Chủ nhật, 19/05/2024

Năm Tý ngắm tranh "Đám cưới chuột"

Chủ nhật, 09/02/2020

NGUYỄN KHẮC THIỆU

Đông Hồ, một làng tranh truyền thống, dân gian thời xưa của người Việt. Xen các bức tranh ta thấy sinh hoạt của người Việt thật là phong phú, như cảnh đấu vật, chơi đu ngày xuân, chơi ô ăn quan, rồi cảnh mục đồng thổi sáo trên lưng trâu.

Lợn, gà là những con vật gần gũi với người lao động cũng bước vào tranh thật gần gũi và sinh động. Các cụ kể rằng ngày xưa mỗi khi tết đến xuân sang nhà nào dù nghèo túng đến mấy cũng cố mua một vài bức tranh làng Hồ để chơi tết. Vậy nên nhà thơ Tú Xương đã có câu: “Đì đẹt ngoài sân trang pháo chuột/ Loẹt lòa trên vách bức tranh gà”.

Mùa xuân này bước vào năm Canh Tý, tác giả xin được giới thiệu “Đám cưới chuột” - một bức tranh nổi tiếng của Làng Đông Hồ, đã được nhiều thế hệ người Việt ưa thích. Đây là một bức tranh đẹp, sinh động, lấy việc nhân cách hóa hình ảnh con chuột đến ẩn dụ sinh hoạt của con người. Bố cục của bức tranh được chia làm hai cảnh: phần trên là tả bốn con chuột được giao nhiệm vụ đi hối lộ mèo trong đó con đầu cầm một con chim cu gáy béo  Con thứ hai xách một con vi cá chép đến nhà mèo vằn để đút lót, theo sau là hai con đang thổi kèn, ý chừng muốn làm long trọng thêm việc dâng hiến tế lễ cho mèo và cũng là khỏa lấp đi sự chú ý của mèo đối với đám cưới của chuột.

Đáp lại sự trân trọng ấy là một ông mèo (kẻ nhận hối lộ) có một thân hình bệ vệ, ông có một cái bụng phệ chiều ngang gần bằng chiều dài, khuôn mặt có vẻ từng trải với bộ râu mép vểnh lên đầy vẻ hách dịch nhưng tham lam đe dọa “Nếu nhà các người không chịu đút lót một cách hậu hĩnh thì ra không để yên cho đậu…”. Chả thế mà lễ vật chưa kịp đặt xuống, ông đã đưa tay ra đón nhận một cách thật hài lòng và mãn nguyện. Chứng tỏ việc nhận hối lộ đối với ông xưa nay vẫn là một việc đương nhiên, không cần giữ ý gì cả. Vậy nên các người hãy đưa nhanh lên để ta còn kịp biển thủ, gạt vào ngăn kéo tránh để kẻ khác trông thấy thì gây ra phiền phức...

Phần dưới của bức tranh thì cảnh đám cưới nhà chuột, chú rể thì cưỡi ngựa, nàng dâu thì ngồi kiệu có lọng che, chứng tỏ nhà chuột cũng là một gia đình khá giả. Chính sự khá giả ấy là cơ hội cho mèo đục khoét. Ngày xưa đã có câu “Sơn ăn tùy mặt… Túm người có tóc chứ ai túm kẻ trọc đầu...”.

Đoàn chuột đón dâu trong tranh chỉ có tám con (kể cả chàng rể và nàng dâu) nhưng mỗi con có một tâm trạng khác nhau, hầu hết đều có vẻ nôn nóng, có đến một nửa số con quay về phía sau, trong đó có chú rể như là giục giã mọi người rảo bước, vì sự với lễ vật trên kia tuy cũng khá hậu hĩnh rồi đấy, nhưng biết đâu mèo lại đổi ý, thay lòng gây thêm phiền phức thì xúi quẩy cho nhân duyên trăm năm của nhà chuột…

Bức tranh đã phản ánh khá đầy đủ khía cạnh tiêu cực đưa hối lộ và nhân vật hối lộ đã có từ xưa. Thói hư, tật xấu ấy ngày nay vẫn đang là một căn bệnh, sinh thời Bác Hồ đã gọi là “Giặc nội xâm” mà chúng ta đang phải chống một cách quyết liệt.

N.T.K

Bài viết khác