Chủ nhật, 19/05/2024

Hình tượng người anh hùng văn hóa Nguyễn Minh Không qua huyền thoại và dã sử

Thứ năm, 16/01/2020

TRƯƠNG HÁN VŨ

Theo “Thiền Uyển Tập Anh” (1), Nguyễn Minh Không sinh ngày 15 tháng 10 năm 1065, mất năm 1141, tên húy là Nguyễn Chí Thành, sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay là làng Điềm Xá, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

Ông là một vị cao tăng đứng đầu Phật giáo nhà Lý, được coi là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam (có tài liệu nói có tới trên 500 ngôi chùa do ông dựng nên). Ông được dân gian tôn vinh là Thánh Nguyễn, như nhân dân từng tôn vinh đức Trần Hưng Đạo là Thánh Trần, Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Một số ghi chép xưa xếp ông là vị thánh trong tứ bất tử.

Thân phụ thánh Nguyễn là ông Nguyễn Sùng; thân mẫu là bà Dương Thị Mỹ, quê ở Phả Lại, phủ Từ Sơn, nay làng Phả Lại, xã Đức Long, Quế Võ, Bắc Ninh. Vợ chồng ông Nguyễn Sùng tuy nghèo nhưng luôn chăm lo làm việc thiện.

Rõ ràng, Nguyễn Minh Không là nhân vật lịch sử có thật, có quê hương (quê nội, ngoại), có cha mẹ, có hành trạng được sử sách ghi chép và người đời tôn vinh (đền miếu, sử sách). Song trong tâm thức dân gian ngàn năm nay, ông lại là vị cao tăng đầy pháp thuật, tài danh lừng lẫy, một vị Thánh bất tử, một ông Khổng Lồ đi mây về gió, lướt sóng, vượt kình chẳng khác nào như nhân vật Tôn Ngộ Không trong Tây du ký.

Một điều đặc biệt là, trong vô số truyền thuyết dân gian ở Ninh Bình và vùng châu thổ Bắc bộ, Nguyễn Minh Không lại là một nhân vật huyền thoại, xuất hiện trong nhiều chuyện kể ly kỳ, thậm chí đến mức hoang đường như khi tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, ngả nón làm thuyền vượt sông lớn đưa đoàn quan quân nhà Lý từ Tràng An lên kinh đô Thăng Long chỉ trong một canh giờ, quơ cả kho đồng nhà Tống cho vào túi, vượt biển cả vạn dặm bằng chiếc nón tu lờ về nước đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông thoát bệnh lốt hổ… Tất cả những câu chuyện ly kỳ, thần diệu đó đã tập trung khắc họa nên hình tượng một vị thiền sư phi phàm, hội tụ và tỏa sáng với nhiều tài năng, đức trí vì dân, vì nước, trở thành người anh hùng văn hóa Nguyễn Minh Không với những nét tiêu biểu sau:

1- Trước hết, đó là hình tượng người nông dân lao động vùng chiêm trũng Ninh Bình, rộng hơn là vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đời sống thường nhật, bươn trải mưu sinh: câu cá, chài lưới, đăng đó, đắp bờ, quai đê, bắt cá, bắt lươn, thịt gà, trồng và bào chế thuốc Nam chữa bệnh cứu dân và bệnh nan y cho vua, có phong cách ẩm thực đồng quê, dân dã đời thường…

      Huyền thoại vùng Ninh Bình (2) cho biết rất rõ nhiều câu chuyện thuở sinh thời, hàn vi của Nguyễn Minh Không: Cha mẹ mất sớm, Nguyễn Chí Thành làm ngư dân đánh bắt cá, sinh sống trên sông Hoàng Long, sông Đáy. Nghề đánh bắt cá của ông chủ yếu là đăng đó và câu cá (có chài lưới nhưng không nhiều). Hình tượng đăng đó, câu cá vừa gần gũi, vừa rất đặc trưng nghề nghiệp của đa số người dân Ninh Bình xưa nghèo, sống trên vùng đất Gia Viễn, Nho Quan mà ca dao Ninh Bình khắc họa: “Quê ta đồng trắng nước trong/Lúa gạo thì ít, rêu rong thì nhiều”. Nhưng hình tượng người nông dân này nay đây mai đó để sinh nhai bằng nghề đăng đó, câu cá lại có bóng dáng của một chí sĩ nhàn tản, tiêu dao: Khi ngồi câu cá trên sông Hoàng Long, khi be bờ đăng đó trên sông Đáy ở Kẽm Trống (Thanh Liêm, Hà Nam), khi lại đắp núi thành bờ đơm đó ở Kẽm Đó, Tam Điệp, khi chèo thuyền lướt sông đi bán cá ở cửa biển Thần Phù... Mọi hoạt động vừa phục vụ cuộc sống thường nhật tức thời, vừa tiêu dao non nước, có khi lại nằm ngủ mơ màng trên con thuyền đánh cá lênh đênh giữa sông nước như một lão ngư phủ nhàn tản, vô lo. Những mẩu chuyện khắc họa đậm nét hình tượng người nông dân chăm chỉ, lao động cần mẫn qua hai vết đầu gối khổng lồ còn in hằn sâu trên cánh đồng Sơn Lai (Nho Quan) khi ông quỳ bắt lươn, bắt cua, tối về sống trong hang đá, sinh hoạt giản tiện, hòa nhập thiên nhiên, môi trường. Nơi ông sinh sống đến nay còn di tích đồi Ba Rau (ba ông đầu rau bằng đất để bắc bếp của dân gian Bắc bộ xưa) và thung Đống Củi, Xó Bếp (Gia Sinh, Gia Viễn). Bã cua ông vứt ra nhuốm vàng cả những thung lũng và mẻ vương vãi chua khắp ruộng đồng vùng Gia Viễn, Nho Quan. Trong những cánh đồng chua vì mẻ ấy, có cả lọ mẻ ông đánh vỡ khi lỡ tay tát con mèo ăn vụng cá đến mức mèo hóa thành núi đá nguyên dáng Con Mèo (Lỗi Sơn, Gia Phong, Gia Viễn)! Những câu chuyện sinh động, hồn hậu giàu chất thần thánh dân gian đó được tô vẽ, khắc họa chân thật hình tượng một người lao động dân dã nhưng lại ấp ủ trong tâm can của một bậc thức giả, một vị Thánh nhân, một trí sĩ phi thường thuở hàn vi, sinh trưởng một vùng sơn thanh thủy tú linh địa chung đúc nên tuấn kiệt, trước đó đã từng sinh ra một bậc đế vương (đức Đinh Tiên Hoàng đế), nay lại sinh ra bậc Thánh triết, nuôi chí lớn cứu độ chúng sinh. Ngay từ thuở còn chân quê lam lũ, Nguyễn Chí Thành đã chu du thiên hạ, lúc thì lên núi hái thuốc, khi thì du thuỷ cầu ngư, lúc cứu dân chống hạn, chống lụt, khi thì giúp trẻ nghèo khổ biến những con vật như cua cá khổng lồ, những bông lúa kỳ vĩ nặng gấp nhiều sức trẻ vị thành niên, thành những con vật bình thường để lứa tuổi nhi đồng cũng có thể tự mò cua, bắt cá, cắt lúa kiếm sống qua tháng ba ngày tám khốn khó... Chính sự gần gũi, lao động và sinh hoạt trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, lũ lụt quanh năm, nhất là thời kỳ ấy hệ thống đê điều chưa hoàn chỉnh, để bảo đảm an toàn cho đời sống người nông dân vùng chiêm trũng, thì hình tượng Nguyễn Minh Không trên vùng sông nước, núi non ấy trở nên thân quen, gần gũi và thành vì sao sáng của văn hóa cộng đồng. Đó vừa là ước mơ, vừa là khát vọng sức mạnh thần kỳ chiến thắng thiên nhiên, lũ lụt để vươn tới no ấm, thanh bình của những kiếp người lao khổ. Không chỉ dân gian truyền tụng những câu chuyện ly kỳ về Thánh Nguyễn, mà cả sử sách địa phương vùng Ninh Bình, Nam Định cũng ghi chép: "Sư Nguyễn Chí Thành quê ở Điềm Xá Gia Viễn thường câu cá tại núi Tai Mèo, rồi chèo thuyền ra cửa biển Thần Phù, để thẳng đến Tây Chân đi bán, thường gánh đá một bên cho cân với cá, đi đường đá bị rơi, sư đạp viên đá ra, viên đá vỡ còn dấu tại xã Liên Tỉnh xã Tương Đông" (3). Có biết bao huyền thoại ly kỳ và long lanh như những viên ngọc quý trong kho tàng truyện cổ dân gian Ninh Bình như truyện Hòn đá Diều Công, sự tích Núi Nang, núi Quéo (núi Hai Con Voi), núi Nút Đó, suối Canh/Kênh Gà, núi Kẽm Đó, núi Tôm, hang Long Ẩn và hang Tiền, hang Gạo, hang Thóc…Những tên núi, đồi, hang động trên và hàng trăm danh xưng núi non, hang động kỳ tú khác trên đất Ninh Bình và một số tỉnh ở Bắc bộ gắn liền với sự tích ly kỳ về việc ăn, ở, sinh hoạt, đánh bắt cá, tôm… và cũng là thú tiêu dao, tiêu khiển của Nguyễn Chí Thành, một trí sĩ sinh thời chưa tu hành đắc đạo, nhưng đã học được những phép tu luyện thần thông quảng đại. Chúng tôi cho rằng, Nguyễn Minh Không tiếp nhận và dung dưỡng hành xử theo đạo Nho, đạo Lão trước khi đến với đạo Phật. Hay nói một cách khác, Nguyễn Minh Không tu dưỡng theo đạo Nho, đạo Lão ngay từ thời còn “ba cùng” với người dân lao động nghèo khó vùng đồng chiêm: cùng ăn, cùng ở và cùng sinh cơ lập nghiệp với người dân lao động nghèo khổ từ thời chưa đi tu hành, chưa đắc đạo. Thời kỳ này, chúng tôi ước tính khoảng 20 năm chặng đường đầu đời của ông, khi ông còn sinh sống chủ yếu ở quê nhà, vùng quê chiêm trũng Gia Viễn, Ninh Bình. Tức là khoảng từ năm 1065-1085.

Đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, xã Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình 

2- Đó là hình tượng ông Khổng Lồ có sức mạnh phi thường, dời non lấp biển, phá thạch, khai sơn

Có biết bao huyền thoại ly kỳ về ông Khổng Lồ sải những bước chân hàng dặm, đi trên các đỉnh núi đồi (đến nay còn in vết chân ông như ở núi Kê Thượng, núi Thiện Dưỡng, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư), bện các dây rừng thành quang để gánh, xếp các quả núi đang mọc tứ tung dồn về mạn tây bắc để đồng ruộng phong quang, lối đi lại cho dân được dễ dàng. Sức lao động phi thường của ông Khổng Lồ dường như không biết mệt mỏi, chỉ có dụng cụ lao động là quang gánh bị đứt, gãy làm cho núi đá bắn tứ tung thành những quả núi “độc sơn” mọc rải rác các nương đồng, thung lũng vùng Ninh Bình, Hà Nam… Sáng tạo nên những hình ảnh kỳ vĩ đó, người dân Ninh Bình và rộng hơn là cư dân Bắc bộ đã thần thánh hóa sức lao động phi thường của đức Thánh Nguyễn. Chính hình tượng kỳ vĩ của ông Khổng Lồ đó trong tâm thức dân gian, Nguyễn Minh Không đã trở thành người anh hùng khai sơn phá thạch dựng cơ đồ tương tự như những huyền thoại Nữ Oa đội đá và trời trong truyện cổ nổi tiếng của nhân loại.

Truyện cổ dân gian Ninh Bình có truyện “Ông Khổng Lồ gánh núi”(4) thật lý thú. Câu chuyện cho ta nhiều thông điệp quý giá: Đó là ngôi chùa Dương Sơn (nay thuộc thôn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn), nơi Nguyễn Chí Thành xuất gia tu hành, dựng chùa có tên là Dương Sơn tự, lấy pháp danh Không Lộ thiền sư. Huyền thoại này rất đáng quan tâm vì tên pháp danh Không Lộ mà sử sách thường chép lầm lẫn giữa hai nhà sư là Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ. Theo Thiền uyển tập anh thì Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là hai thiền sư tài danh lừng lẫy thời Lý, có hành trạng gần giống nhau, nên sử sách và dân gian truyền tụng thường hòa lẫn hành trạng của hai vị, khiến cho chúng ta dễ nhầm lẫn, thậm chí có người cho rằng chỉ có một nhân vật chứ không phải hai người. Nhưng qua huyền thoại tu hành, dựng chùa Dương Sơn của Thánh Nguyễn ở Ninh Bình lại cho Dương Không Lộ chính là pháp danh của Nguyễn Minh Không?

3- Hình tượng một nhà sư kiêm dược sư, thầy thuốc có y thuật siêu việt, chữa bệnh cứu người bằng dược liệu tự trồng cấy và bào chế, xứng danh Ông tổ Y Dược Việt Nam

Câu chuyện thiền sư quê mùa từ vùng chiêm trũng Tràng An lên kinh kỳ Thăng Long chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông khi các danh y trong nước đã bó tay với căn bệnh nan y hóa hổ của vua Lý Thần Tông thật ly kỳ và thần diệu. Sách “Nam ông mộng lục” của Hồ Nguyên Trừng(5) và một số huyền thoại được chép trong các sách cổ của nước ta chép khá giống nhau về truyện này như sau:

      Tương truyền lúc còn đang học đạo, trong khi dạo chơi ở khu rừng, Từ Đạo Hạnh giả tiếng hổ dọa, Người nói: “Nếu ngươi muốn vậy, sau này chắc sẽ phải chịu quả báo như thế.” Từ Đạo Hạnh hối hận: “Xưa kia đức Thế Tôn tạo quả viên thành còn chịu báo kim sương, mã mạch, huống chi tôi sinh thời mạt pháp đâu có thể tránh được, đời sau sẽ làm quốc chủ và sẽ chịu báo này, ông với tôi có nhân duyên bằng hữu lúc đó hãy cứu tôi”. Sau khi thiền sư Đạo Hạnh hóa, đầu thai là Dương Hoán, được vua Nhân Tông yêu quý lập làm Hoàng Thái tử và kế vị ngai vàng tức Lý Thần Tông hoàng đế. Lên ngôi không được bao lâu, tháng 3 năm 1136, vua Lý Thần Tông bệnh nặng, lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày, các danh y tài giỏi được triệu đến chữa bệnh nhưng không thuyên giảm. Tức thì trong dân gian, xuất hiện bài đồng dao của trẻ con rằng: “Bắc nam có tây đông/ Đáy bể ẩn có rồng/ Vua mắc bệnh khó chữa/ Hãy đón Nguyễn Minh Không”.

Vua bèn sai sứ tìm gặp Sư. Khi Sư đến, danh y triều đình và khắp nước đang ở trên điện làm phép, thấy Sư ăn mặc quê mùa, họ khinh khí không đáp lễ. Sư đến, đem theo một cái đinh lớn, dài hơn 5 tấc, đóng vào cột, lên tiếng nói: “Ai có thể nhổ cái đinh đó ra thì sẽ chữa được bệnh cho Hoàng đế”. Nói thế ba lần, chẳng ai dám làm. Sư lại lấy hai ngón tay trái, cầm vào thì đinh theo chúng mà ra. Mọi người đều khiếp phục. Khi gặp vua, Sư lớn tiếng nói: “Ðấng đại trượng phu, giàu sang bốn bể, há lại làm ra những điều cuồng loạn đấy ư?” Vua rất run sợ, Sư sai lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới cả trăm lần, dùng tay quậy lên khoảng bốn lần, rồi thò tay vào trong vạc dầu đang sôi sùng sục lấy ra đủ 100 cái kim châm cứu cho vua. Bệnh vua liền bớt ngay. Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư, tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Trong quốc sử còn ghi rằng: “Tục truyền khi sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao lại cho Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy Quốc Vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này”.

Đó là phương pháp chữa bệnh kết hợp vừa chữa tâm bệnh, vừa chữa bằng y thuật cho vua Lý. Nguyễn Minh Không đã kết hợp dược liệu và châm cứu cùng với việc “cứu tâm” cho đức vua… Đây là một trong những kỳ tích của ông được sử sách ghi lại là chữa thành công bệnh cho vua Lý, được phong làm quốc sư.

Một điều rất đáng lưu ý rằng, có người chỉ hình dung vườn thuốc của đức Nguyễn Minh Không chỉ bó hẹp trong thung Sinh Dược của xã Gia Sinh ngày nay. Điều đó là không hoàn toàn đúng với huyền thoại về vườn thuốc của Nguyễn Minh Không. Truyền thuyết kể rằng, Nguyễn Minh Không đi mây về gió, thu lượm khắp nơi những cây thuốc quý về trồng để chữa bệnh cho nhân dân. Vườn thuốc của ông được quây bằng những bức tường núi đá vô cùng rộng lớn để che chắn thú dữ và kẻ xấu phá hoại, dân gian lưu truyền chu vi của vườn thuốc Minh Không trong khoảng không gian rất rộng lớn: “Thượng chí Gảnh Gà/ Hạ chí núi Khơi/ Đá Xẻ, Đá Soi/ Lỗ Lươn vi giới”. Gảnh Gà nay còn gọi là Canh/ Kênh Gà (thuộc xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn). Núi Khơi thuộc địa giới xã Tân Bình, thành phố Tam Điệp ngày nay. Đá Xẻ, Đá Soi thuộc xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư. Lỗ Lươn thuộc xã Sơn Lai, huyện Nho Quan. Như vậy, vườn sinh dược của Thánh Nguyễn rộng lớn nằm trên vùng đất bốn đơn vị hành chính ngày nay là: nam huyện Gia Viễn, đến đông nam huyện Hoa Lư, tây bắc thành phố Tam Điệp và tây nam huyện Nho Quan. Thung Sinh Dược (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) chỉ là tâm điểm của vườn thuốc quý thiên nhiên của thần y Lý Quốc Sư Minh Không mà thôi.

Đến nay vùng đồi núi Sinh Dược, Gia Sinh, huyện Gia Viễn vẫn còn nhiều cây thuốc quý như: bình vôi, ngành ngạnh, hoài sơn, khúc khắc, mặt quỷ, bòn bọt, hà thủ ô, hy thiêm thảo, chè vằng, thiên niên kiện, bố chính sâm... Nguyễn Minh Không xứng danh là Ông tổ y dược Việt Nam.

Nguyễn Minh Không còn là hình tượng một trí sĩ nhàn tản, tiêu dao đi thuyền lướt trên sông nước, ngồi đánh cờ trên đỉnh núi mờ sương cùng Bắc Đẩu, Nam Tào, sớm khuya chăm lo vườn thuốc sống (vườn Sinh Dược - thuốc sống, do chính bàn tay, công sức của ông thu lượm bốn phương, mang về trồng cấy, chăm sóc để bào chế thuốc Nam chữa bệnh cho nhân dân, phân biệt với thuốc đã bào chế sẵn, thời kỳ ấy hay phải nhập thuốc của người Tàu, gọi là thuốc Bắc). Hình tượng đó được ghi lại trong bài thơ khắc trên động núi Bái Đính của người xưa còn để lại: “Bàn cờ, ô thuốc hình như tạc...”. Rồi hang Áng Nồi (Gia Sinh, Gia Viễn), nơi để các nồi bào chế, sao tẩm thuốc Nam của ông... Đã có cuộc hội thảo khoa học gần đây đề xuất ý kiến tôn vinh Nguyễn Minh Không là Ông tổ Y Dược Việt Nam là vấn đề cần được các cấp, các ngành hữu quan và các nhà chuyên môn, nhà quản lý cần lưu tâm xem xét.

4- Hình tượng anh hùng văn hóa quyên đồng trong và ngoài nước, đặc biệt là lấy gần hết kho đồng của nhà Tống, trong đó có đồng đen là mẹ của các loại đồng, tạo tác nên tứ đại khí, cũng là bốn bảo vật quốc gia lừng danh.

            Trong kho tàng huyền thoại về Nguyễn Minh Không, có một huyền thoại rất đáng chú ý là chuyện ông sang nước Tống quyên đồng về đúc tứ đại khí. Cả kho đồng lớn của nhà Tống bị ông dùng phép thuật thu vào một cái túi vải đeo bên mình rồi thả nón vượt biển về Đại Việt trước sự nuối tiếc, khâm phục đến ngỡ ngàng của vua quan nhà Tống! Huyền thoại đã thần thánh hóa sức mạnh thể chất phi thường (vác cả kho đồng) và tinh thần siêu việt (chinh phục được tình cảm, lừa được cả vua quan nhà Tống để lấy đồng về nước trót lọt). Nguyễn Minh Không đúc nên tứ đại khí cho Đại Việt: Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, Vạc Phổ Minh và tượng Phật Quỳnh Lâm, ông trở thành người anh hùng sáng tạo văn hóa phi thường, độc đáo và duy nhất ở nước ta về bảo khí chế tác từ đồng. Cũng bởi thế, Nguyễn Minh Không được tôn vinh là Ông tổ đúc đồng của nước ta, nhiều nơi thờ ông là Tổ đúc đồng, như làng nghề Yên Xá, Tống Xá ở Ý Yên, lễ hội chợ Viềng (Nam Định); phố nghề Ngũ Xã, phố Lò Đúc (Hà Nội); Đình làng Chè, làng Rỵ (Thiệu Hoá, Thanh Hóa), các làng nghề đồng châu Mỹ, Long Thượng, Đông Mai (Hưng Yên) và Đào Viên, Điện Tiền (Bắc Ninh) đều thờ và tôn vinh ông là Ông tổ đúc đồng.

5- Nguyễn Minh Không, một nhà thơ thời Lý

Trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam có hai bài thơ chữ Hán là bài “Ngôn hoài” (Tỏ lòng) và “Ngư nhàn” (Cảnh nhàn của ông thuyền chài) chép là của Dương Không Lộ. Với những tài liệu điền dã mới sưu tầm, chúng tôi cho đây là hai bài thơ của Nguyễn Minh Không chứ không phải của Dương Không Lộ. Nguyễn Minh Không mới làm chùa trong động trên đỉnh núi Bái Đính, núi Dương Sơn và tu hành ở đây nhiều năm. Những danh sơn được tả trong bài thơ “Ngôn hoài” như núi Hàm Long, Hàm Xà hiện nay vẫn còn ở khu vực Bái Đính (Gia Sinh, Gia Viễn) là nơi Nguyễn Minh Không “chọn được đất” để lập am tu hành, phù hợp với truyền thuyết về hành trạng của Thánh Nguyễn hơn là Dương Không Lộ. Đến nay chúng ta chưa thấy có tài liệu nào nói Dương Không Lộ lập chùa trên núi hoặc tu hành trên núi cả, mà chỉ có Nguyễn Minh Không mới lập am, chùa trên các hang núi để thờ Phật và tu hành. Gần đây, mới phát hiện một ngôi chùa cổ trên núi Chùa thuộc huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình càng chứng minh Nguyễn Minh Không lập chùa trên núi để thờ Phật và tu hành. Trở lại hai bài thơ tứ tuyệt trên. Phong cảnh huyền ảo, tĩnh mịch, hoang sơ trong bài thơ “Ngư nhàn” là những nương dâu xanh ngút ngát, bên dải núi xanh u tịch rất phù hợp với cảnh sắc một vùng sông nước mà vào thời Đinh, Lê, Lý, Trần, nơi đây đã từng là vùng trồng dâu nuôi tằm, nay những địa danh nổi tiếng đó vẫn còn như La Giá, La Mai, La Phù, Bạch Cừ (羅 la = lụa)(6), bên cạnh đó là núi Đồng Cân, núi Xẻ(7) gắn với huyền tích ông Khổng Lồ gánh núi đứt quang, núi đá bắn tung tóe ra khắp vùng. Hòn đá ông cho vào bên quang cho cân cũng văng ra, gọi là núi Đồng Cân. Ông bực mình cầm đòn gánh chém vào hòn đá vừa văng ra bên chân mình, làm hòn đá xẻ làm đôi, dân gian gọi là núi Xẻ. Núi Xẻ, núi Soi(8) cũng là cột mốc làm ranh giới khu vực ông quây làm vườn Sinh Dược như đã nói ở trên. Bởi thế, chúng tôi cho rằng Nguyễn Minh Không còn là nhà thơ thời Lý, dù sưu tập mới chỉ có hai bài thơ tứ tuyệt, nhưng đặc sắc về nghệ thuật tả cảnh sắc thôn dã, sông núi u tịch, thanh bình, thấm đẫm triết lý thiền, lại đan xen cả triết lý “vô vi” của Lão Tử, nếu để lẫn vào thơ thời Đường, Tống e sẽ bị trộn lẫn, không dễ dàng phân biệt được!

Nguyễn Minh Không thực sự trở thành anh hùng văn hóa của dân tộc, xứng danh với niềm tôn vinh từ ngàn đời nay và sống mãi mãi trong lòng nhân dân ta, sánh ngang với các bậc anh hùng, danh nhân tiêu biểu của đất nước - Ngài cũng xứng danh vị Thánh bất tử trong lòng dân tộc, chúng tôi xin được mệnh danh là Ngũ Bất Tử!

 T.H.V

Lập Thu, Kỷ Hợi, 2019

 

([1]) Thiền uyển tập anh, NXB Hồng Đức, 2014, tr.194

([2]) Xem Trương Đình Tưởng: truyện cổ dân gian Ninh Bình, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1995 và Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.

([3]) Sách Nam Định tỉnh chí

([4]) Trương Đình Tưởng: Truyện cổ dân gian Ninh Bình, sđd, tr.75.

([5]) Lý Tế Xuyên: Việt điện u linh tập, Hồ Nguyên Trừng: Nam Ông mộng lục, Nguyễn Dữ: Truyền kỳ mạn lục: NXB Văn học, HN, 2008, truyện Sự thần dị của Minh Không, tr.87-89.

([6]) Nay thuộc xã Ninh Khang, Ninh Mỹ và Ninh Khang, huyện Hoa Lư.

([7]) Thuộc xã Ninh Khang và Ninh Mỹ, hyện Hoa Lư.

 ([8]) Núi Soi cũng thuộc xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, theo huyền tích Ninh Bình, cùng với núi Xẻ là những núi đá ông Khổng Lồ (Nguyễn Minh Không) xây mốc giới vườn thuốc Sinh Dược.

Bài viết khác