Chủ nhật, 19/05/2024

Truyền thuyết - Sử thi về Đinh Tiên Hoàng

Thứ năm, 14/03/2019

NGUYỄN QUANG HẢI

Đinh Tiên Hoàng - Đại Thắng Minh Hoàng  Đế (?- 979) là vị Hoàng đế có công lao thống nhất giang sơn, lập nên nước Đại  Cồ Việt, dựng tạo kinh đô Hoa Lư.

Triều Đinh trị vì trong giai đoạn lịch sử: 968- 979. Đinh Tiên Hoàng tên húy là Đinh Bộ Lĩnh. Bộ Lĩnh sinh ra tại làng Đại Hữu, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Vậy nên trong dân gian có câu: “Đại Hữu Sinh Vương”. Khi mới ra đời, Bộ Lĩnh có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, tinh anh, lanh lợi khác thường.


Thuở niên thiếu, Bộ Lĩnh có tài bơi lội xuất chúng, thường lặn xuống lòng sông sâu để bắt cá hay bắt ba ba tùy ý. Bộ Lĩnh cùng các bạn mục đồng chăn thả trâu quanh vùng và bày ra các “trò chơi”. Nổi tiếng là trò “Tập trận cờ lau” (đám trẻ trâu chia làm hai phe để “tác chiến”, lấy bông lau làm cờ). Các cuộc tập trận thường diễn ra ở Thung Lau, Thung Lá là những thung lũng giữa các núi non quê nhà.

Cờ lau tập trận (Acrylic)                                                      Tác giả: Đinh Văn Lợi


Khi trưởng thành, là một trang tuấn kiệt, cũng vào thời buổi mà giang sơn đất nước bị xâu xé, loạn lạc bởi mười hai sứ quân (sau thời nhà Ngô). Bộ Lĩnh đứng ra tụ hội các nghĩa quân dũng sĩ của mình cùng đứng lên mưu nghiệp lớn. Nghĩa quân của Bộ Lĩnh hợp cùng nghĩa quân của Tướng công Trần Lãm (ở tỉnh Thái Bình ngày nay) quật cường, mưu lược dẹp yên nạn sứ quân bấy giờ, thống nhất được xã tắc.


Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định quốc hiệu là Thái Bình, lập dựng kinh đô Hoa Lư (nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). “Tứ trụ triều đình” nhà Đinh có: Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ - hầu như đều là “chiến hữu” của vua Đinh từ thuở niên thiếu, đã từng trải qua bao phen nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử. Nhà nước Đại Cồ Việt (nhà Đinh, nhà Tiền Lê và thời gian đầu nhà Lý) là nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của nước ta - với những dấu ấn quan trọng về lịch sử - văn hóa…


Có những truyền thuyết ly kỳ, độc đáo, hấp dẫn kể về Bộ Lĩnh – Đinh Tiên Hoàng thời niên thiếu. Đặc biệt là truyền thuyết “Sự tích núi Cắm Gươm”. Có thể nói đây là một truyền thuyết - sử thi đặc sắc và trường tồn. Truyện kể (vắn tắt) rằng: Thời niên thiếu, Bộ Lĩnh thường đi chăn trâu ở Thung Lau, Thung Lá. Đám trẻ trâu ấy thường “Tập trận cờ lau”. Một ngày nọ, đám quân của “chủ soái” Bộ Lĩnh thắng trận, Bộ Lĩnh đã cùng các “quân sĩ” giết mổ trâu để khao quân.

Xong Bộ Lĩnh lấy cái đuôi trâu cắm vào một khe đá núi, chèn lại. Sau, Bộ Lĩnh sai quân về “cấp báo” với chủ trâu là người chú ruột của mình, tên là Đinh Thúc Dự rằng: trâu đã bị thần núi bắt, hiện chỉ còn lòi ra cái đuôi. Ông Thúc Dự vội cầm gươm chạy vào thung, theo bọn trẻ dẫn chỉ, cầm lấy cái đuôi trâu, ra sức kéo thì ngã chổng kềnh ra. Định thần lại, uất ức, biết đây là trò bày của Bộ Lĩnh và đám trẻ, ông Thúc Dự nổi giận đùng đùng, cầm gươm đuổi chém Bộ Lĩnh. Bộ Lĩnh chạy thục mạng. Đến bờ sông lớn, đường cùng, Bộ Lĩnh thét gọi (…).

Bỗng có một con rồng vàng to lớn uốn khúc nhô lên. Bộ Lĩnh cưỡi rồng sang sông mà thoát hiểm. Khi ông Thúc Dự đuổi tới, nhác trông thấy cảnh tượng này thì hoảng rời. Ông vội cắm cây gươm xuống đất mà quỳ lạy. Nơi ông Thúc Dự cắm cây gươm ấy về sau thiên tạo thành một trái núi, nay gọi là nùi Cắm Gươm. Núi Cắm Gươm thuộc địa bàn xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn ngày nay, đối diện bên kia sông với khu vực kinh thành Hoa Lư xưa. Và sông ấy về sau gọi là sông Hoàng Long (rồng vàng). Đây là một truyền thuyết dân gian - tự sự kể về quá khứ phi phàm của bậc anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh, sau là Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng. Truyền thuyết này hàm chứa chất sử thi độc đáo và đặc sắc.


Nói về truyền thuyết có tính sử thi thì từ thời Hùng Vương ở nước ta đã từng có như: Truyền thuyết - thần thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh (kể về người anh hùng dựng nước Sơn Tinh), truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương (kể về người anh hùng giữ nước mà dân gian tôn thờ là Thánh Gióng). Rồi về sau có truyền thuyết kể về Tiên Dung - Chử Đồng Tử - nói lên khát vọng, sự bất tử của tình yêu v.v... Về những pho sử thi đồ sộ của nước ta, phải kể đến pho sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường, pho sử thi “Đăm Săn” của đồng bào Tây Nguyên…Trên thế giới có rất nhiều pho sử thi, chẳng hạn như: “Trường ca Iliát- Ôđixê của Hôme (Hi Lạp), sử thi Mahabharata của Ấn Độ.vv.

Nhìn chung, các pho sử thi trên thế giới gắn với thời cổ đại - trung đại của nhân loại. Trong các pho sử thi ấy, dung mạo, vẻ đẹp, chí khí, sức mạnh của người anh hùng qua cảm hứng, dòng chảy sáng tạo của tác giả dân gian (có thể là hữu danh - như Hôme ở Hy Lạp cổ đại) còn khá “nguyên sơ” so với các thời đại về sau. Những hành động, chiến công, bản lĩnh phi thường của người anh hùng được diễn tả trong các pho sử thi đều có ảnh hường chi phối đến cả cộng đồng và được cả cộng đồng ngưỡng mộ, tôn sùng.


Truyền thuyết “Sự tích núi Cắm Gươm” có nội dung như trên tuy không phải là một pho sử thi đồ sộ, song đó là một truyền thuyết hàm chứa, tích tụ chất sử thi (dù dung lượng nhỏ).
Bên cạnh “đặc điểm sử thi” nêu trên. Qua nội dung truyền thuyết “Sự tích núi Cắm Gươm” ta thấy: Hình tượng trang thiếu niên tuấn kiệt Đinh Bộ Lĩnh - sau là Hoàng đế nước Việt mang trong đó cả sự hòa quyện và sự xung đột trong phạm vi riêng tư, thân tộc, cộng đồng xã hội đương thời. (Mổ trâu là hy sinh quyền lợi cá nhân).

Nội dung truyền thuyết này hàm chứa yếu tố thần thoại (thần núi bắt trâu; rồng vàng hiện trên sông) và cổ tích (núi Cắm Gươm, sông Hoàng Long…) tuy có vẻ hoang đường (của thần thoại, cổ tích) song trường tồn với thời gian, với dòng chảy của lịch sử vô tận. Những tình tiết trong truyền thuyết này đều có “mấu cứ” về thân thế, sự nghiệp của người anh hùng (Bộ Lĩnh) và sự kiện, biến cố lịch sử của cộng đồng dân tộc (giai đoạn cát cứ của 12 sứ quân nước ta sau khi thời nhà Ngô đã lui vào quá khứ mà chính sử đã chép).


Không gian, cảnh quan trong truyền thuyết này cũng mang tính sử thi. Đó là một vùng đại ngàn núi non hùng vĩ (quanh Thung Lá, Thung Lau), sông nước mênh mang (sông Hoàng Long). Trong truyền thuyết, cảnh sinh hoạt, lao động và những tập tục trong đời sống của cộng đồng cũng có được khắc họa. Đó là trồng trọt (cấy lúa, chăn trâu); chăn nuôi: nuôi trâu (Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu); săn bắt (Bộ Lĩnh lặn sông bắt cá, bắt ba ba); tập tục: tập trận, hò reo (tập trận cờ lau), lễ khao quân (mổ trâu khao quân).


Như vậy, “chất sử thi” trong truyền thuyết về Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Tiên Hoàng bao gồm cả chất sử thi anh hùng và sử thi thần thoại, vừa chất chứa sự bí ẩn, vừa mang tính hiện thực (so với chính sử). Với truyền thuyết - sử thi “Sự tích núi Cắm Gươm”, phải chăng người xưa đã cảm nhận, lĩnh hội được sự “mã hóa” của tạo hóa về đất trời, sông núi, về tương quan mật thiết giữa Thiên - Địa - Nhân qua thân thế, sự nghiệp của bậc anh hùng lập quốc và giữ nước để mà trao gửi lại cho hậu thế.


                           
 N.Q.H

 

Bài viết khác