Chủ nhật, 19/05/2024

Hát xẩm ở Ninh Bình

Thứ hai, 07/10/2019

NGUYỄN QUANG HẢI 

Trên vùng đất Ninh Bình có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa rất nổi tiếng. Ninh Bình có cố đô Hoa Lư đến nay đã nghìn năm. Trên vùng đất cố đô và ven đô từ xa xưa hẳn đã hình thành và lưu tồn “văn hóa kẻ chợ”. Đó chính là điều kiện, môi trường để các nghệ nhân dân gian xưa kia, trong đó có những người hát rong (hát xẩm) hành nghề kiếm sống.

Sử sách cũ cho biết: Thời Đinh, thế kỷ X có bà Phạm Thị Trân là người rất giỏi nghề ca hát, được nhà vua cho vời vào kinh đô Hoa Lư. Bà chuyên dạy múa hát cho các ca công và cho cả quân sĩ để biểu diễn vào những dịp lễ tiết và những buổi vui giải trí trong cung đình. Bà được nhà vua trọng dụng, phong chức Ưu Bà.

Những điệu hát từ thời nhà Đinh về sau được kế thừa, phát triển thêm đa dạng, phong phú, và được lưu truyền rộng rãi trong dân gian từ đời này sang đời kia. Từ đó mà dần hình thành nên những loại hình ca nhạc dân gian, lưu tồn ở những địa điểm khác nhau. Trong các lễ hội ở các đền, miếu, phủ có hát chầu văn; ở các chùa chiền có hát lễ chạy đàn; trên sân các đình làng có hát chèo…

 

Tiếp nối                                          Ảnh: NGỌC KHÁNH

Trong lễ hội Trường Yên ở cố đô Hoa Lư, một lễ hội nổi tiếng từ xưa, ngoài những diễn xướng dân gian “chính thống” như kéo chữ, múa hát Cờ lau tập trận còn có nhiều trò chơi dân gian khác. Trên đường vào đền Đinh, đền Lê thường có hát xẩm.

Về hát xẩm cổ truyền, trên vùng đất Ninh Bình xưa có nhiều nghệ nhân- là người địa phương hoặc là người đến đây từ những địa phương khác để hành nghề. Qua các thế hệ nghệ nhân mà nghệ thuật hát xẩm được chắt lọc, sáng tạo, bổ sung, tạo nên một loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp- một di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng.

Địa điểm, không gian hát xẩm: Các nghệ nhân hát xẩm xưa nay thường hành nghề ở những nơi tập trung đông người như: chợ búa, bến tàu, bến xe, nơi những ngã ba đường, tại các dịp lễ hội hoặc họ có thể đi hát rong trên đường. Họ nay đây mai đó chứ ít khi ở cố định một nơi nhiều ngày.

Cơ cấu gánh hát: Các nghệ nhân hát xẩm hầu như không có phường hội cồng kềnh. Thường là mỗi nhóm người hát xẩm (gánh xẩm) đều thuộc một gia đình. Có thể coi đó là một “gia đình nghệ thuật”. Mọi khâu đều được khép kín: Từ việc sinh hoạt, hành nghề biểu diễn đến đào tạo người đàn, hát theo kiểu truyền nghề, kèm cặp tại chỗ (gia truyền). Cách thức hoạt động hành nghề rất giản đơn, mộc mạc, bình dân. Một góc chợ, một quãng đường phố, một bến xe…là nơi biểu diễn của gánh hát xẩm.

Một gia đình hành nghề hát xẩm thường lang thang thừ thôn quê đến thành thị, nghỉ đâu là nhà đấy, ngủ đâu là giường đấy, màn trời chiếu đất, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Nếu không hát thì không có được chút tiền mọn để lần hồi sinh sống cho qua ngày đoạn tháng. Với quan niệm cũ trước kia, không ít người coi thường, coi rẻ nghệ nhân hát xẩm do chưa thông cảm với hoàn cảnh của họ và cũng chưa hiểu biết hết những điều tích cực, bổ ích mà những nghệ nhân hát xẩm đóng góp cho xã hội.

Về thể thức hát xẩm: Trong mỗi nhóm người hát xẩm thì bao giờ cũng có một người hát chính. Người hát chính thuộc nhiều bài bản, nhiều làn điệu. Khi hát, người hát chính tự đệm nhạc bằng đàn nhị (hồ, líu) hoặc bằng đàn bầu.

(Đàn bầu dùng cho nghệ nhân hát xẩm có cần rung cao hơn so với đàn bầu thông thường. Đó là một thanh tre dài khoảng 40 cm, một đầu chống vào mặt đàn, một đầu nâng dây đàn lên thành hai khoảng, nên chỉ có một dây đàn mà có hai cung bậc).

Ngoài người hát chính có thể có người hát phụ - phần lớn đó là những người tập nghề, là con cái nghệ nhân. Những người này thường hát đệm, hát theo, hát đế, đánh trống mảnh, gõ phách, gõ sênh. Khi người hát phụ đã thành nghề thì có thể  thi thoảng đảm nhận vai trò người hát chính.

Nội dung các bài hát xẩm: Các bài hát xẩm cổ truyền thường có nội dung đề cập tới tình cảm của con người trong mối quan hệ cha mẹ và con cái, quan hệ yêu đương và các quan hệ xã hội, về thân phận con người trong nhiều cảnh ngộ của đời sống.

Chẳng hạn như bài “Công cha nghĩa mẹ sinh thành” nói về mười điều ân nghĩa của cha mẹ đối với con cái. Đặc biệt là công lao của người mẹ từ lúc mang thai cho đến khi sinh nở, “mang nặng đẻ đau” và cả quá trình nuôi dạy con cái từ thơ bé cho tới khi trưởng thành. Người mẹ nào cũng tất cả vì con, chỉ mong con khôn lớn nên người.

Về các làn điệu hát xẩm chủ yếu: Trong hát xẩm có một số làn điệu độc đáo, mang đặc trưng của một dòng hát dân gian chuyên nghiệp. Các làn điệu đặc trưng của hát xẩm nhìn chung là tha thiết, trữ tình, tâm sự và không kém phần sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn.

 Điệu “Thập ân” là một điệu hát rất phổ biến trong hát xẩm, được coi là điệu hát “vào nghề” nên nghệ nhân hát xẩm nào cũng sớm biết và thường cứ mỗi khi bắt đầu, dù ở đâu cũng hát điệu này.

Tên gọi “Thập ân” (mười ân nghĩa) mang nội dung nói về mười điều ân nghĩa của cha mẹ đối với con cái, mang đặc trưng của sự giãi bày, tự sự bằng ca nhạc, miêu tả sự khắc khổ trong nhiều cảnh ngộ của đời sống.

Nghệ thuật hát xẩm xưa kia bị nhiều người xem là rẻ rúng, bởi người ta coi đó là thứ “hát đường hát chợ”. Nhưng nếu những ai nghe thấu được bài xẩm “Thập ân” thì sẽ cảm nhận được rằng: Nghệ thuật hát xẩm thật là nhân văn, cao quý

 Điệu “Ba bậc” tuy cũng được xây dựng theo điệu thứ nhưng không mang tính “kể lể” như điệu “Thập ân” mà nỗi niềm vẫn được giãi bày một cách rất tình cảm, dung dị.

  Điệu “Huê tình xẩm chợ” nhằm nhủ khuyên qua những lời mang nội dung tâm sự, dặn dò.

 Điệu “Hà liễu” được cấu trúc ở điệu trưởng nhưng giai điệu lại trữ tình, tha thiết.

Khoảng vài chục năm trở lại đây chúng ta thấy xuất hiện những nghệ nhân hát “xẩm mới”. Sở dĩ gọi là “xẩm mới” là vì các nghệ nhân hát rong này không hát những bài xẩm có làn điệu cổ truyền, mà ca những bài tân nhạc hoặc những bài “tân cổ giao duyên”. Những bài tân nhạc là những bài mới được sáng tác gần đây, hoặc dựa theo giai điệu của một bài hát nào đó mà đặt ra những lời ca có nội dung khác với bài gốc. Nhạc cụ đệm khi hát “xẩm mới” thường là đàn ghi ta, hát qua máy phóng thanh chạy bằng nguồn điện từ bình ắc quy. Những nghệ nhân này cũng đã góp phần phục vụ công chúng bằng ca nhạc. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là làm thế nào giúp họ có được những bài ca hay để đem đến cho người nghe.

Hát xẩm là một loại hình ca nhạc dân tộc độc đáo. Đó cũng chính là một hình thức tuyên truyền bằng văn nghệ rất có tác dụng. Chúng ta cần học tập, cần bảo tồn, phát huy được mặt tích cực, tác dụng của hát xẩm, làm cho hát xẩm sống mãi trong lòng dân.

Tuy nhiên, cho đến hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chỉ còn lại duy nhất  nghệ nhân hát xẩm cổ truyền là cụ Hà Thị Cầu. Nay cụ đã gần 90 tuổi, ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô. Cụ được mệnh danh là “người hát xẩm qua hai thế kỷ”.

Cụ Hà Thị Cầu gắn bó với một cây đàn nhị (còn gọi là cây líu) như vật bất ly thân đã gần bảy mươi năm trôi qua. Đây quả là một trường hợp rất hiếm thấy. Bát (bầu) cây nhị này được bọc bằng một loại da thú bào mỏng. Cụ cho biết: Cụ chỉ biểu diễn hát xẩm được với cây nhị “tri kỷ” duy nhất này mà thôi.

 Với trên bảy mươi năm hành nghề. Cụ là người có một bề dày thời gian, công sức giữ gìn và có những đóng góp sáng tạo độc đáo vào di sản nghệ thuật hát xẩm cổ truyền và có công lao truyền dạy nghệ thuật hát xẩm cho những thế hệ con cháu.

Việc bảo tồn nghệ thuật hát xẩm, một di sản văn hóa nghệ thuật dân gian phi vật thể đang có nguy cơ mai một do thất truyền là rất cấp thiết. Trên cơ sở những kết quả bảo tồn này, nghệ thuật hát xẩm cổ truyền mới có được điều kiện cần thiết để không bị mãi mãi rơi vào quên lãng về sau, để có thể tìm được những vùng đất sống mới (chẳng hạn trên sân khấu, qua làn sóng điện, lên màn hình, mạng internet…) cùng với các loại hình nghệ thuật dân tộc cổ truyền khác, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong thời kỳ hiện nay và cho mai sau.

N.Q.H

 

Bài viết khác