Chủ nhật, 19/05/2024

NSND Mai Thủy giọng chèo vàng đất Hoa Lư

Thứ ba, 23/07/2019

CẢNH LINH
Thật tình cờ tôi được nghe NSND Mai Thủy hát bài “Về với đất mẹ Ninh Bình”, theo một làn điệu chèo, trong buổi lễ kỷ niệm 55 năm dân Ninh Bình lên phát triển kinh tế và văn hóa ở Tuyên Quang (10-1961/10-2016). Giọng hát trong trẻo ngọt ngào của Mai Thủy thu hút người nghe gợi nhớ những năm tháng phấn đấu không biết mệt mỏi của chị trên con đường dựng nghiệp…

                        

Từ “Trần tình” tuổi thơ đến những nàng công chúa

Nói đến bài “Trần Tình” là nói đến làn điệu chèo cổ, chất chứa tâm trạng của thân phận Thị Phương, trong tích chuyện “Trương Viên”. Phức tạp và ẩn giấu nỗi lòng cay đắng trong từng lời ca và giai điệu. Vậy mà cô bé Mai Thủy ngày nào mới 13 tuổi đã dám hát với trích đoạn “Trần tình”, để xin dự tuyển vào Đoàn múa rối Hà Nam Ninh (hồi còn ghép tỉnh năm 1983). Một câu chuyện như mơ đối với một cô bé nhà quê ở Yên Mô, Ninh Bình. Tâm sự với tôi, NSND Mai Thủy nói, lúc đó còn gầy còm nhỏ xíu nhưng được mẹ dạy suốt hai ngày, luyện từng con chữ, cho đến sáng hôm thứ ba ra đình dự thi.

Câu chuyện nàng Thị Phương dắt mẹ chồng chạy loạn gặp muôn trùng hiểm nguy, nhưng đã bằng mọi cách kể cả hy sinh thân mình để cứu mẹ chồng, đã làm cô bé Mai Thủy sụt sùi thương xót. Nhất là khi mẹ kể đến chuyện Thị Phương phải khoét mắt thay mẹ chồng và cắt thịt để cứu mẹ khỏi chết đói thì Mai Thủy không thể chịu được nữa và bất ngờ cất tiếng hát cháy ruột cháy gan với những câu ca: “Ới ông trời ơi…i..ì…í tới miếu ông thần linh. Người đòi khoét mắt mà để lòng thành kính dâng… Là bởi thế cho nên mù mịt mà tối tăm…i..í…ì học nghề đàn hát mà để kiếm ăn qua ngày. Tôi nuôi mẹ chồng, cắt thịt cánh tay…”. Giọng hát của cô bé Mai Thủy đã làm tan chảy lòng người, lấy được nước mắt của những giám khảo, trong buổi tuyển chọn. Đó là khởi đầu kỳ lạ của giọng chèo tý hon xứ Hoa Lư đất Cố đô Ninh Bình.

Sau hai năm được đào tạo, biên chế chính thức về Đoàn múa rối, nghệ sĩ trẻ Mai Thủy chuyên được phân vai công chúa. Với tài năng bẩm sinh, hát hay múa dẻo, diễn xuất chân thực và truyền cảm, Mai Thủy đã chiếm trọn những vai chính. Nào là công chúa Babudua trong vở “A-la-đanh và cây đèn thần”, Công chúa tóc vàng trong vở cùng tên; Còn nữa đó là vai Công chúa Ma-nô-la trong vở “Hoàng tử Xi Thom”, hay Công chúa Quỳnh Nga trong vở Thạch Sanh. Đặc biệt vai Công chúa tóc vàng của Mai Thủy đã được trao Huy chương Vàng trong hội diễn năm 1990. Khi đó cô vừa tròn 20 tuổi. Một cột mốc đầu tiên khẳng định một tài năng diễn xuất đầy triển vọng. Quả nhiên đến khi tách tỉnh (1992), nghệ sĩ Mai Thủy trở về Đoàn văn công Ninh Bình (tiền thân của Nhà hát Chèo Ninh Bình ngày nay), chuyên hát chèo và được phát huy sở trường diễn xuất của mình trên sân khấu. Đó là những vai diễn đặc sắc trong hàng chục vở chèo suốt 25 năm qua.

Một Xúy Vân nổi loạn cõi tình

Hàng chục năm lăn lộn với nghệ thuật chèo, nghệ sĩ Mai Thủy đã để lại ấn tượng khá sâu sắc, qua nhiều vai diễn Đào Thương (nữ chính). Ở vai nào Mai Thủy đều diễn hết mình với sự hóa thân sâu sắc và chân thực. Những làn điệu nhuần nhuyễn giữa giọng hát và động tác múa của Mai Thủy luôn có sức thu hút khán giả. Tự nhiên như cuộc sống vậy. Chân thực và say đắm đến từng chi tiết. NSƯT Bích Thục - thầy dạy chèo cho Mai Thủy đã nhận xét: “Mai Thủy bước ra sân khấu nhẹ nhàng, thanh thoát không tỏ ra diễn, mà đã sống cuộc đời của nhân vật. Chính điều đó làm xúc động lòng người”.  Khán giả không thể quên những nhân vật của chị như Kiều Nhi, trong trích đoạn “Thức dậy tình xưa” (HCV - Liên hoan chèo toàn quốc tại Ninh Bình); Hoặc vai Hồng Ngọc (HCV) trong vở “Hoa khôi dạy chồng”, Hội diễn chèo toàn quốc tại Thái Bình; hay vai A Hoàn Huy chương Bạc vở “Nước mắt vua Đinh”. Nhất là vai Xúy Vân trong với “Kim Nham”, tại Hội diễn chèo tại Quảng Ninh, năm 2001.

Nhắc đến nhân vật Xúy Vân, nghệ sĩ Mai Thủy không khỏi bồi hồi nhớ lại cảm xúc tươi mới, cho dù đã diễn ra cách đây hơn 15 năm. Đây là vai mẫu của làng chèo Việt Nam. Đồng thời Xúy Vân cũng là một thách thức với mọi nghệ sĩ, khi muốn vượt qua cửa ải “vũ môn”, để khẳng định tài năng của mình. Nếu nhìn về bản chất Xúy Vân phải giả điên, thoát khỏi ràng buộc (với chàng Kim Nham), để tìm đến tình yêu say đắm (với tên Trần Phương) là một cuộc nổi loạn chống phá những ràng buộc của luật định xưa cũ (Phá cũi xổ lồng). Do vậy nghệ sĩ cần diễn cho ra chất điên ý thức, với một ánh mắt mang tính giễu cợt phá phách. Tiếng cười và giọng hát trong cơn điên giả định nhằm che đậy thái độ phản kháng bên bên trong. Ánh sáng cơn rồ dại, sắc lém trong ánh mắt thăm dò thái độ của mọi người. Vậy nên giọng hát cũng lảnh lót và đanh nọc tạo nét bung phá một bức màn vô hình ngăn cách.

Nhưng khi đến với người mình yêu, Xúy Vân mới biết mình bị phản bội, bỏ rơi nên chịu muôn vàn cay đắng. Tâm lý nhân vật trở nên bi phẫn. Sự chuyển màu diễn xuất, từ phá phách đến đau khổ thất vọng, đòi hỏi thể hiện một cảm xúc sâu lắng từ bên trong. Thật không đơn giản. Chiều sâu tâm trạng nhân vật được thể hiện nỗi đau trong từng lời ca. Nghẹn ngào xót xa cho thân phận nữ nhi cô đơn. Lời lời nặng trĩu nỗi đau. Thật đắng lòng khi nghe Xúy Vân hát: “Tôi kêu đò, đò nỏ thưa. Tôi càng chờ, càng đợi, càng thưa chuyến đò”. Bi kịch đẩy đến tận cùng khi nỗi đau, xen lẫn sự tủi phận trong cuộc đời lận đận ăn xin, nơi cửa chùa. Xúy Vân gặp lại Kim Nhan đã phát điên vì sự tuyệt vọng và tìm đến cái chết. Đây là trường đoạn điên thật của nhân vật. Do đó, diễn ra màu điên thật khác sắc thái điên giả, cần đòi hỏi sự hóa thân cao độ mới lột tả được chính xác tâm lý vai diễn. Do đó người nghệ sĩ mới chuyển tải hồn cốt nhân vật đến với khán giả.

Tôi nghe nghệ sĩ Mai Thủy vừa dẫn giải câu chuyện, vừa cất tiếng hát minh họa, mới thấy nhân vật thực kỳ ảo. Chị giải thích vai Xúy Vân thuộc loại Đào Pha (Vai có hai tính cách trộn lẫn, khi là Đào Chín, lúc lại là Đào Lệch). Những đồng nghiệp của Mai Thủy nói, chị đã phải tập vai này ròng rã ba tháng liền. Mỗi ngày luyện hát ba buổi. Nhân vật đã ám ảnh Mai Thủy suốt ngày đêm. Sự hóa thân cao độ trong đêm liên hoan đã đem lại cho Mai Thủy nhận liền ba giải thưởng: HCV cho vai diễn; Diễn viên xuất sắc vai nữ Pha; và Bằng khen của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (2001). Hiếm có nghệ sĩ chèo nào trong cùng một hội diễn đạt nhiều thành tích như vậy. Cũng trong năm đó, nghệ sĩ Mai Thủy còn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Chị nhớ trong những chuyến đi phục vụ biên giới, hải đảo, hay đến những đơn vị thương bệnh binh, nơi nào khán giả cũng yêu cầu được xem trích đoạn “Xúy Vân giả dại”. Đó là một đỉnh cao của nghệ thuật chèo mà nghệ sĩ Mai Thủy tạo dấu ấn không thể nào quên.

Từ năm 2008 đến nay nghệ sĩ Mai Thủy được bầu giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình. Vậy là đã hơn 25 năm trôi qua, với thành tích đạt 6 HCV, 2HCB, 1 Giải xuất sắc vai nữ Pha và nhiều giải thưởng Văn học Nghệ thuật của tỉnh, nghệ sĩ Mai Thủy đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), năm 2015.

Thầy già con hát trẻ

NSND Mai Thủy sớm nghĩ đến công việc đào tạo những giọng hát chèo cho tỉnh nhà. Mỗi khi gặp học trò nhỏ, chị lại nhớ đến tuổi thơ của mình khi mới chập chững bước vào con đường nghệ thuật. Những lời ru của bà và mẹ lại hiện lên trong tâm khảm sâu đằm nỗi niềm quê hương. Đào tạo nghệ sĩ trẻ được coi như là một nghĩa vụ và tình cảm đối với sân khấu chèo mà NSND Mai Thủy đã theo đuổi hơn 30 năm qua.

Bốn khóa học sinh do NSND Mai Thủy đào tạo từ năm 2005 đến nay đã trưởng thành và trong số đó có những diễn viên chèo trẻ đạt được thành tích đáng khích lệ. Có thể kể đến các gương mặt sáng giá như diễn viên Anh Tú (1 HCV, 1 Giải triển vọng); Thanh Tuyền (1 HCV, 1 HCB và 1 Giải triển vọng), Ngọc Anh (1 HCV), Lan Anh (1 Giải triển vọng), Hải Lý…

Đúng như các cụ xưa truyền dạy, “Thầy già con hát trẻ”, NSND Mai Thủy đã thực hiện công việc đào tạo một đội ngũ diễn viên trẻ tràn đầy sức thanh xuân. Họ say mê sáng tạo và tiếp nối sự nghiệp của các nghệ sĩ lớp trước đã trọn đời cống hiến cho sân khấu chèo, một bộ môn nghệ thuật được ông cha gìn giữ hàng trăm năm qua.

                                                                                    C.L

 

 

 

Bài viết khác