáo dừa.

Để có được cái gáo múc nước, người ta còn phải dùng dao... cạo sạch các sơ dừa còn bám trên sọ dừa cho nhẵn tùy sở thích hay tính cầu kỳ của mỗi người. Tiếp đó đem đục hay dùi hai lỗ tròn đối xứng nhau ở một phần ba sọ dừa kể từ phần trên xuống để tra cán vào là thành cái gáo hoàn chỉnh. Cán gáo thường làm bằng thanh tre già vót nhẵn dài chừng năm mươi đến sáu mươi phân, để tiện cho việc múc nước trong bể nước nhất là bể nước mưa. Để tay người cầm gáo cho chắc người ta hay vót cán tre (cán gáo) một đầu nhỏ, một đầu to thuôn thuôn khéo léo. Cán gáo được tra vào hai lỗ tròn của gáo, đầu cán nhỏ tra vào lỗ nhỏ, đầu cán to là phần tay cầm cho chắc hơn khi múc nước.

Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa, nhân dân dùng gáo dừa để múc nước sinh hoạt hay làm dụng cụ để tưới nước. Nhưng nhất là khi mỗi mùa hè đến, dưới cái nắng chói chang tưởng chừng có những lúc đốt cháy cả mặt đất và cỏ cây, đến nỗi có hôm nhìn ra sân nhà tưởng như trông thấy tia nắng hơi nóng bốc lên hầm hập, chập chờn phát chóng cả mặt. Ấy thế mà ở góc sân hay cạnh vườn bên cây cau già vươn lên thẳng tắp dưới trời xanh không sợ nắng rát, gió Lào (người ta thường gọi như vậy vì gió nóng thổi từ phía tây giáp nước Lào vào nước ta). Cây cau đứng thẳng, búp lá xanh vút lên dưới trời, bên cạnh một bể nước mà người miền Bắc thường gọi là bể nước mưa, vì người ta chủ yếu hứng nước mưa khi trời mưa rào qua "vòi cau" thường làm bằng tầu cau mà cuống sống của tầu cau buộc trên thân cau, dẫn nước từ ngọn cau qua thân cau, vòi cau vào bể nước. Ở thời kỳ nhân dân xây bể nước mưa bằng gạch các loại có khối lượng ba đến năm sáu, hay chục mét khối nước, hoặc chum sành. Nước mưa đựng trong bể được dự trữ để ăn uống quanh năm là chủ yếu khi thừa dùng vào cuộc sống thường nhật. Cư dân vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ thường dùng nước mưa để thổi cơm, nấu nước vì xưa không có nước máy và không có nhiều khu công nghiệp như bây giờ. Nên nước mưa được suy tôn là thứ nước sạch nhất. Nước mưa được dùng để nấu cơm, cơm mềm dẻo và thơm, dùng để hãm (nấu) nước chè tươi thì xanh, mát lành, pha trà khô (trà móc câu) nước không biến màu mà đậm đà, thơm ngon. Nhất là chè Thái Nguyên được pha bằng nước mưa đun sôi thì thật là hợp duyên hai thứ khiến mới ngửi chén trà đã thấy ngon chạm giọng và muốn nhâm nhi, nhấm nháp ngay cho đỡ cơn thèm khát.

Những ngày mùa nóng nực mỗi khi các ông, các bà, các bác đi làm đồng về cầm lấy chiếc gáo dừa múc những gáo nước mưa trong bể "uống vã" đã thấy mát dạ, mát cả người bõ cơn khát cả mấy giờ làm việc dưới nắng trời oi ả.

Cái gáo dừa có sức hấp dẫn lạ thường, cả về nhiều khía cạnh. Khi uống nước bằng gáo dừa mới cảm thấy cái mát lạ thường, mùi ngai ngái của nước mưa, mùi thơm của dư âm còn lại của gáo dừa. Nói không ngoa chút nào nước mưa sống (chưa nấu) uống vã (uống ngay) khi dùng gáo dừa, ngon hơn rất nhiều các dụng cụ khác, ví như bát sứ, gáo nhựa, cốc nhựa hay cốc thủy tinh vv… Thế mới kỳ lạ làm sao! Gáo dừa tạo cho ta một cảm giác, tâm lý rất diệu kỳ. Mỗi khi ta uống ừng ực những gáo nước mưa trong ngần mà thiên nhiên ban tặng cả hương nước của trời, hương trời, "hương gáo dừa" hòa quyện vào nhau cho ta một sự tự tin, không có sự ô nhiễm của các chất liệu, lại làm cho ta thú vị lạ thường.

Mỗi người, mỗi khi đi xa, sống ở thị thành phồn hoa, mỗi khi trời mưa lại gợi nhớ thầm kín cái hương vị giản dị mà đậm đà sâu lắng mãi trong lòng.

Nó ăn sâu vào từng thớ thịt, tâm hồn của mỗi người con xa xứ.

Cũng từ những giọt nước mưa lộc của trời cho ấy đựng trong gáo dừa đã góp một phần quan trọng nuôi lớn bao thế hệ con người Việt Nam từ ngàn xưa đến nay.

Ngày nay đứng trước sự biến đổi của khí hậu, môi trường do con người phần lớn gây nên, như nhịp sống công nghiệp nhiều nhà máy nhiệt điện, hóa chất v.v… phả khói bụi, nồng độ hóa học hay rác thải sinh hoạt v.v…, làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm bầu không khí, làm cho nước mưa không còn tinh khiết như trước nữa.

Cùng với sự đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt của nhân dân, nhiều nhà máy nước được xây dựng, khắc phục vệ sinh cho môi trường sống của con người.

Các bể nước mưa thưa dần và gần như biến mất. Những chiếc gáo dừa cũng từ đó vắng bóng dần và gần như người ta đã quên hẳn nó. Có chăng gáo dừa chỉ còn dùng làm đồ mỹ nghệ sơn mài hay làm than hoạt tính có giá trị trong công nghiệp. Được thay thế vào đó là những chiếc gáo nhựa miễn múc được nước là được.

Nay mỗi khi nhìn quả dừa lại gợi cho tôi nhớ đến chiếc gáo dừa đã một thời gian rất dài gắn bó với đời sống con người, một cách giản dị, thân thiện với bao thế hệ người dân các vùng, miền quê, thôn giã.

Chiếc gáo dừa bình thường, nhỏ bé, giản dị trong các vật dụng hàng ngày của biết bao nhiêu gia đình nay đã bị lãng quên. Tôi thầm nuối tiếc một vật dụng gần gũi thân thiện, mang bao kỷ niệm đối với đời sống người dân nông thôn là chiếc gáo dừa. Trân trọng và biết ơn những thế hệ người dân thôn quê cần cù chịu khó, đã sáng tạo ra chiếc gáo múc nước làm từ sọ dừa là gáo dừa.

Cũng từ đó mà đã chắp cánh cho những áng thơ, văn các tác phẩm mỹ nghệ, hội họa, phản ánh, ca ngợi và mô tả đời sống của cộng đồng dân cư các miền quê giản dị chân chất mà sâu lắng biết bao./.

 

Đ.T.H

 

Trên nương                                                   Ảnh của BÙI HƯƠNG GIANG

(Nguồn: TC VNNB 280-5/2023)

Bài viết khác