Chủ nhật, 19/05/2024

Đôi dòng ký ức về anh hùng Đỗ Văn Lanh

Thứ ba, 02/02/2021

Kí của PHẠM ĐỨC HOÀN

Đỗ Văn Lanh quê xã Ninh Khánh, huyện Hoa Lư (nay là thành phố Ninh Bình). Nhập ngũ 1965. Phong Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1973. Hi sinh trong khi bay huấn luyện năm 1980.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đỗ Văn Lanh (Nguồn: Internet)

Là người cùng làng, tôi biết và thân với anh qua người anh trai vì họ “đồng niên, đồng tuế”. Với biệt danh “Lanh ngang” – “ngang ngược”, chúng tôi gọi thế vì Lanh thường có những câu nói “trái khoáy”, cũng có thể hiểu là “ngang tàng” vì rất nổi tiếng với những trò nghịch ngợm quái dị, trêu đùa quá đáng, thường làm cho bọn con gái phát khiếp!

Chiến tranh phá hoại của Mỹ vừa bắt đầu lan rộng ra miền Bắc, Lanh và anh tôi cùng các thanh niên trong làng xung phong đi bộ đội. Ít lâu sau, anh tôi viết thư về báo tin Lanh được chọn vào bộ đội không quân. Trong khi Lanh ngược về phương Bắc để học lái máy bay thì anh tôi xuôi về phương Nam vào chiến trường. Anh em bặt tin nhau từ đấy vì không bao lâu sau, tôi cũng tạm gác bút sách lên đường…

Bẵng đi đến mấy năm, tôi mới lại “láng máng” nghe tin về Lanh. Ấy là khoảng nửa cuối năm 1972, khi ấy trung đoàn tôi - Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 đang trong những ngày căng thẳng phòng ngự ở khu vực phía Tây Nam Thành Cổ Quảng Trị. Một hôm đang giúp anh Nguyễn Viết Sơn, trợ lí tuyên huấn Trung đoàn phân phối báo (do hậu phương gửi vào) cho các đơn vị, tình cờ tôi đọc được một bài báo trên tờ Nhân Dân nói về chiến công quả cảm của một phi công trẻ thuộc Đoàn không quân Sao Đỏ. Chuyện kể rằng: Trên đường bay về sau trận đánh anh đã gặp một sự cố không ngờ: máy bay hết nhiên liệu và bị tắt máy trên không khi còn cách sân bay hơn 50 ki-lô-mét!. Tuy đã nhận được lệnh của chỉ huy, phi công vẫn quyết tâm không nhảy dù và xin hạ cánh để giữ máy bay. Với bản lĩnh tuyệt vời và kĩ thuật bay điêu luyện, người phi công đã đưa được máy bay về sân bay và hạ cánh an toàn. Khi đọc đến tên người phi công, tác giả bài báo viết là Đỗ Văn, tôi đã ngờ ngợ, không biết “Đỗ Văn” có phải là họ tên một người khác hay chính là Đỗ Văn Lanh? Thời gian sau, nghe tin anh được tuyên dương Anh hùng thì tôi đoan chắc bài báo hồi ấy chính là viết về “Lanh ngang” của chúng tôi rồi!

Chuyện này được anh Lanh nhắc lại khi hai anh em tình cờ gặp nhau vào độ cuối năm 1973 khi tôi ở Quảng Trị ra nghỉ phép, còn anh được lãnh đạo tỉnh mời về thăm quê sau khi được phong “Anh hùng”. Anh nói tưng tửng: “Nói thật là lúc ấy tớ cũng chả nghĩ gì nhiều. Phải chạy đua với tốc độ của MiG-21 cơ mà, làm gì có thời gian để nghĩ. Nhưng cũng có phần may mắn nữa!”.

Sự “may mắn” như anh nói là có thật. Đầu những năm 90 (của thế kỉ trước), tại nhà một người bạn học cùng ở lớp bổ túc Học viện Quốc phòng, tôi gặp anh Tạ Quốc Hưng, sĩ quan dẫn đường cho Đỗ Văn Lanh hạ cánh ngày ấy (24 tháng 5 năm 1972). Nghe nói tôi là “đồng hương” của Lanh, anh kể: “Khi biết máy bay đã hết nhiên liệu, sở chỉ huy ba lần ra lệnh cho phép nhảy dù nhưng Lanh chỉ trả lời lần đầu, các lần sau, im lặng! Hơn Lanh đến tám, chín tuổi, nhưng ở với nhau lâu, tôi biết tính cách của “hắn”: dũng cảm tới mức “lì”, thẳng tính, đã quyết là làm!. Tôi báo với chỉ huy: “Kiểu này là nó quyết hạ cánh rồi. Tôi sẽ tìm cách dẫn nó về!”. Anh nói về những công việc sau đó (thực sự chỉ có người trong nghề mới hiểu) để giữa sở chỉ huy dưới mặt đất, Lanh ở trên trời và các đài dẫn đường không lưu phối hợp với nhau một cách chính xác, kịp thời, ăn ý và cuối cùng Lanh đã thực hiện “cuộc” hạ cánh xuống sân bay một cách khó tin (máy bay được điều khiển như cách bay của tàu lượn) trong sự hoan hô, nể phục của đồng đội.

Tôi nói với anh Hưng: “Cái may mắn của anh Lanh là gặp được kíp trực chỉ huy trong đó có anh, những người vừa dày dạn kinh nghiệm vừa quyết đoán ở thời điểm ngặt nghèo đó. Vào trường hợp khác cũng chưa biết thế nào...”. “Nhưng quan trọng nhất vẫn là phi công. Mình dẫn “nó” vậy nhưng người lái chỉ một chút không bản lĩnh, mất bình tĩnh, xử lí không chính xác là “xong!”. Còn nhớ sau đó ít lâu, trong một buổi họp rút kinh nghiệm, Lanh nói với tôi rất chân thành: “Anh cứu được máy bay; Anh cứu được em rồi!”. Đến trận đánh trên vùng trời Việt Trì ngày 21 tháng 6 năm 1972 càng thể hiện chất gan lì của Lanh. Khi đó, chiếc MiG-21 của Lanh bị trúng mảnh đạn tên lửa địch, thùng dầu bị chảy, hệ thống thủy lực cũng hỏng, không tăng được tốc độ… Biết máy bay đã bị thương có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng Lanh vẫn kiên quyết bám sát đội hình, bình tĩnh yểm hộ cho số 1 vào công kích và tự mình bắn rơi một chiếc F-4 rồi mới bay trở về.

Anh tâm sự: “Mình là sĩ quan dẫn đường lâu năm, từng dẫn đường cho nhiều kíp phi công trong chiến đấu nên rất hiểu sự gan góc, dũng cảm của họ. “Với lãnh đạo chỉ huy thì dù trong trường hợp nào cũng xác định cứu người lái là trước hết, nhưng với anh em phi công thì nhiều khi lại nghĩ khác: muốn giữ máy bay dù có thể hi sinh tính mạng. Cái chất anh hùng của Phạm Ngọc Lan, Võ Sĩ Giáp , Đỗ Văn Lanh… là ở chỗ đó!”.

Cũng vào thời gian này, tôi có may mắn gặp và trò truyện với anh Phạm Phú Thái, một người bạn chiến đấu thân thiết của Đỗ Văn Lanh, đang học lớp bổ túc cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược tại Học viện. Anh kể: “Tôi kém Lanh một tuổi nhưng cùng về Trung đoàn 921 một dịp. Trong chiến dịch phòng không năm 1972, Lanh là một trong những phi công tiêm kích có hiệu xuất chiến đấu cao, chỉ trong 10 lần xuất kích, với 7 quả tên lửa đã bắn hạ 4 máy bay Mỹ. Khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, tôi và Lanh có nhiều thời gian công tác cùng nhau, có khi cùng chỉ huy một phân đội (anh làm Chính trị viên) nên bọn tôi rất hiểu nhau nếu không muốn nói là “hợp’ nhau ở nhiều điểm”.

Khi tôi nói Lanh có biệt danh là “Lanh ngang” thời học sinh, Phạm Phú Thái vỗ đùi đánh đét: “Ồ, vậy thì đúng rồi! Tính cách này Lanh vẫn giữ nguyên khi ở lính: thẳng tính, bộc trực nhiều khi tới mức hơi “cục”, thấy gì không đúng là ‘phản ứng” liền, quyết là làm và làm bằng được. Do vậy có đôi khi hơi “tự do” nhưng anh em ai cũng quý vì sự tận tâm trong công việc, chân thành, trung thực với bạn bè và luôn hài hước nữa”. Anh kể ra hai câu chuyện để phần nào minh chứng cho cái tính cách “độc đáo” của Lanh. Chuyện thứ nhất: Sau năm 1975, nhà máy sửa chữa máy bay MiG-21 chuyển vào Đà Nẵng. Một lần Lanh được lệnh đưa máy bay vào trong đó. Khi cất cánh lên trời thì vô tuyến điện và một số thứ khác trên máy bay bị hỏng. Mặc kệ! Cứ thế dọc bờ biển Lanh bay và hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng trong khi các sở chỉ huy đều bấn lên vì không liên lạc được… Bước xuống thang máy bay, Lanh còn đùa với nhóm thợ kĩ thuật bằng một câu hài hước: “Chào các đồng chí ngụy!”. Chuyện thứ hai (do anh Nguyễn Đăng Kính nói với tôi): Có một lần, Lanh tự động nhảy lên cùng tổ lái AN-26 bay vào miền Nam chơi mà không nói với ai cả. Khi đại đội hỏi và đi tìm khắp nơi thì mới biết Lanh đang ở trong Nam! Mọi người nghe chuyện đều nói đùa: “Thằng này ngang lắm. Có lẽ nó là con Giời!”.

 “Rất tiếc là Lanh “đi” sớm quá!”. Giọng anh Thái bỗng chùng hẳn xuống. Anh kể: “Hôm ấy (9/7/1980), Lanh đến nhà tôi (ở khu tập thể) đập cửa rất sớm và nói: “Tao đến chỉ để xem cái mặt mày!” - (Lanh biết tôi vừa học ở Liên Xô về chưa kịp trình diện) rồi quay đi rất nhanh sau câu nói: “Tao đi bay cái đã. Bay xong sẽ sang đón thằng Tuân”. Chuyện đi Liên Xô của Lanh thì tôi đã biết. Bên ấy có nhã ý sau khi chuyến bay lên vũ trụ kết thúc, Phạm Tuân được mời một bạn thân sang. Phạm Tuân đề nghị Lanh vì anh ấy vừa là đồng đội thân thiết vừa chưa bao giờ đến Liên Xô cả”.

“Đỗ Văn Lanh đã không thực hiện được ước vọng ấy, ra đi đột ngột, một sự ra đi nhuốm màu “định mệnh” mà nói ra ít người tin được - kể cả người trong cuộc. Số là, hôm trước (8/7/1980) dưới Trung đoàn 921 báo lên là công tác chuẩn bị cho bài bay “kĩ thuật cao cấp độ cao thấp…” đã đầy đủ, chỉ còn thiếu giáo viên hướng dẫn, đề nghị Sư đoàn giúp đỡ. Anh Dương Công Danh, Phó Trưởng phòng huấn luyện Sư đoàn bàn với Lanh: “Chuyện này để mình tính. Sẽ có người khác thay. Cậu sắp đi Liên Xô rồi”. Nhưng Lanh (lúc này đang là Chủ nhiệm bay Sư đoàn) nói luôn: “Tôi sẽ xuống bay với chúng nó ban bay cuối cùng rồi về chuẩn bị cũng kịp chán!”. Vậy là Lanh vẫn bay chuyến bay “định mệnh” như đã nói. Chẳng ai ngờ vì Lanh là một phi công có kĩ thuật bay điêu luyện, lại từng bay nhiều lần trên loại máy bay đó. Lanh đã đột ngột rời bầu trời và xếp đôi cánh bay của mình trên đất Phú Bình, Thái Nguyên khi vừa tròn 32 tuổi!. Không chỉ riêng mình mà cả đơn vị khi nghe được tin này đều bàng hoàng, thẫn thờ đến cả tuần…”. Tôi đáp: “Hồi đó, ở đơn vị cũng được thông báo về một vụ máy bay rơi trong huấn luyện, hai phi công hi sinh nhưng chẳng thể ngờ trong đó lại có Lanh!”

Hiện tại, Đỗ Văn Lanh đã về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quê nhà bên cạnh người bạn - anh trai tôi, hi sinh ở chiến trường phía Nam sau Tết Mậu Thân. Và giờ đây, khi ngồi viết lại vài dòng ít ỏi về anh, tôi coi đó là nén tâm nhang tưởng nhớ đong đầy sự tiếc thương sâu thẳm: “Những người như  Lanh, sao lại ra đi sớm thế!”.

                                                                                P.Đ.H

Bài viết khác