Chủ nhật, 19/05/2024

Sự tích Phủ Kình Thiên

Thứ hai, 09/12/2019

LÊ DOÃN ĐÀM 

Ở phía Đông, trong cố đô Hoa Lư, có một ngôi phủ, mang tên: Phủ Kình Thiên (Phủ Vườn Thiên), xưa thuộc xứ Đông Lân, nay là thôn Đông, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Phủ Kình Thiên tọa lạc trên một gò đất cao giữa cánh đồng Vườn Thiên, lưng quay phía Đông Bắc, mặt nhìn hướng Tây Nam, cũng là nhìn về trung tâm kinh đô của vua cha. Phủ Kình Thiên thờ thái tử Lê Long Thâu, con trưởng của vua lê  Đại Hành tức Lê Hoàn. Trong phủ còn bài vị đề: Kình Thiên Đại Vương. (擎  天  大  王). Gọi là phủ nhưng quy mô lại giống như một khu đền thờ các bậc Đế, Vương thu nhỏ, kiến trúc theo kiểu chữ Môn (門). Phía trước là Khai Môn Phủ (cổng phủ). Phía trong là tam cung gồm: Chính cung, Tả cung và Hữu cung. (Cung giữa, cung bên trái và bên phải cùng nhìn vào sân ở phía trước). Chính cung là nơi phụng thờ Kình Thiên Đại Vương, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (丁). Gian ngoài là “Bái Đường”, gian trong là hậu cung “Chính Tẩm”. Trong hậu cung Chính Tẩm có bệ tam đẳng (ba cấp) . Thượng đẳng có ngai, trong lòng ngai có thần chủ bài vị đề hiệu vị: Kình Thiên Đại Vương (擎  天  大  王), trung đẳng có bát hương tôn thờ Kình Thiên Đại Vương; hạ đẳng có bát hương tôn thờ Thổ Công, công đồng, phía ngoài là “Hương Án Linh Sàng” (bàn thờ) nơi đặt lễ vật dâng tiến. Cung bên trái là Tả Thanh Trù, cung bên phải là Hữu Thanh Trù, khoảng giữa là sân phủ lát gạch, tựa như sân Rồng ở cung điện thuở xưa, qua thời gian trùng tu, nay sân phủ đã lát bằng những tấm đá xẻ.

Phủ Kình Thiên 

Theo chính sử, thông sử và dã sử đều chép Kình thiên Đại Vương là Thái Tử, con trưởng của vua Lê Đại Hành, tên thường và tên tự là Lê Long Thâu. Năm 989 Lê Long Thâu được phong là Kình Thiên Đại Vương. Ông được vua cha giao việc trông coi, cai quản tháp Tư Thiên (Ghềnh Tháp)(1). Tháp Tư Thiên(2) là đài quan sát, đo gió mưa, dự báo thời tiết của kinh đô Hoa Lư, nước Đại Cồ Việt(3).

Năm 991, sứ giả của nước Tống là Tống Cảo, sau khi đi sứ sang nước Đại Cồ Việt về, tâu với vua Tống rằng: “Ở Hoa Lư có một cái tháp nhiều tầng, kết bằng gỗ dựng lên, hình dáng hơi thô lậu. Lê Hoàn có mời bọn hạ thần lên đó xem. Lê Hoàn hỏi: Bên thương quốc có cái tháp như thế này không? Ấy là tháp đo khí hậu. Khí hậu nước này không rét, giữa tháng chạp mà vẫn mặc áo đơn, dùng quạt”. Do công việc trông coi tháp Tư Thiên đo khí hậu, mà Lê Long Thâu được vua cha phong là Kình Thiên(4) Đại Vương!

Chính sử, thông sử chép: Vua cha Lê Hoàn có tới mười một hoàng tử là con ruột và một người con nuôi, tất cả đều được phong Vương và có một Công Chúa út, đó là: Thái Tử Lê long Thâu, năm 989 phong là Kình Thiên Đại Vương; Lê Ngân Tích, cùng năm 989 phong là Đông Thành Đại Vương; Lê Long Việt, năm 989 phong là Nam Phong Vương; Lê Long Đinh, năm 991 phong là Ngự Man Vương, đóng ở Phong Châu Thanh Hóa; Lê long Đĩnh, năm 992 phong là Khai Minh Vương, đóng ở Đằng Châu, xã Bắc Kiến, Kim Động Hải Dương. Sau làm Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế; Lê Long Cân, năm 991 phong là Ngự Bắc Vương đóng ở Phù Lan; Lê Long Tung, năm 993 phong là Định Phiên Vương; Lê Long Tương năm, 993 phong là Phó Vương, đóng ở Đỗ Động Giang Hà Tây; Lê Long Kinh, năm 993 phong là Trung Quốc Vương, đóng ở Càn Đà Mạt Liên, Năm 1005 bị giết chết; Lê Long Mang, năm 994 phong là Nam Quốc Vương đóng ở Vũ Lung; Lê Long Đề, năm 995 phong là Hành Quân Vương đóng ở Bắc Ngạn Cổ Lãm; Con nuôi Dương Hy Liễn, năm 995 phong là Phù Đái Vương, đóng ở Phù Đái.

Theo dã Sử tương truyền, vua Lê Hoàn có 02 công chúa là: Lê Thị Phất Kim, ứng với điềm vua cha cày ruộng tịch điền ở chân núi Đọi, được hũ vàng, sau hoàng hậu sinh ra công chúa, vua bèn đặt tên là Phất Kim (Phất Kim có nghĩa là có Phúc được vàng). Công chúa Phất Kim sau xuất gia, đi tu theo Phật giới. Tương truyền công chúa Phất Kim tu tại “Nhất Trụ Tự” (chùa Nhất Trụ), nay thuộc thôn Nam (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình). Lê Thị Phất Ngân, ứng với điềm năm sau, vua cha cày ruộng tịch điền ở Bàn Hải, lại được hũ bạc, sau hoàng hậu sinh được công chúa út, vua bèn đặt tên là Phất Ngân (nghĩa là có phúc được Bạc). Sau Công chúa Phất Ngân lấy chồng là Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn lên làm vua, Phất Ngân được phong là: Linh Hiển Hoàng Thái Hậu.

 Lê Long Thâu là Thái tử đến năm 1000 thì ông mất. Năm 1005 vua Lê Hoàn băng hà, gọi là Lê Đại Hành (sau lấy đó làm thụy hiệu). Các hoàng tử là Đông Thành Vương Lê Ngân Tích, Nam Phong Vương Lê Long Việt và Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh, ba vương tranh nhau ngôi vua, giằng co 08 tháng ròng, trong nước khi đó không có chủ. Đông Thành Vương Ngân Tích bị thua chạy vào đất Cửu Long(5), Long Việt đuổi bắt, Ngân Tích lại chạy sang đất Chiêm Thành, chưa vào tới nơi đã bị người Chiêm ở châu Thạch Hà giết chết tại cửa biển Cơ La (nay là Kỳ La)(6). Lê Long Việt sau lên ngôi làm vua được 03 ngày thì bị Lê Long Đĩnh là em cùng mẹ giết chết.

Mùa Đông năm Ất Tỵ, Long Đĩnh lên ngôi làm vua, tôn hiệu là: Khai Thiên Ứng Vận Thánh văn Thần Vũ tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế. Long Đĩnh làn việc càn rỡ, tàn bạo, giết vua cướp ngôi, thích dâm đãng, hoang dâm vô độ, sau mắc bệnh trĩ, khi ra ngự triều không ngồi được, phải nằm, do vậy mới có tên là Ngọa Triều (ngọa có nghĩa là nằm). Long Đĩnh Ngọa Triều ở ngôi được 04 năm, rồi băng ở tẩm điện, thọ 24 tuổi (986 -1009).

Sau khi Ngọa Triều băng. Lý Công Uẩn là “Phò Mã” (con rể) của vua Lê Đại Hành, chồng của công chúa Phất Ngân, lên ngôi vua, lập ra triều nhà Lý ở kinh đô Hoa Lư. Lý Công Uẩn thấy đất Hoa Lư chật hẹp, trũng úng, không hợp cho nghiệp Đế Vương, bèn tự tay thảo “Thiên Đô chiếu” (chiếu dời đô) rồi triệu bách quan văn, võ hội triều tuyên chiếu. Được triều thần trên dưới đồng lòng, mùa thu tháng bẩy năm Canh Tuất, Lý Công Uẩn theo đường thủy từ thành Hoa Lư, dời đô ra thành Đại La, thấy có Rồng vàng hiện lên, nhân đó đổi tên thành Đại La, gọi là Thăng Long thành (nay là thủ đô Hà Nội), đổi châu Cổ Pháp (nơi sinh ra ông) thành Phủ Thiên Đức(7), đổi kinh thành Hoa Lư gọi là Phủ Trường Yên.

Sau khi Nhà Lý dời đô ra Thăng Long, kinh thành Hoa Lư dần hoang phế, đổ nát. Tương truyền: Đến khoảng thế kỷ XVII người đời tưởng nhớ đến công lao của hai vị vua anh hùng dân tộc, đã có công dựng nước và giữ nước, mới tôn tạo lại khu đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, trên nền đất cung điện xưa và lập nên các Vương Phủ, phụng thờ các vương, quan có công lao với nước với dân.

Thái Tử Lê Long Thâu Kình Thiên Đại Vương, đã được nhân gian lập ngôi phủ tôn thờ tại xứ đồng “Vườn Thiên”, gọi là Phủ Kình Thiên. Ngày nay phủ Kình Thiên vẫn có người trông coi, đèn hương phụng thờ tuần tự. Hàng năm cứ đến kỳ lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, dân làng thôn Đông lại tưng bừng, hân hoan tề tựu về Phủ Kình Thiên, tổ chức nghi thức lễ hội thật linh đình, đông vui náo nhiệt. Nhân dân vận trang phục sạch đẹp, rực rỡ, chỉnh tề, xếp hàng đôi, cờ rong, trống mở rước lễ từ Phủ Kình Thiên lên tế hai đền, vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, theo nghi lễ cổ truyền thật tôn nghiêm, uy nghi trang trọng. Sau khi tế đền vua cha, Lê Đại Hành, dân làng lại theo hàng lối, nề nếp chỉnh tề trở về sân phủ, kính cẩn dâng hương, tiến lễ, bái tế Thái Tử Kình Thiên Đại Vương, rất trang trọng. Sau khi “thác lễ”, dân làng tập chung về hai cung hoan hỷ. Phía bên cung Tả Thanh Trù dành cho các bô lão, các ông bố, các bác, các chú, anh, em. Phía bên cung Hữu Thanh Trù là các cụ bà, các cô, các thím, các dì, chị em. Mọi người cùng nhau thụ lộc, chuyện trò rất vui vẻ, thân ái, đoàn kết. Trong họ, ngoài làng, tình làng, nghĩa xóm, càng thêm thân thiết. Phủ Kình Thiên đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, trong quần thể di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, rất đáng để mọi người quan tâm, trân trọng và  giữ gìn bảo vệ.

                                                                                                                                                                                                                       L.D.Đ (Sưu tầm)

   Chú thích: (1) Núi Ghềnh Tháp ở phía tả ngạn sông Sào Khê, gần Tiêu Đăng Sơn (núi Ngọn Đèn), bên lối vào Am Tiên Động; (2) Tháp Tư Thiên: Là tháp đo khí hậu, (3)  Đại Cồ Việt: Là tên nước Viêt Nam ta thời nhà Đinh và tiền Lê; (4) Kình Thiên: chống trời; (5) Cửu Long: Tên đất thuộc vùng dân tộc Mường, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Thời Đinh Lê gọi là Man Cửu Long. Khoảng năm 1428 – 1433 nhà Lê đặt là huyện Lạc Thủy, khoảng năm 1460 – 1469 đổi là Cẩm  Thủy. (Đại Việt sử ký toàn thư tr: 235;  (6) Cửa biển Kỳ La là cửa Nhượng Bạn ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. (ĐVSKTT, quyển I tr: 238; (7) Sông Bắc Giang cũng gọi là sông Thiên Đức tức sông Đuống. (ĐVSKT, quyển I tr:250).

Bài viết khác