Chủ nhật, 19/05/2024

"Sắc độ" trong tranh ký họa là sự biểu hiện của màu sắc hình khối và chất liệu

Thứ hai, 27/06/2022

Th.S NGUYỄN HOÀNG VIỆT
Giảng viên khoa Mỹ thuật cơ sở - Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp

Nhắc đến nghệ thuật là chúng ta nhắc đến các yếu tố thị giác, chúng tác động vào cảm xúc người xem tạo nên những trạng thái tâm lí khác nhau. Nhờ điều này mà nghệ thuật luôn lôi cuốn người thưởng ngoạn cũng như chính nghệ sĩ tạo nên tác phẩm.

Vậy nên nếu muốn bảo toàn tính chân thực trong tác phẩm thì người nghệ sĩ cần nắm rõ những kiến thức cơ bản về sắc độ. Thuật ngữ “Sắc độ” giúp chúng ta liên tưởng đến cụm từ ánh sáng và bóng tối rất quan trọng đối với nghệ thuật thị giác. Nếu không có sự thay đổi sắc độ sáng tối thì cảm giác chủ thể sẽ không được biểu đạt, đó là mặt sáng, trung gian và mặt tối. Hơn nữa, chúng tôi đã được nghe nhiều từ các họa sĩ, những người thầy đi trước chia sẻ nếu chúng ta có được sắc độ sáng tối hài hòa thì không cần có màu sắc mà bức tranh vẫn có giá trị? Vậy điều này có đúng không? Có lẽ bạn nghĩ là không, nhưng sự thật lại là như vậy! Đó chính là lý do vì sao sắc độ sáng tối lại quan trọng như vậy? Trong nghệ thuật, những màu sáng và tối được quy vào sắc độ, trong cuộc sống đời thường, chúng ta trải nghiệm cảm giác về sắc độ vào lúc bình minh và lúc hoàng hôn và khi chúng ta cảm nhận về những sắc độ khác nhau của các đồ vật quanh ta. Bất kỳ ai nghiên cứu về nghệ thuật cũng phải học và hiểu về mối quan hệ của sắc độ đối với những yếu tố khác trong tạo hình nghệ thuật, tất cả những yếu tố đó đều có sắc độ. Với thang giá trị cho thấy sự tăng dần từ sáng đến tối bạn sẽ được trình bày rõ về những sắc độ thấp (sắc độ từ trung bình đến đen) và sắc độ cao (sắc độ trung bình đến trắng). Nhiều tác phẩm hội họa nghiên cứu về sắc độ thấp (thường với những nét phấn nhẹ hơn) trong khi những tác phẩm khác thì ngược lại. Sắc độ chính được chọn lựa thường tạo ra trạng thái cho tác phẩm.

Với mỗi tác phẩm ký họa bao gồm rất nhiều sắc độ, nhưng nó chỉ được gộp vào hai sắc độ chính. Hãy kết hợp các sắc màu đậm và các sắc độ trung gian, rồi thể hiện các sắc độ nhạt với màu trắng của giấy. Chỉ cần bạn kết hợp các sắc màu trung gian (các sắc độ giữa vùng nhạt nhất và đậm nhất theo hiệu quả mà bạn muốn đạt được). Khi ký họa dáng người, nếu bạn muốn lưu ý vào hình dáng khuôn mặt, hãy kết hợp các sắc độ trung gian và đậm. Nếu bạn muốn đảo lại cái nhìn, hãy kết hợp các sắc độ trung gian và các sắc độ nhạt với nhau. Quan trọng là không làm rối các sắc độ do thêm vào các chi tiết phụ, các hình dáng phải được nổi rõ. Vì vậy, bạn không thể thực hiện các sắc màu đậm cho áo hay mái tóc, và không được làm rối khối đen của tóc bằng cách thêm vào các mảng nhạt không quan trọng. Vì điều quan trọng, trong trường hợp này, là sự tiết kiệm và đơn giản hóa các phương tiện. Tập trung vào hai sắc độ sẽ dẫn bạn đến điều chính yếu của bức vẽ. Tất nhiên, sắc thái, cường độ cũng giúp bạn làm nổi bật các bộ phận khác. Nhưng ở đây, sắc độ quan trọng hơn, vì vậy trước hết bạn phải nghĩ đến cách giản lược chúng, tập hợp chúng thành những mảng khối lớn.

Để hoàn thiện được một tác phẩm ký họa tốt, và đạt được yêu cầu về tương quan sắc độ thì không thể bỏ qua được các mối liên kết của sắc độ sau:

- Sắc độ cao - Sắc độ thấp

Thang giá trị này cho thấy sự tăng dần từ sáng đến tối. Sắc độ cũng được thấy tương phản với màu xám trung bình, màu đen và màu trắng. Những cơ cấu sử dụng các sắc độ từ trắng đến xám trung bình được gọi là sắc độ cao, trong khi những hình ảnh sắc độ thấp thì gồm có những sắc độ đậm, từ màu xám trung bình đến đen. Những lượng nhỏ sắc độ tương phản thường khi là cần thiết để mang lại sự kịch tính cho sắc độ cao hoặc sắc độ thấp.

Ký họa nhanh nhóm người có sắc độ - Chất liệu Chì (Nguồn: ĐH MTCN)

- Sắc độ có tính mô tả

Một trong những áp dụng hữu ích nhất về sắc độ đó là trong khi tạo ra những sự vật, hình dạng và không gian. Khi các họa sĩ mô tả những hình ảnh mà chỉ sử dụng những sắc độ tìm thấy một cách tự nhiên nơi các sự vật, thì như thế là họ đang sử dụng sắc độ cục bộ. Những tính chất có tính mô tả có thể được nới rộng để bao gồm sự diễn tả cảm xúc, tâm lý và kịch tính. Qua nhiều thế kỷ, các họa sĩ đã quan tâm đến việc sử dụng sắc độ để diễn tả hiệu quả ánh sáng trên trái đất. Các sự vật thường được nhận thấy theo những mẫu mực đặc trưng xuất hiện khi mà sự vật đó được phô bày dưới ánh nắng. Các sự vật ít nữa là trong một cách thông thường không thể cùng lúc nhận ánh sáng từ mọi phía. Một vật rắn thì nhận nhiều ánh sáng từ phía này hơn phía kia vì phía này gần với nguồn sáng hơn phía kia và như thế ngăn chặn ánh sáng và che bóng ở phía kia. Những cấu hình sáng thì thay đổi phù hợp với bề mặt của đồ vật nhận ánh sáng. Một bề mặt hình cầu cho thấy sự trôi chảy đều từ sáng đến tối, một bề mặt với những mặt phẳng giao nhau cho thấy những tương phản đột ngột của sắc độ sáng và tối. Mỗi hình dáng cơ bản đều có cấu hình cơ bản về điểm sáng nhất và vùng bóng tối. Một thay đổi đột ngột trong sắc độ cho thấy có một bề mặt sắc bén hoặc có góc cạnh.

- Sắc độ có tính biểu hiện

Sắc độ biểu hiện mà họa sĩ tìm kiếm là điều quyết định cho sự cân bằng giữa sáng và tối trong một tác phẩm nghệ thuật. Sự vượt trội của những vùng tối tạo ra một không khí bí ẩn, kịch tính, đe dọa hoặc u sầu trong khi một tác phẩm cơ bản là sáng thì có tác dụng ngược lại. Các họa sĩ không hề bị trói buộc bằng sự sao chép chính xác của đối tượng trong ánh sáng và bóng tối, vì nếu điều đó được tuân thủ thì sẽ tạo ra một chuỗi những hình dạng đơn điệu với tối hoặc sáng ở cùng một phía. Các hình dạng ở những vùng sáng nhất và ở những vùng tối thường được xem xét lại để tạo ra những mức độ mong muốn của sự hợp nhất và tương phản với những vùng kề cận trong tác phẩm. Nói tóm lại, ánh sáng và bóng tối có trong tự nhiên là những sản phẩm phụ của những quy luật vật lý chặt chẽ. Các họa sĩ phải điều chỉnh và có những phóng khoáng đối với ánh sáng và bóng tối nhằm tạo ra ngôn ngữ bằng hình ảnh của người vẽ.

- Sắc độ có tính trang trí

Những phong cách nghệ thuật nhấn mạnh đến các hiệu quả có tính trang trí thường xao nhãng sự thể hiện ánh sáng hoặc không quan tâm đến những nguồn sáng quy ước. Nếu có những hiệu quả của ánh sáng thì chúng thường là một sự chọn lựa từ những vẻ bề ngoài, dựa trên sự đóng góp của chúng cho toàn thể sự tạo hình của tác phẩm. Sự xao nhãng ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng “sân khấu” là đặc trưng của những tác phẩm nghệ thuật thiếu nhi hoặc của những bộ tộc sơ khai và tiền sử, của các tác phẩm cổ truyền Đông Á và trong một số thời kỳ của nghệ thuật phương Tây, đáng kể là trong thời Trung Cổ. Nhiều tác phẩm nghệ thuật hiện đại thì hoàn toàn không có thứ ánh sáng có tính ảo ảnh. Một tác phẩm tự nó tách lìa khỏi quy luật tự nhiên thì rõ ràng là dựa trên hình ảnh được sáng tác ra, dựa trên trí tưởng tượng và những cân nhắc có tính hình thức. Tác động của cảm xúc thì không nhất thiết phải bị hy sinh (như chúng ta đã thấy trong nghệ thuật Trung Cổ), nhưng cảm xúc chủ yếu được nói lên qua những sự tạo hình và hệ quả là kém hướng ngoại.

Khuynh hướng rời xa khỏi những sắc độ tỏa sáng có được sự vững mạnh trong thế kỷ 19 phần lớn là vì có sự quan tâm đang lớn mạnh về các loại hình nghệ thuật Trung Đông và Nam Á. Điều đó được trao cho một sự diễn giải có tính khoa học của phương Tây, khi họa sĩ theo trường phái tự nhiên Edouard Manet nhận thấy rằng nhiều nguồn ánh sáng có khuynh hướng làm cho các bề mặt của sự vật bị phẳng dẹt. Manet thấy rằng cái điều kiện ánh sáng đó làm mất tác dụng những tính chất tạo hình của các sự vật và như thế giảm thiểu những phân cấp của sắc độ. Kết quả là Manet sử dụng màu sắc trên những vùng phẳng dẹt của tranh, bắt đầu bằng những màu sáng và thường không quan tâm đến bóng tối. Một số nhà phê bình cho rằng điều đó là bước tiến cơ bản có tính kỹ thuật của thế kỷ 19 và nó dọn đường cho việc sử dụng sắc độ phi biểu hiện và giúp làm hồi sinh khái niệm không gian 2 chiều.

Chúng ta có thể miêu tả cái chúng ta thấy ấn tượng nhất bằng cách đơn giản hóa sự quan sát của mình. Đơn giản hóa các sắc độ tạo ra một tác phẩm chặt chẽ, gắn kết và hợp lý hơn cứ chăm chăm tả thực từng chi tiết một mà bạn thấy được. Các họa sĩ đã nhận ra điều này hơn hàng trăm năm trước và tạo ra một hệ thống đơn giản hóa các sắc độ được gọi là thang sắc độ. Các họa sĩ sử dụng một hệ thống gồm chín sắc độ sắp xếp từ trắng đến đen, được gọi là thang sắc độ.

Sắc độ là cách nghệ sĩ thể hiện bản sắc, quan điểm và sáng tạo cá nhân. Với mỗi người sẽ có cách đặt vấn đề và khai thác khác nhau, nhưng tựu chung lại, sắc độ đậm nhạt chính là điểm khởi đầu quan trọng nhất để có được thành công cho một tác phẩm, không có sắc độ thì không có màu sắc. Với vai trò vô cùng quan trọng của sắc độ trong hội họa, và đặc biệt là môn vẽ ký họa, để nghiên cứu vẻ đẹp của đồ vật, hoa quả, vẻ đẹp con người, nghiên cứu về mẫu người: Chân dung, bán thân, toàn thân bằng nhiều kỹ thuật và chất liệu vẽ. Nghiên cứu cụ thể về các khối cơ bản, dưới tác động của ánh sáng tạo nên sắc độ, và quy luật của mắt nhìn để tạo không gian trên mặt phẳng, nhằm trang bị cho người họa sĩ những kiến thức chuyên sâu, về cấu trúc tỷ lệ, vai trò của các khối cơ bản, trong việc vẽ ký họa và sáng tác tranh. Vận dụng tốt từ môn hình họa vào vẽ ký họa và các môn chuyên ngành khác. Giúp người họa sĩ có thể luyện tập thực hành với nhiều chất liệu khác nhau, bằng các kiến thức về cấu tạo hình khối, sử dụng các thủ pháp diễn tả thông qua đường nét, hình mảng, đậm nhạt, mầu sắc. Xuất phát từ chính vai trò của nó vì vậy mà mục đích của ký họa cũng không nằm ngoài những điều này, mục tiêu cao hơn của ký họa chính là hướng tới để phục vụ cho quá trình sáng tác sau này. Đó chính là sự sáng tạo ra những sản phẩm vật thể hoặc phi vật thể chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng thẩm mỹ, mang tính chất văn hóa làm rung động cảm xúc, tư tưởng tình cảm cho người thưởng thức, người nghệ sĩ sáng tác ra cái hay cái đẹp để chúng ta được chiêm ngưỡng, chiêm nghiệm qua các giác quan, từ đó ngưỡng mộ bởi trình độ, tài năng kỹ thuật, kỹ năng, vượt lên trên mức thông thường phổ biến.

 

Tài liệu tham khảo: 1. Từ Hảo - Diêu Tùng Tùng, dịch giả Mai Đỗ -Thu Hường (2021), Bí quyết hội họa - luyện vẽ hình khối, Nhà xuất bản Thanh Hóa; 2. Vương Hoằng Lực (2014), Cuốn Nguyên lý hội họa đen trắng, Nhà xuất bản mỹ thuật, 2014; 3. https://vanvi.com.vn/hoi-hoa-qua-cac-chat-lieu.

N.H.V

(Nguồn: TC VNNB 265-5/2022)

Bài viết khác