Chủ nhật, 19/05/2024

Chuồn chuồn với tuổi thơ

Thứ sáu, 16/07/2021

VŨ VĂN LÂU 

Xưa tuổi thơ có nhiều thứ vui lắm. Nào đuổi bắt bướm trong vườn nhà, ngoài vệ đường, nào lùng sục khắp các bụi cây rậm rạp trong làng xóm tìm tổ bắt chim con... Thường xuyên và thú vị hơn vẫn là tìm bắt chuồn chuồn. Giữa trời nắng chang chang suốt mùa hè và cả mùa thu, lũ trẻ thường dõi theo những con chuồn chuồn đơn lẻ để bắt chơi cho bằng được.

Hình như lũ chuồn chuồn khôn ngoan cũng đã có nhiều lần đối mặt với lũ trẻ nên chỉ nhác thấy bóng dáng lò dò của các cô các cậu là chúng biết ngay ý đồ liền lảng ra xa đánh bài chuồn thẳng, nhiều khi mất hút, mặc lũ trẻ đứng đó tiếc ngẩn tiếc ngơ. Khôn nhất hay nhút nhát nhất vẫn là những chị chuồn chuổn đỏ, có thân hình nơi dẹt trông như quả ớt nhỏ chín đỏ. Chuồn chuồn đỏ thường bay thấp mà nhanh, hay đậu trên các cọng rơm, cuống rạ ngoài sân, ngoài ngõ, trên trà rào, vv... Tuy khó bắt nhưng lũ trẻ thích chơi loại chuồn chuồn này vì nó có màu đỏ tươi rất bắt mắt.

Lũ trẻ còn thích bắt loại chuồn chuồn ngô. Đầu nó to như hạt ngô, thân dài thon nhỏ, ở phần cuối phình to lên một chút trông rất điệu, lại có nhiều màu sắc vằn vện đen, xanh, vàng đan sen rất hấp dẫn. Loại chuồn chuồn này dạn với người hơn loại chuồn chuồn đỏ nên cũng dễ bắt hơn. Giữa trưa nắng to nó thường đậu ở vỉa hè, bậu cửa, mép tường xây hoặc trên thân những cành, thân cây khô, khẳng khiu, chỏng trơ. Hình như nó thích đậu ở vị trí cao, thoáng hơn để dễ quan sát.

Loại chuồn chuồn ngô thường nhỉnh hơn các loại chuồn chuồn khác. Có con to "đại tướng" bằng ngón tay cái bay lên bay xuống chao liệng như máy bay, lâu rồi mới chịu hạ cánh đậu xuống đỉnh những cột trụ ở đình, ở chùa, ở đỉnh tường hồi nhà xây trông có vẻ oai vệ, kiêu hãnh và thách thức lũ trẻ đang ngước mắt nhìn lên.

Ấy vậy mà nhiều khi lũ trẻ cũng không chịu bó tay thất bại. Lũ trẻ tinh khôn tìm mọi cách trèo lên cao bằng được rồi nối dài cánh tay bằng nhiều cách vươn tới con chuồn chuồn. Lũ trẻ thường dùng nhựa mít bôi đầy vào đầu que có quấn dẻ rồi bất ngờ dính vào thân, cánh con chuồn chuồn mà bắt. Mỗi lần bắt được những chú chuồn chuồn to như thế, cả tốp năm sáu đứa trẻ túm tụm lại cùng reo vui, hoan hỉ. Chúng còn chơi trò dùng sợi dây nhỏ buộc giấy màu vào một đầu còn đầu kia buộc vào đuôi con chuồn chuồn rồi thả ra cho bay là là trên mặt sân trong tiếng hò reo cổ vũ của nhiều đứa trẻ. Nếu chẳng may con chuồn chuồn kiệt sức mà chết, lũ trẻ tỏ vẻ vô cùng thương tiếc, liền tổ chức ngay đám ma khá trịnh trọng để chôn cất cho chú chuồn chuồn xấu số.

Đối lập với chuồn chuồn ngô, là chuồn chuồn kim. Có lẽ vì có thân nhỏ như cái kim nên người ta gọi nó là chuồn chuồn kim. Chuồn chuồn kim có hai mắt lồi ra ngang phè, có thân hình và bộ cánh mỏng mảnh - Nó bay chầm chậm trong một phạm vi hẹp. Có đôi khi chúng bay mà giữ nguyên vị trí và thường quẩn quanh trong những bụi cây rậm mát. Nó là con vật hiền lành, yếu đuối nên lũ trẻ có bắt chơi nhưng chẳng bao giờ để lâu mà thường thả ra cho nó về với mẹ…

Còn nhiều loại chuồn chuồn khác có kích cỡ, to nhỏ, màu sắc khác nhau, nhưng với lũ trẻ, thường chú ý đến đám chuồn chuồn nước. Loại này thân hình gần giống chuồn chuồn đỏ, nhưng có phần nhỏ hơn, có màu nâu hay vàng nhạt, thường tụ tập thành tốp nhỏ bay là là trên mặt nước ao hồ. Hình như chúng thích ngắm bóng hình mình dưới nước. Ngồi trên cầu ao té nước tới là nó sợ bay tán loạn. Lũ trẻ ít bắt chơi loại này vì nó có thân hình, tính cách ít hấp dẫn.

Chuồn chuồn là loại côn trùng có cánh rất nhạy cảm với thời tiết. Dân gian đã đúc kết nên kinh nghiệm tiết nắng mưa: độ cao của chuồn chuồn bay mà dự đoán thời “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.

Tuy còn thơ bé nhưng đứa trẻ nào cũng thuộc lầu lầu câu ca ấy do ông bà, cha mẹ truyền lại. Ai đi qua tuổi thơ nhất là ở nông thôn rất có thể lại gặp một "kinh nghiệm" cũng được truyền bá lại tuy chỉ là chuyện đùa dai, đó là lời khuyên trẻ con cho chuồn chuồn cắn rốn sẽ biết bơi. Xưa, hồ ao, sông nước liền kề với nhà ở, lại úng lụt thường xuyên chưa có những công trình thuỷ lợi như bây giờ. Hàng ngày, người lớn trẻ em tiếp xúc nhiều với sông nước, ao hồ việc biết bơi là rất cần: “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo". Bởi thế mặc dù bị đau nhói như kiến đốt, có khi rớm máu nhưng nhiều trẻ vẫn cứ cho chuồn chuồn cắn rốn với hy vọng nhanh biết bơi! Hình như xưa trẻ con không khôn như bây giờ nên hầu hết đứa trẻ nào cũng có một đôi lần cho chuồn chuồn cắn rốn để biết bơi. Trẻ con bây giờ khó có ai có thể khí lừa chúng làm theo điều đó.

Dù chỉ là những chuyện nho nhỏ vậy thôi đã trở nên những mẩu chuyện thú vị, hấp dẫn ắp đầy trong ký ức của tuổi còn thơ bé .

 

V.V.L

(Nguồn: TC VNNB 252-6/2021)

Bài viết khác