Chủ nhật, 19/05/2024

Họa sĩ Cù Cao Khải đưa di sản cha ông vào đời sống đương đại

Thứ sáu, 18/10/2019

NGỌC MINH

Cách giữ gìn tốt nhất, không gì bằng việc thổi vào đó một hơi thở mới, và đưa những “di sản” ấy đến gần đời sống đương đại. Trải dài khoảng 1km ven biển Đà Nẵng, Bám biển  Nhả ngọc đang là cụm tác phẩm lớn nhất về quy mô trong hành trình kể chuyện quê của họa sĩ Cù Cao Khải (trên những tác phẩm của mình, anh thường ký “Kù Kao Khải” hoặc “3K”).

Ở cụm Nhả ngọc, Khải cách điệu con thuyền cổ dài 18m được trục vớt từ đáy đại dương thành trai biển khổng lồ (dài 30m, cao hơn 6m) nhả ngọc quý, bốt gác của bảo vệ được anh biến thành ngọn hải đăng. Với cụm không gian Bám biển là dãy thuyền lớn, nhỏ đan xen, Khải đã thể hiện nghệ thuật sắp đặt văn hóa.

Quê hương là nguồn sáng tạo

Phóng viên (PV): Những phù điêu, chạm khắc trong cụm tác phẩm của anh làm tôi nhớ đến mái đình làng. Thời thơ bé, chúng tôi vẫn thường nghểnh cổ say sưa ngắm từng cấu kiện được đẽo tạc tỉ mỉ ấy. Việc anh đưa những cấu kiện của không gian cổ vào cụm tác phẩm của mình hẳn là có những lý do đặc biệt?"

Họa sĩ Cù Cao Khải: Tôi đã đi nhiều làng quê nghiên cứu và rất thích, rất khâm phục nghệ thuật chạm khắc của cha ông. Ví dụ một ngôi nhà cổ, cùng là chạm khắc nhưng mái nhà của tầng lớp bình dân khác với mái nhà của tầng lớp thượng lưu. Ví dụ khác là các bản khắc gỗ làm tranh, ở Đông Hồ là những đề tài rất gần gũi như lợn đàn, chuột đàn… Cũng là chạm khắc, sang Hàng Trống lại là tranh thờ cúng phục vụ giới thượng lưu. Hay những bộ chạm khắc chọi gà, trai gái vui đùa ở đình làng Việt cổ xưa vốn rất đẹp. Ông cha ta đã hình thành nên con đường rất riêng, rất khác biệt với thế giới. Từ những giá trị kế thừa được của ông cha, tôi muốn đẩy nó lên để những giá trị truyền thống ấy đứng được với những tác phẩm đương đại.

PV: Các tác phẩm đoạt giải của anh trong những năm qua cũng được thể hiện trên gỗ. Ngoài yếu tố kế thừa và phát triển nghệ thuật chạm khắc của cha ông, việc anh chọn gỗ làm chất liệu sáng tác còn có lý do nào khác?

Họa sĩ Cù Cao Khải: Với sơn mài, người sống ở quê như tôi phải đối mặt với việc vận chuyển, cộng giá thành vật liệu đắt đỏ. Nếu là sơn dầu du nhập từ châu Âu thì vướng chuyện bảo quản, vì sơn dầu rất dễ bị nấm mốc ở khí hậu nhiệt đới gió mùa. Chưa kể chất lượng sơn dầu luôn là chuyện vàng thau lẫn lộn trên thị trường. Lụa vốn mềm mại và có cái đẹp, cái hay của nó nhưng lại không đủ độ “gấu” mà tôi mong muốn, không hợp với tính cách xù xì, gai góc của con người tôi.

Đặc thù chất liệu rất quan trọng trong việc thể hiện cá tính của tác giả. Tôi tìm đến gỗ vì nó “hợp” với tôi nhất và gỗ cũng hợp với những “chuyện quê” mà tôi muốn kể trên con đường sáng tạo của mình. Khi tôi sáng tạo trên gỗ, họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Lê Thông là thầy tôi rất ủng hộ. Các thầy động viên tôi “Hãy làm máu lửa lên, hoang dại lên; là gỗ, làm mỹ nghệ cũng rất oách”. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là với gỗ - những người đi trước mình, cha ông mình đã tạo tác được những sản phẩm rất giá trị rồi, thì mình, ngoài nhiệm vụ kế thừa, còn phải đẩy tiếp các giá trị đó lên.

PV: Anh dành không ít giải thưởng mỹ thuật cấp quốc gia nhưng sống hoàn toàn ở làng. Từ những tác phẩm đoạt giải đến cụm tác phẩm “Bám biển”, màu sắc văn hóa dân gian đều hiện lên rất rõ. Những câu chuyện anh kể cũng đều là “chuyện quê”: từ con gà mái xù lông ấp trứng, anh kể chuyện bản năng làm mẹ ở mọi giống loài; đến “Chuông”, anh kể về vùng đất vang vọng tiếng chuông nhà thờ đá, tiếng chuông chùa nhưng đang bị khí thải nhà máy xâm lấn nguồn lợi thủy hải sản, bóp nghẹt hơi thở con người. Có phải chính vì sống ở quê nên những ý tưởng của anh luôn lạ mà quen, ngôn ngữ thể hiện trong nghệ thuật sắp đặt cũ mà rất mới?

Họa sĩ Cù Cao Khải: - Tôi học ba năm ở trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương (nay là Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương), hai năm ăn ở bên Bát Tràng để học nghề gốm, rồi lại học lên hệ đại học của Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Chừng đó năm sống ở Hà Nội nhưng tôi chọn về làng vì tôi nghĩ, tôi thấy những giá trị văn hóa hay nhất, đẹp nhất, những điều bổ ích nhất để mình có thể học tập, có thể khoe ra và có thể dạy dỗ nhiều hơn thế hệ trẻ chính là những câu chuyện mà ông cha để lại; tất cả đều ở làng. Và tôi tự hào về việc sống ở làng.

Ninh Bình quê tôi là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có rừng Cúc Phương; có núi với không gian Tràng An, Tam Cốc, Bích Động; có biển… Người dân đánh bắt cá bằng đó, bằng lờ; có những bãi cói óng mượt và nghề dệt chiếu. Quê tôi còn là vùng văn hóa tâm linh với đền thờ vua Đinh, vua Lê… Quê hương gắn bó với tôi từ thơ bé, như máu thịt, thì chỉ trong không gian ấy, môi trường ấy, tôi mới có thể phát huy hết khả năng sáng tạo.

Phá bỏ định kiến

PV: Khi tôi đến nhà anh lần đầu, nhìn anh lúi húi ở xưởng với cưa, bào, chàng, đục… tôi còn nghĩ anh làm thêm nghề mộc. Một họa sĩ thành danh sống ở quê. Nếu không tận mắt chứng kiến anh đứng trên bục giảng, thì rất khó để hình dung anh làm nghề “gõ đầu trẻ” từ năm 2003 đến nay. Cũng khó để hình dung tác giả của cụm tác phẩm “Bám biển” đồ sộ giữa lòng Đà Nẵng lại là một anh giáo làng. Dường như anh đã phá bỏ không ít định kiến?

Họa sĩ Cù Cao Khải: - (Cười lớn) Nhiều người nghe nói tôi học sư phạm đã bảo: “Hắn có học điêu khắc đâu, có học hội họa đâu”. Đúng là tôi học sư phạm thì không chuyên sâu bộ môn nào dù các bộ môn đều được dạy. Tôi có lẽ là một trong số rất ít trường hợp vượt qua định kiến ấy vì hầu hết người học sư phạm nhạc họa ra đều trở thành những “hình mẫu” chỉn chu như bao thầy, cô giáo khác. Tôi nghĩ mình là người theo nghệ thuật, không lẽ mình chỉ làm sư phạm thuần túy?

Tôi muốn vượt qua việc một người thầy chỉ giảng dạy lý thuyết. Một người thầy thực sự phải làm tốt cả lý thuyết lẫn thực hành. Đó là phương pháp tốt nhất cho việc dạy học. Hiện nay có hàng ngàn giáo viên mỹ thuật như tôi nhưng số người vừa làm sư phạm vừa sáng tác thì rất ít. Các thầy cô không vượt qua được câu chuyện bảng đen, phấn trắng, dần dần sẽ cùn đi về chuyên môn nghề nghiệp. Đó cũng là điều tôi muốn phá bỏ.

Trước đây, tôi từng kể nhiều “chuyện quê” về miền biển của mình. Bà Cao Minh Trúc, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Empire, vô tình biết và đọc được về tôi nên đã âm thầm “điều tra”. Sau đó, bà Trúc nhờ họa sĩ Mạnh Đức cùng bay ra Hà Nội, về tận Kim Sơn tìm và đề nghị tôi làm một không gian về nghề đánh bắt hải sản truyền thống bao đời. Tôi hỏi sao bà tìm tôi mà không phải là người khác, thì bà trả lời chỉ có chất phóng khoáng của kẻ ưa làm những tác phẩm lớn như tôi mới hợp với Bám biển. Nên với cụm tác phẩm Bám biển, Nhả ngọc, có thể gọi vui đó là “công trình” tôi nhận tranh thủ thời gian nghỉ hè, không phải lên lớp.

Nghệ thuật là biến thứ bỏ đi thành thứ có ý nghĩa

PV: “Bám biển” là “công trình” không nhỏ. Tôi đã thấy hình ảnh đèn biển, trai quý nhả ngọc qua con mắt nghệ thuật của anh. Những con cá anh đẽo tạc rồi vẽ hoặc được anh tạo tác từ chính các cấu kiện cổ đưa về từ các làng chài lịch sử. Có vẻ đây là cuộc chơi công phu nhất, cũng như thể hiện được rõ nhất chất phóng khoáng, “hoang dại” của anh?

Họa sĩ Cù Cao Khải: - Bám biển là không gian đậm chất văn hóa truyền thống. Bám biển không đơn thuần là bày biện theo lối vui vui, dân gian thường thấy, mà phải là tác phẩm nghệ thuật đương đại. Và câu chuyện văn hóa đó, không gian đó, ký ức đó phải vươn tới đời sống hiện đại, gắn với sự phát triển đáng tự hào của Đà Nẵng. Tôi vừa là người làm bản vẽ, vừa là người thi công. Có “nhà tài trợ” nên tôi tìm những chiếc tàu cổ ở Vân Đồn (Quảng Ninh) và Đà Nẵng, thuê cần cẩu nhấc nó lên khỏi khu vực biển mà nó đã nằm im lìm suốt nhiều năm. Hầu hết tàu thuyền đều có “tuổi thọ” hàng trăm năm, vỏ hà ken đặc thân tàu đã ít nhiều mục ải.

Tôi và cộng sự còn đi khắp các ngôi làng ven biển từ Quảng Nam đến Đà Nẵng để tìm những cấu kiện gỗ từ các không gian cổ. Nhiều cấu kiện chạm khắc trong số đó đến từ các đình làng xưa cũ hoặc những ngôi nhà cổ bị “hạ giải”, thay thế lúc trùng tu.

PV: Việc anh đưa về những cấu kiện gỗ vốn bị người ta vứt bỏ khiến tôi nhớ đến tác phẩm “Đỏ” của anh. Tác phẩm ấy thể hiện bằng những chất liệu không giống ai. Đó là lớp lớp bình truyền, dây dẫn, phía dưới là đôi dép cao su, bên trên là chiếc mũ cối; nhìn vào đã thấy dư âm chiến tranh, sự hủy hoại, bệnh tật, tàn phế. Việc chọn những chất liệu “dị” - ngoài gỗ của anh, dường như đều có chủ ý?

Họa sĩ Cù Cao Khải: - Chất liệu gần với câu chuyện chính là cách chuyển tải nội dung tốt nhất trong nghệ thuật sắp đặt. Dù là cái rổ rách hay cái chổi cùn đều có “cuộc sống” và “câu chuyện” riêng. Chọn phế liệu làm chất liệu, tôi muốn nói câu chuyện, nghệ thuật, đến từ chính những gì gần gũi nhất với đời sống, và mình có trách nhiệm biến những thứ bỏ đi, những thứ vô tri bị coi là rác thải ấy thành thứ có ý nghĩa. Những cấu kiện gỗ người ta không sử dụng, tôi đưa về, ngoài chủ ý đó còn là trách nhiệm giữ gìn “di sản” của ông cha. Mà cách giữ gìn tốt nhất, không gì bằng việc thổi vào đó một hơi thở mới, và đưa những “di sản” ấy đến gần đời sống đương đại.

Việc sắp đặt cụm tác phẩm Bám biển của tôi là để làm sống động sự tương phản giữa đời sống hiện đại và những nét văn hóa cổ; vừa lạ, vừa gần gũi đời thường. Với Bám biển, tôi còn hy vọng người xem sẽ thấu được thông điệp bảo tồn đại dương nói riêng và bảo vệ thiên nhiên nói chung.

PV: Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

NGỌC MINH (thực hiện) 

Bài viết khác