Chủ nhật, 19/05/2024

Nổi chìm văn nghệ làng quê

Thứ ba, 07/09/2021

NGUYỄN QUANG HẢI 

Văn nghệ làng quê Việt Nam đã được sản sinh ra từ thuở mới hình thành làng quê Việt Nam. Nhận định như vậy chẳng e dè rằng chủ quan, võ đoán. Bởi đó là kết quả sưu tầm, nghiên cứu của các thế hệ ông cha ta.

Vậy, thuở chưa có làng quê Việt Nam thì đã có văn nghệ của dân tộc Việt Nam hay chưa? Thưa rằng: Có. Đó là văn nghệ thời kỳ các bộ lạc, bộ tộc, là thời kỳ sơ sử, thời kỳ dựng nước.

Những dấu tích văn nghệ (chủ yếu là nghệ thuật) còn lưu lại trên trống đồng Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn có niên đại trước Công nguyên tới khoảng ba trăm năm. Đó là các báu vật vô giá của người Việt cổ, mang giữ được nhiều tinh hoa văn hóa từ thời các vua Hùng. Trống đồng Đông Sơn minh chứng về: Nghệ thuật điêu khắc, kỹ năng chế tác và trình độ đúc đồng tuyệt diệu của tổ tiên người Việt. Trên mặt mỗi trống đồng (nhiều loại) có khắc họa theo lối mộc mạc, chân thật về cảnh tượng sinh hoạt đời sống thường ngày và cả sinh hoạt văn nghệ thời Hùng Vương. Đó là: Các hình người hóa trang bằng lông chim, cảnh người múa hát, hình tượng chim Lạc bay, hình mặt trời tỏa xa ánh sáng…

Nhiều trống đồng Đông Sơn đang được lưu giữ trong các nhà bảo tàng ở Việt Nam, nhưng còn có biết bao trống đồng đang tàng ẩn sâu dưới lòng đất Việt, hoặc đã bị lấy đem đi?!

Trở lại làng quê (làng, thôn, bản của người Việt) thì được biết: Các làng quê Việt đã hình thành, mà theo đó là sự hình thành chế độ phong kiến Việt Nam, dù tự chủ, tập quyền hay những chặng dài lịch sử Bắc thuộc, rồi sau đấy thì thuộc Pháp cho đến trước ngày 2/9/1945.

Văn nghệ làng quê Việt Nam gồm có: Tục ngữ, ca dao, dân ca, nghệ thuật biểu diễn, hội họa, điêu khắc, v…v... Đó là cả kho tàng văn hóa, văn học - nghệ thuật dân gian vô cùng phong phú và đặc sắc. Từ thuở ông cha ta hãy còn chưa có chữ viết. Kể cả khi đã có chữ viết rồi thì văn nghệ dân gian vốn khởi nguồn từ các làng quê vẫn được sáng tác và lưu truyền như một mạch nguồn vô tận, sâu xa, là “văn nghệ gốc”, “văn nghệ mẹ” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Về văn xuôi, có: Thần thoại, cổ tích, tục ngữ, thành ngữ, truyền thuyết. Về thơ ca, có: Ca dao, dân ca, thơ ca hò vè dân gian (văn vần), đặc biệt phong phú nhất là khi đã có thơ lục bát. Văn nghệ làng quê được những người “có khiếu, có tài” trong nhân gian sáng tác ra, rồi lưu truyền qua lối “truyền khẩu”. Các nhà sưu tầm - nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, mà chủ yếu, phần đa là ở các làng quê Việt Nam đã có công lao to lớn sưu tầm văn nghệ dân gian, văn nghệ làng quê Việt Nam, tập hợp thành tài liệu, xuất bản thành sách, hoặc phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng như: Phát thanh, truyền hình rộng rãi khắp trong và ngoài nước.

Chợ quê                            Ảnh của Dương Duy Khang 

Các loại hình: Hội họa, điêu khắc, kiến trúc của người Việt xưa thì đến nay đã và đang “chìm nổi” vô vàn. Về phần “nổi”, ấy chính là: Các hiện vật, tác phẩm, công trình, hay một phần công trình đang hiện hữu đây đó ở các làng quê như: Đình, đền, chùa, nhà thờ, miếu mạo và những công trình, tác phẩm được khảo cổ, sưu tầm rồi được trưng bày, bảo lưu trong bảo tàng (các dạng, quy mô khác nhau). Song cũng có biết bao nhiêu các công trình, tác phẩm, hiện vật văn hóa, văn nghệ dân gian vẫn còn ẩn sâu dưới lòng đất?

Xưa kia, văn nghệ làng quê thường được tổ chức và diễn ra tại sân đình làng. Đình làng là nơi thờ cúng thành hoàng làng và cũng là “trụ sở” của làng. Vào các dịp xuân, thu lễ tiết, sân đình là nơi cố kết cộng đồng làng bền chặt lâu đời. Vì vậy, sân đình là không gian văn nghệ làng quê hầu như duy nhất.

Văn nghệ làng quê ở vùng đồng bằng Bắc bộ xưa chủ yếu là nghệ thuật chèo. Để có được một đội (hay phường) chèo cũng công phu lắm. Người ta phải chọn lựa ra cho được các “hạt nhân văn nghệ” để làm trụ cột, làm khung. Đó là những người có năng khiếu và say mê nghệ thuật về hát, múa, diễn, hoặc có năng khiếu chơi các nhạc cụ dân tộc. Hoạt động của đội, phường ra sao cũng thật nan giải. Các đội chèo (xưa thường gọi là “chiếu chèo”) lưu tồn được là do tự cấp, tự túc. Còn những đồng tiền được dành cho từ quỹ của làng thì chẳng thấm tháp gì.

Ấy vậy mà từ người lớn tới trẻ con đi xem văn nghệ trước kia sao họ háo hức thế. Sau bữa cơm chiều vào hôm có văn nghệ thì bà con nô nức rủ nhau đi xem. Nơi không có sân đình thì người ta biểu diễn văn nghệ ở sân đội sản xuất. Ánh sáng được đốt lên bằng lửa củi, về sau này mới có đèn măng sông… Văn nghệ làng quê cũng được biểu diễn vào dịp hội làng.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhất là vào những năm Mỹ ném bom phá hoại miềm Bắc nước ta, văn nghệ làng quê cũng chìm đi hay ẩn khuất đâu đó dưới lũy tre làng. Đài bán dẫn là phương tiện chuyển tải văn nghệ được xem là duy nhất. Nhưng đài cũng rất hiếm, ít ai sắm được. Còn nhớ: Các chương trình đặc sắc, hấp dẫn của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam mà ai ai cũng háo hức nghe, ngoài chương trình thời sự, có các chương trình: Dân ca, nhạc cổ truyền, Kể chuyện cảnh giác, Sân khấu truyền thanh,… Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì hệ thống loa truyền thanh ở các thôn làng khá phổ biến, đời sống tinh thần của dân làng được cải thiện rõ rệt, tươi vui.

Trong đời sống ngày nay, với các phương tiện thông tin như: Ti vi, đài phát thanh, internet,… thì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật dân gian nơi làng quê hầu như không còn. Mà các phường, đội văn nghệ làng quê cũng đã giải tán từ lâu.

Đặc biệt, có loại hình như Ca trù (còn cọi là Hát cô đầu, Hát nhà trò, Hát nhà tơ), xưa thường dành cho các bậc vương giả, quan lại, tao nhân mặc khách, là một loại hình ca hát chuyên nghiệp, bác học, tuy xưa vẫn có ở làng quê nào trù phú, mà phổ biến hơn là ở nơi thị thành thì nay đã và đang lùi vào dĩ vãng. Phải chăng câu “xướng ca vô loài” do bậc Nho gia nào đó xưa kia nói ra đã vận vào thân phận các đào, kép, để đến bây giờ, ca trù chỉ là “đặc sản”, nhưng ngày càng xa lạ. May thay, vào tháng 10 năm 2009, Ca trù được UNESCO phát bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - nhưng: Cần phải bảo vệ khẩn cấp.

Như đã nói, các đội văn nghệ làng quê nay đã mai một đi nhiều lắm, cùng với sự mai một của cảnh “Cây đa, bến nước, sân đình” từ bao thuở, mà nay không còn phù hợp với nhịp sống thời hiện đại nữa?

Riêng ở tỉnh Ninh Bình, các chiếu chèo truyền thống còn được bảo lưu, tuy ít ỏi ở các huyện: Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô, Nho Quan,…

Được nghe và xem hát, diễn văn nghệ truyền thống qua đài phát thanh, đài truyền hình thì ngày nay vẫn có. Nhưng dù sao cho bằng được nghe, xem văn nghệ làng quê ở ngay nơi làng quê, nhất là ở nơi chôn rau cắt rốn. Ở đó, khi đó người hát, diễn, người đàn, sáo, nhị và người nghe, xem mới có được sự cộng cảm, ân tình, sự mến mộ tự đáy lòng.

 Văn nghệ làng quê đang “nổi ít, chìm nhiều”. Ai mà cứu vãn được cơ đồ nữa. Văn nghệ làng quê ơi.

N.Q.H

(Nguồn: TC VNNB 254-8/2021)

Bài viết khác