Chủ nhật, 19/05/2024

Thơ và nhạc trong sáng tác của Đoàn Bổng

Thứ năm, 18/07/2019

HOÀNG LONG
Nhạc sĩ Đoàn Bổng sáng tác nhiều ca khúc, được tuyển tập trong  album “Dòng sông quê em, dòng sông quê anh” và trong tập “Tuyển chọn ca khúc Đoàn Bổng”, trong đó có những ca khúc được nhiều người yêu âm nhạc chú ý, như; “Dòng nước ân tình”, “Niềm vui trọn vẹn”, “Dòng sông quê em, dòng sông quê anh”, “Hà Nội, những kỷ niệm trong tôi”, “Hát về Người”, “Từ làng Sen hát tên Người”, “Hồ Chí Minh ngọn cờ hoà bình”…

Đoàn Bổng còn sáng tác nhiều tác phẩm Khí nhạc, tiêu biểu là: Hoà tấu dàn nhạc dân tộc “Làm theo lời Bác”, Rondo “Cây tre Việt Nam”, Độc tấu đàn bầu “Miền Nam son sắc một lòng”…Không chỉ sáng tác âm nhạc Đoàn Bổng còn sáng tác thơ. Thơ của ông đã được giới thiệu trên những tác phẩm “Đoàn Bổng – Nhạc và thơ” NXB Hà Nội 1996, “Nốt nhạc buồn” NXB Văn Học 1998, “Em và Đời” NXB Hội Nhà Văn 2002, “Tình yêu ơi” NXB Thanh Niên 2005.

Năm 2016 nhà xuất bản Dân Trí xuất bản cuốn sách có tên là Đoàn Bổng. Đoàn Bổng chính là tác giả của cuốn sách này. Đây có thể coi là một hợp tuyển văn học, âm nhạc của ông.

Hơn 250 trang với khổ sách 16x24 cm, phải nói đây là cuốn sách khá dày dặn, điều đó chứng tỏ tác giả là người lao động sáng tạo nghệ thuật miệt mài và say mê. Sách chia làm 3 phần. Phần thứ nhất, có tựa đề: Phác thảo chân dung.

Phác thảo chân dung nhưng thực ra là những trang hồi ký của Đoàn Bổng. Đoàn Bổng sinh năm 1943 trong một gia đình nông dân nghèo nhưng lại là cơ sở cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Gia đình ông đã từng nuôi dưỡng, cất giấu, bảo vệ nhiều cán bộ… Hồi nhỏ ông là một cậu bé ốm yếu do bị đẻ thiếu tháng, tuy vậy ông đã bộc lộ năng khiếu và sự say mê âm nhạc, bắt đầu từ việc có anh đội trưởng du kích rủ đánh trống ếch. Khi đi học, Đoàn Bổng thường được thầy giáo gọi lên hát trước micro vào các dịp khai giảng…

Cuộc đời của Đoàn Bổng có vui có buồn, có thăng có trầm, được ông ghi chép lại bằng hành văn dung dị, chân thật. Được kể lại qua từng mốc thời gian cụ thể, nó như một cuốn phim thời sự theo sát một đời người.

Qua “Phác thảo chân dung” bạn đọc được biết; Từ hồi còn trẻ Đoàn Bổng đã nổi tiếng là tài hoa. Năm 23 tuổi ông là thí sinh duy nhất tại khu vực Hà Nội thi đỗ vào khoa Sáng tác – Nhạc viện Hà Nội. Ra trường Đoàn Bổng về công tác tại Đài phát thanh Giải phóng. Đất nước thống nhất ông về công tác văn nghệ ở Đài Truyền hình Việt Nam. Ông đã từng giữ chức: Trưởng phòng Ca nhạc thuộc Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam trong một thời gian dài.

Ngay từ khi còn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, Đoàn Bổng đã có một số sáng tác khí nhạc như độc tấu đàn bầu và tốp nhạc dân tộc “Miền Nam son sắc một lòng”, độc tấu sáo trúc “Con suối bản em”, bản trio “Lời mẹ”, variation cho violon và piano “Cây tre Việt Nam” ... Khi ra trường Đoàn Bổng đã có một số tác phẩm được hát và được thu thanh, phát sóng tại Đài Tiếng nói Việt Nam như, “Dòng nước ân tình” “Niềm vui trọn vẹn”. Khi bài hát “Dòng sông quê em, dòng sông quê anh” ra đời và đến với công chúng yêu âm nhạc thì Đoàn Bổng mới được biết đến như một nhạc sĩ có phong cách dân gian. Sau đó nhiều ca khúc viết về Bác Hồ của ông như “Hát về Người”, “Hồ Chí Minh ngọn cờ hoà bình”. “Từ làng Sen con hát về Người” đã được phổ biến rộng rãi và được công chúng đón nhận. Đoàn Bổng cũng là một trong những nhạc sĩ dành nhiều tình cảm của mình trong những sáng tác về Hà Nội. Những ca khúc viết về Thủ đô đều được công chúng ghi nhận, đặc biệt là ca khúc “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”…

Đọc “Phác thảo chân dung” bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời của một con người, một nghệ sĩ tài hoa, với nhiệt huyết và tâm hồn dâng hiến cho nghệ thuật, càng thêm yêu mến ông hơn.

Phần thứ hai, có tựa đề Mấy áng thơ tình.

Phần này giới thiệu với bạn đọc 68 bài thơ, chủ yếu là thơ tình. Thơ tình của Đoàn Bổng được viết từ sự rung động, nhịp đập nóng hổi của trái tim khao khát tình yêu. Chính vì vậy nó đến với người đọc một cách thân thương và gần gũi. Bạn đọc dường như tìm được sự đồng cảm từ những mối chân tình của tác giả. Trong thơ Đoàn Bổng “Lời yêu thương” thật kỳ diệu “Lần đầu em nói yêu anh/ Lời yêu nhỏ nhẹ vẫn thành thi ca…” Và  “Lời của tình yêu” thì  thật da diết và cụ thể “Em lại bị nhớ anh rồi… Con tim em nó đập nhanh hơn lần trước/ Con mắt em nó không ngủ được…” Điều đó là hiển nhiên, yêu, rồi nhớ thì  con tim chắc hẳn phải đập nhanh hơn rồi, và con mắt hẳn phải thao thức suốt đêm để mà mong mà đợi. Theo tác giả, thì phụ nữ là mạch nguồn của cảm xúc sáng tạo, nếu không có một nửa của thế giới ấy thì tất cả đều vô nghĩa, vì vậy  trong “Tuyên ngôn năm 2000” ông viết: “ Trên thế gian/ Nếu cạn kiệt đàn bà/ Tôi quẳng bút ngay vào sọt rác/ Chẳng thèm làm thơ và viết nhạc…”. Sự xuất hiện của Em sẽ xua tan đi tất cả những phiền muội, với Đoàn Bổng, mà có lẽ với tất cả đàn ông nữa, gặp được em sẽ “Bão giông tan biến phía sau nụ cười…”. Tình yêu như đốm lửa. Đốm lửa sưởi ấm lòng ta, đốm lửa thắp lên trong ta niềm tin yêu và hy vọng “Đốm lửa tình nhen nhóm từ em/ Lan sang anh lúc nào không biết/ Được yêu chẳng bao giờ bị thiệt/ Chỉ thấy tim mình càng trẻ, khoẻ thêm”. Nụ hôn là biểu hiện sự nồng thắm của tình yêu đôi lứa, và nụ hôn trong “Ngày tình nhân” của Đoàn Bổng thật mãnh liệt “Nụ hôn mê đắm ngùn ngụt lửa/ Giây phút giao hoà thắm sắc xuân…” Trong mắt người đang yêu, mà người ấy lại là người làm thơ làm nhạc thì “Em” hiện lên như một nàng tiên trong cổ tích. Người thơ đã xin được trồng cây si trước một người đẹp xứ Mường bằng những câu thơ đằm thắm, bằng những lời ngợi ca vẻ đẹp “Em là hoa của núi/ Em là giọt long lanh của suối/ Em là tia nắng mới đầu xuân…”. Thơ tình Đoàn Bổng nhẹ nhàng, chân thật, không câu nệ, cầu kỳ câu chữ, có cảm giác như trong lòng ông nghĩ gì về tình yêu thì thơ ông thổ lộ ra vậy. Tuy vậy thơ vẫn hấp dẫn lôi cuốn người đọc, và sự giản dị chân phương lại là điều làm nên sự thú vị của thơ Đoàn Bổng.

Phần thứ ba, có tựa đề: Bài ca còn mãi.

Phần này giới thiệu với bạn đọc 68 ca khúc, trong đó có một số ca khúc Đoàn Bổng viết về Bác Hồ, nổi bật là “Hát về Người”, “Từ làng Sen con hát tên Người”, “Hồ Chí Minh ngọn cờ hoà bình”, “Hồ Chí Minh nhà thơ không của riêng mình”, “Việt Nam rạng rỡ tên Người”. Những ca khúc viết về Bác đã thể hiện được tấm lòng tôn kính, biết ơn của nhạc sĩ với lãnh tụ kính yêu. Đoàn Bổng viết khá nhiều ca khúc về Hà Nội, và ca khúc về Thủ đô của ông rất thành công, để lại nhiều ấn tượng cho người thưởng thức âm nhạc như “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi” “Hà Nội của tôi” “Hà nội đêm”. Ca khúc “Dòng sông quê em, dòng sông quê anh” là một trong những ca khúc hay của Đoàn Bổng. Ca khúc được viết với phong cách dân ca đã làm nên tên tuổi của Đoàn Bổng trong làng âm nhạc Việt Nam.  Những ca khúc đậm chất trữ tình như “Một ngày xa em”. “Tìm em”, “Yêu nhau trong hội hoa xuân” cũng là những ca khúc được nhiều người yêu thích. Đoàn Bổng viết nhiều về các địa phương, ở địa phương nào ông cũng khai thác được chất dân ca trong làn điệu của vùng miền đó, vì thế ca khúc viết về địa phương của ông luôn ngọt ngào, sâu lắng, như “Về Hà Tây đi em”, “Đảo ngọc Kiên Giang”, “Đêm sông Cầu”, “Phú Quốc miền quê cổ tích”, “Thường Tín quê mình”, “Nhớ về Vĩnh Yên”… Đặc biệt với mảnh đất Hoa Lư, Ninh Bình lịch sử Đoàn Bổng cũng dành sự mến mộ, và gửi gắm tâm hồn nhạc sĩ qua những ca khúc “Từ Hoa Lư đến Thăng Long, Hà Nội”, “Ký ức dòng sông Đáy”, “Nhịp cầu sông Đáy” và “Ninh Bình tình đất tình người”…

Nhạc sĩ Đoàn Bổng cả một đời gắn bó với sự nghiệp văn hoá. Nhiều ca khúc của ông xứng đáng là những ca khúc “Đi cùng năm tháng”.

                                                                    H.L

Bài viết khác