Chủ nhật, 19/05/2024

Giữa đại dịch nhớ tiếng cối chày quê hương

Thứ năm, 14/05/2020

Tản văn của QUYÊN GAVOYE

Tôi xa Việt Nam khi vừa tròn 22 tuổi. Lần đầu tôi đi xa, mà xa hẳn. Hôm chuẩn bị hành lý cho tôi, mẹ cứ băn khoăn nhấc lên, đặt xuống, cái gì cũng muốn cho tôi mang đi. Mẹ sợ nơi đất khách quê người, tiếng nói còn bập bẹ, tôi sẽ bị thiếu thốn đủ thứ.

Hồi đó là năm 2002, mạng Internet mới chớm phát triển. Lũ thanh niên như chúng tôi, chỉ vài đứa biết sử dụng, mà cũng chỉ những chức năng cơ bản như đánh văn bản hay thư điện tử. Tôi còn nhớ, vài tuần trước khi bảo vệ luận văn, tôi ra hàng máy tính lập một hòm thư điện tử, đến lúc về ký túc xá, đứng giữa phòng khoe lũ bạn và tiện thể đọc vanh vách mã mở hòm thư. Một nhỏ cùng phòng nhìn tôi cười ngặt nghẽo. Nó thấy tôi ngố đến ngây ngô.

Mẹ lấn bấn mất cả tuần, nào gạo, đường, muối và bột giặt, không thiếu thứ gì, mẹ bảo:
- Sang đó thì cũng phải sống chứ. Những ngày đầu chưa biết đường, biết chợ, nói thì chưa thành câu, còn có cái mà ăn.

Mẹ nói đúng, chúng tôi không biết gì về cuộc sống nơi đó, thôi đành để mẹ muốn chuẩn bị gì thì chuẩn bị. Bởi châu Âu với chúng tôi hồi ấy chỉ được nghe qua lời kể của số ít người từng đi.

Mẹ cứ thế, cả ngày lôi ra, xếp vào, rồi lại đặt lên bàn cân, xong chép miệng:

- Chắc cái cân có vấn đề chứ làm gì mà nhiều cân thế nhỉ.

Đứa bạn thân của tôi, mấy ngày này, chiều nào cũng qua, nhìn mẹ lấn bấn với mấy chục cân hành lý, nó bảo:

- Nhiều cân quá, sân bay họ không cho qua đâu.

Mẹ chẹp miệng, lại lôi ra, xếp vào.

Gần 24 giờ trước khi tôi bay, mẹ mới chính thức đóng vali. Nhưng trước đó, mẹ tất tả chạy xuống bếp rồi lôi nên một bộ chày cối. Mẹ nhìn tôi:

 - Không thể thiếu cái này được. Hay ăn như mày mà thiếu cái này thì khổ sở lắm đấy.

 Mẹ vừa nói vừa cân bộ chày cối, rồi lôi ra từ vali đúng số cân gạo

- Thôi ăn ít đi tí. Nhưng có bộ này về lâu về dài sẽ đỡ khổ.

Rồi cũng đến ngày tôi đi. Gần hai tư giờ bay và đổi chuyến, đứa con gái bé vừa đủ “một mét hai quần”, theo như lời mẹ đùa, lả người đi vì mệt mà vẫn phải cố đẩy cho được hai chiếc vali cao đến ngang hông, nặng gần 50 kg, tôi lẩm bẩm:

- Mẹ nhét gì mà nhiều thế không biết. Tha toàn những thứ không cần thiết.

Minh họa: (Nguồn: qdnd.vn)

Sau vài ngày ổn định chỗ ở, tôi cởi bỏ hành lý. Giữa những mớ quần áo, mẹ nhét cho tôi, có đến gần yến gạo tám, muối, đường, vài cân muối lạc và ruốc. Đúng là mẹ.

Tiền tôi mang sang chỉ vừa đủ nộp tiền nhà và học phí, bảo hiểm. Sau cùng, tôi còn lại vẻn vẹn 30 euro. Dù có tính nát óc, tôi cũng ý thức được rằng, số tiền đó chỉ đủ giúp tôi cầm cự mấy ngày. Có hề gì, tôi có gạo, có ruốc, có muối lạc. Nếu ăn dè, tôi cũng sống được cả tháng. Cứ sống rồi tính tiếp.

Những tháng sau đó, nỗi sợ bị đói, bị đuổi ra khỏi nhà vì không đủ tiền buộc tôi phải lăn lộn kiếm đủ mọi việc để làm, từ làm vệ sinh theo giờ, trông con, rửa bát ở các nhà hàng... Tôi không nề hà việc gì. Cứ có chuông điện thoại là đi. Số tiền tôi kiếm được cũng chỉ đủ trả tiền nhà, tiền sách vở và mua vài cân gạo.

Ăn mãi gạo với muối trắng khiến tôi phát ớn. Nhiều hôm đi làm về đến nhà đã gần 12 giờ đêm, nhìn bát cơm nguội và lọ muối, tôi ngao ngán cất đi và leo lên giường ngủ mặc bụng đói. Rồi, tôi ra nhớ lời mẹ dặn, nếu không có vừng, có lạc, tôi cũng có thể rang gạo và giã muối gạo.

Lần đầu tiên từ khi ra khỏi nhà, tôi lôi ra bộ chày cối để làm muối gạo. Tiếng chày đập bôm bốp xuống nền nhà làm tôi nhớ mẹ. Hồi nhỏ, tôi thích ruốc nên cứ chiều chủ nhật, được nghỉ là mẹ lại giã ruốc. Những lúc như thế, tôi thường tìm cách quẩn quanh mẹ để thỉnh thoảng lại nhúm trộm một nhúm thịt giã dở của mẹ và đưa lên miệng nếm nếm như mèo, xong mút tay chùn chụt. Khi đó mẹ hay bảo:

- Chắc là ruốc chưa đủ mặn, rồi mẹ cười.

Giờ thì tôi ngồi đây, không đủ tiền để mua thịt, phải giã gạo làm muối. Mùi thính gạo thơm nức cả góc hành lang làm tôi nhớ đến món nem thính của bố tôi. Bố tôi không có con trai, nhưng điều đó không là gì với ông, bởi ông luôn hãnh diện khoe “không gì bằng con gái”.

Bố sinh ra và lớn lên ở nông thôn, cả đời ông luôn gắn với các món ăn dân giã. Ông lại rất thích nấu ăn, nhất là khi “các cô gái” của ông đòi hỏi. Những lúc đó ông hay rủ tôi làm cùng. Món nem thính mà tôi rất thích luôn là lựa chọn đầu tiên khi chúng tôi không có nhiều tiền. Vì da lợn bao giờ cũng rẻ, và có thể dùng làm món ăn chơi, uống với rượu, hay ăn với cơm đều phù hợp.

Mùi thơm của thính gạo và tiếng chày nện xuống nền nhà khiến bà chủ nhà tôi tò mò đi lên. Thấy tôi ngồi bệt xuống đất đang đập đập giã giã bằng bộ chày cối, bà hết sức ngạc nhiên. Sau một hồi ngắm nghía chiếc cối bằng đất nung, bà bảo:

- Tuyệt vời thật, đâu nhất thiết phải có máy nghiền.

 Khi nghe tôi giải thích món ăn tôi đang chuẩn bị, bà bảo tôi ra vườn bà cho ít củ quả để ăn cùng muối gạo. Vậy là từ hôm đó, tôi đã không còn phải ăn cơm với độc muối trắng.

Gần hai mươi năm trôi qua, cuộc sống của tôi đã ổn định hơn, bộ chày cối vẫn theo tôi trong cuộc sống. Rồi vòng quay của cuộc sống hối hả, tôi chỉ có thể sử dụng khi có chút thời gian và khi tụi nhỏ thèm món ăn Việt Nam.

Giờ thì tôi có thời gian, châu Âu đang trong thời kỳ phong tỏa chống đại dịch Covid. Một tuần trước khi tình hình dịch bệnh ở châu Âu trở lên hỗn loạn, tôi đã tranh thủ làm cho gia đình vài cân ruốc và mấy lọ muối lạc. Lũ nhỏ rất thích ăn sáng với cơm. Tôi đã cố ý làm sẵn vì tôi biết khi tình hình trở lên hỗn loạn, việc đi chợ vì thế cũng khó khăn hơn. Với lại, ruốc và muối vừng có thể để cả tháng trong tủ lạnh. Tôi lại nghĩ, chắc cũng vì lý do này mà ngày xưa tổ tiên của tôi đã nghĩ ra để bảo quản thực phẩm khi chưa có tủ lạnh. Tiện thể, tôi cũng tích trữ một ít gừng và sả để làm nước uống chống cảm cúm.

Chiều qua khi nghe vọng ra từ sân nhà tôi tiếng cối chày nện xuống nền gạch, người hàng xóm ngó đầu qua hàng rào, mùi gừng và sả ngào ngạt cả góc sân. Họ ngạc nhiên nhìn tôi vung lên hạ xuống chiếc chày bằng gỗ, rồi lại hí hửng ngửi cái cối. Họ hỏi:

- Sao cô không dùng máy cho đỡ mỏi tay?

Tôi chỉ cười và hỏi họ có ngửi thấy thơm của gia vị không. Họ gật đầu và ngạc nhiên thừa nhận.

- Đấy, nếu dùng máy, tôi sẽ không có được tất cả những mùi vị này, vì máy xay quá nhanh, không cho phép gia vị bài tiết hương.

Người hàng xóm nhìn tôi gật gù. Câu chuyện giữa chúng tôi kết thúc.

Giờ đây, tôi cũng chuẩn bị bước vào tuổi của mẹ ngày xưa, mới cảm nhận hết được điều mẹ muốn nói khi cố đặt trong hành trang vào đời của tôi bộ chày cối. Nó sẽ rất cần cho tôi những lúc tôi gặp khó khăn trong cuộc đời. Đó cũng chính là quê hương của tôi, nơi mẹ đã sinh ra và nuôi tôi trưởng thành.

Besançon 23.03.2020

(Nguồn: VNNB237/4-2020)

Bài viết khác