Chủ nhật, 19/05/2024

Cúc họa mi

Thứ ba, 07/04/2020

Tản văn của HƯƠNG LY 

Cứ đến cuối tháng 11 hàng năm, khi từng cơn gió mùa lùa về trong những ngóc ngách của đường phố thì ở những mảnh vườn vùng ngoại ô, một loài hoa trắng ngần, ngây dại lại khoe hương sắc tô điểm cho mỗi dịp đông về.

Cánh trắng mỏng manh xếp đều lên nhụy vàng tươi thắm, cúc họa mi giản dị với nét đẹp dịu dàng, xuân sắc như những cô gái mới độ trăng tròn. Không cầu kì về hình thức, không ngào ngạt hương thơm nồng, thế nhưng cúc họa mi vẫn chiếm trọn cảm tình của những người yêu cái đẹp bởi những ý nghĩa loài hoa này mang lại.

Loài hoa cúc mang tên chim họa mi – loài chim nhỏ nhắn với tiếng hót thánh thót, trong trẻo - tượng trưng cho vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Á Đông. Hình ảnh những người phụ nữ mặc tà áo dài trắng cùng bó cúc họa mi dạo phố đã khiến cho một thi sĩ phải trầm trồ thốt lên: “Cùng họa mi bước đi cuối chiều đông/ Tà áo trắng má em hồng trong gió/ Bó cúc họa mi em mang trong giỏ/ Chợt giật mình anh đứng đó ngẩn ngơ.”

Trong tình yêu, cúc họa mi là biểu tượng của sự thủy chung, trước sau như một. Loài hoa này chỉ căng tràn sức sống khi có ánh mặt trời, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc cánh hoa buồn bã co mình, cụp lại. Người ta ví sự chung thủy của hoa cúc với ánh mặt trời cũng như tình yêu đôi lứa, cô đơn khi không có nửa kia ở cạnh mình. Bởi vậy, cúc họa mi thường được sử dụng trong các đám cưới như một lời chúc phúc cho tình yêu vĩnh cửu, bền chặt.

Cúc họa mi còn là biểu tượng cho sự an lành. Ở nhiều nơi trên thế giới, loài hoa này là nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh về mắt, bệnh dị ứng; làm trà giúp thanh nhiệt, đẹp da. Người Ailen cổ còn tin rằng, cúc họa mi chính là linh hồn những hài nhi đã chết khi vừa mới sinh ra. Chúa đã rải hoa cúc khắp núi đồi và thảo nguyên trên trần gian để làm vơi đi nỗi buồn của những người làm cha mẹ.

Ở nước Anh, cúc họa mi còn được gọi là “Baby’s pet” có nghĩa là hoa của trẻ em bởi cánh hoa cúc trắng mỏng manh tựa như vẻ đẹp của những em bé với tâm hồn tinh khôi, trong vắt. Hình ảnh những em bé gái mặc váy trắng, ôm trên tay bó hoa cúc chính là hỉnh ảnh biểu tượng tròn đầy nhất của sự trong trẻo, thơ ngây.

Bé gái và hoa cúc họa mi                                                                                                      Ảnh: ĐỨC HẬU           

Theo quan niệm của dân gian, cúc họa mi còn tượng trưng cho sự cao quý, thịnh vượng. Bởi vậy, hoa cúc xuất hiện trong bộ tranh tứ quý “Tùng – Trúc – Cúc – Mai” được nhiều người sử dụng để treo tranh trong nhà hoặc hoa văn trang trí trên bàn ghế, kệ, tủ với ước muốn loài hoa này sẽ mang đến sự đủ đầy, sung túc.

Cúc họa mi chỉ nở rộ một lần trong năm vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Thời gian hoa nở khoảng 2, 3 tuần nên khi ấy người dân phương Bắc ai cũng muốn tranh thủ thời gian ngắn ngủi ghi lại những hình ảnh của mình cùng loài hoa này. Bạn bè phương Nam có dịp ra Bắc vào cái độ ấy cũng muốn mua cúc họa mi mang về như một thứ quà đặc sản. Bởi vậy, với nhiều người dân đất Bắc, cúc họa mi đã trở thành loài hoa đặc trưng khiến nhiều người ngóng trông mỗi dịp đông về.

H.L

(Nguồn: TCVNNB số 236/3-2020)

 

Bài viết khác