Chủ nhật, 19/05/2024

Thư pháp nét đẹp văn hóa truyền thống

Chủ nhật, 09/02/2020

VŨ VĂN LÂU
Thư pháp từ xưa đã là một thú chơi tao nhã đầy trí tuệ và nghệ thuật cao siêu, lắng đọng hồn cốt của con người. Thú chơi này lúc đầu mới chỉ lưu hành trong nội bộ các bậc túc nho “Văn hay chữ tốt”. Sau nghệ thuật Thư pháp ngày càng được nhiều người hiểu biết, càng đông người hâm mộ, thu hút khá nhiều các bậc văn sĩ và đông đảo những người yêu chữ nghĩa. Có thời kỳ trở thành cao trào .

Thư pháp, hiểu một cách đơn giản đó là phương pháp viết chữ theo kiểu hội họa. Bằng nét chữ, kiểu chữ khác thường, tạo ra những tác phẩm có giá trị biểu đạt cao về mặt tư tưởng, cảm xúc và nghệ thuật diễn tả. Nói ngắn gọn Thư pháp là phép vận bút trên giấy, phép viết chữ nghệ thuật (theo từ điển Hán Việt).

Thư pháp không chỉ là sự chuyển tải ngôn ngữ thuần tuý mà còn là thể hiện năng khiếu thẩm mỹ, tài năng, là tâm hồn được ký thác trên mặt giấy. Thư pháp được xem như một loại hình nghệ thuật ra đời rất sớm từ sự hình thành chữ Hán. Có thể được hình thành từ thời nhà Trần (Trung Quốc - khoảng 246 - 270 TCN). Vì từ đó người ta mới dùng bút lông để viết văn tự. Trước đó văn tự chỉ khắc được trên đá, trên đất nung, vỏ tre trúc hay mai rùa hoặc xương, sừng động vật mà thôi.

Chữ Hán (chữ Nho) của Trung Quốc là loại chữ tượng hình. Những nét sổ thẳng, nét hất hay nét gấp thể hiện sự mạnh mẽ, kiên quyết khác hẳn với những nét cong lượn hoặc buông lơi, mờ mực thể hiện sự lưỡng lự hay bâng khuâng, mơ mộng... Đặt bút nặng nhẹ, nhanh chậm, lấn lướt đều là sự thể hiện thái độ, tâm trạng, tính cách người viết. Nét chữ còn là dấu ấn của phong cách, bản lĩnh người viết, tạo ra những giọng điệu giàu chất nhạc, chất thơ, diễn tả những điệu tâm hồn buồn vui hay hào sảng... Tất nhiên, chỉ có những người tinh nhạy, có trí tưởng tượng phong phú mới có thể cảm nhận được đầy đủ cái đẹp của thư pháp.

Có được những chữ mang hồn thơ, hồn nhạc, hồn người, người tạo ra thư pháp không chỉ có “hoa tay”, có năng khiếu biệt tài diễn tả thần thái, ý tưởng mà đồng thời phải có một quá trình học hỏi, khổ công luyện rèn. Người viết phải biết tập trung cao độ, dồn hết tâm lực, trí tuệ vào ngọn bút. Cho nên khi đặt bút, người viết thường phải quỳ gối, vươn mình đưa bút lên hút thiện khí, để tạo thế, mới hạ ngòi bút xuống mặt giấy và bắt đầu phóng tác. Khi ấy đúng là: “Bút lực kinh phong vũ” (Hạ bút như mưa bay bão nổi).

Người Trung Quốc cho rằng Lý Tư - Thừa tướng của triều đình nhà Tần, được vua giao cho việc cải cách và thống nhất văn tự sau khi quốc gia được thống nhất - là người khởi đầu cho nghệ thuật Thư pháp. Trải qua các triều đại, xuất hiện thêm nhiều nhà Thư pháp nổi tiếng như Vương Hi Chi (Thời Tần), Tề Bạch Thạch (nhà Thanh), Lý Bạch (Thôi Hiệu), Đỗ Phủ...(đời Đường) đều là những đại thi hào có tài hoa thư pháp. Ngoài Trung Quốc, Thư pháp còn phát triển mạnh ở một số quốc gia Hồi giáo, Hàn Quốc và Nhật Bản....

Chữ Hán du nhập vào nước ta từ những năm đầu công nguyên. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII, chữ Nôm của nước ta bắt đầu phát triển. Đến cuối thế kỷ thứ XVIII chữ quốc ngữ ra đời. Khi ta bắt đầu sử dụng chữ Hán cũng là lúc Thư pháp ở nước ta xuất hiện và được chú trọng ngay từ thời Tiền, Lê, Lý, Trần và Nguyễn cho đến ngày nay. Bậc thầy về Thư pháp ở Việt Nam thường là những danh nhân trí tuệ uyên bác, tài năng và đức độ như Lê Thánh Tông, Tự Đức, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát......

Văn miếu Quốc Tử Giám được xây dựng từ thời nhà Lý thế kỷ XI để thờ các vị tiên thánh Nho học và là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, được coi là Trường Đại Học đầu tiên của Việt Nam. Ở đấy có đặt 82 tấm bia tiến sĩ khắc bằng chữ Hán thể hiện rõ tài năng của các nhà Thư pháp. Ngoài ra một số vua chúa, danh nhân các triều đại khi đi du ngoạn, đề thơ, được người đời khắc trên vách núi đá hoặc hang động hay trên các hoành phi câu đối, sắc phong.... ở các Đình Đền. Đây đó đều có các bút tích Thư pháp của các bậc tiền nhân còn lưu mãi cùng thời gian như ở trên vách núi Thuý (Ninh Bình). Thơ của Lê Thánh Tông, Lê Hiển Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Khuyến. Bút tích Thư pháp của “Thần Siêu Thánh Quát” ở đền Ngọc Sơn, đền Phủ Đổng (Hà Nội) và còn nhiều nơi khác....


Cho chữ đầu năm                  Ảnh: Thế Minh

Nhưng rồi đã có một thời gian khá dài, do nhiều nguyên nhân khách quan, từ những thăng trầm, những biến cố lịch sử, nghệ thuật Thư pháp ở nước ta dần bị mai một cùng với sự ra đi lặng lẽ âm thầm của những Ông Đồ đã từng một thời “Bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua”. Sự vắng bóng của các Ông Đồ, để lại nỗi buồn vô hạn cho những ai vẫn nặng lòng với chữ nghĩa, với Thư pháp nước nhà: “Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ (Ông Đồ - Vũ Đình Liên)

Nhưng rất may cái gì thuộc về văn hoá của một dân tộc thì khó có thể loại bỏ khỏi cuộc sống của nhân dân. Thư pháp cũng vậy, hình ảnh những Ông Đồ còn sống mãi trong tâm thức của biết bao công chúng yêu văn hoá nghệ thuật. Thời mở cửa hội nhập càng cần giữ gìn, bảo vệ và phát triển những gì thuộc về di sản văn hoá để khẳng định sức sống mạnh mẽ, bản lĩnh vững vàng của một dân tộc. Khoảng thập niên gần đây, nghệ thuật Thư pháp lại có cơ phát triển.

Cùng với Thư pháp chữ Hán, thư pháp về chữ Quốc ngữ của Việt Nam cũng được thử nghiệm và cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Nếu nhà Thư pháp có tài hoa và bản lĩnh trong thể hiện thì Thư pháp chữ Quốc ngữ cũng không hề thua kém. Nghệ thuật Thư pháp chữ Việt xuất hiện rõ nhất khoảng giữa thế kỷ XX và nửa cuối thế kỷ này. Ở phía Nam có nhiều Câu lạc bộ Thư pháp được thành lập thu hút đông đảo lớp trẻ tham gia ở cả hai phương diện sáng tác và thưởng thức.

Ở Hà Nội vào dịp Tết, Xuân gần đây rất đông người, đủ mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là học sinh, sinh viên kéo về Quốc Tử Giám để xin chữ, mua chữ. Các nhà thư pháp đua tài, đua trí để cho chữ, tặng chữ, bán chữ. Nổi tiếng có nhà thư họa Lê Xuân Hoà (mất 2008), thượng toạ Thích Thành Khoát, Nguyễn Văn Bách, Thế Anh... Nguyễn Văn Bách là tác giả thi hoạ “Chiếu rời đô” (Lý Công Uẩn), “Nam Quốc Sơn Hà” (Lý Thường Kiệt). Ngoài ra, còn nhiều tài bút trẻ mới nổi cũng được nhiều người hâm mộ...

Người quý chữ, ham chữ dưỡng tâm bằng chữ nghĩa mỗi năm một đông. Có những vị cao nhiên, cả những người nước ngoài có khi chỉ đến ngắm nhìn những bức thư pháp còn chưa ráo mực, xem người cho, người nhận, người mua, người bán, người tặng cho nhau như một món quà nho nhỏ đầy ý nghĩa. Món quà đó có thể chỉ là một chữ “Tâm”, “Đức”, “Trí”, “Nhẫn”.... Hay một chùm chữ “Ngũ phúc lâm môn” , “Phú quý vinh hoa”... được vẽ đẹp, phóng to trên nền giấy, lụa đỏ màu may mắn, thàng công, mạnh mẽ và hạnh phúc; Cũng có thể là một thi phẩm nổi tiếng đựơc đặt trang trọng trong các khung ảnh. Đây xem như là một thú thưởng thức văn hoá nghệ thuật của những người vốn có tâm với Thư pháp.

Không chỉ những thành phố lớn, những ngày trước, sau Tết Nguyên đán mà hầu như suốt cả mùa Xuân, lễ hội, các địa phương đều có thi viết Thư pháp các Ông Đồ có dịp trổ tài chữ nghĩa “Rồng bay phượng múa” và là sân chơi của nhiều người yêu mến nghệ thuật thư pháp, có cơ hội để thảo tâm nguyện.

Hiệu quả của Thư pháp là tạo nên những nét chữ có hình thức đẹp cùng hoà quyện chặt chẽ với nội dung tư tưởng, cả hai hòa nhập, tạo nên cái thần thái mới mẻ, độc đáo khiến khối óc con tim xúc động. Các độc giả nhìn chữ mà say mê hút hồn. Những sáng tạo bất ngờ, thú vị khiến độc giả như gặp phép thần, biến hoá và bay bổng. Những Ông Đồ say sưa viết chữ, những người thích thú xin chữ, mua chữ, tặng chữ giữa thời hội nhập, kinh tế thị trường càng khẳng định bản lĩnh vững vàng của họ trước những cám dỗ của văn hoá ngoại lai.

Đó là những đại biểu của quần chúng nhân dân biết quý trọng, giữ gìn và phát huy những di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Họ ước vọng cho cái đẹp, cái tài tình của thư pháp cũng là những cái nhân văn thánh thiện mãi mãi được trường tồn. Họ tặng nhau một câu đối, một bức thư pháp, một thi phẩm hay một tấm tranh dân gian trong dịp lễ tết mùa Xuân là muốn cái đẹp tiềm ẩn ấy như mật ngọt thảo thơm của muôn hoa được sẻ chia, được thăng hoa. Đấy là nét đẹp văn hoá của người Việt.

 

V.V.L

 

Bài viết khác