Chủ nhật, 19/05/2024

Sự tích Trạng Nguyên Sơn

Thứ tư, 24/07/2019

LÊ DOÃN ĐÀM
Nước ta vốn được tạo hóa ưu ái, ban tặng có thế núi sông hùng vĩ. Khí thiêng sông núi đã sinh ra các bậc vĩ nhân, anh hùng hào kiệt cùng với các hiền tài trí sĩ, đời nào cũng có, do vậy mà dân ta đã thường nói: “Địa linh sinh ra nhân kiệt”. Thuở xưa, nước ta bị giặc phương Bắc cai trị.

Tương truyền, giặc phương Bắc rất nham hiểm, muốn dân ta mãi mãi là dân một nước chư hầu, không có quyền tự chủ, không bao giờ có thể đứng lên để giành lại quyền tự do cho mình được, do vậy giặc phương Bắc dựa vào khoa địa lý, thuyết phong thủy để yểm triệt tất cả những gì khoa địa lý cho là nơi tụ huyệt, khí thiêng sông núi của nước ta, để nước ta không thể sinh ra những bậc vĩ nhân, anh hùng cùng các hiền tài, trí sĩ được nữa. Biết được có một vùng núi sông rất hùng thiêng, cực kỳ quý địa, phong thủy địa lý đã nhận ra rằng: Đại Can Long ở trong Tổ sơn đại địa, chính khí sung mãn, đẹp đẽ lạ thường. Sơn Long (sơn mạch) từ xa mấy vạn dặm đi trùng trùng điệp điệp, hành tống tháp tùng, bái chầu về nơi quy tụ khí thiêng, sơn thế sừng sững, nguy nga, đó là vùng sông núi ở Hoa Lư ngày nay. Khí thiêng sông núi Hoa Lư đã hun đúc “Oa, Đột”(1) hiện lên nhiều hình tượng quý địa, trong đó có hình tượng một quý nhân, đủ cả cân, đai, quan phục (mũ, đai, áo quan phục) tư thế tọa lạc đường hoàng, khoan thai, oai linh, mặt hướng ra “minh đường” là dòng  Sào Khê nước trong xanh vòng quanh ôm lấy quý nhân, đó chính là Trạng Nguyên sơn (núi Ông Trạng). Bên kia sông, đối diện với Trạng Nguyên sơn là Thư sơn (núi sách hay còn gọi là Hòm Sách). Trên đỉnh của Thư sơn có hình tượng những chồng sách, tầng tầng lớp lớp, thiên kinh vạn quyển xếp chồng lên nhau hoặc như những chiếc hòm (rương) vuông vức được xếp gọn gàng, ngăn nắp cẩn thận bên nhau. Khi người phương Bắc được “mục sở thị” (tận mắt nhìn thấy) những hình tượng núi sông ở nơi đây, đã giật mình sửng sốt, choáng váng đến hoảng hốt lo sợ…Họ biết rằng với thế núi sông này sẽ sinh ra nhiều bậc vĩ nhân, anh hùng, hiền tài trí sĩ, do vậy giặc phương Bắc quyết tâm triệt hạ. Thế rồi họ đã dùng dây chão buộc vào phần cổ ông Trạng hòng lôi ông đổ ngã xuống. Nào ngờ lôi mãi, lôi mãi…Trạng Nguyên sơn vẫn cứ trơ trơ  chẳng hề mảy may rung chuyển. Ông Trạng vẫn thản nhiên ngạo nghễ mặc đời, như còn nhếch cười chế nhạo việc là điên khùng đó. Người phương Bắc càng cay cú quyết tâm hơn, cùng nhau hò hét, lôi mãi, lôi mãi, kéo mãi, kéo mãi…

Bỗng thình lình sợi dây chão dãn căng phụt đứt! Quá đột ngột, người phương Bắc đã bị ngã xô nhau đập lưng lưng vào dãy núi phía sau, còn sợi dây chão  đứt phăng vung ra cánh đồng bên cạnh. Giặc phương Bắc đành đứng trơ mắt nhìn, chịu bất lực trước Trạng Nguyên sơn. Trạng Nguyên sơn vẫn trường tồn muôn thuở.

Đời sau dân ta đặt tên cho xứ đồng mà giặc phương Bắc đã bị ngã là: xứ đồng Ngô Ngã (dân ta gọi người phương Bắc là người Ngô), còn nơi sợi dây chão đứt vung ra đấy, đặt tên là: xứ đồng Vung Chão (sau gọi chạnh là Vụng Chão).

Sau sự kiện giặc phương Bắc chịu bất lực trước Trạng Nguyên sơn, nước ta vẫn sinh ra biết bao nhiêu bậc vĩ nhân, anh hùng, hiền tài trí sĩ, đã được ghi vào sử xanh lưu truyền muôn thuở khiến người Tầu phải kính nể, thậm chí còn phải sắc phong công nhận như những bậc anh hùng: Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi…Các bậc hiền tài mà người Tầu phong là lưỡng quốc trạng nguyên như: Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Lưỡng quốc trạng nguyên Phùng Khắc Khoan và các trạng nguyên như Trạng Lường Lương Thế Vinh, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm…có thể thấy đất nước ta từ thuở sơ khai cho đến nay, các bậc vĩ nhân, anh hùng hiền tài đời nào cũng có.

Ngày nay du khách muốn được thưởng ngoạn thắng cảnh kỳ tích Trạng Nguyên sơn, Thư sơn và xứ đồng Ngô Ngã – Vung Chão thì du khách lên thuyền từ “Bến Đền” trước cửa đền thờ vua Lê Đại Hành, rồi theo dòng Sào Khê xuôi về phương Nam, qua chân Mã Yên sơn (núi yên ngựa) tiếp đó qua Xuyên Thủy động (hang luồn xuyên qua núi). Khi đã qua cửa hang bên kia, du khách sẽ được thả hồn vào cõi mơ, như được đến với “Bồng Lai Tiên cảnh” mặc lòng mà chiêm ngưỡng những kỳ tác của tạo hóa. Trạng Nguyên sơn tọa lạc bên tả ngạn sông Sào Khê, còn Thư sơn (núi sách) cao vời vợi tọa lạc bên hữu ngạn cùng với xứ đồng Ngô Ngã, cách đó không xa là xứ đồng Vung Chão (vụng chão). Người xưa còn truyền lại rằng: Những vết lõm trên vách đá, phía chân núi ở cánh đồng Ngô Ngã chính là dấu tích do những cái lưng của người Tầu, khi lôi ông Trạng, đã bị ngã đập vào vách núi mà để lại dấu ấn đến muôn đời như vậy.

Có sách viết thời cụ Pham Văn Nghị (Hoàng Giáp) đã về Hoa Lư qua Xuyên Thủy động thăm Trạng Nguyên sơn, cảm hứng làm 2 bài thơ vịnh cảnh nơi đây. Bài Vịnh hang luồn (xuyên thủy động)(1874 – 1880): Giữa núi, xuyên qua một chiếc ngòi/Ai xoi khéo bấy?Thợ trời khoi/ Đòi phen phong vũ đều không tới/ Mấy lớp công hầu cũng phải chui/ Hòm sách đã in quan trạng đứng/ Thạch bàn còn đợi khách câu ngồi/ Thanh bình thú ấy nào ai biết/ Ai biết xin đừng mách bảo ai. Bài Trạng Nguyên sơn (1874 – 1880): Đặc lập khê biên thạch nhất quyền/Nhân hình đáo xứ vọng y nhiên/Trọng danh chỉ thị nhân thư giá/Tất thị tiền thân tị thế tiên. Dịch thơ: Núi ông trạng: Hòn núi chon von dựng cạnh Ngòi/ Ở đâu trông cũng tựa hình Người/ Vì gần Hòm sách mang tên Trạng/ Trước hắn là tiên đã lánh đời (Nguyễn Văn Huyền dịch).

Chúa Trịnh Sâm Tĩnh Đô Vương (1740 – 1782) về đến Hoa Lư, không cầm lòng được trước sự quyến rũ của Bồng Lai Tiên cảnh nơi đây, đã làm bài thơ Xuyên thủy động khắc trên vách đá cửa nam hang Luồn.

西 巡 旋 鷁 過 長 安

 

便  道 華  閭  寓  一 觀

匹  湅  縈  回  穿 水 洞

重  金 岌  業  峙  山 關

瞿  都  已  矣 泾  怡  換

天  府  衣  然 自  抱  環

觸  目  古 人  興  廢   事

民  岩  凜  凜 戒  维  艱

日 南 元 主 題

臣 高 摶 奉 寫 過

Phiên âm chữ Hán: Tây tuần toàn nghịch quá Tràng An/ Tiện đạo Hoa Lư ngụ nhất quan/ Thất luyện oanh hồi Xuyên Thủy động/ Trùng kim ngập nghiệp trĩ sơn quan/ Cố đô dĩ hĩ kinh di hoán/ Thiên phủ y nhiên tự bão hoàn/ Xúc mục cổ kim hưng phế sự/ Dân nham lẫm lẫm giới duy gian. (Nhật Nam Nguyên chủ đề. Thần Cao Đoàn phụng tả); Dịch thơ: Quay thuyền về tới bến Trường Yên/ Nhác thấy Hoa Lư cũng thuận miền/Như tấm lụa chăng, hang giội nước/ Có từng núi mọc, cửa chồng then/ Cố đô(1) đã mấy hồi thay đổi/ Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền/ Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ/ Lòng dân đáng sợ chớ nên quên. (Đinh Gia Thuyết dịch).                                                                       

Chú thích:  (1) Oa Đột: Theo Địa lý toàn thư Oa và Đột là hai thuật ngữ dùng trong địa lý, phong thủy nói lên hình thế của đất, nơi có tụ huyệt long mạch Âm Dương, hình Oa là Âm huyệt, hình Đột là Dương huyệt. (2)Cố đô: Kinh đô nước Đại Cồ Việt xưa.

L.D.Đ

Bài viết khác