Chủ nhật, 19/05/2024

Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Quốc Nha nguyện một đời cống hiến và sinh tử vì nghề

Chủ nhật, 09/02/2020

BÙI HẰNG

Ngày 29/8/2019, có lẽ là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ Phạm Quốc Nha. Bởi ngày này, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 9 năm 2019; Và cái tên Nhạc công Phạm Quốc Nha được xướng danh Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). 

Đây là một vinh dự tự hào không chỉ riêng cá nhân ông, mà còn là niềm vui của những người dân tỉnh Ninh Bình yêu mến bộ môn nghệ thuật Chèo. Nhà hát Chèo Ninh Bình có thêm một NSƯT.

Khoảnh khắc vinh danh đã trôi qua nhưng vẫn còn đây nguyên vẹn cảm xúc, niềm hạnh phúc vô bờ không dấu nổi của người nghệ sĩ. Bởi với ông danh hiệu cao quý được Nhà nước công nhận chính là sự đáp từ cả một quá trình gắn bó tâm huyết với nghề, công sức của một con người lao động nghệ thuật đích thực trải qua quá trình rèn luyện, những bước thăng trầm trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật từ năm 1981 cho đến nay; danh hiệu đó còn chứng minh cho tài năng thực sự của ông cùng với tâm nguyện một đời cống hiến và sinh tử vì nghề.

Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trao tặng danh hiệu NSƯT cho nghệ sĩ Phạm Quốc Nha

NSƯT Phạm Quốc Nha tốt nghiệp Trung cấp hệ chính quy chuyên ngành nhạc Chèo, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình. Được biết đến là Nhạc công chính (Nhị I) của Nhà hát Chèo Ninh Bình. Với 38 năm cống hiến cho nghệ thuật, đứng sau ánh đèn sân khấu, ông đã đóng góp không nhỏ vào thành công trong các vở diễn. 06 vở diễn đạt huy chương Vàng, 02 vở diễn đạt huy chương Bạc; 03 trích đoạn đạt huy chương Vàng và 03 trích đoạt đạt huy chương Bạc. Ông nhiều lần được UBND tỉnh Ninh Bình, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam tặng bằng khen; Được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa thể thao, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

Được đào tạo bài bản, sau khi tốt nghiệp, năm 1980 NSƯT Phạm Quốc Nha công tác ở Đoàn Chèo tỉnh Hà Nam, trong vai trò là Nhạc công chính (Nhị II), từ năm 1982 - 1984 công tác ở Đoàn Chèo tỉnh Hà Nam Ninh; từ năm 1984 - 1987 là giảng viên Âm nhạc Chèo (Nhị I) tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Nam, sau đó ông lại trở về công tác tại Đoàn Chèo Hà Nam Ninh. Từ khi tái lập tỉnh năm 1992 đến nay ông công tác ở Đoàn Nghệ thuật Ninh Bình nay gọi là Nhà hát Chèo Ninh Bình.

Nói về những kỉ niệm trong sự nghiệp của mình, NSƯT giãi bày đó là thời kỳ những năm bao cấp, đi diễn nằm vùng ở địa phương, có lần diễn trên địa bàn huyện Hải Hậu, Nam Định, một tháng có thể diễn 26 đêm để phục vụ bà con xem Chèo; thời kỳ đói rét thiếu thốn mọi thứ, ban ngày đi bán vé, ban đêm ngồi đội mưa gió rét dưới sân khấu để biểu diễn. Anh em trong đoàn chuyền tay nhau điếu thuốc sẻ chia hơi ấm. Đó là quãng thời gian khó nhọc mà chứa đựng biết bao tình nghĩa của đồng nghiệp và nhân dân. Với ông đó không chỉ là sự tôi luyện, thử thách về nghề mà còn là quá trình lao động vì nghệ thuật đích thực của những con người yêu nghề và cống hiến hết mình cho nghề. Một kỉ niệm gần đây nhất mà NSƯT Phạm Quốc Nha chia sẻ đó là năm 2018, trong Chương trình kỉ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, ông được trung ương mời đích danh ông và NSND Mai Thủy biểu diễn tiết mục hát xẩm Đinh Tiên Hoàng Đế hiển linh (Lời Trần Đình Ngôn) trước rất nhiều quan khách, đại biểu cấp cao cùng đông đảo khán giả. Tiết mục đã chiếm trọn được cảm tình của khán giả. Còn gì vui hơn khi thước đo sự thành công của người nghệ sĩ chính là lòng yêu mến của khán giả, và chúng ta càng đồng điệu tri âm được cảm xúc của ông: “Vui lắm, phấn khởi lắm vì lúc đó mình được tự tin bộc lộ được đam mê của mình”.

Trong sự thành công chung của các vở Chèo, ta không thể không đề cập đến vai trò của âm nhạc. Bởi, âm nhạc Chèo là một trong những bộ phận cốt lõi tạo nên nghệ thuật sân khấu Chèo. Chèo là hình thức sân khấu kể chuyện thông qua diễn trò nên gắn bó đặc biệt với âm thanh của tiếng nhị, sáo, tiếng trống cùng với sức mạnh của cả một dàn nhạc. Dàn nhạc không chỉ đệm cho hát mà còn làm nền cho cảnh diễn, tạo tình huống mở màn cho vở diễn. Hát và đàn trong chèo luôn được kết hợp khéo léo tinh tế, ý nhị tạo nên một phong cách sân khấu riêng biệt, ăn sâu vào tâm khảm người Việt từ bao đời nay. Chia sẻ về vấn đề này, NSƯT Phạm Quốc Nha còn cho rằng: Trong nghệ thuật Chèo, âm nhạc có vai trò như người đỡ, bổ trợ cho diễn viên. Dưới ánh đèn sân khấu, có thể khán giả không biết mặt nhạc công, chỉ khi tiếng đàn, tiếng nhị, tiếng gõ cất lên, người am hiểu về âm nhạc mới thẩm thấu được người chơi nhạc là chơi hay hay chơi dở… tiếng nhạc phải thể hiện được tiếng lòng của nhân vật, hòa nhập vào tâm trạng của người diễn viên. Người nhạc công là những người lao động thầm lặng. Và đây cũng là thiệt thòi đối với những người nhạc công. Họ không như những diễn viên được trực tiếp diễn xuất trên sân khấu qua các cuộc thi giành được những huy chương, là một trong những tiêu chí để xét tặng danh hiệu còn những người nhạc công thì chưa có cuộc thi nào dành riêng cho họ. Và, cơ hội đã đến với nghệ sĩ Phạm Quốc Nha (tuy hơi muộn) khi đợt xét tặng danh hiệu lần này có thêm tiêu chí Nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên”. Với những tiêu chí này cùng với những thành tích đã đạt được, ông đã đạt 100% số phiếu xét tặng Danh hiệu NSƯT.

Những năm gần đây vai trò của người nhạc công trong dàn nhạc đã được khẳng định vị trí của mình, được coi trọng và được quan tâm hơn, đó là lời chia sẻ cởi mở chân tình của NSƯT Phạm Quốc Nha. Ông không giấu được niềm tự hào khi sống dưới mái nhà chung là Nhà hát Chèo Ninh Bình, những đồng nghiệp đã cùng ông gắn bó làm nên sự phát triển chung của Nhà hát Chèo. Và cũng rất tự hào khi vùng đất kinh đô Hoa LưNinh Bình từ thời nhà Đinh xưa đã là quê hương của nghệ thuật sân khấu Chèo, hiện nơi đây vẫn là một trong những cái nôi Chèo ở Việt Nam.

Danh hiệu NSƯT là phần thưởng cao quý nhất mà Nhà nước dành tặng cho nghệ sĩ Phạm Quốc Nha. Cùng dự và chúc mừng NSƯT Phạm Quốc Nha có đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó giám đốc Sở, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tặng hoa chúc mừng và động viên NSƯT Phạm Quốc Nha tại buổi Lễ trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 9 năm 2019.

B.H

Bài viết khác