Chủ nhật, 19/05/2024

Anh Hai Cói

Thứ ba, 18/05/2021

VŨ NGUYỆT KHÁNH PHƯỢNG

Có một loài cây thật lạ đã góp phần làm giàu đẹp quê hương Kim Sơn, loài cây ấy thân mềm mại, mảnh mai mà dẻo dai và bền bỉ vô cùng. Loài cây nhắc nhớ về câu chuyện huyền thoại người dân nơi đây vẫn kể cho nhau nghe – câu chuyện về nàng tiên thứ bảy có mái tóc bồng bềnh thả trôi theo sóng nước… Mái tóc tiên nữ óng ả mượt mà trải dài khắp mảnh đất bồi bãi của xứ đạo thanh bình.

Cây cói đã đem lại nguồn sống cho người dân, tô điểm cho quê hương yêu dấu. Cói Kim Sơn – một  tặng phẩm tuyệt vời của thiên nhiên cho vùng đất có nhiều con người chịu thương chịu khó, khéo léo, tài hoa.

Cây cói đã vào văn, vào thơ, vào âm nhạc, mĩ thuật và đặc biệt với những NSNA Ninh Bình nói chung và NSNA của vùng đất Kim Sơn nói riêng thì cây cói đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Không chân lấm tay bùn, không thành thạo đồng bưng, nhưng có một con người thực sự nặng tình với loài cây độc đáo này, con người luôn đi tìm và tôn vinh cái đẹp trong ngần mà bình dị của của biển cói quê hương, đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đức Phương, một người con ưu tú của vùng đất mở Kim Sơn. Bạn bè đồng nghiệp vẫn gọi anh với cái tên thân thương: anh Hai Cói.

Bước chân người nghệ sĩ lang thang rong ruổi theo những người đi đặt vó kéo nú vượt qua cánh đồng mươn mướt xanh màu cói đi tìm và khám phá nét đẹp giữa những điều thật bình dị đời thường… Như chàng ngư phủ thủa nào đắm say bởi mái tóc xanh bồng bềnh của nàng tiên nữ, người nghệ sĩ ấy cần mẫn và đam mê khám phá từng góc nhìn, dõi theo từng thời vụ và quan sát từng khoảnh khắc của ánh mặt trời chiếu rọi. Thành quả của anh thu hái được đó là những bức ảnh đầy ấn tượng về đồng cói quê hương.

Để không gian đồng cói mênh mông, xanh mát hiện lên sinh động và độc đáo trong mỗi bức ảnh, nghệ sĩ Vũ Đức Phương đã phải chọn những góc máy cao, có điểm nhìn bao quát để chỉnh máy lấy khung hình. Mỗi khoảnh khắc được khám phá thường phải qua nhiều lần bấm máy, thay đổi góc nhìn, điều chỉnh chế độ chụp, cho phù hợp. Đó thực sự là một việc đòi hỏi ở người nghệ sĩ sự công phu, tỉ mỉ và kiên trì và trên hết là niềm đam mê sáng tạo, niềm khao khát đi tìm kiếm và tôn vinh cái đẹp ở người nghệ sĩ.

             Nụ cười đồng cói - Huy chương Bạc Quốc tế 2020     Ảnh: VŨ ĐỨC PHƯƠNG

Hình ảnh những con người lam lũ vùng đồng chua nước mặn hiện lên qua ống kính của nghệ sĩ rạng rỡ lạ thường. Trong ánh mắt họ, không có cái nhọc nhằn của đồng vụ mất mùa, không có cái eo xèo của lo toan tẹp nhẹp, mà giữa cái nắng tháng năm rát bỏng, ánh mắt ấy lấp lánh niềm yêu đời, yêu cuộc sống lao động chân quê.

Những đôi chân bì bõm vượt đồng băng bưng mò cua bắt tép, tìm kế sinh nhai, những làn da săn màu bồi bãi, những dáng người vác cói oằn vai,…tất cả hiện lên thật sống động, hài hòa biết mấy. Cái màu xanh lấp lánh của biển cói hài hòa cùng sắc trầm màu áo nông dân, gieo vui cùng ánh mắt. Cái mỏng manh mềm mại của thân cói vút cao, hòa cùng chất rắn rỏi, kiên cường của người dân xứ đạo.

“Cói không nhiều lá, nhiều cành/ Cây dồn lên ngọn để dành cho hoa".

 Mùa hoa cói, cả cánh đồng như dát bạc, những bông cói li ti nở rộ phủ lên tấm thảm cói xanh thẳm một lớp tuyết nhung mỏng mảnh diệu kì. Đó là thời điểm tháng 5, tháng 10, khi nắng đủ vàng cho thân cói đủ dai. Người nông dân xuống đồng thu hoạch cói. Thân cói chắt chiu đủ màu mỡ của đồng lầy, đủ nắng gió của đất trời trở nên căng tròn bóng bẩy, vươn sải hết mình. Chỉ trong mươi ngày tấp nập khắp cánh đồng, cói được thu hoạch khẩn trương bởi những con người có sức khỏe dẻo dai. Cắt cói lúc nào cũng hối hả, vội vã theo bước đi của mặt trời. Dướt bàn tay khỏe khoắn nhanh nhẹn, cói được ruông sợi để phân loại sợi dài sợi ngắn. Từng buộc cói như lọn tóc dày dặn được bung lên, xòe tỏa như vũ điệu chim công nhịp nhàng quyến rũ. Làm sao phải thật nhanh để cói vừa cắt khỏi thân đã được phân loại rồi chẻ nhỏ để phơi tại ruộng. Cói được hong đầy nắng trải, chuyển màu vàng ươm, chất lượng được bảo toàn.

Cũng có những những cánh đồng chũng, mùa nước úng, cói được xâu thành chuỗi, từng bó cói gối lên nhau, bám nhau ngoan ngoãn bơi qua kênh nước vào bờ. Có người lại cõng cói trên vai, người đội cói trên đầu, người chở cói sau xe, muôn nẻo đường về…

Vất và cực nhọc là thế nhưng dưới ống kính của anh Hai Cói, hình ảnh những con người lao động ấy luôn hiện ra thật đẹp. Cái đẹp toát ra từ ánh mắt thuần hậu, từ nụ cười rạng rỡ, tươi vui.

“Cói về làng niềm vui rộn rã/ Nhịp thoi chuyền hối hả đường quê”.

Tùy vào mục đích sử dụng, cói có thể được đưa vào lò sấy trực tiếp hoặc được nhuộm màu và phơi khô cho màu bám bền đẹp, không loang phai. Phải yêu cói đến nhường nào, anh Hai Cói mới có được những khoảnh khắc tuyệt vời để ghi vào khung ảnh. Đó là cuộc sống thuần hậu, mà đầy thi vị của một gia đình gắn bó với nghề truyền thống của quê hương.

“Hỡi nàng dệt chiếu sân đình/ Gửi em sợi thắm, dệt tình đôi ta”.

Bằng đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, những người thợ thủ công đã tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu quê hương làm vừa lòng bao khách hàng khó tính. Ngắm nhìn những bức ảnh người quê dệt chiếu điều hoa với màu sắc hài hòa, tươi tắn, ta như thấy cả cái thơ mộng của cuộc đời, khiến ta chợt nhớ những vần thơ dịu dàng của thầy giáo Hà Trọng Lưu: Hồn quê hương gửi vào chiếu điều son/ Nét tài hoa dệt tình người năm tháng/ "Song Hỉ" đỏ cải vào nền cói trắng/ Đường "triện" viền khăng khít nghĩa trăm năm”...

Sản phẩm làm ra, còn được đưa vào xử lí mốc và phơi hong trong nắng. Những khung hình với góc chụp làm nổi bật hình ảnh những con người lao động giữa sân phơi đẹp hài hòa tự nhiên mà lại độc đáo như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đương đại. 

Sự cần mẫn, khéo léo của những người thợ thủ công qua lăng kính người nghệ sĩ khiến ta ngỡ ngàng thú vị khi ngắm nhìn những sản phẩm qua sắc ảnh trong veo, nền nã, những mẫu hàng đa dạng, đẹp mắt, từ chiếu cói, đến các món đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ nhu cầu hàng ngày và làm quà lưu niệm cho du khách thập phương. 

Với tình yêu quê hương, yêu tha thiết những cánh đồng cói bất tận, yêu những cảnh sống bình dị mà đầy thi vị Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đức Phương đã có những bức ảnh giá trị giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước. Đó là cũng là một cách thể hiện tình yêu với mảnh đất mà nghệ sĩ đã từng sinh ra và lớn lên – mảnh đất của ngân vang tiếng chuông chùa, mảnh đất của những tâm hồn chất phác mà tài hoa: Nhà quê tôi vắt đất chắp vần thơ/ Bấm đốt ngón tay nối thành câu lục bát/ Giữ khúc dân ca làm nên bản sắc/ Văn hóa nước mình mang khí chất Nhà Quê”... (Hà Trọng Lưu)

V.N.K.P

(Nguồn: TC VNNB 251-5/2021)

Bài viết khác