Chủ nhật, 19/05/2024

 Ký ức về một con đường

Thứ năm, 02/05/2019

Tản văn của VŨ  THÀNH

Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa

Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình

                                  (Tố Hữu)

Có một con đường gắn liền với lịch sử dân tộc chống ngoại xâm. Gắn với bao nhiêu mối quan hệ tình sâu nghĩa nặng ba nước Việt, Lào, Căm Pu Chia. Mang bao nhiêu cái tên, tên nào cũng hùng tráng: Đường Trường Sơn, đường vận tải Quang Trung, đường Hồ Chí Minh, con đường Huyền thoại.

 

            Quyết định thành lập vào tháng 5 năm 1959, nên cái tên của quân đoàn là Đoàn 559. Năm nay Đoàn 559, đường 559 tròn sáu mươi tuổi. Sáu mươi tuổi là tuổi của năm tháng thời gian, còn con đường chỉ 16 tuổi đã hoàn thành xứ mạng lịch sử của nó…

            Lịch sử về sự hình thành những con đường ngày xưa đã từng ghi: Người mở đường ban đầu thường đi theo dấu vết những con thú, chặt cành bẻ là làm dấu để nhớ, đi mãi rồi thành đường. Người mở đường Trường Sơn sau này có bản đồ, Sa bàn và hơn cả là hướng đi của con đường đã định rõ không chỉ ở trong mắt của người lính  mà từ  sâu thẳm trong mỗi con tim. Như một phép thần, kỳ diệu, người tới đâu là đường hình thành tới đó. Đường len lỏi âm thầm dưới những tán rừng già. Lặng lẽ, bí mật trải dài hàng ngàn cây số, giao liên đưa những đoàn cán bộ vào Nam. Đoàn 559 chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tuyệt đối bí mật, chỉ đưa người và vũ khí nhẹ vào Nam. Tư tưởng chỉ đạo là: "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Và ta đã duy trì hoạt động được năm năm.  Còn giai đoạn sau là công khai vận chuyển lương thực vũ khí và quân đội vào trực tiếp chiến đấu.

Ký ức Đông Trường Sơn (Sơn dầu)                                                                                                                                    Tác giả: ĐINH ĐỨC HƯNG

            Chiến tranh có những quy luật riêng của nó, cho dù nó diễn biến phức tạp tới đâu cũng đều có quy trình hình thành và phát triển.  Cái tuyệt vời của người lính Cụ Hồ là nhanh chóng thích ứng với những hoàn cảnh mới kể cả  nó khó khăn tới mức nào. Bản thân sự hình thành phát triển của đường Trường Sơn là một đặc thù của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta mà không có cuộc chiến tranh của đất nước nào trên trái đất này có được. Bản thân đơn vị "Binh trạm" không có trong danh bạ đơn vị của quân đội, mà chỉ có tiểu đội, trung đội đại đội, rồi tiểu đoàn …đại đoàn, quân đoàn, tập đoàn quân Đặc biệt trong đại chiến thế giới thứ hai ở Liên Xô có phương diện quân. Đường 559 là sự nối dài của những Binh trạm. Nếu tính về quân số biên chế, Binh trạm tương đương như một trung đoàn tăng cường gồm tiểu đoàn Công binh, Kho, Giao liên. Những Binh trạm ở trên trọng điểm quan trọng có thêm tiểu đoàn xe vận  tải và tiểu đoàn pháo cao xạ.

          Cuộc chiến trên  đường Trường Sơn và sự thắng lơi là kết quả của hợp đồng binh chủng. Xe vận tải là lực lượng chủ công, lực lượng yểm hộ bảo vệ  là pháo binh, lực lượng phục vụ là công binh.

           Ngày 5 tháng 8 năm 1964 xảy ra sự kiện Vịnh Bắc bộ cũng là mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Như dự đoán được khả năng phát triển của tình hình, bộ tổng tham mưu đã điều động tiểu đoàn cao xạ 12 thuộc sư đoàn 320 vào bảo vệ tuyến đường 559 chấm dứt giai đoạn bí mật của đường Trường Sơn. Đây là tiểu đoàn cao xạ đầu tiên vào đường Trường Sơn (để kỷ niệm đơn vị cũ lãnh đạo xin phép cấp trên đổi thành tiểu đoàn 20 - là đuôi của f 320). Sau đó còn rất nhiều đơn vị cao xạ khác. Bắt đầu từ đây là giai đoạn ác liệt thảm khốc kéo dài của tuyến lửa Trương Sơn. Có rất nhiều trọng điểm, trọng điểm nào cũng ác liệt, nhưng  dai dẳng, triền miên, tàn khốc nhất có lẽ là Thà Khống, Cê Pôn. Đây là cuống họng, huyết mạch của tuyến đường.

           Có giai đoạn cuối  năm 1965 cứ ba mươi phút một trận B52 tất cả các máy bay Mỹ từ miền Bắc trở về còn bao nhiêu bom đều trút xuống.  Cả một cung đường rừng núi mấy chục cây số quanh co, liên tục, rền rĩ tiếng bom đạn gầm rú. Lớp bụi này chưa rơi xuống đất thì bom lại xới lớp bụi khác tung lên. Đêm đêm rừng Trường Sơn rực sáng bởi ánh chớp của bom của đạn cao xạ pháo. Tiểu đoàn cao xạ pháo 20 suốt hai năm 1965-1966 đã quần nhau với máy bay bảo vệ an toàn cho dòng xe vận tải quân trang lương thực, vũ khí vào miền Nam. Tiểu đoàn cùng đảo Cồn Cỏ là hai tập thể đầu tiên của quân đội được tuyên dương tập thể Anh hùng. Bộ đội Trường Sơn còn tặng cho tiểu đoàn 20 cái danh hiệu tiểu đoàn Cồn Cỏ  Trường Sơn để ghi nhận những năm tháng ác liệt mà đơn vị đã chiến thắng. Có một người con của Kim Sơn là chiến sỹ của tiểu đoàn 20 được tuyên dương Anh hùng quân đội đó là Trần Xuân Sinh.

            Nếu nói lực lượng tạo  ra, chăm sóc, luôn làm cho con đường sống động đó là lực lượng công binh, ở những giai đoạn cao trào còn có thêm thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Đường Trường Sơn hàng ngàn cây số. Những chặng ở Hạ Lào và Căm Pu Chia đều là rừng Cà Bong bằng phẳng, nếu một vài quả bom có rơi trúng đường thì lái xe tránh hố bom tự mở đường đi. Còn những trọng điểm ở Cê Pôn, Mường Nòng thì không thể thiếu bàn tay của người lính Công binh từng phút từng giờ. Đây là những chặng đường khi khai mở đã vô cùng gian nan, bởi qua nhiều núi, nhiều sông suối. Giữ được bí mật là cực khó. Và đương nhiên phải chấp nhận cuộc đối đầu với máy bay Mỹ. Địch cũng hiểu đây là cửa khẩu để đưa vũ khí quân trang, lương thực vào miền Nam và bằng mọi khả năng tiềm lực, mọi sức mạnh có thể có, không từ mọi thủ đoạn, quyết đối đầu ngăn chặn. Cung đường dài trên bốn mươi cây số, phải qua hai con sông và hơn hai chục cái đèo. Trọng tâm nhất là cao điểm 435 và 467. Đỉnh 435 mở trước xe chạy được ít ngày bị lộ phải mở thêm đường qua đỉnh 467. Đèo mở trước là đèo Cũ đèo mở sau là đèo Mới. Từ đây cái tên đèo Cũ, đèo Mới đi vào lịch sử của con đường lớn, gắn với những chiến công của cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 71 công  binh anh hùng. Trên cung đường này ngày cũng như đêm không lúc nào ngớt tiếng máy bay quần thảo, tiếng bom gầm rú. Ngày thì máy bay ném bom AD6, A6A,  F4, F105 đấy là các loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ. Rồi B52 cái gọi là pháo đài bay, chỉ nghe tiếng thôi, nhiều tướng lĩnh của phương Tây cũng rùng mình khiếp sợ. Còn ban đêm thì máy bay OV2 săm soi chỉ điểm cho máy bay ném bom. Chính bản thân nó dùng tia la de để bắn loại 40mm.Con đường cứ oằn lên, xới tung vì bom. Rồi những người lính công binh lại đến xoa nhẹ vết thương, san cho con đường phẳng lại để dòng xe lại nối tiếp những dòng xe. Sự hy sinh là không thể nói hết. Yêu cầu của chiến trường quá lớn và cấp bách, dù hy sinh cũng phải vận chuyển ,nên 10 chuyến xe đi chỉ cần 3 chuyến qua được đã là thắng lợi. Những người thực hiện những chuyến xe ấy là cán bộ chiến sỹ của tiểu đoàn xe 101 anh hùng, tiểu đoàn 102 … Đặc biệt là tiểu đoàn xe nữ. Từ cán bộ tiểu đoàn đến chiến sỹ đều là gái. Lính Trường Sơn gọi lính xe là “Đại bàng đất” bởi các anh đi dọc cả dãy Trường Sơn, còn con người các anh từ đầu đến chân chỗ nào cũng đất. Những con đại bàng đất có vẻ đẹp ngang tàng một cách hào phóng, đến đâu cũng vang vang tiếng cười, đạp lên tử thần để chiến thắng, tất cả vì những chuyến hàng. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, ông nổi tiếng về những bài thơ viết về Trường Sơn bởi ông đã từng là lính của tiểu đoàn xe 101 anh hùng.

                         Xe không kính, không phải vì không có kính

                         Bom dật bom rung kính vỡ đi rồi

                                                (…)

                         Không có kính ừ thì có bụi

                         Bụi phun tóc trắng như người già

                         Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc

                         Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

                               (Tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật)

           Cho dù tượng đài Trường Sơn chỉ có ba lực lượng chính là công binh, pháo binh, và xe vận tải nhưng có một lực lượng tháng ngày âm thầm dẫn những đoàn quân đi đó là những chiến sỹ giao liên, những con Én Xanh của Trường Sơn. Một người lính giao liên Trường Sơn dẫn quân trong vòng ba năm cũng đã đi một chặng đường dài tương đương với đường xích đạo. Đúng là bước chân của người giao liên làm mòn đá tai mèo Trường Sơn. Cuộc đời của người giao liên biết bao gian nan, sóng gió nhưng cũng đầy lãng mạn. "Đường tôi đi núi chênh vênh, có mây bay dưới chân dăng thành, đời tôi như những con thoi dệt tình yêu quê hương đất nước" (Đời giao liên -Vũ Trọng Hối).

         Trường Sơn có hai mùa mưa và mùa khô rõ ràng. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Đấy là mùa chiến dịch, làm việc suốt ngày đêm. Đã khô thì khan nước, nước cho xe, nước ăn  nước uống cũng tằn tiện. Sống trong bụi đất, chỗ nào cũng có đất, trên đầu, lỗ tai, trong nách sờ đâu cũng có đất. Nhanh thì hai ba ngày được xuống suối tắm một lần, thậm chí cả tuần cũng đã là may mắn. Không sao, tất cả vì dòng xe chạy, vì những chuyến hàng nặng tình nghĩa vào Nam. Rồi mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10. Hình như ngày nào cũng mưa, nước ở đâu mà nhiều đến thế, tất cả các sông suối lúc nào cũng đầy ắp nước. Đi kiểm tra đường, nếu không thông thạo tinh khôn, nhiều khi gặp trận mưa không có đường về. Mưa thì ẩm thấp, lại muỗi vắt, không thể ở trong hầm. Quần áo cả tuần không khô, mà đâu có quần áo để thay. Cán bộ đại đội đi họp cấp trên phải mượn quần chiến sỹ là chuyện thường tình. Rồi lại ốm đau, sốt rét … Bù lai mùa mưa lại có măng, có nước trồng rau, con gà, con lợn cũng xởi lởi mau lớn. Đi đến đâu là trồng rau, trồng sắn, chăn nuôi. Mình không được dùng thì đơn vị sau qua đây sẽ có ăn. Có một nhà báo nước ngoài khi thấy luống rau, nương sắn đã nói rằng: Nếu người Mỹ nhìn thấy những luống rau, nương sắn này, chắc họ không dám tiếp tục đánh Việt Nam nữa. Đâu chỉ là luống rau, nương sắn mà đấy là quyết tâm bám trụ, là ý chí kiên định, là lòng dũng cảm kiên cường.

         Đường Trường Sơn, mọi người biết đến, mọi người yêu thương không còn đơn thuần cái tên của địa lý mà đó là sự cảm phục đức hy sinh, sức chịu đựng gian khổ và sự thông minh sáng tạo tuyệt vời của tuổi trẻ Việt Nam, Những chàng trai, những cô gái đang ở tuổi "áo chưa sờn đã chật" mang đầy ắp những hoài bão, ước mơ đẹp mà chấp nhận sự hy sinh. Cám ơn đất nước, quê hương đã sinh ra nhiều thế hệ vàng nối tiếp nhau bền gan đánh giặc. Tất cả đều một ý chí, tất cả vì độc lập tự do, vì Tổ quốc yêu thương. Sự hy sinh của các anh, các chị không bút nào viết nổi, không bia nào ghi hết. Những bài ca về Trường Sơn mãi ngân vang, con đường mang tên Bác, con đường Huyền thoại sẽ sống mãi cùng lịch sử đất nước.

                                                                           Tháng 4/2019

Bài viết khác